Nếu về VN thì kể cả siêu xe này nếu chạy trong nội thành HN và TPHCM thì nhanh cũng được 40 km/h, chậm thì lại nhích từng bánh trong cảnh tắc đường, lội nước triều cường mà thôi.

>> Giá ô tô VN ngất ngưởng vì đặc quyền 'ông lớn'

>> Điều ngạc nhiên về ô tô Campuchia

Tại một hội thảo tuần qua, một quan chức Ủy ban ATGTQG dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chi phí vận tải ở VN chiếm 11,8% GDP; trong khi đó, Mỹ chỉ  dưới 4,5%, Singapore 4,8%, EU 5,8%, Nhật 6%. Với tỷ lệ này, có thể nói chi phí đi lại và vận tải của người VN đang thuộc mức cao nhất thế giới.

"Tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh"

Một đại gia ở Sài Gòn gần đây bỏ 1,6 tỷ bạc để mua  một "xế hộp" với thiết kế như một mũi tên lao về phía trước, tốc độ tối đa lên tới ngoài 200 km/h... Tuy nhiên ngay ngày đầu tiên cho "con xe" lăn bánh trên đường, anh đành ngậm ngùi nhìn xế hộp tiền tỷ đua với... xe đạp và xe máy xung quanh, trong cả rừng người và xe từ từ nhích từng nửa vòng bánh.

Kẹt xe khiến anh mất 2 giờ chỉ để đi một quãng đường độ hơn chục km từ ngã tư Phú Nhuận chạy lên Lũy Bán Bích, Tân Phú. Với tốc độ này kể ra đi bộ chắc cũng không chậm hơn xế hộp tiền tỷ của anh.

Tuy nhiên, nếu tính ra thì chiếc xế hộp của anh này cũng chưa ăn thua gì. Cánh đại gia ở VN đã bỏ nhiều triệu USD để mua siêu xe. Ví như siêu xe Bugatti Veyron có giá 1,4 triệu USD đã từng được nhập về VN, được coi là ông hoàng thời đại với vận tốc tối đa lên đến 407 km/h, có khả năng tăng tốc trong vòng 2,5 giây, với động cơ 8 lít, 16 xi lanh, 4 trục cam và 4 tăng áo, xe có thể đạt công suất 1.000 mã lực và momen xoắn cực đại là 1250 Nm.

Từng đó thông số vô cùng ấn tượng. Ấy thế mà nếu về VN thì kể cả siêu xe này nếu chạy trong nội thành HN và TPHCM thì nhanh cũng được 40 km/h, chậm thì lại nhích từng bánh trong cảnh tắc đường, lội nước triều cường mà thôi.

Chính bởi cảnh "tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh" nên có lẽ  không ít đại gia nhập siêu xe về đành "ngậm ngùi" thỉnh thoảng dùng diễu hành xuyên Việt cho vui, hoặc giả để nằm im trong bộ sưu tập ở gara như một thú chơi.

{keywords}
Trong cảnh tắc đường thế này, dù có là siêu xe cũng... chẳng ích gì. Ảnh: Zing.vn

Đắt đỏ và lãng phí vì đâu?

Số liệu của một hội thảo về phát triển đô thị bền vững tổ chức ngày 15/9 mới đây tại TP HCM cho thấy tổn thất hàng năm do tắc nghẽn giao thông tại TP.HCM ước tính lên đến khoảng 23.000 tỷ đồng, tương tương 1,2 tỷ USD, một con số khổng lồ. Hiện tổng diện tích bề mặt dành cho giao thông tại TP.HCM chỉ chiếm từ 1,7-2% tổng diện tích đất đô thị. Vì vậy con số tổn thất này có thể sẽ không dừng lại.

Tuy nhiên, chi phí đi lại và vận tải ở VN không chỉ tiêu tốn bởi kẹt xe mà còn bởi nhiều lý do khác. Hay nói đúng hơn, kẹt xe chỉ là một phần nổi tảng băng của rất nhiều bất cập trong cái nhu cầu căn bản là đi lại hàng ngày của người dân.

Ví như, theo tiết lộ của ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô, thì ngoài các chi phí chính thức như xăng dầu, nhân công, khấu hao xe... thì giá cước vận tải ở VN cao vì "phải chịu những chi phí rất lớn mà không thể nói ra được".

Cái  không thể nói ra hoặc... chỉ ra mãi vẫn chưa đâu vào đâu này phải chăng là những chi phí tiêu cực, phí mãi lộ, do đường sá xuống cấp, đầu tư không đồng bộ, kéo dài thời gian thi công... Một phần khác do điều tiết giao thông và vận tải giữa đường không, đường thủy, đường bộ ở VN chưa hợp lý. Nhưng tựu trung lại là khâu quản lý.

Ví dụ, Hà Nội từng phải bỏ ra cả 1.000 tỷ để  giải tỏa và thi công con đường dài 500m tại quận Đống Đa, được coi là con đường đắt nhất hành tinh. Nhưng ngay sau khi thông xe, đường vẫn kẹt xe vì những đoạn nút thắt cổ chai ở ngay gần khu vực hầm Kim Liên, do vẫn còn tồn tại các mái nhà, bụi cây lụp xụp.

Tương tự, đường Chu Văn An tại quận Bình Thạnh, TPHCM từng được một tờ báo mô tả là "đầu to, đít teo", vì đang thênh thang 4 làn xe, rộng cả 20m thì bỗng dưng gặp đoạn thắt cổ chai thu hẹp còn 4-5 m. Hầu như ngày nào đoạn thắt cổ chai này cũng có thể kẹt cứng.

Còn những dự án đường sá làm mãi không xong, đào lên lấp xuống hàng vài năm mà vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt", nếu lập danh sách chắc sẽ dài dằng dặc. Ví như hầm chui Khuê Nữ, Đông Anh dở dang cả năm đắp chiếu để đấy, cho đến khi dân kêu quá, Bộ trưởng Bộ GT phải xuống tận nơi xem xét thì chỉ cần... 4 ngày là làm xong.

Bài học của các quốc gia phát triển cho thấy họ đã gia tăng đầu tư vào hạ tầng cơ sở và quản lý tốt để tiết kiệm, giảm mạnh chi phí cho vận tải và đi lại, làm động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore là điển hình của cách làm này ở châu Á.

Không chỉ vậy, nếu ngày nay đi ra các nước ngay trong khu vực, như Campuchia và Myanmar, chúng ta cũng có thể thấy rõ họ đang tăng tốc trong vấn đề này. Chất lượng đường sá của Campuchia và chất lượng cảng hàng không của Myanmar hiện nay là một thách thức cho Việt Nam.

Chính vì thế, nếu không thay đổi từ căn cốt, thì tình trạng chi phí  vận chuyển và đi lại đắt đỏ và tốn kém nhất thế giới ở VN vẫn sẽ là một cản ngại lớn cho phát triển kinh tế.

Nguyễn Anh Thi

-----

Tham khảo:

Kẹt xe gây thiệt hại 1,2 tỷ USD/năm cho TP.HCM, zing.vn, 16/09/2014.

Chi phí đi lại của người Việt: Cao nhất thế giới, Tiền phong, 14/11/2014.

Những con đường "thắt eo, phình bụng" , Tuổi trẻ, 24/03/2014.