Văn hóa ĐBQH, dù trong nghị trường hay ngoài đời sống, vẫn luôn “bị” xã hội soi chiếu. Bởi người dân khi bỏ lá phiếu cho người họ tin, họ có quyền đòi hỏi niềm tin của họ là có thực, chứ không phải là… ảo như khi ngồi trước màn hình.

>> Phần 1: Quan chức và hối lộ tình dục!

I- Kỳ họp Quốc hội khóa XIII năm nay, gây ấn tượng với xã hội lại là những ồn ào với phát ngôn ấn tượng của các đại biểu QH. Đến nỗi có ĐBQH bị dọa kiện. Còn có ĐBQH khác lại “khẩu chiến” với “đồng nghị viên” của mình trên blog bằng những lời lẽ … khó nghe, khiến ĐBQH này phải khiếu nại cấp có thẩm quyền.

Mở đầu của những phát ngôn ấn tượng này thuộc về ĐBQH Đỗ Văn Đương. Ông Đương từng có những phát ngôn so sánh giá cả đĩa rau muống, khiến dân gian vốn thích tếu táo đặt luôn cho ông một cái tên gọi cũng rất dân gian. Nhưng công bằng mà nói, trong bối cảnh kỳ họp vẫn còn có những ĐB ngồi suốt kỳ họp im lặng và… gật, thì ngược lại, ĐBQH Đỗ Văn Đương là người hăng hái phát biểu, mổ xẻ vấn đề. Nhiều khi đọc ở những phát biểu đó, là một sự thẳng thắn, bộc tuệch, có tấm lòng, nhất là trước sự kiện Biển Đông.

{keywords}

ĐBQH Đỗ Văn Đương. Ảnh: Phạm Hải

Có điều, cha ông ta từ xưa từng tổng kết, cần uốn ba tấc lưỡi trước khi nói. Hoặc bệnh từ miệng mà vào, vạ từ miệng mà ra. Ở kỳ họp QH lần này, ông Đỗ Văn Đương đúng là gặp … vạ miệng.

Trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề hành lang QH ngày 27/10 mới đây về vai trò của luật sư liên quan tới “quyền im lặng” của nghi can, ông Đỗ Văn Đương cho rằng: Thực chất luật sư ở VN chỉ bào chữa cho những người có tiền!

Khỏi phải nói, phát ngôn ấn tượng này ngay lập tức gặp phải sự phản đối của giới luật sư như thế nào.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, ông Lê Thúc  Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN cho rằng: Phát ngôn của ông Đương đã xâm phạm đến danh dự của giới luật sư, tổ chức luật sư. Nhiều thành viên Hội Luật gia phản ánh họ sẵn sàng tham gia cùng với Liên đoàn Luật sư để khởi kiện nếu ông Đương không xin lỗi.  Thậm chí, Liên đoàn này kiến nghị Chủ tịch QH có ý kiến chỉ đạo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp xem xét kiểm tra và làm rõ tính xác thực của các ý kiến phát biểu của ông Đỗ Văn Đương, xem xét trách nhiệm và tư cách ĐBQH, tư cách Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của ông này.

Phản ứng lại thái độ của cả hai tổ chức luật sư, ông Đỗ Văn Đương cho rằng ông nói luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền. Rằng đây là tiếng nói đại biểu cho người dân. Rằng kiến nghị là chuyện của người ta. Không có chuyện phải giải trình gì cả. Nên nhớ Hiến pháp đã quy định đại biểu phát ngôn được quyền miễn trừ trách nhiệm.

Chưa biết chuyện vạ miệng này, sau khi cả hai phía đều “trình làng” sẽ được QH giải quyết ra sao?

Thật ra, trong đời sống này, có nghề nào con người không làm việc để mưu sinh, kiếm tiền? Giàu sang hay nghèo hèn, người dân khốn khó hay kẻ đại gia chân chính cũng đều phải nhọc lòng vì cơm áo. Và ở góc độ tinh thần, có nghề nào không đáng quý?

Cũng là thường tình, nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu, có việc hay việc dở. Luật sư cũng là một nghề. Việc bảo vệ thân chủ của họ, không chỉ là cái “nghiệp” của luật sư, mà chính khi hành nghề, nó là cơ hội bộc lộ hoặc tài năng, hoặc sự non kém, trách nhiệm thật sự với thân chủ hay chỉ vì đồng tiền. Dư vị tử tế, có nhân tâm hay thiếu nhân tâm cũng tùy thuộc phẩm chất từng người. Thành đạt hay thất bại cũng đều từ lao động của nghề “thầy cãi” mà ra.

{keywords}

Nhưng cho đến nay, quả thật chưa có một tổ chức nào đo được cái “vì tiền” hay “không vì tiền” của giới luật sư với những tiêu chí khoa học. Mọi nhận thức, phát biểu về nghề làm luật sư, hay các nghề khác như báo chí, giáo dục, y tế… vẫn đều mang chất cảm tính, thiếu hẳn sự định lượng.

Phát ngôn của ông Đỗ Văn Đương, cho dù ông tự nhận rằng đó là đại biểu cho tiếng nói của dân thì cũng hết sức phiến diện. Nó không sai, nhưng chỉ có giá trị nơi… trà dư tửu hậu, chốn bạn bè. Còn khi với tư cách một ĐBQH, phát ngôn đó phải chuẩn xác hơn.

Bởi từ một số trường hợp, để khái quát nên cho toàn giới luật sư thì điều đó đã đồng nghĩa với sự vơ đũa cả nắm, vô tình xúc phạm một nghề nghiệp bình đẳng với mọi nghề nghiệp khác. Không phải ngẫu nhiên, cả hai tổ chức của giới luật sư họ phản ứng và đòi xem xét tư cách ĐBQH lẫn chức vụ UV Thường trực UB Tư pháp của ông.

Mặt khác, nếu nói đại diện cho trí tuệ của dân cũng có phần tự… ngộ nhận. Nhưng điều này mới là quan trọng, ngành tư pháp đang hướng tới cải cách tư pháp, trong đó Luật Tố tụng Hình sự đang rất cần có nhiều tiếng nói trí tuệ để hoàn thiện, trong đó vai trò luật sư cần được nâng cao, tôn trọng cho tương xứng hơn, để họ có thể làm tròn bổn phận của họ trước pháp đình một cách đúng đắn và chính trực.

Trước những kiến nghị của giới luật sư, ông Đỗ Văn Đương khẳng định Hiến pháp quy định quyền miễn trừ trách nhiệm với ĐBQH. OK. Nhưng cũng cần phải thấy chốn nghị trường là nơi bàn việc có trách nhiệm với dân với nước, nhưng không có nghĩa là ĐBQH có quyền vin vào đó để phát ngôn đến mức thành… vạ miệng.

Cũng phải nói, người viết bài rất đồng tình với ý kiến của tác giả Lê Nguyễn Duy Hậu (Tuần Việt Nam, ngày 05/11) rằng giới luật sư cần tập trung nhiều hơn để giải quyết vấn đề, làm sao để xóa bỏ thực tế chỉ người có tiền mới nhờ được luật sư.

Bởi tại các quốc gia văn minh, thậm chí đang phát triển, người ta coi việc bị can, bị cáo được có luật sư là yếu tố bắt buộc cho một phiên tòa công bằng. Vì nhiều hạn chế, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn một số lượng không nhỏ bị can, bị cáo không được bào chữa vì lý do kinh tế. Chính vì vậy, luật sư VN cần đi đầu trong việc kêu gọi mở rộng quyền được bào chữa của bị can, bị cáo, cho cả những vụ án hình sự nhỏ hơn và nếu bị can, bị cáo không thể trả tiền thuê mướn luật sư, Nhà nước sẽ phải trả tiền cho họ.

Có lẽ, đó cũng chính thực sự là “vì dân” bằng hành động, chứ không phải chỉ tranh cãi bằng ngôn từ “vì tiền” hay không “vì tiền”?

                                                *******************

II- Cái sự vạ miệng của ông Đỗ Văn Đương còn chưa kịp tắt, thì cái sự vạ miệng của ông Hoàng Hữu Phước, cũng thuộc đoàn ĐBQH t/p HCM lại tiếp tục … nổ ra. Mà còn nổ ghê gớm hơn, ồn ào hơn và tai tiếng hơn nhiều.

Cũng không lạ. Ông Hoàng Hữu Phước từng nổi tiếng kiểu “tai tiếng” với phát ngôn ấn tượng “tứ đại ngu” nhằm thẳng vào ĐBQH Dương Trung Quốc ngay trên blog của ông.

Cứ tưởng sau vụ ồn ào khắp xã hội khiến người dân ai cũng cười chê, lẽ ra ông cần rút kinh nghiệm trong cả phát ngôn lẫn hành văn cho tương xứng với văn hóa cần có của một ĐBQH, không ngờ lần này, ông Hoàng Hữu Phước còn tiến xa hơn. Đến mức ĐBQH Trương Trọng Nghĩa- đối tượng được ông đưa lên blog với những khái niệm khiếm nhã, đầy trịch thượng: “mê muội”, “mông muội”, “ngu muội”, phải gửi báo cáo đến Đoàn ĐBQH t/p HCM, về sự vu khống, bôi nhọ và có chủ đích làm nhục mình.

{keywords}

ĐBQH Hoàng Hữu Phước

Việc khác nhau về quan niệm, quan điểm, trao đổi, thậm chí tranh luận với nhau sáng tỏ đúng sai, hay dở là việc bình thường, nhất là ở thời đại công nghệ thông tin. Chỉ cần có trí tuệ, thái độ chân thành và một con chuột bên màn hình phẳng. Nhưng cũng chỉ cần có một con chuột với màn hình phẳng cùng một cái tâm có chủ đích, cộng với ngôn từ thiếu văn hóa, câu chuyện đã đẩy đi rất xa. Nó không còn là sự trao đổi bình thường, mà đã trở thành sự tấn công cá nhân thô bạo. Càng dở hơn và khiến người dân chê cười, khi cuộc tấn công cá nhân đó lại là của một ĐBQH với một ĐBQH khác.

Văn hóa ĐBQH, dù trong nghị trường hay ngoài đời sống, vẫn luôn “bị” xã hội soi chiếu. Bởi người dân khi bỏ lá phiếu cho người họ tin, thì họ có quyền đòi hỏi niềm tin của họ là có thực, chứ không phải là… ảo như khi ngồi trước màn hình.

Nếu đọc bài viết của Một thế giới (ngày 06/11), bạn đọc hẳn còn kinh ngạc nữa về cái cách góp ý, trao đổi ý kiến của một ĐBQH có học vị. Theo bài báo, nặng nề nhất trong số những bài viết xúc phạm người khác, là bài viết về cựu kỹ sư hàng không Mai Trọng Tuấn, khi ông này đề xuất một tuyến đại lộ xuyên 03 nước Đông Dương.

Ở đó, ông Phước đã viết, “Mai Trong Tuấn-  thứ đất hỡi trời ơi”: Tôi mới biết tin Mai Trọng Tuấn lại nói bá láp về cái gọi là “xây dựng tuyến đại lộ xuyên suốt qua 3 nước Đông Dương: Việt Nam – Lào – Campuchia… Trước khi phân tích cái ngu xuẩn trong ý kiến của Mai Trọng Tuấn…

Cứ cho blog là trang mạng cá nhân. Nhưng đừng quên, văn học là nhân học, thì “ngôn ngữ học” cũng là nhân học. Đọc ở đó, người ta sẽ thấy cái tâm người viết, tử tế hay chỉ là sự thóa mạ đồng loại.  Sẽ thấy nhân cách thật, đàng hoàng hay lệch lạc của một con người, hơn nữa, của một ĐBQH.

Chưa biết việc khiếu nại của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa sẽ được giải quyết ra sao? Nhưng chắc chắn vụ việc này cho thấy việc thẩm định sức khỏe tinh thần, văn hóa ứng xử, mối quan hệ giữa cộng đồng của các vị cử tri ứng cử ĐBQH cần được chú trọng hơn nữa. Bởi họ không chỉ đại diện cho cá nhân họ, mà còn đại diện cho diện mạo văn hóa nghị trường nước Việt, nếu trúng cử.

Được biết mới đây, chiều 05/11, Đoàn ĐBQH t/p HCM đã giành thời gian thảo luận việc khám sức khỏe ĐBQH tại buổi thảo luận dự án Luật Bầu cử ĐBQH với đề nghị “Đừng để người bệnh tâm thần ứng cử ĐBQH” (Tuổi trẻ, ngày 05/11/). Nghe mà bật cười. Cứ như xứ sở của Những người thích đùa.

Chợt nhớ tới câu hỏi của một nhà thơ- nguyên là một quan chức cấp cao khi xảy ra vụ tấn công cá nhân ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi cứ nghĩ mãi không biết ai là người đã giới thiệu ông này?

Còn người viết bài nghĩ, hẳn những người dân từng bỏ phiếu cho ông này, giờ thất vọng về. .. chính mình lắm.

Quốc hội kỳ này, với bức tranh kinh tế- xã hội chưa mấy lạc quan, còn nợ người dân không ít. Với một số ĐBQH, họ còn nợ cả người dân về cái sự vạ miệng, và sâu xa, cái phông văn hóa, cung cách ứng xử trong và ngoài nghị trường, giữa chốn đông người hay có khi chỉ là “đối thoại” ảo, nhưng thể hiện tư cách thật.

Chỉ mong, đó không phải nợ xấu- khó đòi!

Kỳ Duyên