“Quyền im lặng” không phải là “vũ khí để chống oan sai”. Nhiều trường hợp, nếu cứ khăng khăng sử dụng “Quyền im lặng” thì vô hình chung làm mất đi quyền được hưởng sự khoan hồng. 

Xin chào quý vị độc giả, tôi là Thu Hà, BTV của Tuần Việt Nam báo VietnamNet. Tiếp tục  đóng góp ý kiến cho Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi, khách mời hôm nay của chúng tôi là: TS. Đặng Quang Phương, Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, và TS. Dương Thanh Biểu, Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 

Nhà báo Thu Hà: Thưa hai vị khách mời, nhìn lại tư pháp nước ta trong thời gian qua, mặc dù đã cải cách và đổi mới khá nhiều so với trước đây nhưng trong thực tế, đây đó vẫn còn những vụ án oan là hệ quả của những sai sót trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Hiện nay dư luận xã hội rất quan tâm về “Quyền im lặng” trong Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Từ góc độ chuyên môn của mình, xin được biết quan điểm của hai ông với vấn đề này?

TS. Dương Thanh Biểu: Hiện nay pháp luật nhiều nước trên thế giới có quy đinh “Quyền im lặng”. Có thể hiểu “Quyền im lặng” là quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không khai báo với nhà chức trách khi chưa có luật sư bào chữa cho mình. 

Ý nghĩa của qui định này trước hết là để hạn chế việc bức cung, mớm cung và nhục hình. Các nhà luật học cho rằng, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo thường ở vào vị trí yếu thế so với các nhà điều tra dạn dày kinh nghiệm. Đồng thời, xét về mặt pháp luật thì phần lớn những người bị bắt giam, khởi tố… có nhiều hạn chế về hiểu biết pháp luật và đang bị khủng khoảng, lo lắng về tinh thần nên rất dễ bị rơi vào “bẫy” của các nhà điều tra.

Trong tình trạng đó, họ thường hay trình bày lời khai nhận tội (tự buộc tội mình) theo gợi ý của các nhà điều tra. Đặc biệt có trường hợp, nếu người bị tạm giữ, bị can, không khai theo “sự gợi ý” của nhà điều tra liền bị bức cung, nhục hình như vụ ông Chấn vừa qua là một ví dụ. Cho nên, trong những trường hợp trên đây, nếu có luật sư tham gia hỏi cung ngay từ đầu thì sẽ có thể hạn chế được bức cung, nhục hình. Vì vậy pháp luật tố tụng một số nước (Mỹ, Anh, Nhật…) quy định, khi một người bị bắt, bị gọi hỏi về một vụ án thì cán bộ pháp luật phải giải thích cho họ về quyền im lặng. Chỉ khi nào có luật sư tham gia thì họ mới khai báo với nhà chức trách. 

Nếu xem xét trên lĩnh vực trách nhiệm thì “Quyền im lặng” cũng góp phần tăng cường trách nhiệm trong công tác điều tra, truy tố và xét xử. Vì lẽ, khi áp dụng “Quyền im lặng” các cơ quan tư pháp phải nâng cao trách nhiệm và năng lực trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, tài liệu, hỏi nhân chứng, giám định kỹ thuật và các nguồn thông tin khác về nghi phạm. 

Cho nên, gần đây dư luận cho rằng, nếu bổ sung qui định “Quyền im lặng” trong dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi sắp tới là sự đột phá về chất để nâng cao chất lượng điều tra, truy tố và xét xử. Tôi rất chia sẻ với dư luận trên đây.

Nhưng nghiên cứu các Bộ Luật tố tụng hình sự của những nước châu Âu lục địa thì thấy nhiều nước họ không quy định “Quyền im lặng”. Các nhà luật học giải thích rằng, có nhiều vụ án phạm tội nghiêm trọng, quả tang với nhiều người tham gia mà khi bắt can phạm không được lấy lời khai ngay để truy bắt tiếp các can phạm khác thì tình hình trật tự xã hội sẽ phức tạp. Nghĩa là, pháp luật các nước trên đây được xây dựng một cách hài hòa giữa bảo vệ quyền của người bị bắt nhưng đồng thời cũng phục vụ công tác giữ gìn trật tự xã hội.

Đối với nước ta, cơ sở vật chất các cơ quan tư pháp còn gặp nhiều khó khăn, số lượng luật sư còn rất khiêm tốn, năng lực, trách nhiệm đội ngũ cán bộ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu, đang trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động nên việc quy định “Quyền im lặng” như thế nào và lộ trình thực hiện ra sao cũng phải được xem xét thận trọng. Để mỗi quy định của pháp luật khi được ban hành sẽ có sức sống trong xã hội, vừa bảo đảm quyền dân chủ công dân nhưng cũng phục vụ yêu cầu cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Nếu ai đó cho rằng thực hiện “Quyền im lặng” để chống được oan sai thì cũng không hẳn đúng. Bởi vì, “Quyền im lặng” chỉ có ý nghĩa góp phần chống mớm cung, bức cung, nhục hình mà thôi. Thực tiễn tại các nước văn minh áp dụng “Quyền im lặng” cho thấy, cũng còn nhiều trường hợp oan, sai xảy ra, trong đó có trường hợp oan rất nghiêm trọng (như ở Mỹ, Nhật…)

TS. Đặng Quang Phương: Về “Quyền im lặng” mà dư luận xã hội đang quan tâm theo tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải trao đổi thật kỹ nội hàm và ý nghĩa của nó. Vì vậy Tuần Việt Nam/Báo VietnamNet mở chuyên mục về vấn đề này để trao đổi ý kiến là rất cần thiết và bổ ích. 

Ý kiến của tôi trước hết không hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng “Quyền im lặng” là “vũ khí để chống oan sai”.

“Quyền im lặng” có thể xảy ra cả trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, chính tôi là người thực hiện tội phạm, nhưng tôi không khai và “Quyền im lặng” trong trường hợp này là một trong những phản xạ “bảo vệ tự thân” vì nếu khai đúng sự thật hoặc khai không đúng sự thật thì đều là tự chống lại mình và còn có thể làm hại người khác.

Trường hợp thứ hai, tôi không phải là người thực hiện tội phạm và “Quyền im lặng” trong trường hợp này là tôi có biết gì đâu mà khai? Nếu bắt tôi khai thì tôi phải khai những gì không có thật tự tôi nghĩ ra hoặc theo “mớm cung” của người tiến hành tố tụng.

Xuất phát từ nhận thức là nếu bị can, bị cáo mà im lặng không khai tức là ngoan cố, không thành khẩn, không hợp tác, không ăn năn hối cải… và như vậy cần phải có “biện pháp” bắt khai.

Nhưng nếu đặt quá cao “Quyền im lặng” thì cũng không đúng. Nếu không giải thích cho họ đầy đủ các quyền, thì khi họ thực hiện “Quyền im lặng” thì họ có thể lại làm mất đi các quyền khác không kém phần quan trọng. Trong trường hợp ai đó phạm tội và họ nhận thức, họ thành khẩn khai báo, đầu thú, tự thú thì họ sẽ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ. Như vậy trong trường hợp này nếu cứ khăng khăng sử dụng “Quyền im lặng” thì vô hình trung làm mất đi quyền được hưởng sự khoan hồng. 

TS. Dương Thanh Biểu: Tôi đồng ý với TS. Đặng Quang Phương. Pháp luật hình sự hiện hành có quy định: Khai báo thành khẩn là một tình tiết giảm nhẹ (điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS). Cho nên, nếu hiểu trường hợp nào cũng thực hiện “Quyền im lặng” thì chính quy định đó đã tước đi quyền được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo chính sách hình sự của nhà nước ta.

Nhà báo Thu Hà: Vậy thì trường hợp nào nên im lặng, trường hợp nào không?

TS. Đặng Quang Phương: Ví dụ bị bắt quả tang đang thực hiện hành vi cướp hoặc trộm cắp tài sản thì họ vẫn có thể sử dụng “Quyền im lặng”, nhưng nếu kết quả điều tra xác minh được động cơ, mục đích phạm tội và nhân thân của họ thì họ sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ, thành khẩn khai báo. 

Cho nên theo tôi, trong trường hợp đó họ không nên im lặng. Sự khai báo ngay sẽ giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng sớm kết thúc vụ án, lại phù hợp với chân lý khách quan và dù thế nào họ vẫn được hưởng sự khoan hồng do thành khẩn khai báo.  

TS. Dương Thanh Biểu: Thực tiễn cho thấy, có nhiều trường hợp phạm tội quả tang, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, khi tạm giữ người tình nghi phải lấy lời khai để truy bắt kẻ đồng phạm ngay. Trong trường hợp này nếu cứ máy móc chờ luật sư có mặt mới hỏi (trong lúc luật sư còn đang rất thiếu…), thì không phục vụ được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Trước mắt, nếu các nhà làm luật có sáng kiến quy định “Quyền im lặng” trong dự thảo BL TTHS thì nên áp dụng trong các trường hợp bị can, bị cáo phạm tội theo khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình, là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất (khoản 2 Điều 57 BL TTHS). Ngoài ra đối với các trường hợp bị bắt trong trường hợp phạm tội không quả tang, bị bắt theo truy xét cũng cần có luật sư tham gia ngay từ đầu. Vì thực tiễn cho thấy, các trường hợp oan, sai thường xẩy ra đối với các dạng phạm tội như nêu trên.

Nhà báo Thu Hà: Từ vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), điều gì khiến các ông trăn trở nhất khi nhìn lại quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong thực tiễn nước ta?

TS. Dương Thanh Biểu: Thực tiễn  cho thấy, pháp luật hiện hành quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan và người tiến hành tố tụng là khá đầy đủ và chặt chẽ. Nhưng trong vụ ông Chấn tại sao lại xảy ra vi phạm nghiêm trọng như vậy? Trước hết phải khẳng định, những vi phạm trong vụ ông Chấn không phải xuất phát từ tiêu cực. Sai phạm này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như vì “bệnh thành tích”, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp yếu, tinh thần trách nhiệm kém…

Nhưng điều dễ hiểu là, từ khâu điều tra, truy tố đến xét xử trong vụ ông Chấn chỉ tập trung vào việc tìm mọi cách để buộc tội ông Chấn. Dường như nguyên tắc suy đoán vô tội trong vụ án này không được quan tâm thực hiện. Mặc dù nguyên tắc này đã được pháp luật quy định rất cụ thể: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 9 BL TTHS), nhưng trong vụ án ông Chấn những quy định trên đây, không được những người tiến hành tố tụng thực hiện. Từ vụ án này, thiết nghĩ, nguyên tắc suy đoán vô tội phải được quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc trong quá trình xây dựng luật cũng như áp dụng pháp luật đối với các cơ quan tư pháp. 

TS. Đặng Quang Phương: Theo nhận thức của tôi thì nhìn chung các văn bản quy phạm pháp luật đã qui định đầy đủ hết rồi. Nếu tất cả đều thực hiện đúng theo qui định của Hiến pháp và pháp luật thì rất khó có sai sót xảy ra. 

Những sai sót vừa qua chỉ là vì cơ chế thực hiện và con người thực hiện mà thôi. Cơ chế thực hiện chưa tạo ra “áp lực” đối với người thực hiện. Người thực hiện cũng đặt cho mình những tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ, tiêu chí thành tích thế này, thế khác… thành ra đó cũng là những áp lực. 

Theo Qui định tại Điều 71 của Hiến pháp 1992 (được sửa đổi bổ sung) thì “không ai bị coi là có tội và chịu hình phạt khi chưa có quyết định bản án quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Nếu theo qui định này thì ông Chấn đã có bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và như vậy thì ông ấy là “người có tội” hơn 10 năm qua. Bây giờ chúng ta phải trả giá rất đắt vì ông Chấn có tội, nhưng là “có tội” oan. Ông ấy bị oan vì các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng đã không thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục do pháp luật qui định. Chính vì vậy khoản 1 Điều 31 của Hiến pháp năm 2013 qui định đầy đủ và toàn diện hơn “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 

Không thể tư duy "bắt nhầm" còn hơn "bỏ lọt"

 Còn tiếp

Tuần Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Mời độc giả xem lại tọa đàm trực tuyến chủ đề góp ý cho Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi:

Không thể tư duy “bắt nhầm” còn hơn “bỏ lọt”

Trong tố tụng hình sự luôn có hai nhiệm vụ quan trọng là bên cạnh yêu cầu phát hiện, xử lý tội phạm còn nhiệm vụ quan trọng khác là minh oan cho người lương thiện.

‘Lẽ ra đã có cơ hội ngăn những án oan vừa qua’

 Khi qui định quyền thì rất hay nhưng lại không thiết kế một bộ quy chế, thủ tục để đưa quyền đó vào những hành vi cụ thể. Giống như mua cái xe nhưng nhà nước lại không làm đường cho xe chạy.