Từ ngàn đời nay, với trách nhiệm và bổn phẩn của người làm cha, mẹ, chúng ta luôn lo lắng về con cái. Ta lo lắng đủ thứ và chính từ những nỗi lo này đã tạo nên một hiện tượng tâm lý trong xã hội theo hướng "thế hệ trẻ luôn thiếu rất nhiều thứ" để có thể đảm bảo một tương lai ổn định.
Thực tế cũng cho thấy, bất chấp các mối lo của người lớn, đến lượt mình, những người từng được "lo lắng" kia vẫn phất rất tốt lá cờ của thời đại mình, thế hệ mình, và trong rất nhiều trường hợp họ còn làm tốt hơn các thế hệ đi trước.
Nếu xét riêng về kỹ năng sống thì có thể không ngoa khi nói rằng không phải chỉ trẻ con mà ngay cả nhiều người Việt đã trưởng thành của chúng ta ngày hôm nay đều thiếu một cách nghiêm trọng. Theo Từ điển bách khoa mở thì "Kỹ năng sống" được định nghĩa là "các hành vi được đưa ra một cách hợp lý và có trách nhiệm trong việc quản lý các vấn đề cá nhân. Đây là một tập hợp các kỹ năng của con người có được thông qua học tập hoặc kinh nghiệm trực tiếp và được dùng để xử lý các vấn đề và câu hỏi thường gặp trong đời sống hàng ngày của con người" (lược dịch).
Như vậy xét trên khía cạnh của sự hình thành, thì kỹ năng sống mà chúng ta có được là từ hai nguồn (i) do được "truyền thụ" thông qua giáo dục, dạy dỗ và (ii) do tự bản thận đạt được từ các trải nghiệm trong cuộc sống.
Chúng ta hãy liệt kê xem trong hàng vạn ngôi trường từ tiểu học đến ĐH hiện nay, bao nhiêu trường giảng dạy môn kỹ năng sống theo đúng nghĩa? Liệu có bao nhiêu % học sinh của chúng ta được học cách xử lý tình huống khi có hỏa hoạn, bị kẹt trong thang máy hay bị điện giật? Tôi tin rằng con số này sẽ rất khiêm tốn. Vậy thì ai đáng trách và ai phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này? Xin thưa, đó là tất cả xã hội chúng ta - trong đó có ngành Giáo dục và một phần của Thầy giáo Trần Đình Trợ.
Chúng ta không thể đòi hỏi trẻ em bây giờ có thể có các kỹ năng ở dạng kinh nghiệm sống giống như bố mẹ hoặc ông bà bởi vì bối cảnh cuộc sống của các thế hệ rất khác nhau. Ngày xưa chúng ta biết hết tên của các bộ phận chiếc xe đạp bởi vì cuộc sống của thời đó gắn liền với cái xe đạp mà chúng lại... rất hay hỏng.
Chúng ta hẳn phải lấy làm mừng vì sự tiến bộ trong phân công lao động bởi thay vì cần phải biết sửa xe khi nó hỏng thì các em sẽ biết ai là người làm việc này tốt hơn và cần phải tìm họ ở đâu!
Tham gia học kỳ quân đội, các học viên còn được trang vị và phát triển kỹ năng xã hội thông qua các hoạt động như dã ngoại, tổ chức làm việc theo nhóm... Ảnh: Đăng Quang/ VOV |
Xét trên khía cạnh về "sự cần thiết" của KNS, có thể thấy rằng các kỹ năng thường cần phải có để xử lý các vấn đề của cuộc sống thường nhật. Như vậy sẽ không có gì ngạc nhiên nếu nhiều trẻ em bây giờ không biết cách lọc nước từ ruộng, ao, hồ để uống khi bị khát như ngày xưa vì hai lẽ (i) sẽ rất nguy hiểm khi nguồn nước ngày nay đa phần ô nhiễm và (ii) sự phát triển của đất nước khiến chúng ta ít khi phải đổi mặt với các hoàn cảnh thiếu thốn như ngày xưa. Rủi ro ít đi thì cũng cần ít kỹ năng xử lý rủi ro hơn.
Thay vào đó, để có thể tự tin làm một công dân toàn cầu, trẻ em đang phát triển thêm nhiều kỹ năng hơn. Như, tự tin trong giao tiếp và dễ hòa nhập hơn nhiều so với các thế hệ trước (một phần là do ngoại ngữ và công nghệ thông tin tốt).
Trước kia kiến thức nhân loại phần nhiều nằm trong dân gian và ít được tài liệu hóa khiến chúng ta cần phải học thuộc nhiều hơn. Ngày nay các em có thể có hầu hết những thông tin mình muốn bằng các công cụ tìm kiếm với một điều kiện - kỹ năng tìm kiếm. Tôi tin là các em giỏi khoản này hơn bố mẹ chúng rất nhiều.
Quá trình toàn cầu hóa giúp con người kết nối tốt hơn với nhau. Để có thể giải quyết bài toán này, con em chúng ta ngày nay đã phát triển rất nhiều kỹ năng mà có thể ít ai để ý. Chúng có tư duy logic tốt hơn, khả năng diễn đạt tốt hơn, tư duy phản biện rõ ràng hơn và đặc biệt là khả năng nắm bắt và sử dụng các công cụ hỗ trợ phân tích tình huống hiệu quả hơn rất nhiều.
Con trai tôi khi được hỏi nhận xét về một bạn gái cùng lớp (khi còn học lớp 5), thay vì đưa ra những nhận xét cảm tính, cháu đã tự xây dựng một bộ câu hỏi khoảng 10 câu để phỏng vấn về thói quen, sở thích của bạn khi cả hai ngồi trên xe buýt tới trường, rồi mới đưa ra kết luận.
Một học sinh lớp 6 ngày này đã có thể lập được một bảng phân công lao động theo thời gian kèm theo một cột ghi chú về độ khó của từng việc cũng như ưu tiên thực hiện dựa trên mức độ khẩn và tầm quan trọng - những thứ mà thế hệ bố mẹ cháu có thể chưa hề biết khi đã tốt nghiệp ĐH.
Tóm lại, có thể ở đâu đó vẫn có những trường hợp học sinh do bị đào tạo theo kiểu gà nòi nên thiếu rất nhiều kỹ năng sống cần thiết và đôi lúc hành xử ngu ngơ trong cuộc sống, nhưng về cơ bản con em chúng ta đang phát triển cho mình những kỹ năng thiết yếu cho công việc và cuộc sống cho hiện tại và trong tương lai. Sự khác nhau về hoàn cảnh sống, cũng như độ phức tạp của đời sống và các câu hỏi cần trả lời trong cuộc sống của mỗi thế hệ đôi lúc khiến chúng ta chưa nhìn thấy hết được tiềm năng của con em mình. Quan trọng là chúng ta cần giúp con trẻ nhìn thấy thêm nhiều thách thức ở phía trước - cả ngắn hạn và dài hạn, để chúng có thể định hình và phát triển các kỹ năng phù hợp trong bối cảnh của tương lai.
Con em chúng ta sẽ thành công hơn chúng ta rất nhiều khi cơ hội được trao, hãy đặt niềm tin của cả cộng đồng vào những thế hệ "tương lai" này.
Điều đáng quan tâm nhất - theo tôi - không phải là chuyện các em thiếu hụt kỹ năng mà chính là trong tương lai các kỹ năng này được tập hợp và khuyến khích như thế nào?
Trần Văn Tuấn