Họ chẳng từ trò nào cả, từ bán quota ở thời kỳ đầu cho đến thao túng chính sách, chèn ép nông dân để trục lợi cho mình.

Tuần Việt Nam giới thiệu phần 3 Bàn tròn Một phần tư thế kỷ VN xuất khẩu lúa gạo, với sự tham gia của các khách mời: GS.TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học, Hiệu trưởng ĐH Tây Đô; PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp; ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Kỳ 1: Chậm cởi trói, cái giá phải trả rất đắt

Kỳ 2: Vì sao những người tạo kỳ tích cho VN vẫn nghèo?

{keywords}

Từ trái qua phải: PGS.TS Vũ Trọng Khải, GS.TS Võ Tòng Xuân, ông Nguyễn Minh Nhị

Thao túng, trục lợi hạt gạo?

Có một thực tế là giới kinh doanh lương thực và nông dân sợ nhất là đang lo xuất gạo thì vấp phải một quyết định tạm ngưng từ trên đưa xuống vì lý do "an ninh lương thực" (ANLT). Nhiều DN đã ký hợp đồng gặp phải trường hợp này đi đời ngay. Và nông dân cũng vạ lây vì giá lúa gạo giảm.

Có thể nói năm 2008 là trường hợp điển hình. Thị trường thế giới đang hút hàng, giá lúa gạo trong nước đang tăng rất có lợi cho nông dân. Bỗng dưng có lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo vì "an ninh lương thực". Chưa dừng lại ở đây, giá gạo trong nước tăng gấp 2- 3 lần. Đến mức ở TP.HCM, các siêu thị bán gạo phải ra quy định mỗi người mua phải trình giấy CMND và chỉ được mua 50 kg, giống như thời bao cấp vậy!

Khi ấy có nhà lãnh đạo đã nghiêm khắc "rút kinh nghiệm". Nhưng một câu hỏi đến nay vẫn còn đặt ra là liệu có nào đứng sau lưng thao túng, trục lợi quanh hạt gạo suốt thời gian dài?

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Hồi ấy, tôi đã phản đối quyết liệt việc ngưng xuất gạo bởi 2 lý do. Thứ nhất, trồng lúa chỉ 3 tháng là thu hoạch nên chỉ cần đủ cơ số dự trữ cho 3 tháng là có thể xuất thoải mái. Việc ngừng xuất đã khiến nông dân thiệt hại nặng.

Thái Lan lập tức tận dụng cơ hội "một mình một chợ", đưa giá gạo lên mức kỷ lục 1.200 USD/tấn. Sau đó, giá gạo trong nước cũng bị đội lên gấp 3 lần. Các cửa hàng, siêu thị ùn ùn người xếp sắp hàng mua gạo.

Việc tạm ngưng xuất khẩu gạo bất thình lình kiểu đó xảy ra khá thường xuyên, chẳng theo nguyên tắc nào. Có DNNN độc quyền, có thế lực sẵn sàng thao túng, tác động để ngưng xuất khẩu vào thời điểm nông dân thu hoạch rộ nhằm ép giá chìm xuống. Họ chẳng từ trò nào cả, từ bán quota ở thời kỳ đầu cho đến thao túng chính sách, chèn ép nông dân để trục lợi cho mình.

Ông Nguyễn Minh Nhị: Tôi lạ gì kiểu làm ăn của mấy ông độc quyền. Họ đâu có giỏi ra cạnh tranh trên thế giới cho nông dân nhờ, mà sống được là nhờ chèn ép để mua giá rẻ, có thể thắng thầu giá thấp mà vẫn có lời. Chỉ thiệt cho bà con nông dân.

Cho đến tận hôm nay, tức năm thứ 25 VN xuất khẩu gạo trở lại, các DN tư nhân vẫn còn "kêu" rằng, họ vẫn bị chèn ép chứ chưa được bình đẳng như chủ trương của Đảng và Nhà nước?

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Chưa lúc nào tư nhân xuất khẩu gạo được bình đẳng cả. Những năm đầu có lúc còn có quy định tư nhân phải có vốn liếng rất lớn mới cho tham gia xuất gạo. Sau đó lại xuất hiện các rào cản khác để giữ độc quyền.

Nay cũng vậy. Có những quy định "làm khó" cho DN tư nhân như phải có nhà máy, nhà kho và chân hàng thì mới cho xuất khẩu. DNNN thì có nhà nước cấp vốn cho làm kho bãi, còn tư nhân đâu có dễ xoay sở. Họ có thể thuê kho hoặc liên kết với đơn vị có kho cũng được chứ sao? Thế nhưng những quy định rất cứng đã ngăn DN tư nhân tham gia. Thế độc quyền vẫn còn rất mạnh.

Ngay cả chính sách thu mua tạm trữ của Nhà nước hàng năm cũng vậy. Thực chất mục tiêu của Nhà nước không hề đạt được, người nông dân chẳng được hưởng gì. Các DN quốc doanh có bao giờ ra tay mua lúa khi thu hoạch đâu, họ đợi cho giá xuống thấp tới đáy rồi mới mua.

{keywords}
Phơi lúa tại sân kho

Khi "an ninh lương thực" bị lợi dụng

Nhân đây xin TS Khải nói thêm về khái niệm "an ninh lương thực" (ANLT)? Căn cứ theo tiêu chí của thế giới thì VN đã đảm bảo được ANLT chưa?

PGS.TS Vũ Trọng Khải: Đây là khái niệm được cả thế giới và Liên hiệp quốc thống nhất như sau: "Đủ lương thực cho người dân và người dân có đủ khả năng thanh toán mua lương thực cho nhu cầu của mình". Tức là quan niệm của họ cân đối đến tận phạm vi gia đình.

Còn VN vẫn mới chỉ cân đối trên phạm vi quốc gia. Nghĩa là lấy sản lượng bình quân đầu người nhân với dân số thì cho ra con số tổng nhu cầu. Thế nhưng dù VN là "cường quốc xuất khẩu gạo" mà vẫn có người đói, không có tiền mua gạo ăn. Như vậy vẫn chưa thực sự gọi là có "an ninh lương thực" được.

Trên thế giới có những nước chuyên nhập khẩu lương thực nhưng luôn luôn đảm bảo ANLT như Anh và Malaysia. Thậm chí người dân nước Anh có mức sống thuộc hàng cao nhất thế giới đấy thôi.

Ở đây có hai vấn đề. Một là giá cả lương thực phải hợp lý, hai là thu nhập của người dân phải đảm bảo đủ mua lương thực dùng hàng ngày. Xét hai điều kiện này thì ta chưa đảm bảo!

GS.TS Võ Tòng Xuân: Cụm từ "an ninh lương thực" có những lúc đã bị một số nhóm lợi ích sử dụng nhằm trục lợi.

Chẳng hạn, để bảo đảm "an ninh lương thực" người ta được cấp kinh phí hàng chục ngàn tỷ đồng để ngọt hóa bán đảo Cà Mau với kết quả lúa không tăng được, mà nguồn lợi tôm cá bị thiệt hại quá lớn".

Tôi đã nhiều lần khuyến cáo, với sản lượng lương thực lớn như hiện nay thì không phải lo lắng mất ANLT. Cây lúa chỉ trồng ba tháng là thu hoạch,  nguồn cung rất nhanh, không sợ thiếu. Có thị trường cứ lo bán để nông dân và DN sống. Chứ cứ để hiện tượng lợi dụng danh nghĩa "an ninh lương thực" để ghìm người khác, triệt tiêu cạnh tranh, dìm giá nông dân là rất nguy..

GS.TS Võ Tòng Xuân: Chính sách ANLT khi bị lợi dụng đã làm "béo bở" một số nhóm lợi ích, dập tắt nhiều sáng kiến sản xuất đa dạng ngoài cây lúa, vì không được nhà nước đầu tư. Cứ phải trồng lúa mãi, khối lượng lúa thặng dư quá lớn, giá lúa liên tục rớt thê thảm!

Đến năm 2014 nhà nước mới cho nông dân tự do trồng cây gì có lời hơn cây lúa thì trồng. Điều này dẫn đến chính sách tái cơ cấu nông nghiệp, một chính sách xem ra đang rơi vào thế bí. Bởi nông dân không tin khi nghe ai đó khuyến cáo trồng cây này, nuôi con kia thay cây lúa, vì người ta không biết ai sẽ mua sản phẩm mình sản xuất ra. Vậy phải làm sao?

Ông Nguyễn Minh Nhị: Cái kiểu cân đối "an ninh lương thực" của ta cũng hơi giống kiểu tính GDP bình quân đầu người vậy. Một nhà khá giả  ăn  một bữa một kg gạo, một nhà khác nghèo ăn một bữa một kg rau trừ cơm. Ta cộng lại chia đôi thành ra mỗi nhà được ½ kg và ½ kg rau. Nhìn con số là tạm ổn, có thể yên tâm.

Còn một yếu tố mà tôi thấy không thể không lưu tâm là từ thị trường TQ. Ta cần tổ chức và có kế hoạch và chiến lược với thị trường này, chứ cứ để tự phát như bấy lâu nay thì chết nông dân và DN trong nước.

Đây là thị trường mênh mông không có "vách dừng". Có những thứ nông sản họ mua thì giá không ai theo kịp. Còn họ dừng thì chỉ có nước đem đổ đi. Có thứ nông sản họ mua không biết để làm gì mà giống như muốn "tuyệt chủng" thứ đó. Kiểu mua bán "tiểu ngạch" với họ luôn đặt ta vào thế bị động, nắm đằng lưỡi.

Chẳng hạn khi VN trúng thầu 800.000 tấn gạo cho Philipines thì ngay sau đó TQ mua rất mạnh qua đường "tiểu ngạch" đẩy giá gạo trong nước lên cao. Nhiều DN của ta bị sập tiệm. Nông dân ta bị bần cùng hoá rất nhanh. Kiểu làm ăn như thế này thì nông dân và DN của ta luôn thường trực "bên miệng hố chiến tranh thương mại nông sản không tuyên bố". Ta không thay đổi kịp thời để có đối sách phù hợp thì hệ quả chính trị và xã hội sau nay sẽ rất khó lường.

(Còn nữa)

Duy Chiến

Mời độc giả đón xem tiếp Phần 4 đưa ra lời giải vì sao xảy ra nghịch lý hạt gạo giá rẻ làm lợi cho quốc gia khác thay vì bản thân người nông dân.

-----

Xem thêm:
- Bộ trưởng NN&PTNT sẵn sàng nhận kỷ luật do dự báo kém, VietNamNet, 11/11/2008.

- Cà Mau: Đất và người mặn ngọt, VtvCantho, 30/08/2013.

Xem thêm bài phỏng vấn GS.TS Võ Tòng Xuân:

Không ai 'tự do' như nông dân Việt

Chặt - trồng mới, trồng mới - chặt triền miên, cái vòng luẩn quẩn bế tắc đó bào mòn sức lực, vốn liếng của bao gia đình nông dân, GS Võ Tòng Xuân tâm tư về cách phát triển nông nghiệp theo kiểu 'tự do hoang dã' của chúng ta. 

Tháo gỡ nghịch lý trong nông nghiệp

Chorằng các khâu mắt xích trong nền sản xuất nông nghiệp đều "có vấn đề",từ chính sách, người nông dân, doanh nghiệp đến thị trường xuất khẩu, GSVõ Tòng Xuân bàn giải pháp tái cấu trúc lại.