Tại TQ, đã có những nhóm "học giả quốc doanh" với nhiệm vụ tuyên truyền các thông tin hay niềm tin mang tính chính trị, ngay cả khi những điều đó đi ngược căn cứ khoa học, logic khách quan hay chuẩn mực về đạo đức của giới hàn lâm.

>> Biển Đông: Một 'mặt trận' nóng bỏng khác

Khi khoa học thành công cụ

Tuy vai trò cộng đồng học giả có tầm quan trọng to lớn như vậy, song muốn phát huy hiệu quả không đơn giản. So sánh với Trung Quốc, giới học giả Việt Nam nói riêng và mặt trận tranh đấu học thuật của Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều chênh lệch.

Trung Quốc hiện nay có tới 14 cơ quan nghiên cứu về Biển Đông ở tầm quốc gia được ưu tiên tài trợ bởi Cính phủ. Ngoài 14 cơ quan này, các trung tâm tư vấn chính sách ngoại giao được coi là tinh túy ở Trung Quốc cũng đang tiến hành những nghiên cứu riêng về biển Đông.

Ví dụ, Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc đang tiến hành tài trợ một nghiên cứu về luật quốc tế liên quan tới Biển Đông. Các chuyên gia thuộc Viện KHXH Trung Quốc thì thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, báo chí nhằm đưa ra các lập luận bảo vệ cho lợi ích của Bắc Kinh tại các khu vực tranh chấp.

Thêm vào đó, do tầm quan trọng của chủ quyền biển đảo, hầu hết các bài nghiên cứu từ an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho đến mối quan hệ Trung - Mỹ đều được phía các học giả Trung Quốc lồng ghép vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền biển như là một hàm ý chính sách cho giới lãnh đạo. Kết quả là một sự bùng nổ các vấn đề nghiên cứu về biển Đông trong cộng đồng học giả và giới làm chính sách ở Trung Quốc và được Chính phủ tài trợ.

Việc tham gia ồ ạt từ phía các đơn vị có sự hỗ trợ của Nhà nước mang cả hai ý nghĩa, tích cực, lẫn tiêu cực, xoay quanh mức độ khách quan và khả tín của thông tin, quan điểm được phía học giả đưa ra.

{keywords}
Đường lưỡi bò phi pháp của TQ

Đối với những người tin vào khả năng độc lập hoàn toàn của khoa học, thì cộng đồng học giả dường như là một cách tiếp cận hoàn hảo. Nó như một tấm gương cả "lý tính", lẫn "lương tri" để soi sáng những vấn đề u mê và bế tắc mà chính trị quốc tế thường ngày vẫn loay hoay tìm kiếm giải pháp.

Nhưng ngược lại, đối với những người theo đuổi trường phái chính trị hiện thực (realpolitik), thì cộng đồng học giả, kiến thức hay một đề xuất khách quan nào đó đều có những động lực đằng sau. Động lực đó có thể là phe cánh lợi ích, theo đuổi sức mạnh hay tôn sùng một thứ chủ nghĩa dân tộc quốc gia không giới hạn trong các bài toàn chủ quyền lảnh thổ-lãnh hải.

Hai cách nhìn này phản ánh trong thực tế, đặc biệt trong trường hợp tranh chấp biển Đông, khi xuất hiện các nhóm "học giả quốc doanh" với nhiệm vụ tuyên truyền các thông tin hay niềm tin mang tính chính trị, ngay cả khi những điều đó đi ngược căn cứ khoa học, logic khách quan hay chuẩn mực về đạo đức của giới hàn lâm.

Trong thời gian qua, sự hình thành của các nhóm này làm nguy hại, hơn là thúc đẩy vai trò của cộng đồng học giả. Lý do đầu tiên và trên hết là nó làm phai mờ đi tính độc lập của nhà nghiên cứu, vốn lấy quy luật "khách quan khoa học" làm nguyên tắc hoạt động hàng đầu.

Có thể kể ra một vài thí dụ, như chuyện lồng bản đồ "đường lưỡi bò" vào các bài viết đăng trên các tạp chí khác chủ đề trên tạp chí quốc tế, hay mượn diễn đàn khoa học quốc tế để "tuyên truyền" theo xu hướng một chiều, bất chấp các ý kiến phản biện hay quan điểm ngược lại từ các học giả khác.

Trong bối cảnh liên kết khoa học như hiện nay, điều này còn làm giảm khả năng hợp tác với các học giả quốc tế cùng chia sẻ về một niềm tin hay một phương pháp luận nào đó, khi họ biết rằng sự hiện diện và công trình của mình đang bị sử dụng như một "công cụ kinh tế hay chính trị" để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Cần một khung hành động

Đối với Việt Nam, tận dụng vai trò của cộng đồng học giả quốc tế và tăng cường ngoại giao học thuật chắc chắn là công cụ không thể thiếu trong việc bảo vệ lợi ích trước những nước lớn hơn. Dựa trên thông tin, bằng chứng chuẩn xác chúng ta sẽ đưa ra được những nhận định, nghiên cứu khách quan, đúng đắn, có sức mạnh và sức thuyết phục cao.

Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ sẽ là hữu ích nếu Việt Nam tăng cường thành lập các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu khác ở các trường Đại học hay Viện nghiên cứu, từ đó tạo mối liên kết rộng rãi và sức lan tỏa mạnh mẽ hơn trong nghiên cứu Biển Đông. Tất nhiên, việc đầu tư để xây dựng một đội ngũ học giả đủ trình độ, sức mạnh bước vào cuộc chiến "học thuật hóa" và "ngoại giao học thuật" sẽ tốn nhiều thời gian và công sức.

Sẽ cần một chiến lược về trung và dài hạn để Việt Nam có thể làm chủ được "mặt trận" này. Trong đó một khung hành động cho việc lobby khoa học là một trong những điều kiện tiên quyết. Khung hành động được hiểu theo nghĩa pháp lý, lẫn điều kiện để có sự tương tương tác giữa nhà khoa học, chính khách và các nhóm xã hội. Nhóm vận động có thể tìm kiếm và tạo ra kiến thức khoa học để tăng sức mạnh cho quan điểm của mình và ngược lại, cộng đồng khoa học hoặc cộng đồng học giả có thể áp dụng những chiến lược đặc trưng của nhóm vận động, nhóm xã hội để gia tăng ảnh hưởng.

Mối quan hệ giữa cộng đồng học giả và các tổ chức quốc tế cũng như các nhóm xã hội là áp lực để sàng lọc các đề xuất chính sách phản logic, hoặc không khả thi.

Nguyễn Thế Phương - Nguyễn Việt Vân Anh