Đã đổi mới thì nên đổi mới căn bản từ cả việc dạy và học, việc tuyển sinh sao cho sát hợp với thực tiễn nghề nghiệp.

>> Bị hành hung, bác sĩ gánh hết trách nhiệm?

>> Trở mặt khi chưa kịp đút lót

Tại một cuộc hội nghị mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề xuất, các trường đại học Y khi tuyển sinh đại học nên có thêm môn văn. Lý do là: "Môn văn rất cần cho cán bộ ngành Y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp".

Liệu kỳ vọng này của vị tư lệnh ngành có đạt được? Và nếu nhìn rộng ra cả quy trình tuyển sinh, chuẩn bị nền tảng định hướng nghề nghiệp của ngành Y, liệu đây có phải thay đổi thực sự mang tính bản chất, thiết thân?

Học nghề ngay từ các môn tại Trung học

Hiện nay việc tuyển sinh đại học của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách rất xa so các nước tiên tiến trên thế giới ở chỗ các học nặng về lý thuyết, tuyển sinh cũng nặng về xét điểm số.

Ví như  thi ngành Y, học sinh VN xưa nay đã học ba môn thiết thân là Toán, Hóa và Sinh. Nhưng cách học Toán ở Việt Nam vẫn thiên về mẹo mánh hơn là phương pháp. Một bài toán của học sinh chỉ được coi là đúng nếu như làm giống cách giải của thày cô và đúng đáp số.

Trong khi ở các nước tiên tiến, một bài toán được coi là đúng nếu đáp số đúng, học sinh giải bằng cách nào không quan trọng, miễn là có logic là được. Điều này khiến học sinh luôn nghĩ ra nhiều phương pháp để giải quyết một vấn đề và biết tìm phương pháp ưu việt nhất. Cách học này đã giúp các em sáng tạo, chủ động truy tìm chân lý. Bởi chân lý chắc chắn không chỉ là "ý thày".

Với môn Hóa, học sinh ở các quốc gia tiên tiến phải học trong phòng thí nghiệm rất nhiều. Bởi vì trường lớp ở đây không thể nào chấp nhận việc một học sinh viết ra một phương trình hóa học và cân bằng từ việc tính toán trên giấy. Học sinh tự tìm ra phương trình này nhờ vào thí nghiệm thực tế mà chính học sinh làm và đo đếm được.

Trong khi ở VN, hầu hết học sinh, kể cả chuyên Hóa, cũng rất ít khi làm việc trong phòng thí nghiệm. Hơn nữa, phòng thí nghiệm Hóa học phần lớn lại không đủ, chưa nói nếu có cũng thiếu rất nhiều phương tiện, hóa chất, dụng cụ đảm bảo an toàn.

Nói về môn Sinh, theo tìm hiểu của tôi, chương trình Sinh học tại trung học ở Mỹ tập trung vào dạy theo lối Sinh Hóa. Nghĩa là, thày giáo sẽ giúp cho học sinh hiểu cơ chế của những hóa chất có tác động như thế nào đến quá trình sinh trưởng của sinh vật, dựa trên thí nghiệm và các bài tập thực hành. Trong khi đó, tại VN, môn Sinh học chủ yếu vẫn tập trung dạy về tiến hóa và di truyền trên lý thuyết là chính.

Đồng thời tại Mỹ, môn Giải phẫu cũng được dạy như một môn học riêng, rất kỹ lưỡng trong suốt một năm. Trong khi môn này ở VN không được dạy độc lập mà chỉ là một phần nhỏ của môn Sinh mà thôi.

Song giáo dục Âu Mỹ không dừng ở việc này, mà tạo điều kiện để học sinh muốn học ngành Y đi vào thực tế của nghề nghiệp từ rất sớm.

{keywords}

Thí sinh thi vào ĐH Y Hà Nội năm 2014. Ảnh: Văn Chung

Định hướng nghề nghiệp trên thực tế và chọn lọc cao

Tại Mỹ, học nghề Y là cao quý và cực kỳ khó khăn, gian khổ. Một học sinh Mỹ muốn có bằng bác sĩ Y khoa phải học ròng rã 10 năm (4 năm đại học ban đầu, 4 năm đại học Y khoa và 2 năm nội trú). Học phí tính ra cũng hết cả nửa triệu USD trở lên, chưa kể ăn ở. Nhưng ra trường thì nghề bác sĩ thuộc vào top lương cao nhất, danh giá nhất. Vì vậy mà GD Mỹ yêu cầu cao về khả năng định hướng nghề nghiệp của những học sinh quyết theo đuổi ngành Y.

Học sinh theo đuổi ngành Y được yêu cầu cao về điểm số của các môn mà ngành Y cần (Toán, Lý, Hóa, Sinh) qua bài thi SAT 2. Những học sinh giỏi nhất luôn trong top 5 của trường phổ thông được ưu tiên. Khi học xong dự bị Y khoa, học sinh phải có điểm thi cao của kỳ thi MCAT cực kỳ khó.

Nhưng dù có tất cả các yếu tố này, học sinh cũng chưa chắc được nhận nếu không có một hồ sơ cá nhân tốt trong hoạt động cộng đồng, năng khiếu, v,v...

Vì thế học sinh Mỹ phải chuẩn bị từ rất sớm hồ sơ cá nhân của mình. Các em xin vào các bệnh viện, phòng khám, nhà dưỡng lão để  làm tình nguyện viên khi rảnh rỗi ngay từ khi còn học những lớp đầu cấp 3. Ở  đây các em chỉ được làm những việc rất đơn giản như lau sàn nhà, quét dọn, đẩy xe cho bệnh nhân đi dạo, phụ việc vặt cho nhân viên Y tế...

Đây chính là một quá trình trải nghiệm thực tế để các em hiểu thế nào là nghề nghiệp mà mình lựa chọn, những điểm hay dở, những sức ép và vinh quang. Cứ như vậy vài năm ròng rã, những em còn trụ lại và có thành tích xuất sắc nhất mới có thể tạo ra một hồ sơ cá nhân khiến cho đại học có thể quan tâm, lưu ý. Những trải nghiệm thực tế này cũng cần được học sinh thể hiện qua bài luận cá nhân và vòng phỏng vấn với giáo sư đại học.

Cuối cùng, cực kỳ chọn lọc, ở Mỹ chỉ có dưới 10% số học sinh hàng năm nộp đơn với đầy đủ điểm MCAT, các thành tích học tập, phục vụ cộng đồng, năng khiếu đặc biệt được nhận vào đại học Y khoa mà thôi. Vì thế nên bác sĩ Mỹ rất giỏi và tạo ra nhiều thành tích Y khoa đáng nể trên toàn cầu.

Môn Văn có cần với nghề Y?

Quay trở lại đề xuất đưa môn văn vào môn thi đầu vào ngành Y. Có thể nói nếu phát huy được tác dụng của mình, thì môn Văn cần với nghề Y, cũng như nhiều nghề khác.

Tại Mỹ, kể cả đại học dành cho các sinh viên muốn theo nghề Y cũng dạy kỹ môn Văn trong chương trình đại cương hai năm đầu đại học, nhưng cách dạy thiên về thực hành cao. Đó là học gì thì học, học xong phải làm sao viết được các loại văn bản trôi chảy, chuẩn xác. Đồng thời phải làm sao để có khả năng thuyết trình trước đám đông một cách thuyết phục. Nếu học Văn xong mà viết không được và nói không xong thì chẳng giải quyết được gì.

Rõ ràng 2 tiêu chí đó tạo sức ép khiến sinh viên phải chịu khó đọc tác phẩm, học thêm từ, chuyên chú ngữ pháp, học hỏi từ các nhà văn bậc thày... Và sau đó họ phải trả bài thực hành liên tục cho thày cô ở trường. Nếu học mãi vẫn chưa giỏi thì phải đi học các chương trình riêng chỉ để dạy làm sao cho viết tốt, thuyết trình tốt, v.v...

Tóm lại, nếu  Bộ Giáo dục và Bộ Y tế thực sự muốn đổi mới trong xét tuyển sinh viên Y khoa để nâng cao chất lượng bác sĩ,  nên chăng có thể tham khảo cách làm hay từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Bởi đã đổi mới thì nên đổi mới căn bản từ cả việc dạy và học, việc tuyển sinh sao cho sát hợp với thực tiễn nghề nghiệp. Còn nếu chỉ thêm một môn Văn cũng là dạy lý thuyết như các môn học khác thì chi bằng giữ nguyên "hiện trạng", để tránh nguy cơ nay đổi, mai dời, khiến phụ huynh, học sinh đều ngược xuôi, nhốn nháo.

Nguyễn Anh Thi