Về phía Mỹ và các đồng minh, vấn đề IS tại Trung Đông, khủng hoảng Ukraine tại Đông Âu và sự leo thang căng thẳng của TQ tại Đông Á rất có thể sẽ được đặt lên bàn nghị sự.
>> Biển Đông: Cần thế 'chân vạc' Mỹ-Ấn-Nhật?
>> Chiến lược nguy hiểm của TQ ngăn Mỹ dùng 'dao mổ trâu'
>> Mỹ bận đối phó IS là 'cơ hội' cho Putin?
LTS: Một tháng 11 đầy sôi động với những hội nghị cấp cao khu vực nối tiếp diễn ra. Là nước đăng cai tổ chức hội nghị APEC 2014, TQ đang muốn vượt qua vai trò của một chủ nhà đơn thuần. Vượt hàng ngàn cây số đến Á châu trong một chuyến đi nhiều sứ mệnh, Tổng Thống Mỹ Obama hẳn cũng muốn hành trình đến Bắc Kinh, rồi sau đó đến Myarmar cho diễn đàn cao cấp Đông Á (EAS), mang nhiều dấu ấn. Các vấn đề nóng từ kinh tế, chính trị đến an ninh đều có khả năng trở thành tâm điểm của những cạnh tranh mà đằng sau đó là các toan tính cần được nghiên cứu kỹ.
APEC - cũng như bất cứ một hội nghị cấp cao nào, đều chịu sự chi phối rất lớn của các cường quốc.
Thời gian vừa qua, do khủng hoảng Ukraine, cộng đồng quốc tế dường như đã chia thành hai thái cực với một một bên là Nga - Trung và bên còn lại là Mỹ, phương Tây và các cường quốc khác. Với thỏa thuận khí đốt lịch sử trị giá khoảng 400 tỉ USD trong 30 năm giữa Nga - Trung, không khó để nhận thấy cơ cấu tham dự APEC đã có sự phân hóa ngay từ đầu.
Việc TQ tăng cường ảnh hưởng mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị lẫn các động thái vừa qua được cho là nhằm ngăn cản sự can dự của Mỹ vào khu vực. Theo đó, với các hiệp định thương mại tự do giữa TQ và ASEAN, sự mở rộng của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Tổ chức Thượng Hải (SCO), cùng các tuyên bố của nước này tại Hội nghị Hội nhập và Các giải pháp xây dựng lòng tin tại châu Á lần thứ 4 (CICA) vào tháng 5/2014 ở Thượng Hải, TQ đã cho thấy tham vọng an ninh - chính trị rất rõ ràng.
Trong khi đó, do khủng hoảng Ukraine, quan hệ giữa Nga và phương Tây đã trở nên tệ nhất trong vài năm qua, thậm chí một số nhà nghiên cứu còn ví đây là "Chiến tranh lạnh 2.0". Việc các lệnh cấm vận chưa được dỡ bỏ đã đẩy Nga về phía TQ để giảm thiệt hại của cấm vận và sự cô lập trên trường quốc tế.
Sự phân hóa rõ ràng trong cân bằng quyền lực cũng đã quyết định các nội dung chính có thể được thảo luận lần này.
Hội nghị các quan chức cao cấp (CSOM) của APEC đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua/Qi Heng |
Biến khách thành chủ
Về phía Mỹ và các đồng minh, vấn đề IS tại Trung Đông, khủng hoảng Ukraine tại Đông Âu và sự leo thang căng thẳng của TQ tại Đông Á rất có thể sẽ được đặt lên bàn nghị sự.
Do sự suy yếu trong khả năng can thiệp quốc tế, cộng với sức ép từ các vấn đề nội bộ và sự sụt giảm tỉ lệ ủng hộ, Tổng thống Obama đang đau đầu tìm cách để thể hiện hình ảnh một nước Mỹ vững vàng và có trách nhiệm, thay vì một bộ mặt khá yếu nhược trên trường quốc tế trong thời gian vừa qua.
Tại biển Đông, lợi dụng sự suy giảm can dự của Mỹ trong khu vực và sự yếu thế của các nước láng giềng, TQ đã triển khai toàn diện Chiến lược "Cắt lát xúc xích" trên thực địa.
Theo Rory Medcalf, Trưởng Chương trình An ninh Quốc tế tại Học viện Lowy Australia, sự hiện diện và xây dựng các căn cứ quân sự của TQ trên các đảo tranh chấp sẽ trở thành trung tâm của Chương trình nghị sự tại APEC.
Từ 2009 đến nay, với năng lực kinh tế và quân sự gia tăng nhanh chóng, TQ đã tiếp tục thúc đẩy tham vọng bành trướng với bốn mục tiêu: (1) kiểm soát các lợi ích kinh tế, mà theo đó Hoa Kì sẽ bị ảnh hưởng; (2) tìm cách thiết lập trật tự khu vực theo mong muốn đơn phương; (3) giảm sự tín nhiệm và dần phá vỡ niềm tin trong hệ thống liên minh của Mỹ, từ đó nới lỏng vành đai Đông Á của Mỹ; (4) Kiểm soát các quyền được công nhận bởi UNCLOS, thậm chí là quyền tự do hàng hải và hàng không của tàu và máy bay giao thông trên những gì được coi là tài sản chung của nhân loại.
Cùng với khủng hoảng an ninh - chính trị tại Trung Đông do làn sóng IS, việc ổn định an ninh năng lượng tại "rốn dầu" thế giới đang trở thành vấn đề vô cùng quan trọng. Vì nó không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Đông Á hậu khủng hoảng, mà làn sóng cực đoan còn đang lan ra rất nhiều nước tại châu Á - Thái Bình Dương, khiến các mâu thuẫn tôn giáo - sắc tộc trong khu vực trở nên nghiêm trọng hơn (như tại TQ, Ấn Độ, Indonesia, ...).
Chính vì vậy, Mỹ và đồng minh, đặc biệt là Nhật, Hàn đang rất lo ngại việc TQ gia tăng kiểm soát khu vực biển Đông sẽ khiến tình hình kinh tế trong khu vực gặp nhiều bất ổn. Hơn nữa, do không thể trực tiếp can thiệp, có thể Mỹ cũng muốn tận dụng Hội nghị APEC để chỉ trích TQ trong các tuyên bố chủ quyền của nước này như một đòn "trả đũa" sự hợp tác Nga - Trung.
Nhưng vấn đề nào có khả năng lên bàn nghị sự?
Dĩ nhiên, với vai trò chủ nhà, TQ có lẽ chỉ sẵn sàng đưa vấn đề IS lên bàn hội nghị
Trong thời gian gần đây, TQ đã liên tục thực hiện các chuyến đi tới các quốc gia láng giềng lân cận như Việt Nam và Nhật Bản, cũng như các quốc gia có vai trò chiến lược như Mỹ, Ấn Độ,... Theo các nhà quan sát, mục đích là nhằm tìm cách giảm căng thẳng chính trị và đảm bảo rằng tinh thần hợp tác sẽ lấn át không khí đối đầu.
Theo Ngoại trưởng TQ Vương Nghị, các nước thành viên APEC sẽ có các cuộc đối thoại cụ thể về "5 trụ cột" đối với sự tăng trưởng kinh tế tương lai trong khu vực, bao gồm: cải cách kinh tế, các nền kinh tế mới, sự tăng trưởng đột phá, hỗ trợ kinh tế và đô thị hóa. Vì vậy, cuộc đối thoại này có thể sẽ đưa ra kết quả của việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và sự liên kết.
Ngoại trưởng TQ Vương Nghị cho biết, APEC có thể giúp làm sâu sắc quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thúc đẩy xây dựng Khu vực Mậu dịch tự do của châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) bởi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) "không hợp tác tốt với nhau". Mục đích là để tránh sự cạnh tranh và chồng chéo giữa TPP (không có TQ) và RCEP (không có Mỹ).
Bên cạnh đó, TQ đã dự định sẽ thông báo và kêu gọi sự ủng hộ để thiết lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) nhằm thỏa mãn nhu cầu cơ sở hạ tầng cực lớn trong khu vực. Tuy nhiên, cái TQ thực sự mong muốn có lẽ là một ngân hàng có thể cạnh tranh ảnh hưởng với IMF và WB (đều chịu sự chi phối của phương Tây) và tạo ra môi trường thuận lợi cho các toan tính lợi ích của nước này.
Vũ Thành Công