Sự khác biệt ở một khía cạnh vận động xã hội là một yếu tố tích cực để tạo nên sự đổi mới, tiến bộ, “lọc” dần những cái xưa cũ mang tính trì trệ và lạc hậu, cản trở cho sự phát triển.

Nhưng sự khác biệt thường ít được chấp nhận, và đôi khi còn bị triệt tiêu.

Khác biệt- nhân tố mở đường

Chấp nhận hay loại trừ sự khác biệt, vẫn là một cuộc “tranh luận” âm thầm trong đời sống.

Kỷ niệm 60 năm ngày Tiếp quản giải phóng Thủ đô Hà Nội có hai cuộc triển lãm ảnh song song nhưng là hai khác biệt rõ ràng. “Hà Nội ơi” của giới trẻ, “Hà Nội đổi mới và phát triển” của các tay máy phần lớn là chuyên nghiệp và là nghệ sĩ nhiếp ảnh VN. Một tươi mới trong tư duy còn một thì  quen thuộc với đề tài “muôn năm cũ”.

Nhưng trong cái nhìn của những người tổ chức sự kiện thì cái mới kia lại chỉ là một cuộc chơi “trẻ con” cho thêm màu sắc.

Liệu đó có phải là một “thái độ” đối với sự khác biệt trong nghệ thuật?

Khác biệt có thể nói là một nhân tố tích cực mở đường để phát triển. Trong thiên nhiên, sự tiến hóa của các loài chính là từ sự khác biệt ra ngoài cái thông thường, rồi qua chọn lọc tự nhiên nhưng là chọn lọc để sinh tồn và phát triển ưu tú hơn, thậm chí còn có thể phát sinh ra một loài mới.

{keywords}

Cùng với sự thay đổi, cách con người nhìn vào bản thân và xã hội là sự biến đổi không ngừng của  nghệ thuật. Nhận biết về thế giới khách quan cùng với sự chi phối của thời đại công nghệ cao trong đời sống nhân loại đã tạo nên một cảm quan khác biệt.

Và chính điều đó đã tạo nên một tâm thức mới trong tư duy nghệ thuật, những cái cũ đóng khung như một mặc định bị phá vỡ, và khi ấy sẽ có những hình thức thể hiện khác nhau mới mẻ hình thành, khác biệt với những gì gọi là “kinh điển”. Và có thể xem khác biệt như sự mở đường để có con đường mới.

Khác biệt hay xa lạ?

Còn nhớ khi bước vào thiên niên kỷ thứ 3, thế kỷ 21, một số loại hình nghệ thuật mới của nước ngoài du nhập vào Việt Nam, như một “làn sóng mới”: Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Arts), Nghệ thuật Trình diễn (Performance Arts) và Nghệ thuật Thân thể (Body Arts), ba khuynh hướng sáng tác và thể hiện mới của ngôn ngữ mỹ thuật, của nghệ thuật thị giác, được coi là một hình thái, khuynh hướng nghệ thuật đương đại.

Và chắc giới nghệ sĩ Việt Nam ít nhiều đều biết đến cái tên nghệ sĩ trình diễn Đào Anh Khánh với những màn trình diễn âm nhạc, Performance hoành tráng, kỳ lạ, thậm chí gây sốc trong các chủ đề khác nhau ở khu nhà sàn bên Gia Lâm-Hà Nội.

Anh như người mở đường cho một cách trình diễn nghệ thuật thị giác khác biệt, và chính cái khác biệt này đã tạo nên một diễn đàn chia ra hai phe tranh luận về nghệ thuật đương đại. Còn bản thân anh, cũng phải “trả giá” cho những khác biệt của mình. Khi thì bị cấm trình diễn, khi thì buộc phải cắt bớt vì không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt, thậm chí có khi còn bị dân làng đuổi đánh khi trình diễn ở bờ đê sông Hồng…

Sau anh còn vài cuộc trình diễn nghệ thuật Performance nhưng nó quá khác biệt để có thể được chấp nhận rộng rãi trong công chúng, ngay cả với giới phê bình lý luận mỹ thuật, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật… Nhưng họ đã thực sự tạo nên một “làn sóng mới”- New Wave trong nghệ thuật thị giác ở Việt Nam.

Điện ảnh Việt Nam cũng thế, hơn 10 năm trước, khi “Sen” và “Khi ta 20” của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di đã được khen ngợi bởi sự sáng tạo mới mẻ, khác biệt hẳn với những motip hay cách nhìn vấn đề về giới trẻ trong phim Việt Nam trước giờ, nhưng rồi chỉ được phép làm tư liệu tham khảo cho sinh viên ĐH SKĐA chứ  không được trình chiếu rộng rãi.

Gần nhất là những phim điện ảnh nghệ thuật có yếu tố khác biệt của các đạo diễn trẻ như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Trần Hoàng Điệp, Bùi Kim Quy, Hoàng Trần Minh Đức… cũng chỉ được nhìn nhận như một yếu tố sáng tạo mới.

Nhưng không được khuyến khích hay khích lệ từ những nhà quản lý hay nhà làm phim Việt Nam. Và cái chính là nó cũng còn khá xa lạ với công chúng Việt bởi nội dung phim rất khác biệt.

Trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng vậy.

Bởi một lối mòn tư duy theo “style” của FIAP- Liên đoàn nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế, với slogan:  La Photographie Amateur à Travers le Monde- “Nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên thế giới”, mà Việt Nam gia nhập từ tháng 12/1991, hơn 20 năm nay, thành một thói quen, cái nhìn cũng “một màu”, chỉ là “đèm đẹp” theo cái chuẩn của FIAP vừa xưa cũ về cách thể hiện. Khó có thể nói có ảnh hưởng sâu sắc gì đến cộng đồng hay đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Nên nghịch lý là những bức ảnh mang tính khác biệt có nội dung sâu sắc như một “câu chuyện ảnh”mang nhiều thông điệp cuộc sống- xu hướng nhiếp ảnh nghệ thuật thề giới đương đại, có những sáng tạo trong bố cục, kỹ thuật xử lý, cách thể hiện hình ảnh.., nhưng đều không lọt vào danh sách “ảnh đẹp” của Việt Nam. Trong khi lại đoạt giải cao ở các cuộc thi ảnh quốc tế danh giá, uy tín (nằm ngoài tổ chức FIAP).

Trong âm nhạc cũng thế, không chỉ những giai điệu quen thuộc với cách trình diễn “cổ điển” hàng thế kỷ nay kể từ khi có nền “tân nhạc” ra đời, mà có rất nhiều cách thể hiện khác biệt đã ra mắt công chúng trên các sân khấu lớn nhỏ, trong các album nhạc… Nhưng “cái cũ” vẫn chiếm thế thượng.

Sự khác biệt đó có thể từ những nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Quốc Trung, Ngọc Đại … trong sáng tác ca khúc, trong phối âm phối khi các bản nhạc, hay như trong trình diễn kiểu kết hợp Đông- Tây của nghệ sĩ Phó An My với nhạc Tuồng. Hay cách xử lý ca khúc theo nhiều dòng- thể loại khác nhau như dân gian đương đại, New Age, Electronic, World music…của ca sĩ Tùng Dương… Nhưng không phải ai cũng đồng tình hay thích.

Ở lĩnh vực văn chương, từng có thời những thứ mới ra đời cũng không được đón nhận. Nhưng rồi, chính những dòng văn học này đã tạo thành một xu hướng sáng tạo mới mẻ, tạo nên diện mạo văn chương mới của Việt Nam...

“Đi nhiều sẽ thành đường”, nếu không có ai mở đường tiên phong thì làm sao có ai theo, để thành đường, từ đường nhỏ thành đường lớn… Cho dù chưa được nhìn nhận một cách cởi mở và phổ biến trong cộng đồng, thậm chí có nhiều khi còn bị “ném đá”, nhưng có nhiều sự khác biệt đã mở đường cho những tiến bộ.

Chấp nhận hay loại trừ?

Khác biệt, là một phạm trù nằm ngoài mọi khuôn khổ, quy tắc, chuẩn mực… Nhưng khác biệt cũng là một sự “phản biện” lại với những điều kia, và nhìn ở khía cạnh tích cực, thì nó là yếu tố để tạo nguồn sinh lực mới cho những cái cũ, để cho tốt hơn, tiến bộ hơn.

Không loại trừ khác biệt- dị biệt để rồi đạp đổ mọi quy chuẩn có sẵn, để áp đặt cái “tôi” một cách ích kỷ, hay tạo nên những scandal như kiểu “kẻ đốt đền”. Khác biệt này là sự phá hoại.

Và theo một sự sàng lọc tốt- xấu, những khác biệt kiểu phá hoại này sẽ không được chấp nhận, bị loại trừ và biến mất. Nhưng ngay cả với những khác biệt có tính chất tiến bộ, có những điểm ưu việt cũng vẫn rất khó khăn để được chấp nhận.

Nghệ sĩ, bản thân họ đã là một sự khác biệt. Và có một thực tế khá “đắng”, là những nỗ lực cá nhân tạo ra sự khác biệt để thay đổi không chỉ nhận thức, mà còn thay đổi cái nhìn thẩm mỹ, cảm quan về nghệ thuật tốt hơn, phong phú hơn, đa dạng hơn của cộng đồng. Với mong muốn tạo nên diện mạo mới, có vị trí xứng đáng của nền nghệ thuật Việt Nam với thế giới của họ nhưng gần như không được khuyến khích ở trong nước.

Các phẩm của họ, nhiều khi được các giải thưởng uy tín của thế giới, được người nước ngoài công nhận, thì trong nước lại thờ ơ, thậm chí mang đi tham dự các cuộc thi trong nước thì đều bị đánh trượt. Hay những nỗ lực thể nghiệm nghệ thuật theo những xu hướng mới của nghệ thuật thế giới, thì cá nhân nghệ sĩ phải rất vất vả khó khăn để thực hiện, mà không được sự hỗ trợ hay động viên nào..

Và khi mang tác phẩm ra ngoài Việt Nam giới thiệu với các nước bạn đôi khi cũng khá khó khăn…, chính điều này đã làm giảm đi  nhiệt huyết sáng tạo của nghệ sĩ, thậm chí làm thui chột tài năng.

Điều này cũng lý giải phần nào vì sao nghệ thuật Việt Nam vẫn chẳng có vị trí nào trong bản đồ nghệ thuật thế giới. Bởi tác phẩm ít, nghèo nàn, không có gì sáng tạo mới mẻ, không tạo thành một dấu ấn ấn tượng mang tên quốc gia, và so với nghệ thuật thế giới thì nó gần như vô hình...

Hoài Hương