Nếu năng lực cán bộ, công chức 'hoàn hảo' vậy, quả là… “phúc ấm” cho dân tộc với một hệ thống công chức, viên chức toàn tâm, toàn trí, mẫn cán cao độ.

I-Khi những nỗi đau trong ngành hàng không thế giới liên tiếp xảy ra, khiến năm 2014 này trở thành năm thảm họa của ngành hàng không quốc tế vừa tạm lắng dịu, thì một vụ việc nghiêm trọng xảy ra mới đây của ngành hàng không Việt Nam khiến xã hội bàng hoàng.

Đó là vào ngày 20/11, tại Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC/ HCM) ở sân bay Tân Sơn Nhất đã xảy ra sự cố sập nguồn điện dẫn đến mất quyền điều hành bay. Tại thời điểm này, có 54 máy bay trong khu vực trách nhiệm của ACC/ HCM trong tổng số 92 máy bay bị ảnh hưởng. Thót tim nhất là sự việc mất quyền điều hành bay xảy ra trong vòng 1 giờ 15 phút đã khiến hai máy bay suýt đụng nhau trên bầu trời, 05 chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh, 05 máy bay phải bay lòng vòng trên bầu trời từ 20 đến 50 phút chờ có tín hiệu trở lại mới dám tiếp đất, và an toàn của 50 chuyến bay với hàng ngàn mạng sống trên đó có thể bị đe dọa (TBKTSG, ngày 27/11).

Nhiều máy bay trong vùng thông báo bay của t/p HCM, Hà Nội, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn, quay trở lại sân bay khởi hành hoặc hạ cánh sân bay dự bị.

{keywords}

Thử tưởng tượng, nếu sự cố bất ngờ này không được khắc phục, thì sẽ ra sao? Chính vì thế lãnh đạo Cục HKVN đã thừa nhận- “đây là vấn đề kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại VN, cần phải được tiến hành điều tra”.

Cứ thỉnh thoảng, HKVN lại cho xã hội thót tim. Trước đó, ngày 29/10, cũng trên vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất, một chiếc máy bay quân sự của VN bất ngờ rẽ phải, cắt qua hướng cất cánh của một máy bay dân sự khác. Trước đó nữa, tháng 06, một chiếc máy bay chở gần 200 hành khách đi Đà Lạt lại đỗ “nhầm” xuống Cam Ranh, khiến hành khách dở khóc dở cười, còn hãng HK này thì… ngượng vô kể.

Thế nên vụ việc tại Trung tâm Kiểm soát không lưu ở sân bay TSN khiến người ta có quyền đặt câu hỏi, an toàn hàng không VN đang đứng ở đâu?

Một chiếc xe máy, một chiếc ô tô không may gặp nạn, đã kéo theo nỗi đau vô hạn của một gia đình, nhiều gia đình, một dòng họ, nhiều dòng họ. Nữa là tai họa rủi ro xảy ra với máy bay.

Mặt khác, xã hội chúng ta hiện đang phải đối mặt với không ít thách thức cam go của một quốc gia chậm phát triển, không ít tệ nạn, niềm tin con người giảm sút, trong khi an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc với nỗi đau Hoàng Sa- Trường Sa luôn thường trực. Đặt tâm lý xã hội đó trong bối cảnh những tai họa rủi ro của giao thông đường bộ đã thành “thảm họa”, giao thông đường sắt, đường sông, đường HK hiện hữu, thì lòng người khó có thể nói là bình an.

Thế nên, vốn được coi là dân tộc lạc quan nhất nhì thế giới, nhưng mới đây, khi tạp chí danh tiếng hàng đầu nước Mỹ- Business Insider xếp hạng nước Việt đứng trong top 20 quốc gia đáng sống nhất thế giới, thì người Việt lại… giãy nảy lên. Cũng dễ hiểu.

{keywords}

Vụ việc tại Trung tâm Kiểm soát không lưu ở sân bay TSN khiến người ta có quyền đặt câu hỏi, an toàn hàng không VN đang đứng ở đâu? Ảnh minh họa

Và vụ việc xảy ra ở Trung tâm Kiểm soát không lưu để lại trong lòng xã hội một hoài nghi dai dẳng? Lỗi tại ai, cái gì? Con người hay kỹ thuật? Sự kém cỏi, vô trách nhiệm hay có bàn tay phá hoại bên ngoài?

Mặc dù trên thế giới, ở một số sân bay như Burbank (bang Nam California- Mỹ), sân bay quốc tế Soekarno- Hatta (đảo Java- Indonesia), sân bay quốc tế Indira Gandi (Ấn độ), và mới đây nhất, ngày 14/11 tại sân bay Bogota (cửa ngõ chính của Colombia), cũng từng xảy ra những sự cố nguy hiếm- mất điện trong lĩnh vực kiểm soát không lưu. Nhưng với nước Việt, sự cố khá hy hữu này ngay lập tức đã khiến các hãng thông tấn nước ngoài- Tân Hoa Xã, AFP và Channel News Asia (Singapore) đưa tin với nhận xét “nghiêm trọng chưa từng có”

Rồi xã hội cũng có câu trả lời từ Tổng Công ty Quản lý bay VN. Đó là nguyên nhân sự cố do kíp trực, mà đích danh là kíp trưởng Lê Trí Tình, đã thao tác sai về kỹ thuật, gây nên sập hệ thống.

Hệt câu thành ngữ dân gian hiện đại lâu nay được tổng kết: Lỗi cậu đánh máy. Còn ở sự cố nghiêm trọng này: Lỗi cậu kíp trưởng!

Ngược lại, ý kiến của TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM, ý kiến của TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật HK (ĐH Bách khoa t/p HCM) lại đều có chung một nhận định: Vụ việc vừa qua không phải là sự cố kỹ thuật đơn thuần, trái lại "rất khó hiểu". TS Nguyễn Thiện Tống còn đặt ra nghi vấn có thể có kẻ phá hoại.

Bởi theo cả hai ông, nguồn điện thứ nhất bị sự cố, thì nguồn thứ hai lập tức hoạt động. Nếu cả 02 nguồn đều mất điện, thì nguồn thứ 03 là động cơ diezen sẽ lập tức hoạt động. Nguồn thứ 04 là hệ thống tích điện UPS. Khi hệ thống mất điện đột ngột, UPS tự động chuyển sang chế độ cung cấp điện, đảm bảo hoạt động trong một thời gian. Nếu đã sử dụng đến UPS cũng có nghĩa là cả 03 nguồn kia đã bị hỏng. Nếu tính cả UPS thì cả 04 nguồn cung cấp điện đều gặp sự cố. Hiện tượng đó chưa bao giờ có thể xảy ra kể cả trên thực tế hay lý thuyết. Càng kỳ lạ hơn, việc mất điện vừa qua xử lý rất đơn giản nhưng không hiểu sao phải mất hơn 01 giờ đồng hồ (TPO ngày 23/11).

Đến thời điểm này, sự nghi vấn “rất khó hiểu, vô lý” của các chuyên gia kỹ thuật dần dà có vẻ như đã được giải mã, mặc dù cách nhìn nhận, giải thích sự cố còn có những điểm chưa chịu nhau giữa các chuyên gia với ý kiến Tổng CT Quản lý bay VN. Khi  ông Đinh Việt Thắng, Tổng GĐ Tổng CT này báo cáo tại cuộc họp Bộ GTVT sáng 24/11 khẳng định, do lỗi chủ quan của con người.

Vì về nguyên lý, khi sự cố xảy ra, các nhân viên tiến hành cần đóng lại điện lưới, nhưng trong quá trình này, vị kíp trưởng lại có một tác động can thiệp sai vào UPS khiến UPS nhảy ngược lại, hệ thống lại tiếp tục mất điện. Tức là, thay cho việc đơn giản đóng lại điện lưới thì ông kíp trưởng lại… sửa UPS.

Nếu đây là cách giải thích khoa học căn cứ trên kết luận chuẩn xác của cơ quan chức năng, thì hẳn sự nghi ngờ của các chuyên gia, nghi ngờ của dư luận xã hội trở thành bất ngờ. Bởi không thể hình dung vụ việc lại khôi hài và nguy hiểm đến vậy, ở một Trung tâm Kiểm soát không lưu máy bay, nắm trong tay sinh mạng hàng ngàn, hàng vạn con người đang bay trên trời (?)

Mặc dù hiện nay, các phương án xử lý nhân viên kém năng lực, các quan chức có trách nhiệm liên đới xung quanh vụ việc này cũng đã được thông tin trên truyền thông, có điều dường như ít ai để ý đến những điều đó. Mà dư luận xã hội lại tập trung hơn cho cái gốc của sự cố nghiêm trọng đang lộ ra, theo kiểu em tệ hại dần lên trong mắt anh.

Cái sự tệ hại đó không thể giấu đi đâu được trong con mắt nhân gian. Đó là có tới “40% nhân viên không lưu thiếu chuẩn…” đăng trên VietNamNet (ngày 25/11).

Theo bài báo, “thống kê của Cục Hàng không VN, được chính Cục trưởng Lại Xuân Thanh xác nhận, hiện nay 40% kiểm soát viên năng lực trung bình yếu”.

Vì sao, có tới 40% nhân viên không lưu năng lực yếu đến vậy, mà vẫn lọt qua cái cửa tuyển dụng sàng lọc nổi tiếng khe khắt của ngành HK? Trong số đó, có bao nhiêu người thuộc thành phần COCC (con ông cháu cha)? Khi mà bài báo trên đã chỉ rõ, trong vụ việc 02 máy bay quân sự- dân sự suýt va đầu vào nhau, thì có 04 kiểm soát viên chính là con cháu lãnh đạo Công ty quản lý bay miền Nam!

Vì sao, vụ việc chỉ cần xử lý một thao tác kỹ thuật đơn thuần, không cần đòi hỏi trình độ quá cao, mà một kíp nhân viên kỹ thuật, trong đó, đứng đầu là một kíp trưởng lại có thể làm ngược quy trình, thao tác sửa chữa đến nỗi suýt gây họa lớn?

Đặt trong bối cảnh, từ lâu dân gian nước Việt thời hiện đại đã có “thành ngữ” mới: Tiền tệ, quan hệ, trí tuệ…, trong đó, tiền tệ hàng đầu, quan hệ hàng hai, thì không biết vụ việc này có…họ hàng thân thiết gì với cái thành ngữ mới không?

Lỗi tại cậu “kíp trưởng” hay “lỗi hệ thống”  đã tạo ra con số 40% nhân viên không lưu kém cỏi nói trên?

                               ******************************

II- Có một sự trùng hợp vô tình ngược nhau mà thành thú vị.

Trong tuần, dư luận xã hội, các ĐBQH cũng xôn xao bàn luận về một con số “đẹp như mơ” mà Bộ trưởng Nội vụ đưa ra trước nghị trường. Theo báo cáo này thì tổng hợp của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cho thấy có 34, 33% cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 58,08% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 4,94% hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực còn hạn chế; và chỉ có 0,46% không hoàn thành nhiệm vụ.

{keywords}
Đây là một trong 20 quốc gia đáng sống nhất trên thế giới?

Cũng theo báo cáo, có 23 bộ, ngành, địa phương thống kê không có công chức nào bị đánh giá, phân loại không hoàn thành nhiệm vụ; 07 bộ, ngành, địa phương không có viên chức nào bị đánh giá, phân loại không hoàn thành nhiệm vụ (Đất Việt, ngày 20/11).

Nếu vậy, quả là “phúc ấm” cho dân tộc với một hệ thống công chức, viên chức toàn tâm, toàn trí, mẫn cán cao độ!

Thế nhưng, cũng giống như danh hiệu VN thuộc top 20 quốc gia đáng sống nhất trên thế giới, những chỉ số “phúc ấm” đó khiến cho các ĐBQH ngay ở trong nghị trường đã… giãy nảy, nỏ tin!

Còn theo người viết bài này, ít nhất có 23 bộ, ngành, địa phương đang mắc “hội chứng” trong GD. Hội chứng này có tên gọi văn hoa- bệnh thành tích.

Bởi nếu cứ “chiếu’ giữa tỷ lệ % cao chót vót, toàn hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thì nên hiểu thế nào đây về thực trạng phát triển kinh tế- xã hội nước Việt và những thách thức cam go trên hành trình hội nhập hiện đại.

Đó là quy mô dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới, nhưng kinh tế VN lại xếp tận thứ 42/ 177 nền kinh tế, do WB công bố tháng 7/2013, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, đó là quá yếu kém. Theo bảng xếp hạng này, khu vực Đông Nam Á, nước có xếp hạng cao nhất là Indonesia (16) với hơn 1.223 tỷ USD. Theo sau là Thái Lan (21) với hơn 655 tỷ USD, Malaysia (26), Philippines (29) và Singapore (39) (Đất Việt, ngày 19/7/2013)

Trong khi bẫy thu nhập trung bình vẫn tiếp tục giăng ra, nợ công, nợ xấu đều đứng ở mức báo động, theo TS Alan Phan, một doanh nhân nổi tiếng làm việc tại Mỹ và TQ thì các chỉ số khác cũng không lấy gì làm ...kiêu hãnh.

Đó là về GD, VN đứng hàng 121/187 quốc gia. Về bằng sáng chế, đứng hàng 108/130. Về ô nhiễm, đứng ở vị trí 102/124. Về tham nhũng, đứng hàng 116/177 (có nghĩa là thuộc 1/4 quốc gia cuối bảng). Về chỉ số phát triển xã hội, đứng hàng 72/76. Về y tế, đứng hàng 160/ 190, trong nhóm quốc gia có tổ chức y tế tệ nhất.

Mặt khác, tuy thu nhập quốc gia của VN đứng hàng 57/193, VN lại đứng hàng 123/182 quốc gia tính theo thu nhập bình quân đầu người, vẫn đứng trong nhóm 1/3 quốc gia cuối bảng có thu nhập đầu người thấp nhất.

Hoặc nếu tỷ lệ hơn 99% là con số thực chất, chứng tỏ năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của người VN quá thấp, hoặc có vấn đề.

Dù vậy, khó có thể chê trách Bộ Nội vụ, vì bộ này chỉ làm nhiệm vụ tổng hợp các số liệu của các bộ, ngành, địa phương. Có điều, những số liệu đẹp bất ngờ lại không làm "đẹp" lòng nghị trường và cả xã hội, bởi nó bộc lộ ra những nhược điểm sau:

Bản thân bộ tiêu chí cũ mà Bộ Nội vụ xây dựng để các bộ, ngành, địa phương dựa vào đó làm thước đo đánh giá chất lượng công chức, viên chức đã tỏ ra không còn phù hợp với thời cuộc mới. Nó chỉ thể hiện một thứ tư duy lối mòn xưa cũ, không thể là một bộ công cụ làm thước đo khoa học, bản chất trong việc đánh giá công chức, viên chức thời kinh tế thị trường, gắn với những thang bậc giá trị mới, dưới cái nhìn của tư duy mới.

Dựa trên cái thước đo cũ kỹ đó, các bộ, ngành, địa phương không chỉ mắc hội chứng bệnh thành tích, mà còn mắc cả bệnh của thầy bói mù sờ voi. Bởi cho dù có được những con số tổng hợp mỹ mãn, các bộ cũng vẫn không tường minh được bộ máy, đội ngũ công chức, viên chức của mình tốt xấu hay dở ở những điểm nào, vì nó rất chung chung. Và như thế, rất khó góp phần hữu ích cho công cuộc cải cách hành chính mà Bộ Nội vụ cần triển khai.

Nói như ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ): Nếu có tới 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ thì Bộ Nội vụ không cần phải thực hiện cải cách thủ tục hành chính nữa!

Mặt khác, cũng phải thấy danh hiệu thi đua, như mặt bên kia của tấm huân chương, có tác động không nhỏ vào động cơ đánh giá, sự trung thực trong đánh giá. Vì thế, nếu không tỉnh táo, cẩn thận, thi đua vô tình trở thành… "chất xúc tác" của những cách đánh giá bề nổi, hình thức, và thậm chí là dối trá.

Đánh giá con người- cán bộ, công chức, viên chức- là một việc cực kỳ quan trọng và cần thiết cho công cuộc CCHC, cho việc cải thiện và thúc đẩy bộ máy dịch vụ, hành chính công các bộ, ngành, địa phương. Thế nhưng, nếu không có một bộ tiêu chí với kỹ thuật đánh giá con người một cách sát thực nhất, nếu vẫn với những cách đánh giá hình thức, bề nổi của một thời xã hội vận động theo các phong trào kiểu đầu voi đuôi chuột thì rồi các địa phương vẫn giống như thầy bói mù sờ voi.

Rút cục, CCHC vẫn còn … e lệ nép vào cũ xưa.

Và câu chuyện lỗi cậu kíp trưởng kém cỏi, chuyện 40% COCC hẳn không phải là chuyện riêng biệt của ngành hàng không nước Việt nữa.

Kỳ Duyên