Đừng chờ đến lúc trống dong cờ mở, có người cảm ơn, có người tặng hoa, quay phim, chụp ảnh,... mới lên sân khấu để tặng quà, sao cho toàn dân thiên hạ biết mình là người tốt.

Cho không phải là dễ và nhận không phải là khó. Chúng ta thấy có những người tuy nghèo vẫn vá xe miễn phí, cắt tóc, sửa giầy dép miễn phí cho người nghèo khác. Lại có người giầu thấy ăn mày sắp đến thì bảo con ra đóng cổng!

Có những người lừa lọc cả thiên hạ: đổ bê tông cốt tre, xây gạch ống làm trụ cầu treo, vớt mỡ nổi ở cống rãnh để chế thành dầu ăn,... nhưng có khi lại bỏ ra vài trăm triệu làm công đức xây đền, xây chùa. Lại có những cháu nhịn ăn sáng để dành tiền thả vào chiếc nón rách của bà ăn mày đầu ngõ....

Nếu bình tâm mà ngẫm nghĩ, thì từ lúc sinh ra đến nay chủ yếu là ta nhận mà đã cho được mấy: Giọt sữa nuôi ta lớn lên là của Mẹ chắt lọc từ máu thịt của Người. Quần áo ta mặc, đồ chơi, sách vở là mua từ đồng tiền mồ hôi xương máu vất vả sớm hôm của Cha. Miếng cơm ta ăn là từ hạt lúa một nắng hai sương của người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời...

Miếng thịt ta gắp là từ biết bao rau bèo, cám tấm,... vất vả đêm hôm mà thành. Con cá ta kho nếu chẳng phải của người thức khuya dậy sớm lặn hụp trên sông, ngoài đồng, thì ắt là của người chân lấm tay bùn, be bờ đắp đập, nuôi con cá từ lúc mới bằng hạt tấm, mà chỉ cần một đêm trở trời, một cơn giông bão... thì biết bao vốn liếng, công lênh mấy tháng trời sẽ trôi theo dòng nước.

Rồi lớn lên, nụ hôn đầu ngọt ngào say đắm là của người yêu trao tặng, đứa con xinh xắn kia cũng phải nhờ bạn đời mới có được. Bạn bè giúp đỡ cho ta, vợ con là hậu phương vững chắc cho ta, một mình ta chắc chắn chẳng thể được như bây giờ.

Lại khi thong thả ngồi giở cuốn sách, chắc cũng biết mỗi chữ, mỗi câu là gan ruột của người xưa gửi lại cho ta...

Nếu ta may mắn hơn người thì hãy biết cho đi, biết san sẻ. Ta chỉ giàu có qua những gì ta cho đi, và không nghèo hơn mỗi khi ta chia sẻ cùng người.

Lịch sử xưa nay, biết bao vĩ nhân "cho" hết thân mình vì người khác. Nào Đức Chúa Jesus Christ chịu đóng đanh câu rút để chuộc tội lỗi cho loài người, hay thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm xa rời cuộc sống vương giả để tìm đường giải thoát cho mọi khổ đau của nhân loại... Lịch sử cận đại ta cũng thấy biết bao tấm gương xả thân vì người khác như Bác Hồ của chúng ta, Mẹ Teresa, Thánh sư Rabindranath Tagore,...

Nhưng ngay trong đời thường, sự "cho" của bao con người nhỏ bé, bình dị hàng ngày như từng viên gạch tạo dựng sự tử tế, lòng nhân ái. Người tình nguyện nhặt đinh trên xa lộ, người bỏ tâm sức, tiền bạc để đem lại bữa cơm 2.000 ấm lòng kẻ khó...

{keywords}
Những bữa cơm 2.000 đồng ấm lòng cả người nhận cũng như người "cho"

Hãy quan niệm cho là chia sẻ, không phải là ban phát, bố thí. Cho là trả lại những gì ta đã nhận được nơi quá khứ, là gửi cho bản thân ta dùng trong tương lai. Khi cho, xin đừng kể, đừng để tay trái biết tay phải cho ai, cho cái gì.

Đừng nghĩ, đừng đánh giá người này cho thế này là ít, người kia cho thế kia là nhiều. Khi chia sẻ thì hai ba ngàn của một lần bơm xe miễn phí cũng giá trị không kém hơn vài trăm triệu của ai đó mang sửa chùa, tô tượng.

Đừng nghĩ cho là mất. Ta cho cái này, sẽ nhận được cái kia, cho ở nơi này sẽ nhận được ở nơi khác, cho người này, sẽ được nhận lại từ người khác.

Tuy nhiên, cho phải đúng người, đúng thời điểm và đúng thứ cần thiết. Đừng tặng lược cho người hói, đừng để người ta phải van xin cầu khẩn rồi mới rón tay làm phúc, đừng để người ta chết rồi mới mang tiền đến phúng viếng, và đừng mang thơ tình tặng cho người đang đói lả.

Cho khi được hỏi cũng tốt, nhưng còn tốt hơn nhiều khi cho mà không cần được hỏi, chỉ cảm thầy người ta cần mà cho, không cần được biết đến hay trả ơn.

Hãy chia sẻ với người cần nhất, thứ người ta cần nhất, vào lúc cần nhất. Đừng chờ đến lúc trống dong cờ mở, có người cảm ơn, có người tặng hoa, quay phim, chụp ảnh,... mới lên sân khấu để tặng quà, sao cho toàn dân thiên hạ biết mình là người tốt.

Nhận cũng vậy, đừng nghĩ thứ mình nhận được là của trên trời rơi xuống, đừng tự biến mình thành kẻ ăn mày, đừng để cái trào lưu chạy hộ nghèo, chạy tiêu chuẩn miền núi, vùng sâu vùng xa,... đè bẹp dí mình xuống thành con sâu cái kiến.

Nhận cũng phải có tư cách, tư thế. Hãy coi nhận là vay, là tạm ứng. Nếu chỉ biết nhận mà không biết ai là người cho, không có đến một hành động tri ân trả lại cho cộng đồng, thì chẳng mấy chốc ta sẽ thực sự trở thành một loài ký sinh, nghiễm nhiên coi nhiệm vụ của mọi người là phải nuôi dưỡng ta. Từ suy nghĩ đó đến việc đâm chết người phát cơm từ thiện chỉ vì chậm phát cho mình cách nhau có nửa bước chân thôi.

Cho và nhận là hai mặt của một đồng tiền, không thể tách rời. Hãy làm việc đó thật tự nhiên như thở hít khí trời, như ăn cơm, uống nước.

Mỗi người khi sinh ra vốn đã không bình đẳng, lớn lên số phận, hoàn cảnh lại thường chẳng được may mắn như nhau. Phía trên thấy bạt ngàn người hơn ta, nhưng phía dưới hãy còn vô số kẻ kém ta. Bởi vậy, xin chúng ta hãy biết sẻ chia, biết cho và biết nhận. Hãy cho, để được nhận. Hãy gõ cửa và cửa sẽ mở.

Có điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều, họ càng có nhiều. Họ càng sẻ chia của cải vật chất, họ càng giầu có hơn về tâm hồn.

Ở nơi mà chúng ta ai rồi cũng đến, quyền thế, tiền bạc, danh vọng chẳng có nghĩa lý gì vì chẳng dùng để làm gì. Chỉ có lòng tốt, sự chia sẻ, cảm thông là còn được ghi nhớ mãi bởi chỉ có những gì ta đã cho đi là còn ở lại trên thế gian này.

Hãy cho như trả và hãy nhận như vay!

Nguyễn Văn Tiến

Bài cùng tác giả:

Hãy để học trò thấy may mắn được học Thầy, Cô

Xin hãy tôn trọng sự sáng tạo. Xin hãy mở cửa cho chút hoài nghi len vào, bởi chính sự hoài nghi làm nên sự tiến bộ của thế gian này.