Nhìn lại một Việt Nam đang mở cửa và hội nhập nhưng vẫn còn không ít những “ông quan” bàn giấy, thiếu thực tế, thu mình trong tháp ngà của quyền lực, “ngại” tiếp xúc với truyền thông, “ngại” cả tiếp xúc với dân…

>> Khi quan chức mạnh dạn làm những việc “không giống ai”

>> "Sửng sốt" khi đích thân lãnh đạo đi.... tiếp thị

Quảng bá du lịch tức là quảng bá hình ảnh đất nước, một việc tối quan trọng với mọi quốc gia. Quảng bá du lịch, là phát triển kinh tế, thu hút du khách, các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam thưởng ngoạn, hợp tác. Quảng bá du lịch tức là chứng minh một Việt Nam hòa bình ổn định, một Việt Nam đang ngày càng hội nhập thế giới.

Du lịch “một đi không trở lại”?

Tuy trong thực tế đã có nhiều cố gắng nhưng ngành du lịch nước ta vẫn đang “đau ốm” với thực trạng du khách “một đi không trở lại”. Dù du khách quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng nhưng điều đáng buồn là có đến 90% lần… đầu tiên tới, số du khách quay lại điểm du lịch lần thứ hai, thứ ba rất thấp, chỉ chiếm khoảng 6%. Đó là thông tin từ Ban quản lý Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU), công bố kết quả khảo sát du lịch tại năm điểm chính: Sa Pa, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An.

Ngành du lịch đã thấy được “trọng bệnh”, đã tìm được điểm yếu, hạn chế. Nhưng cách “chữa bệnh”, cách khắc phục như thế nào vẫn là câu hỏi khó.

{keywords}
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ra thông điệp về "Nụ cười Hạ Long".Ảnh: QT

Bất ngờ, chương trình “Nụ cười Hạ Long” như một cơn mưa làm mát, giải tỏa được “cơn khát” của những người lữ hành. Quảng bá du lịch địa phương bằng nụ cười và sự thân thiện là một cách làm không lạ, nhưng điều lạ nhất ở đây là hình ảnh những bàn tay kết hình trái tim cùng nụ cười thật tươi nở trên môi các lãnh đạo cao nhất Quảng Ninh. Tất cả họ đều trở thành “đại sứ du lịch”.

Dù chương trình đang trong giai đoạn khởi động, nhưng đã tạo nên sự hào hứng, phấn khởi, kích thích, cộng hưởng, lan tỏa, bàn tán xôn xao trên các diễn đàn mạng. Và người viết có niềm tin rằng, khi người lãnh đạo đã biết chia sẽ, biết “dấn thân” vào thực tế, gần với dân, hòa mình với dân, tạo một hình ảnh đẹp trong mắt dân, biết cùng với dân thực hiện những chủ trương tốt đẹp của đất nước… thì “Nụ cười Hạ Long” sẽ thành công. Du lịch Quảng Ninh sẽ có những khởi sắc nhất định...

Không những vậy, “Nụ cười Hạ Long” còn tạo ra được một tiền lệ tích cực, tiền lệ của những lãnh đạo biết hành động cụ thể, quảng bá, xây dựng hình ảnh của chính mình…

Hình mẫu của người lãnh đạo hiện đại đâu chỉ các tiêu chí chung chung, họ còn phải biết rất rõ xã hội cần gì, thị trường cần gì, thời cuộc cần gì, hơn thế nữa họ phải nhất thiết tạo ra một hình ảnh đẹp trước công chúng.

Quảng bá hình ảnh của chính mình, quảng bá những điều mình muốn làm, mình muốn xây dựng là một môn nghệ thuật không mới, là cách hành xử văn hóa lâu đời, nhưng nó vô cùng cần thiết, không thể thiếu của người lãnh đạo hôm nay, người lãnh đạo trong thời đại kỹ thuật số, thời đại thế giới phẳng.

Khi mạng xã hội có thể gắn kết toàn nhân loại, truyền tin, truyền hình ảnh ra thế giới… trong tích tắc, thì người lãnh đạo nào càng tinh tế, càng hòa đồng với dân hơn, người lãnh đạo đó sẽ tạo được niềm tin với dân hơn, sẽ dễ dàng nhận được nhiều đồng thuận của dân hơn trong những hoạch định của mình.

Rất cần những lãnh đạo… dấn thân

Trên thế giới, đã có nhiều quan chức, nguyên thủ chủ động mở blog, tạo diễn đàn giao lưu với mọi thành phần trong xã hội, từ đó, hiểu được nguyện vọng, ý chí của người dân, góp phần đưa ra những quyết định đúng đắn, hợp thời cuộc, mang tầm vĩ mô và có giá trị lâu dài.

Một lãnh đạo có tín nhiệm, trước hết người lãnh đạo đó phải có việc làm đẹp, hành động đẹp, tức là phải tạo ra được hình ảnh đẹp trước công chúng.

Không phải ngẫu nhiên, bức ảnh “tổng thống Mỹ Obama ôm chặt lấy nữ y tá gốc Việt Nina Phạm vừa mới hết bệnh Ebola” trở nên nổi tiếng, gây xúc động và lan truyền trên mọi phương tiện truyền thông thế giới. Trong khi nổi lo sợ về căn bệnh Ebola vẫn còn đang ám ảnh nhân loại từng ngày từng giờ thì bức ảnh ngài tổng thống “ôm chặt” nữ y tá kia là một thông điệp rất đẹp, thông điệp của sự tin cậy và an toàn…

Nhìn lại Việt Nam, một Việt Nam đang mở cửa và hội nhập nhưng vẫn còn không ít những “ông quan” bàn giấy, thiếu thực tế, thu mình trong tháp ngà của quyền lực, “ngại” tiếp xúc với truyền thông, “ngại” cả tiếp xúc với dân… dẫn đến những định tính, định lượng, những chính sách không hợp lý, không khả thi, gây thất thoát, lãng phí và làm mất đi sự tín nhiệm, niềm tin.

Không chỉ riêng du lịch, trong mọi vấn đề của đất nước đều cần những vị lãnh đạo biết “dấn thân” như vậy cả. Chỉ có dấn thân, gần dân họ mới có biết dân muốn gì, thực tế cần gì và ngược lại, khi đó dân mới biết rõ ai là lãnh đạo đáng tín nhiệm hay không đáng tín nhiệm.

Hy vọng, những người lãnh đạo ở Quảng Ninh sẽ duy trì và phát triển được phong thái làm việc rất lạ, rất thức thời này, họ đang tạo ra những “trái tim” đẹp! Và sự quảng bá cho địa phương mình không chỉ là việc làm của các cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Minh Phước