“Việc xuất khẩu gạo ở VN được trợ cấp rất mạnh trong khâu đầu vào nên khi tỷ lệ xuất khẩu nhiều thì vô hình trung người tiêu dùng trong nước đã… trợ cấp cho nước ngoài, như TQ, Philippines….”, TS Nguyễn Đức Thành – Giám Đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách nêu quan điểm.

Câu chuyện xem xét lại hiệu quả của việc xuất khẩu gạo và giải pháp nâng cao vị thế, vai trò của người nông dân được đặt ra trong kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ” do liên minh nông nghiệp công bố vừa qua.

Xuất khẩu nhiều chưa chắc đã khôn ngoan

TS Nguyễn Đức Thành – Giám Đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, là thành viên nhóm nghiên cứu cho rằng chính sách phải xuất khẩu gạo nhiều chưa chắc đã là chiến lược khôn ngoan.

Ông Thành chứng minh: Số liệu thực tế cho thấy hiện các công ty lương thực nhà nước vẫn thống lĩnh thị trường xuất khẩu. Cụ thể thị phần của Vinafood 1 và Vinafood 2 năm 2013 chiếm hơn 40% tổng sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Việc xuất khẩu gạo ở VN được trợ cấp rất mạnh trong khâu đầu vào nên khi tỷ lệ xuất khẩu nhiều thì vô hình trung người tiêu dùng trong nước đã… trợ cấp cho nước ngoài. “Chẳng hạn sản lượng gạo ở Việt Nam xuất khẩu một nửa sang Trung Quốc, hay khi xuất khẩu nhiều sang Philippines, Indonesia, Malaysia phải chăng đang góp phần tài trợ cho người tiêu dùng ở nước họ?!”, ông Thành đặt vấn đề.

{keywords}

Con đường bền vững cho nông nghiệp VN là nên hướng vào thị trường nội địa thay vì cứ tập trung vào thị trường xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Ông Thành giải thích rõ hơn rằng, khi người thành thị đóng thuế thì thuế đó được sử dụng hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân thông qua việc xây cầu đường thủy lợi. Chi phí này không được tính trong giá thành bán nên khi bán gạo trở lại cho người thành thị không vấn đề gì, coi như người thành thị đã trợ cấp vào giá. Tuy nhiên, khi đưa hạt gạo xuất ra nước ngoài thì chi phí không thể lấy lại được khi chúng ta đang theo đuổi mức giá thấp để dễ cạnh tranh.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sản xuất gạo vẫn giữ ở mức chất lượng trung bình, giá thành thấp. Cùng chung một loại gạo xuất khẩu nhưng Thái Lan thường có giá cao nhất và gạo Việt Nam giá thấp nhất. Chẳng hạn tháng 7/2012, Thái Lan xuất khẩu với giá 592USD/tấn, trong khi Việt Nam chỉ vỏn vẹn 415 USD/tấn.

Vì thế, TS Nguyễn Đức Thành khuyến nghị con đường bền vững cho nông nghiệp VN là nên hướng vào thị trường nội địa thay vì cứ tập trung vào thị trường xuất khẩu. Khi đó ta sẽ dịch chuyển bớt lực lượng lao động nông nghiệp sang công nghiệp. Bởi việc người nông dân cứ bị khóa chặt vào đất đai, nông nghiệp sẽ khó lòng giúp cải thiện được đời sống. Do đó, bài toán nông nghiệp không chỉ riêng của ngành này mà cần tính toán kỹ hơn.

Bài học của người Thái

Đặc điểm cấu trúc thị trường lúa gạo của Việt Nam được miêu tả là một chuỗi sản xuất qua nhiều khâu, khởi đầu từ người nông dân bán lúa tươi tại ruộng cho các thương lái. Thương lái thực hiện việc thu mua bán lại cho các nhà xay xát rồi đến các công ty xuất khẩu lúa gạo. Người nông dân làm ăn kiểu quy mô nhỏ, không có kho chứa, ít vốn, nên dễ bị thương lái ép giá và thường chịu nhiều rủi ro nhất.

Giải pháp để tháo gỡ theo ông Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, đó là vai trò của hợp tác xã và tổ chức nông dân. Nhìn vào chính sách lương thực của thế giới rõ ràng trong ngành kinh tế lương thực, vai trò của hợp tác xã là tiên quyết.

Cũng theo TS Đào Thế Anh, một trong những khó khăn nảy sinh từ kiểu làm ăn manh mún hiện nay là nông dân thiếu kho dự trữ và các khâu chế biến cụ thể như sấy khô. Ông Thế Anh kể, đi vào khu vực phía Nam, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khâu phơi sấy nhưng không mấy ai mặn mà, bởi doanh nghiệp chỉ lo chuyện bán hàng.

TS Nguyễn Văn Giáp – Viện chính sách chiến lược nông thôn cho hay ở Thái Lan, hệ thống xay xát đã được đầu tư từ những năm 40 đến bây giờ hoạt động rất tốt, vì vậy khả năng cạnh tranh lớn. Chuỗi sản xuất của Thái Lan chỉ có 3 khâu: đầu vào sản xuất, xay xát và xuất khẩu.

Rõ ràng lúc này, bài toán nông nghiệp chắc chắn không chỉ riêng của người làm nông nghiệp. TS Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lí kinh tế TƯ nhấn mạnh: “Việt Nam muốn thực hiện một cuộc cách mạng nông nghiệp phải đạt được bốn yếu tố: Lợi thế nhiều quy mô, chuỗi giá trị, tổ chức hấp thu vốn - công nghệ, và cuối cùng tổ chức ấy phải đáp ứng được tính dân chủ và quyền lợi của người nông dân. Và nếu để ý sẽ thấy tư  tưởng đổi mới về cải cách thể chế nông nghiệp cũng đã được đề cập đến trong bài phát biểu đầu năm của Thủ tướng”.

Lan Anh