Trên thực tế, TQ đang được hưởng lợi từ các hoạt động thực thi luật biển của Mỹ.

Các tàu thuyền đi từ hạt Marin đến San Francisco, Bắc California (Hoa Kỳ) vào giờ cao điểm luôn gặp phải một cảnh tượng mới. Đó là các tàu chở hàng to lớn và cồng kềnh mang biển hiệu và treo cờ TQ đang rẽ sóng dưới cầu Cổng Vàng khiến cho các tàu thuyền du lịch trên biển phải tránh ra xa. Những chiếc tàu đó chở hàng hóa từ TQ đến cảng Oakland và làm cho Mỹ phải nhập siêu.

Tại khu vực Thái Bình Dương, TQ là một cường quốc về thương mại. Theo thống kê của Trung tâm phân tích hải quân Hoa Kỳ, TQ là công xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới và có đội thương thuyền đứng thứ ba với số lượng tàu nhiều nhất thế giới, chiếm 1/4 lượng giao dịch container của thế giới và hầu như tất cả các thùng thép vận chuyển trên đại dương đều được làm từ quốc gia này.

Hiện nay, phần lớn các hoạt động an ninh về hàng hải trên Thái Bình Dương là do Mỹ cung cấp miễn phí. Tàu thuyền của TQ tự do đi lại dựa trên sự bảo vệ của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đóng tại Trân Châu cảng, Hawaii. Do vậy, trên thực tế, TQ đang được hưởng lợi từ các hoạt động thực thi luật biển của Mỹ. Tuy nhiên, ở Tây Thái Bình Dương, TQ đã có những hành động khiêu khích các đồng minh thân cận của Washington, đồng thời thách thức luật pháp hàng hải quốc tế.

Nhiều quan chức Mỹ đã từng đề cập đến thách thức tiềm ẩn trong những hành động của TQ. Các quan chức dân sự và quân sự thường sử dụng một lối ẩn dụ kỳ quái ở trên mặt đất để thảo luận về vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ đối với các vùng biển rộng lớn trên thế giới. Họ toàn đưa ra các vấn đề về thực thi "luật pháp trên bộ", như luật pháp về thương mại là lĩnh vực Hoa Kỳ muốn đổi mới thông qua Hiệp đinh đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

{keywords}
Những con tàu qua lại dưới cầu Cổng Vàng của Mỹ. Ảnh: Reuters

Còn về an ninh hàng hải, đặc biệt là các đường biển đi qua các vùng tranh chấp nơi Trung Quốc gọi là vùng "giáp biển" của mình, Hoa Kỳ cho rằng để bảo vệ các tuyến đường biển thương mại quan trọng này, mọi tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng vũ lực và đe dọa.

Tuy nhiên, trong cuốn sách quyển sách mới xuất bản với nhan đề "Trật tự Thế giới" cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng quan điểm của TQ về thực thi luật pháp không nhất thiết phải giống như Hoa Kỳ, "khi bắt buộc phải tuân thủ luật chơi và phải có trách nhiệm theo hệ thống quốc tế, nhiều người TQ kể cả lãnh đạo cấp cao đều có phản ứng tự nhiên theo một nhận thức cố hữu là TQ đâu có tham gia xây dựng luật pháp của hệ thống này."

Theo ông Kausikan - một quan chức của Bộ Ngoại giao Singapore, tất cả người dân TQ đều nhận thức về sự kiện xảy ra 100 năm (trước năm 1949) khi mà các cường quốc phương Tây và Nhật Bản xâm lược và gây đau khổ cho nhiều người dân TQ, "đừng ảo tưởng khi cho rằng TQ sẽ là một bên tham gia có trách nhiệm trong một trật tự của khu vực và thế giới, một trật tự không có sự thiết lập và đã gây cho họ cả một thế kỷ nhục nhã".

Các quan chức Hoa Kỳ cho rằng TQ đã thực hiện nhiều quy định quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại khi gia nhập WTO năm 2001. Nhưng đối với các nước láng giềng, TQ đang thách thức luật pháp và các chuẩn mực vốn đã giữ cho khu vực Biển Đông được an toàn kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, thách thức mọi quy định mà TQ đã từng cam kết.

Trong năm 2002, TQ đã ký với các nước láng giềng trong ASEAN một hiệp định đồng ý giải quyết các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, như Công ước của Liên hợp quốc 1982 về Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên, TQ lại thường xuyên tranh chấp và gây căng thẳng với các nước ASEAN như Việt Nam và Philippines về việc kiểm soát ba nhóm đảo và đá ở Biển Đông là Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi đá ngầm Scarborough - và tranh chấp với Nhật Bản về hòn đảo Senkaku mà TQ gọi là Điếu Ngư. Trong tháng 3 vừa qua, Philippines đã phản đối yêu sách hàng hải của TQ theo UNCLOS, TQ đã tức giận từ chối trọng tài.

TQ đã tìm cách ngăn chặn các tàu hải quân và tàu chở máy bay của Hoa Kỳ đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của TQ. Theo Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đồng minh, đây là hành động vi phạm UNCLOS. Tháng 8 vừa qua, một máy bay chiến đấu TQ đã cắt đường bay của một máy bay tuần tra biển P-8 của hải quân Hoa Kỳ trong không phận quốc tế, cách đảo Hải Nam khoảng 135 dặm, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xem đây là hành động cực kỳ nguy hiểm.

Tranh chấp về EEZ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của các tuyến đường biển xuyên Thái Bình Dương vốn đã được giám sát bởi hải quân Hoa Kỳ qua nhiều thế hệ. Bill Hayton tác giả của cuốn sách "Biển Đông: Cuộc tranh giành quyền lực ở châu Á" xuất bản đầu năm nay cho rằng: "các thảo luận pháp lý về việc tàu quân sự của một nước có thể đi trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác đã làm cho Hoa Kỳ và TQ tiến gần đến xung đột. Đây là cuộc chiến thể hiện nhu cầu của Hoa Kỳ về việc tiếp cận các khu vực "chung của thế giới" với sự kiểm soát an ninh của TQ, cuộc chiến này sẽ định hình tương lai cả ở bên trong và ngoài châu Á".

Theo Hayton, biển Đông bản thân nó có vai trò lịch sử liên quan đến các vụ tranh chấp. Vào năm 1603, Công ty Đông Ấn của Hà Lan đã tịch thu một thuyền của Bồ Đào Nha chứa đầy lụa thô và vàng gần eo biển Malacca và thuê một luật gia Hà Lan là Hugo Grotius bảo vệ cho hành động của mình. Ông này đã viết một cuốn sách bằng tiếng La tinh với nhan đề "Biển tự do" với lập luận cho rằng biển là một lãnh thổ quốc tế và phải được dành cho tất cả mọi người.

Nhiều thế kỷ sau, lập luận này đã được các cường quốc sử dụng để biện hộ cho hành động các tàu thương mại đi những nơi nào họ muốn, kèm theo các thuyền trang bị vũ khí đi hộ tống để thể hiện uy quyền của họ.

(Còn tiếp)

Mai Linh (theo Economist)