Nếu trước kia Ấn Độ chỉ xem biển Đông như "một phương án dự trù" thì trước sự trỗi dậy của TQ, cường quốc này mới tăng tốc việc triển khai chính sách Hướng Đông, với chiến lược "hai gọng kìm".

LTS: Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng (27-29/10/2014) đang thu hút nhiều quan tâm. Kế hoạch này đã được thông báo trong chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ hồi tháng 9, dự kiến nhấn mạnh đến nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, hợp tác quốc phòng, đến triển khai tiếp tục các dự án dầu khí giữa hai bên tại biển Đông. Ngoài ra, chuyến đi chắc hẳn sẽ được dư luận quốc tế đặt trong bối cảnh một nước Ấn Độ trỗi dậy dưới thời tân Thủ tướng Narendra Modi.

Vị tân Thủ tướng Ấn Độ được so sánh với Shinzo Abe của Nhật, Tony Abbott của Úc, là một lãnh đạo thuộc cánh hữu, thiên về đề cao chủ nghĩa dân tộc trong chính sách đối ngoại, và cứng rắn hơn trong tiếp cận quốc phòng. Dù chỉ mới đảm nhận cương vị, nhưng các bước hợp tác của tân Thủ tướng N. Modi với Nhật, Úc, Trung Quốc, Mỹ đã tạo nhiều ấn tượng tích cực. Từ chính sách hướng Đông đã trải qua gần 3 thập kỷ, đến việc can thiệp sâu hơn để tạo thế cân bằng lực lượng tại biển Đông... đã cho thấy những tín hiệu hợp tác Việt Nam - Ấn Độ dường như đang chuẩn bị vào một "giai đoạn vàng".

Ấn Độ và chính sách hướng Đông

Tuyến đường biển nối liền giữa Ấn Độ Dương và biển Đông đã trở thành tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới ngay từ thời cổ xưa. Nhiều tên gọi khác nhau đã được ví von như "con đường tơ lụa trên biển", "con đường hồ tiêu" hay "con đường hương liệu". Mối quan hệ gắn bó lâu đời với khu vực Đông Nam Á trong quá khứ đã góp phần định hình nên tư duy "Hướng Đông" của Ấn Độ trong thời hiện đại.

Bắt đầu từ thập niên 1950, Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã cụ thể hoá định hướng trên. Xác định vai trò "đầu não thế giới" của con đường biển dẫn ra Thái Bình Dương, ông Neru cho rằng "Ấn Độ không thể không đóng một vai trò quan trọng ở khu vực này".

Đến năm 1994, Thủ tướng Ấn Độ Narasimha Rao tuyên bố Châu Á - Thái Bình Dương là "tấm ván bật" để tiến vào thị trường toàn cầu. Và Đông Nam Á là điểm quan trọng đầu tiên. Từ nhận thức đó, Ấn Độ đã là một trong những cường quốc bên ngoài khu vực có sự hiện diện về thương mại - văn hoá cũng như tạo được sự gắn kết về lợi ích sớm nhất tại biển Đông.

Ban đầu Ấn Độ chỉ xem biển Đông như "một phương án dự trù" để đảm bảo tiêu chuẩn cho sự phát triển của một cường quốc hàng hải của thế giới với khả năng kiểm soát an ninh hàng hải ở các vùng biển kế cận. Phải đến đầu những năm 2000, khi sự trỗi dậy của Trung Quốc đã lan ảnh hưởng sang tận khu vực Nam Á - "sân nhà" của Ấn Độ, cường quốc này mới tăng tốc việc triển khai chính sách Hướng Đông.

Mục tiêu chính là chuyển từ thế "chủ động phòng ngự" sang "chủ động tiến công" với chiến lược "hai gọng kìm". Một mặt, Ấn Độ nâng cấp một loạt quan hệ song phương và đa phương với Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặt khác, New Delhi đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong khối ASEAN cũng như các thể chế hợp tác liên khu vực Nam Á - Đông Á. Chính sách Hướng Đông cũng từ đó chuyển từ các trụ cột về hợp tác kinh tế - văn hoá sang các nội dung hợp tác về chính trị - an ninh trong "kỷ nguyên chứng kiến sự trỗi dậy của thời đại biển".

Đến tháng 04/2004, Ấn Độ công bố "học thuyết biển (India's Maritime Doctrine)", xác định sẽ nâng tầm kiểm soát an ninh từ khu vực Ấn Độ Dương, thông qua tuyến hàng hải huyết mạch để đến các vùng biển xa hơn của châu Á. Tháng 8/2005, lần đầu tiên Ấn Độ triển khai lực lượng hải quân ở biển Đông, đồng thời đẩy mạnh việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia có vị thế quan trọng trong khu vực từ năm 2005 đến 2012, thường được gọi là giai đoạn 2 của chính sách Hướng Đông.

{keywords}

Ngày 4/6/2013, đội tàu khu trục của hải quân Ấn Độ đã đến Đà Nẵng. Ảnh: Báo Lao động

Việt Nam như một cầu nối

Trong bức tranh tổng thể của chính sách hướng Đông của Ấn Độ, vị trí chiến lược của Việt Nam được xem như một cầu nối. Sau khi nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược năm 2007, Việt Nam đóng vai trò "trục liên kết chính" trong "hành lang hợp tác Ấn Độ - Việt Nam - Nhật Bản", giúp Ấn Độ đóng góp vào công cuộc đảm bảo an ninh hàng hải trên tuyến đường từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Trong trục đó, biển Đông trở thành cầu nối hàng hải tối quan trọng.

Đến năm 2014, dưới sự dẫn dắt của Chính phủ Liên minh Dân chủ quốc gia do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu, Ấn Độ tiếp tục  hoàn thiện những mục tiêu Hướng Đông trong thế "chủ động tiến công". Một trong những phương châm là chuyển từ "chính sách Hướng Đông" thành "Hành động phía Đông". Với phương châm này, Thủ tướng Narendra Modi đang cố gắng thể hiện làm "đậm màu" các đường lối trước đó, và tạo nên dấu ấn riêng của mình.

Để đối trọng với "con đường tơ lụa trên biển" của Trung Quốc, Ấn Độ thúc đẩy "hành lang kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" với cầu nối huyết mạch là biển Đông. Vùng biển này đồng thời cũng trở thành mục tiêu chung trong chính sách đảm bảo an ninh hàng hải của hai quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới là Mỹ và Ấn, như Tuyên bố chung Mỹ - Ấn vừa ký kết ngày 30/9 vừa qua.

Sự gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của biển Đông cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược kiểu mẫu với Việt Nam đã thúc đẩy Chính phủ mới của Ấn Độ có những bước đi quyết liệt. Khẳng định nhất quán quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn còn nhiều tiềm năng, liên tiếp các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ từ năm 2012. Gần đây nhất là chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ vào tháng 8/2014 và chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ ngay sau đó. Hai chuyến đi này đã chứng tỏ vai trò đối tác chính trị - an ninh quan trọng đặc biệt của Việt Nam trong chiến lược "viễn giao cận công" của người Ấn.

Quan trọng hơn, bất chấp sự phản đối công khai của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn duy trì khoản tín dụng lên đến 100 triệu USD trong lĩnh vực an ninh hàng hải cho Việt Nam. Bên cạnh đó, cường quốc đang lên của khu vực Nam Á này vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí (đã bắt đầu từ những năm 1980) tạo các lô nằm trong vùng biển mà Trung Quốc vẫn tự nhận là "vùng tranh chấp".

Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee ngày 18/9 thậm chí còn lên tiếng khẳng định các lô dầu khí đang hợp tác cùng thăm dò khai thác vì mục tiêu thương mại, và đều hoàn toàn nằm trong vùng biển của Việt Nam, chứ không phải là vùng tranh chấp như quan điểm của Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ lập trường ủng hộ Việt Nam của Ấn Độ trong vấn đề biển Đông - một động thái rất hiếm gặp trong các phát ngôn chính thức từ các cường quốc khác.

Như vậy, với những bước chuyển mình tích cực, Ấn Độ đang hoàn thiện dần chính sách "kiềm toả hoà bình" Trung Quốc với những bước củng cố về đối nội lẫn đối ngoại, trong khu vực lẫn liên khu vực. Trong sách lược đẩy mạnh tư duy Hướng Đông của Ấn Độ, mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, vốn vẫn được ví như "bầu trời sáng trong không một gợn mây", với những tương đồng trong quá khứ, lẫn hiện tại, tạo ra những kỳ vọng hứa hẹn cho tương lai. Trong thế "ngoạ hổ - tàng long", sự phát triển của mối quan hệ Việt - Ấn được kỳ vọng trở thành chìa khoá trọng yếu cho quá trình giải quyết ôn hoà các xung đột ở khu vực theo đúng chủ trương hòa bình của Việt Nam và tư duy "bất bạo động" của người Ấn.

Lục Minh Tuấn (ĐH KHXH&NV, Tp. HCM)