Có thể ví von sự can thiệp của EU tại các vùng tranh chấp Biển Đông bằng phương thức "3 không, 4 có".
>> Biển Đông: EU đang cố gắng quay lại với ván bài
LTS: Xung quanh vai trò của EU tại biển Đông, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của tác giả Trương Minh Huy Vũ, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM, hiện đang hoàn tất luận án TS tại Đại học Bonn (CHLB Đức) chuyên ngành Kinh Tế Chính trị Quốc tế.
Đánh giá thực tiễn vai trò
Hội đàm với lãnh đạo của các nước Đông Nam Á, và gần đây nhất là với Thủ tướng Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Barroso đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông trong lợi ích của EU. Theo ông, biển Đông không những có ý nghĩa về thương mại, chính trị, mà còn cả về chiến lược với khối này. Phát ngôn của Ngài chủ tịch cũng như động thái gần đây của EU đặt trong bối cảnh vai trò của liên minh này trong khu vực và toàn cầu là một chỉ dấu đáng chú ý.
Từ lâu tại khu vực Đông Á, EU luôn được xem như một một "người khổng lồ về kinh tế", nhưng lại là "chú lùn về chính trị, quân sự". Vì thế luôn có sự lệch pha giữa lợi ích kinh tế và khả năng quân sự của EU. Sự lệch pha này đã được kiểm chứng rất rõ ràng trong các điểm nóng tranh chấp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà kinh tế EU hưởng lợi rất nhiều, nhưng không có khả năng triển khai quân sự cũng như các biện pháp chính trị mạnh mẽ.
Chúng tôi ví von sự can thiệp của EU tại các vùng tranh chấp Biển Đông bằng phương thức "3 không, 4 có".
Ba không là: 1, Không can thiệp vũ trang; 2, Không đi đầu trong chính sách ngoại giao và 3, không chấp nhận dùng trừng phạt kinh tế là đòn bẩy (trong trường hợp một Trung Quốc hung hăng hơn).
Bốn có là: 1, Có khả năng ủng hộ các sáng kiến đa phương thúc đẩy hòa bình; 2, Có khả năng chuyển tải những bài học hay, hoặc những kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực phòng ngừa và quản lí mâu thuẫn trên biển; 3, có khả năng giúp kiểm soát (một phần) việc nhập khẩu vũ trang đến các nước tranh chấp và 4, Có khả năng đóng vai trò người (đồng) môi giới giải quyết xung đột.
Theo chúng tôi, đây là góc nhìn thực tiễn nhất về vai trò và khả năng can thiệp của EU trong các vấn đề tranh chấp ở khu vực Đông Á, đặc biệt là vấn đề biển Đông.
Do không thể can thiệp về sức mạnh, nhưng là một tác nhân chuẩn tắc về kinh tế, sức mạnh mềm của lục địa già thông qua cầu nối kiến thức là khả năng hợp tác giữa hai bên. Ở đây cần nhấn mạnh khả năng truyền tải kiến thức và xây dựng những mạng lưới hợp tác về học giả giữa các nước EU với các nước ASEAN. Kiến thức là sức mạnh trong đàm phán và đòn bẩy để tạo đồng thuận quốc tế.
Hơn thế nữa, từ nền tảng của kinh nghiệm cá nhân, EU có thể chuyển tải những bài học hay hoặc những kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng ngừa và quản lí mâu thuẫn trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn chính sách đánh cá chung của EU (common fisheries policy, CFP), đặt ra hạn ngạch đánh bắt và khai thác giữa các nước thành viên hay các hội đồng hợp tác đánh cá đã được thành lập như: Northwest Atlantic Fisheries Organization (NAFO), North East Atlantic Fisheries Commission (NEAFC), General Fisheries Commission for the Méditerranean (GFCM), là những mô hình có thể tham khảo.
Vai trò của EU đến đâu trong các xung tranh chấp tại biển Đông? Ảnh: Hoàng Sang |
Chuyến thăm EU của Thủ Tướng
Đánh giá từ thông tin báo chí, có thể nói, một thành công lớn trong chuyến đi của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là một thỏa thuận kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại Việt Nam EU trong năm 2015. Theo nhìn nhận của giới quan sát, thỏa thuận này được hiểu như một cam kết chính trị ở cấp cao nhất của hai bên. Điều này có một ý nghĩa cả về kinh tế, lẫn chiến lược.
Với Việt Nam, vòng đàm phán hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tháng 9 mặc dù đã được "xốc dậy" trên báo chí và dư luận nhưng chưa có dấu hiệu khả năng kết thúc. Sự phức tạp của TPP nằm ở yếu tố đa phương với sự tham gia của nhiều cường quốc xoay vòng qua nhiều lợi ích khác biệt. Khả năng kết thúc TPP trong 2014, thậm chí đến giữa 2015 đang bị xem là không còn khả thi.
Vì thế, nếu Chính phủ Việt Nam xem việc sử dụng các FTA như một đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng sau 2014, việc hoàn tất hiệp định FTA Việt Nam - EU trong 2015 sẽ là một điểm sáng đáng ghi nhận.
Về phía EU, "đàm phán thế kỷ" về Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ cũng đang diễn ra với nhiều trở ngại. Yếu tố quan trọng nhất là lực cản chính là từ trong quốc nội, khi bắt đầu xuất hiện nhiều nhóm khác đòi chặn hiệp định, hay yêu cầu minh bạch các điều khoản đàm phán.
Trước tình hình mới, khả năng thông qua TTIP trong vòng năm nay và năm tới như các nhà đàm phán hai bờ đại dương mong muốn có thể chỉ là nguyện vọng trên giấy tờ. Vì thế, các hiệp định FTA song phương hoặc đa phương với các nước châu Á Thái Bình Dương sẽ mở đường giải tỏa phần nào áp lực thông qua TTIP trong vòng 2014 - 2015.
Hiện nay EU đã ký kết FTA với Hàn Quốc, đang đàm phán với Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN như một khối, và đàm phán song phương với các nước thành viên Singapore, Malaysia và Việt Nam. Đây được xem là một ưu thế thương lượng quan trọng mà EU phải tính toán.
- Trương Minh Huy Vũ