Nhiều khi, việc có hay không có con dấu không chỉ là chuyện của một vật thể 36mm nữa, đó là câu chuyện sống còn của cả một DN.

>> “Con đường làng” tư pháp và cỗ xe kinh tế ì ạch

>> Việt Nam sắp vào sân chơi với các "đại gia"

>> "Lời" vào túi ông lớn, "lỗ" thủng túi ông nào?

LTS: Tại Thông báo mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu doanh nghiệp. Trong hội thảo đầu tháng trước do VCCI tổ chức, chuyện giữ hay bỏ con dấu tiếp tục nhận được ý kiến tranh luận đa chiều. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Nga Lê, người công tác lâu năm trong lĩnh vực tư vấn DN, phân tích những hệ lụy trong sử dụng con dấu DN hiện nay, và đề xuất hướng cải cách. Mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.

Từ nhiều năm nay, vấn đề con dấu của doanh nghiệp (DN) "to be or not to be" (tồn tại hay không tồn tại) vẫn luôn được bàn thảo sôi nổi và chưa hề có dấu hiệu ngã ngũ. Điều gì đã khiến cho một vật thể hình tròn và có đường kính chỉ 36mm lại trở thành trung tâm của nhiều cuộc tranh luận như vậy?

Có con dấu "cộp" việc này mới xong

Luật doanh nghiệp 2005 quy định: "Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật" (Khoản 2 điều 36).

Nghị định 58/2001/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 31/2009/NĐ-CP cũng quy định: "Con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước". (Điều 1).

Những quy định trên đã hợp thức hóa việc xem con dấu như là một căn cứ quan trọng mà thiếu nó, những văn bản giấy tờ liên quan không còn giá trị pháp lý.

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy: Ký kết hợp đồng: dấu. Giao dịch ngân hàng: dấu. Báo giá sản phẩm: dấu. Công văn: dấu. Giấy giới thiệu: dấu... Và còn rất nhiều các hoạt động khác mà nếu không có con dấu để "cộp" thì việc này chưa xong. Bất cứ ở đâu cũng có thể gặp một văn bản có dấu, thậm chí những tờ rơi phát ở ngã tư trên đường có khi cũng phải "dấu treo" cho thêm phần giá trị.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ

Không ít DN đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu về đóng dấu lại (cũng có phần là sách nhiễu) vì đóng dấu không đúng vị trí, tỉ lệ so với chữ ký. Hoặc gặp các trường hợp đáng đóng dấu "treo" thì lại hạ, đáng đóng dấu "hạ" thì lại "treo". Thậm chí có một giai thoại trong giới luật sư là một luật sư nọ khi tham gia giải quyết một vụ tranh chấp đã nêu ý kiến sẽ đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu do... đóng dấu giáp lai ngược.

Dường như xã hội đã quá xem nhẹ các quy trình, các chữ ký, kể cả chữ ký của chủ tịch, giám đốc, người đại diện theo pháp luật... mà chỉ soi xét đến con dấu. Và vì được khoác lên mình một thân phận pháp lý vô cùng quan trọng, con dấu cũng thường là đối tượng để tranh giành, chiếm đoạt... Các vụ Khách sạn Hữu Nghị hay Đại học Hùng Vương là những điển hình.

Làm luật nhiều năm, chính người viết bài này cũng từng chứng kiến việc luật sư phải tư vấn cho một khách hàng "mưu hèn kế bẩn" khi công ty của họ đang có tranh chấp là: ngay lập tức đến phòng hành chính thu con dấu và toàn bộ hồ sơ pháp lý (đăng ký kinh doanh, mã số thuế, giấy chứng nhận mẫu dấu) mang về két của mình khóa chặt lại phòng rủi ro rồi tính tiếp. Một ví dụ để thấy rằng khi tranh chấp trong nội bộ DN nổ ra, người ta thường nghĩ ngay đến việc chiếm giữ con dấu để "chiếm thế thượng phong". Và thực tế, ai là người nắm trong tay bảo bối này thường "làm chủ cuộc chơi".

Nhiều khi, việc có hay không có con dấu không chỉ là chuyện của một vật thể 36mm nữa, đó là câu chuyện sống còn của cả một DN. Mọi hoạt động sẽ bị đình trệ, thậm chí tê liệt, nếu chẳng may không có con dấu để "cộp", dù văn bản do ai phát hành, dù phát hành trong nội bộ hay ra ngoài. Rất nhiều DN khi gặp phải các tình huống dở khóc dở cười đã đặt câu hỏi: chúng ta là những con người, có lý trí, tại sao lại để một vật vô tri vô giác điều khiển, thậm chí quyết định đến hoạt động của cả một tổ chức ?

Pháp luật vẫn duy ý

Trong Văn bản số 370/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp và thủ tục tục đầu tư mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử. (Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Nhiều cá nhân, tổ chức vẫn đề nghị duy trì việc sử dụng con dấu như là một chứng cứ pháp lý quan trọng trong tổ chức và hoạt động. Và dù Dự thảo luật DN mới đã có những quy định cởi mở và thông thoáng hơn, nhưng sự tồn tại con dấu thì vẫn được ghi nhận, với lý do tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam.

Chúng ta thường căn cứ vào con dấu để xem xét tính chân thực, hay chính xác hơn là tính pháp lý của văn bản. Nhưng thực tế thì con dấu không khó để làm giả. CMND, bằng tốt nghiệp, giấy phép lái xe, các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền..., mọi thứ đều có thể được làm giả với con dấu "củ khoai" nhằm mục đích lừa gạt. Nhưng rõ ràng các văn bản này vẫn thuyết phục được rất nhiều người cho đến khi có sự kiểm tra, giám định, bởi một điều vô cùng đơn giản là xã hội cứ mặc nhiên xem những con dấu đóng trên đó là con dấu thật.

Hiện nay DN đang có khoảng 7 việc cần phải thực hiện liên quan tới thủ tục đối với con dấu, bao gồm: Khắc dấu khi đăng ký DN; khắc dấu khi thay đổi tên DN; khắc dấu khi thay đổi loại hình DN; khắc dấu khi thay đổi địa chỉ DN (thay đổi trong phạm vi hành chính cấp quận, huyện trở lên); khắc dấu khi mất, hư hỏng; đăng ký lại mẫu dấu sau 5 năm sử dụng; hoàn trả con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu khi giải thể. Kèm theo đó là hàng loạt các dịch vụ được cung cấp như làm dấu, đổi dấu... Và chắc chắn thời gian, tiền bạc, những khoản phạt chính thức và chi phí dịch vụ, chi phí bôi trơn trong quá trình thực hiện cũng không hề nhỏ.

Vẫn biết trong bối cảnh này, việc xóa bỏ con dấu sẽ là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, nếu sự tồn tại của con dấu gây ra không ít phiền toái, hệ lụy cho DN, thì một giải pháp khác cũng nên được cân nhắc. Thay đổi để tốt hơn, hoặc để hạn chế được nhiều hơn những bất cập, cũng là một sự lựa chọn dũng cảm. Trong giai đoạn chuyển tiếp, hoàn toàn có thể đề ra một cơ chế mở, theo đó sẽ trao quyền tự quyết định việc có sử dụng hay không sử dụng con dấu cho chính mỗi DN.

Pháp luật nên giữ vai trò trung lập như là một cách thức để hóa giải các vấn đề, dung hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chứ không nên chỉ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý hoặc mong muốn của một luồng ý kiến nào.

Và trên hết, việc "tồn tại hay không tồn tại" của con dấu có lẽ không quan trọng bằng việc chúng ta "ứng xử" thế nào với vật vô tri vô giác này, để con dấu đơn giản chỉ là một kênh mang tính xác nhận, phục vụ tốt hơn cho tổ chức và hoạt động của DN và các bên có liên quan, chứ không phải là một "ấn vua", "khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ " như quan điểm hiện nay.

Nga Lê