Hai câu chuyện, cùng xoay quanh vấn đề "giả dối", chúng sẽ cho một cái nhìn về dư luận quần chúng, thế giới mạng và những giá trị mà nhóm tay phím này lựa chọn.

Suốt tuần qua, dư luận tranh cãi quanh  hai ‘nghi vấn’: một cầu thủ ‘tài năng’ nghi vấn gian luận tuổi và một ca sĩ cũng tuổi teen nghi vấn đạo nhạc nước ngoài. Tựu chung, dư luận đều nói về sự giả dối. Quan sát dư luận, sẽ giúp bạn trả lời phần nào câu hỏi: Cộng đồng mạng Việt Nam, một bộ phận dư luận mạnh mẽ và phần lớn là người trẻ, đang sống và theo đuổi những giá trị gì?

Hai câu chuyện cũng sẽ cho một cái nhìn về dư luận quần chúng, thế giới mạng và những giá trị mà nhóm tay phím này lựa chọn.

{keywords}
Công Phượng vừa dính nghi án gian lận tuổi.

Hãy bắt đầu bằng một bản tin chính luận về em ca sĩ ‘đạo nhạc’. Cả nước đều thấy em ca sĩ được xác minh đạo nhạc Hàn Quốc, bị ném đá tơi bời, đài truyền hình lên án rồn rang như thế nào. Trong khi trước đó, cũng chính đài truyền hình ấy, chương trình ấy nói về em cầu thủ, chỉ bóng gió này kia rồi kết luận xanh rờn, đại ý: điều quan trọng không phải là gian lận tuổi hay không mà điều quan trọng ‘thực tế đó’ dẫu có thì cũng chỉ là minh chứng cho sự nỗ lực, và khát khao cháy bỏng thực hiện ước mơ (?). Cảm giác như những người nắm giữ quyền lực về truyền thông, sẵn sàng dùng tiêu chuẩn kép trước cùng một thứ gọi là sự gian dối vậy.

Kết luận về em cầu thủ thế nào thì cũng có cả rồi. Nhưng hãy giả sử, giả sử thôi, nếu chuyện em cầu thủ gian dối tuổi là thật, thì tại sao sự gian dối ấy lại ‘không quan trọng’ (như bình luận của đài truyền hình và cộng động mạng)? Tại sao "quan trọng X. là một tài năng và gợi cảm hứng cho mọi người" khi mà từ trước đến nay tài năng ấy được công nhận là nhờ người ta đo nó với thước đo, sân chơi, đối thủ đều là lứa U19?

Nên nhớ nếu em cầu thủ tuổi teen gian tuổi là thật thì đáng ra tài năng ấy có thực sự là tài năng thật không đáng nhẽ đã phải được đo bằng "cái thước đo" khó tính hơn nhiều, là cái thước mà người ta đã dành cho những Vũ Anh Tuấn hay Phi Sơn - những cầu thủ bị chối bỏ, ghi bàn rồi “dám” ăn mừng kiểu Ronaldo cũng bị lên án, ngay cả khi trước đó những chàng trai lứa tuổi 21, 22 ấy vừa là những người hùng lập công "tàn sát" tuyển Iran đáng gờm ở giải cấp Châu Á.

Trong buổi bóng đá nước nhà đói kém thành tích, chuyện khai sinh gian của làng thể thao một thời bị lên án nay bỗng là bình thường (?), rồi cái này không quan trọng cái kia không quan trọng. Giả sử chuyện em cầu thủ gian dối là thật, cộng đồng dường như vẫn có thể dễ dàng cho qua vì niềm cảm hứng mà em ấy mang lại? Nhưng những lý lẽ cũng na ná ấy lại bị dèm pha không thương tiếc trong trường hợp của em ca sĩ đạo nhạc Hàn Quốc nhưng 'hát hay'. Với em ca sĩ, câu chuyện và bản chất về sự gian dối được xoáy sâu, chả ai buồn nói đến khát vọng ra sao, bối cảnh âm nhạc nước nhà như nào - bao dung như cách nói về em cầu thủ, kể cả trong trường hợp lỡ chuyện gian tuổi của em cầu thủ có là thật.

Dường như không có công bằng, công lý hay nhân văn nào trong lí lẽ và thái độ cư xử của dư luận hay cộng đồng mạng. Không có gì quan trọng kể cả đạo đức; hay đạo đức hay công lí, cùng lắm, cũng chỉ là cái công cụ của lí lẽ chứ không phải là mục tiêu của lí lẽ?

Và trong nền văn hóa ‘100 cái lí không bằng 1 tí cái tình’, sự giả dối chưa được đấu tranh triệt để. Bởi, trong những tình huống khác nhau, nó góp phần thỏa mãn vấn đề cảm xúc thuần túy thích ủng hộ ai hay chống lại ai của dư luận?

  • HuyNN