Quyền lực của xã hội thể hiện ở việc nó buộc nhà nước phải thận trọng trong việc ra chính sách và pháp luật qua đó hạn chế sự lạm quyền. 

Không phải nhà chức trách đảo quốc Sư tử thiếu trách nhiệm hay yếu kém, phản ứng chậm. Chỉ cần sức ép của cộng đông người tiêu dùng cửa hàng bán điện thoại iPhone ở Singapore đã bị trừng phạt sau khi lừa đảo khách hàng.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp ngay cả ở Việt Nam.

Một công ty xả chất độc gây ô nhiễm môi trường; Nhà nước vào cuộc nhưng bất lực bởi giới hạn mức phạt không đủ "ép- phê" bởi lúc đó mức phạt hành chính cao nhất không quá nửa tỉ đồng. Dân chúng đồng thanh khởi kiện nhưng xem ra khả năng thắng kiện rất mong manh bởi sự rắc rối, lúng túng và cứng nhắc của hệ thống tư pháp và pháp luật vốn chưa điều chỉnh tranh chấp kiểu này.

Nhưng khi và chỉ khi hiệp hội siêu thị ra tay kêu gọi người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay sản phẩm của công ty ấy thì vụ việc được giải quyết êm thấm bằng thỏa thuận bồi thường.

{keywords}

Khu Sim Lim Square ở Singapore, nơi một du khách Việt vừa bị lừa khi mua điện thoại iPhone, làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Ảnh: TBKTSG

Quyền lực thứ năm?

Đây là một trong nhiều hiện tượng minh chứng cho sự tồn tại của một loại quyền lực xã hội có sức mạnh không thể coi thường mà người ta gọi là "quyền lực thứ năm". Đó chính là quyền lực của người tiêu dùng, nói nôm na đó là khi mỗi người chúng ta có tiền trong ví tức là đang sở hữu quyền lực và thực hiện nó bằng cách mua hay không mua bất cứ sản phẩm nào. Quyền tẩy chay là một trong 8 quyền của người tiêu dùng; khiến chính thị trường cũng phải dè chừng

Quyền lực của người tiêu dùng sinh ra để chế ước quyền lực của thị trường và có thể thay quyền lực nhà nước nếu chủ thể nào đó của thị trường vi phạm luật chơi. Nó nhiều khi có thể thay thế "quản lý nhà nước về kinh tế"- một cụm từ nhiều người thích dùng đến quen thuộc.

Những vụ việc trên còn minh chứng: hóa ra không phải do tăng cường quản lý nhà nước và lạm dụng công cụ pháp luật mà phải đặt dưới áp lực của đông đảo người tiêu dùng thì thị trường mới vận hành lành mạnh và khỏe khoắn.

Quyền lực nào muốn thể hiện sức mạnh cũng cần tổ chức bài bản. Quyền lực người tiêu dùng cũng cần phải được tổ chức bài bản, bởi người tiêu dùng không thể thụ động trông chờ vào sự "bao cấp" của nhà nước với hệ thống cơ quan giám sát kiểm tra hùng hậu theo kiểu "từ mảnh ruộng tới mâm cơm" nhưng ít hiệu quả. Không chỉ tuyệt vọng trông chờ vào hệ thống hội đoàn đang bị hành chính hóa tồn tại đã lâu nhưng chẳng bảo vệ được ai và càng không thể quỳ lạy trông chờ vào sự xót thương của nhà buôn như anh chàng mất iPhone nọ.

Đoàn kết là sức mạnh

Không đoàn kết, người tiêu dùng chẳng bao giờ dọa được ai hết. Chúng ta sẽ bị móc túi, bị làm nhục một cách hồn nhiên nhất. Điều tôi muốn nói ở đây là luật, kể cả trong trường hợp "công bằng" (fair) nhất, vẫn không bao giờ là công cụ duy nhất để bảo vệ quyền.  Sức mạnh của người tiêu dùng được thể hiện rõ nét nhất ở chính nơi mà luật pháp hay quyền lực nhà nước bất lực.

Quyền lực người tiêu dùng dù có cố tình lảng tránh cũng không được bởi nó tự nhiên sinh ra cùng với nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường làm nên trụ cột của sự phát triển.

Phải chăng vì sức mạnh của nó nên lâu nay, nói đến xã hội công dân người ta liền cảnh giác mà nghĩ ngay đến thứ đối trọng với công quyền mà không thấy phía bên kia của câu chuyện là sự kiểm soát theo đúng quy luật quyền lực phải được "kiểm soát bằng quyền lực". Xã hội có quyền lực riêng của nó. Điều này đã được chứng minh bằng cả lý thuyết và thực tiễn. Quyền lực của xã hội là phần còn lại của quyền lực của cá nhân sau khi họ đã trao quyền tự nhiên của mình cho nhà nước bằng khế ước.

Hơn nữa, nguồn gốc của quyền lực là do con người luôn có nhu cầu sống quần tụ thành hội đoàn. Khi tự khép mình trong hội đoàn thì người ta buộc phải hy sinh chút ít tự do để phục tùng tập thể và chịu sự chi phối của tập thể . Đó là tiền đề cho cái gọi là quyền lực của các hội đoàn.

Quyền lực của xã hội thể hiện ở việc nó buộc nhà nước phải thận trọng trong việc ra chính sách và pháp luật qua đó hạn chế sự lạm quyền. Đối với thị trường, xã hội kiềm chế những khuyết tật của nó như cạnh tranh không lành mạnh, lừa đảo... để bảo vệ người tiêu dùng lương thiện và ngay thẳng.

Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật - VASS)

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn . Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại.