Lực lượng thủy đánh bộ mạnh dần lên của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên biển Đông, có thể là một lực đẩy quan trọng phía sau sự trỗi dậy của tác chiến thủy bộ tại Đông Nam Á.
>> Xem lại Kỳ 1: Cuộc đua sắm tàu chiến tại Đông Nam Á?
Ảnh hưởng từ ngoài khu vực?
Sự trỗi dậy của tác chiến thủy bộ tại Đông Nam Á có một phần ảnh hưởng từ những chương trình phát triển lực lượng thủy đánh bộ của các cường quốc ngoài khu vực. Ví dụ như Australia đang tiếp nhận hai chiếc tàu vận tải trực thăng nặng 26 nghìn tấn, mang tên Canberra. Nước này cũng có kế hoạch xây dựng Nhóm Chiến đấu Thủy đánh bộ trước năm 2016.
Hàn Quốc cũng có các kế hoạch tương tự vào năm 2013 nhằm sở hữu loại tàu đổ bộ lớn hơn những chiếc Dokdo hiện có. Thêm vào đó, Seoul cũng đã cho ra mắt chiếc tàu đổ bộ tự lắp ráp nặng 4,5 nghìn tấn, mang tên LST-II, vào tháng 9/2013. Nước này lên kế hoạch có thêm ba chiếc nữa trước năm 2018.
Nhật Bản hiện đang thiết lập lực lượng thủy quân lục chiến tinh nhuệ để thích ứng với nhu cầu quốc phòng linh hoạt, nhất là để đối phó với lo ngại an ninh tại các quần đảo xa phía nam, trong đó có Senkaku/Điếu Ngư. Kế hoạch này gồm việc thiết lập lực lượng kiểu thủy quân lục chiến Mỹ trước năm 2015, được trang bị xe cơ giới chiến đấu và xe vận tải MV-22 Osprey, cũng như một tàu đổ bộ cỡ lớn trước tháng 3/2019. Chiếc tàu này nhiều khả năng sẽ lớn hơn chiếc LPD loại Osumi hiện có.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã bắt đầu học hỏi những kĩ năng tác chiến thủy bộ thông qua những cuộc tập trận chung với Thủy quân Lục chiến Mỹ.
Đáng chú ý nhất có lẽ là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Lực lượng thủy quân lục chiến của PLA đang hiện đại hóa với khí tài đánh bộ và xe chiến đấu mới, hỗ trợ bởi hạm đội vận tải biển lớn và có năng lực hơn.
Tháng Tám năm ngoái, Bắc Kinh được cho là đã bắt đầu xây dựng chiếc tàu vận chuyển trực thăng Type-081đầu tiên, mà có thể giống với chiếc Mistral của Pháp.
Đáng ngại nhất là việc PLA gần đây đã chứng tỏ sức mạnh đổ bộ của mình trên biển Đông. Cụ thể là chiếc LPD Type-071 Yuzhao, nặng 17,6 nghìn tấn, thường được thấy xuất hiện cùng với các tàu chiến khác của lực lượng thủy đánh bộ PLA, trực thăng, và tàu đổ bộ ở vùng biển tranh chấp.
Malaysia đã có tập trận Malus Amphex với Mỹ. Ảnh: U.S. Marine Corps |
Trung Quốc và nhân tố biển Đông
Lực lượng thủy đánh bộ mạnh dần lên của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên biển Đông, có thể là một lực đẩy quan trọng phía sau sự trỗi dậy của tác chiến thủy bộ tại Đông Nam Á. Điều này đặc biệt đúng với Philippines và Việt Nam, và theo một phương diện nào đó đúng với Indonesia và Malaysia.
Chỉ vừa tháng trước, tướng Gregorio Pio Catapang, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, tuyên bố tái định hướng lực lượng thủy đánh bộ Philippines để phù hợp với bước chuyển từ an ninh nội địa sang bảo vệ quốc phòng, với trọng tâm đặt trên biển Đông.
Các tàu SSV, khi được giao vào năm 2016-2017, sẽ giúp quân đội nước này tiến tới những vùng tranh chấp xa trên biển Đông.
Còn Việt Nam đang xây dựng khả năng kiểm soát trên biển, trong một quá trình hiện đại hóa nghiêm túc.
Malaysia có ít tranh chấp trên biển Đông hơn. Vì thế, Kuala Lumpur tránh làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ, và vẫn giữ thái bộ nước đôi về hai trường hợp lực lượng hải quân PLA cắm cờ trên bãi James. Dù vậy, Malaysia không thể làm ngơ trước thách thức tiềm năng của Trung Quốc với đòi hỏi chủ quyền của quốc gia này ở Trường Sa.
Trong khi kế hoạch thiết lập lực lượng thủy đánh bộ theo mô hình Mỹ có thể xuất phát từ sự kiện Lahad Datu, không loại trừ khả năng kế hoạch này có nguyên do từ lo ngại trên biển Đông. Nhìn dưới góc độ này, tập trận Malus Amphex của nước này với Mỹ được coi như là một mũi tên trúng hai đích: chuẩn bị cho những đối đầu của Kuala Lumpur với cả phiến quân Sabah và vấn đề trên biển Đông.
Sự trỗi dậy của lực lượng thủy đánh bộ Indonesia có thể coi là một phần trong kế hoạch giải quyết khủng hoàng tiềm tàng trên vùng biển trong khu vực. Tháng Ba năm nay, tham mưu trưởng của quân đội Indonesia, tướng Moeldoko, thông báo kế hoạch tăng cường quốc phòng xung quanh quần đảo Natuna ở rìa phía nam biển Đông, nơi tàu đánh cá của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập.
Tướng Moeldoko cho rằng cần phải xem xét cẩn thận hơn biển Đông, và nói bất kì sự cố nào ở đây cũng có thể gây nguy hiểm cho Indonesia. Viên tướng này cũng cảnh báo "nếu có vấn đề gì tại nơi này, nó có thể sẽ lan truyền tới Indonesia".
Thậm chí dù Indonesia đã liên tục khẳng định là không phải một bên tranh chấp chủ quyền, Jakarta vẫn rất chú ý đến căng thẳng trong khu vực. Ngoài vấn đề biển Đông, việc tăng cường khả năng thủy đánh bộ của Indonesia có thể trực tiếp xuất phát từ người láng giềng Malaysia.
Kuala Lumpur được cho là đã vi phạm chủ quyền của Jakarta bằng việc lắp đặt một hải đăng ngoài bờ biển Tanjung Datu dọc biên giới Kalimantan-Sarawak vào tháng 5/2014. Sau sự cố này, Lực lượng Thủy đánh bộ Indonesia đã tham gia một chiến dịch diễn tập phối hợp có kí hiệu Garda Wibawa 14, nhằm tăng cường khả năng đối phó với động thái của Malaysia tại khu vực khối khí Ambalat đang tranh chấp trên biển Celebes.
Cần hợp tác và hiểu nhau hơn
Tàu đổ bộ thu hẹp sự khác biệt truyền thống trong việc phân biệt vũ khí sử dụng nhằm phòng vệ hay tấn công. Bản chất của tàu đổ bộ có chức năng kép: có thể dùng cho mục đích nhân đạo hoặc cho mục tiêu xâm chiếm lãnh thổ. Khi khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối chọi với thảm họa thiên nhiên nhiều hơn, sử dụng các phương tiện tác chiến thủy bộ này sẽ có lợi cho an ninh chung. Dưới góc nhìn này, các tàu đổ bộ là không thể thiếu với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, cũng do chức năng kép của nó, người ta có lý do để lo ngại trước ảnh hưởng địa chính trị của sự tăng cường khả năng tác chiến thủy bộ, đặc biệt là khi kết hợp nó với việc dùng hải quân và bộ binh. Điều này đúng với những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực, khi khả năng tác chiến của lực lượng thủy đánh bộ có thể tạo ra căng thẳng.
Để trung hòa vấn đề này, lực lượng thủy đánh bộ của các nước nên tham gia vào các cuộc tập trận chung, không chỉ nhằm tăng cường khả năng ứng phó thiên tai mà còn để xây dựng niềm tin.
Khắc Giang (theo The Diplomat)
Tác giả bài viết, Koh Swee Lean Collin, là học giả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, thuộc Trường S. Rajaratnam về Quốc tế Học, ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore.