Vậy thì cớ sao sau suốt tám năm yên lặng và không ít doanh nghiệp ra đời trong thời gian này vẫn mang tên danh nhân cho đến khi cách đây vài ngày, dư luận và giới thương nhân mới ầm ầm phản đối lên như vậy?
LTS: Thông tư của Bộ VH-TT&DL cấm các doanh nghiệp không đươc dùng tên của danh nhân từ ngày 25/11 đang gây ra nhiều tranh cãi. Bài viết đưa ra những kiến nghị về quy định này. Mời bạn đọc cùng theo dõi.
Lùm xùm quanh việc cấm dùng tên danh nhân để đặt tên cho doanh nghiệp một lần nữa bộc lộ thực trạng làm luật và thi hành luật lỏng lẻo đến ngạc nhiên ở nước ta. Đặc biệt, trong những lĩnh vực liên quan đến nhiều người và nhiều tiền, như giao thông, thực phẩm, kinh doanh…
Nhưng, có điều chắc chắn các bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng quy định nói trên đã ra đời cách đây tận... tám năm rồi.
Quy định cấm dùng tên danh nhân đặt cho doanh nghiệp được nêu lần đầu tiên tại khoản 3, điều 11, nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29.8.2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Bốn năm sau đó, nghị định số 43/2010/NĐ-CP ra ngày 15.4.2010 về đăng ký doanh nghiệp ra đời, thay thế cho nghị định 88. Nghị định 43 có hiệu lực từ 01.6.2010 và vẫn giữ nguyên quy định cấm nói trên (tại khoản 3 điều 14). Tuy nhiên, thực tế cho thấy suốt từ nghị định 88 cho đến nay, quy định này chưa bao giờ được thực hiện.
Ảnh: VOV |
Vậy thì cớ sao sau suốt tám năm yên lặng và không ít doanh nghiệp ra đời trong thời gian này vẫn mang tên danh nhân cho đến khi cách đây vài ngày, dư luận và giới thương nhân mới ầm ầm phản đối lên như vậy?
Chẳng có cách giải thích nào hợp lý hơn là do... chẳng ai quan tâm tới những quy định quan trọng này!
Và cho dù bây giờ cơ quan chức năng đã ban hành xong thông tư hướng dẫn, nhưng như chính bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VH-TT&DL, đơn vị trực tiếp soạn thảo cho hay trên báo chí, thông tư cũng chưa thể thực hiện được.
Điểm mấu chốt là danh sách danh nhân vẫn chưa được... ban hành.
Nói cách khác, thực chất là quy định trên hoàn toàn vô hiệu lực suốt tám năm nay và có khi sẽ còn tiếp tục vô hiệu lực chưa biết đến khi nào.
Thế nhưng chính sự mập mờ đó đã, đang và sẽ tiếp tục làm khó doanh nghiệp. Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM), có doanh nghiệp đăng ký tên Công ty TNHH Lê Quý Đôn, Công ty CP Hùng Vương... lập tức bị cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh bác bỏ. Thậm chí có công ty nước ngoài vào VN khi đặt tên doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng rắc rối này khiến doanh nghiệp phải sửa tới sửa lui rất mất thời gian và phiền phức.
Trong vài ba năm gần đây từng có quy định hoặc phải dừng thực hiện ngay sau khi ban hành, hoặc bất khả thi ngay ở dạng chỉ là... dự thảo.
Ví dụ các quy định phạt 5 triệu nếu dùng điện thoại ở cây xăng, phạt xe không chính chủ, chỉ được bán thịt gia súc 8 giờ sau khi mổ. Hay chuyện CMND phải ghi tên cha mẹ, đám cưới công chức không được mời quá 300 người, không được tổ chức ở khách sạn 5 sao… Rồi đến chuyện khu du lịch cao cấp, nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới nếu khách có hôn thú. Quan tài cán bộ, công chức không được có ô cửa sổ kính trên mặt, người viếng không được mang vòng hoa. Chưa kể dự kiến việc không được bán bia trong quán nóng hơn 30 độ hay cho phụ nữ mang thai, mẹ Việt Nam anh hùng tái giá không được công nhận danh hiệu, chụp ảnh CSGT đang làm việc phải xin phép.v.v...
Lý do đưa ra các quy định trên nói ra nghe đến khó tin. Như quy định cấm dùng quan tài có ô kính trên mặt với các đám tang cán bộ, công chức, (Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức). Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch- đơn vị chủ trì soạn thảo giải thích đó là để tránh việc nhìn vào thi thể đã để mấy ngày, tránh ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dự tang lễ!
Còn tiến sĩ kinh tế Bùi Tất Thắng thì giải thích cấm doanh nghiệp mang tên danh nhân vì nếu doanh nghiệp thua lỗ hay vi phạm pháp luật thì danh nhân bị gánh tiếng xấu! Thật là sự bao cấp bất hủ!
Thế nhưng, cùng là cơ sở kinh doanh, nhưng nếu là hộ kinh doanh (quy mô 10 người trở xuống, chỉ kinh doanh tại một địa điểm, không có con dấu) thì muốn đặt tên sao cũng được, miễn bằng tiếng Việt và không vi phạm văn hóa, lịch sử, đạo đức và thuần phong mỹ tục (điều 56 Nghị định 43).
Điểm này chỉ gây thêm rắc rối cho thương nhân. Nếu vẫn lo lắng cho tên tuổi danh nhân, tại sao lại phân biệt hộ kinh doanh và doanh nghiệp? Hay các nhà soạn thảo cho rằng các hộ kinh doanh nhỏ nếu vi phạm thì danh nhân chắc cũng... không biết, nên không vì thế mà mích lòng?
Cuối cùng, cả nghị định 43 và thông tư hướng dẫn nói trên đều nhằm để giúp thực hiện Luật doanh nghiệp cụ thể hơn. Nhưng trong Luật doanh nghiệp, tại điều 24 quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì lại rất thoáng và rõ.
Theo đó, tên của doanh nghiệp chỉ cần viết được bằng tiếng Việt, phát âm được, không trùng, không gây nhầm lẫn, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, không dùng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trừ phi có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó... là đã đáp ứng yêu cầu đăng ký kinh doanh. Tuyệt nhiên chẳng có chữ nào nói về tên danh nhân cả.
Luật doanh nghiệp ra đời đã giúp cởi trói cho doanh nghiệp, khơi lên ý chí làm giàu cho bản thân và cộng đồng. Vậy thì nghị định và thông tư hướng dẫn chẳng nên "hướng dẫn" bộ luật mẹ theo một cách kéo lùi và ra ngoài các quy định gốc như vừa kể.
Với những phân tích trên, theo tôi giới doanh nhân nên đề nghị chính phủ xem xét dừng thực hiện quy định này trong Nghị định 43 (cũng có nghĩa hủy quy định liên quan trong thông tư hướng dẫn). Nếu được, điều đó sẽ vừa thể hiện thái độ cầu thị của Chính phủ, vừa giúp bảo đảm các luật lệ được ban hành có sức nặng thật sự, cũng như gỡ những cản ngại vô lý cho doanh nghiệp, giúp đất nước phát triển.
Hoàng Xuân
Xem bài cùng tác giả
Người Việt: Chỉ trích "lạnh xương" và "khen cho chết" Chúng ta rất thích được khen, thích nghe tâng bốc đến nỗi khi có môi trường thuận lợi thì nó đẻ ngay ra thành thói ưa phỉnh nịnh |