Ở giữa những khác biệt, là những nhà hoạt động và những tổ chức phi lợi nhuận được sinh ra để "điền đầy" hay "xóa nhòa" những khoảng cách (có thể có) giữa chính phủ và người dân, giữa các cộng đồng, các nhóm người, hay thậm chí giữa các gia đình và cá nhân.

"Sông Mekong là một trong những con sông tuyệt vời nhất trên thế giới với chiều dài 4,909 km qua 6 nước. Sự màu mỡ của nó với những mực nước khác nhau theo mùa cũng như môi trường sống phong phú nó tạo ra dọc chiều dài tạo ra sự thịnh vượng cho một phần Châu Á, là môi trường sống cho hơn 60 triệu người trong lưu vực, và nó đang bị thách thức", Ông Ngwe Thein, Giám đốc tổ chức Khả năng Sáng tạo Xây dựng, Myanmar phát biểu tại tại Hội thảo Xây dựng cộng đồng dân sự vững mạnh ở tiểu vùng hạ lưu sông Mekong, tổ chức tại thành phố Khon Kaen, Thái Lan cuối tháng 11.

"Song song với các hoạt động của chính phủ, các tổ chức dân sự được tạo ra từ những nhóm thiện nguyện và các tổ chức xã hội, những nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường và xã hội nhằm tạo thêm những kênh thông tin và ngoại giao của các quốc gia, vì một mục đích chung cho sự phát triển khu vực và giải quyết xung đột" ông  Ngwe Thein nói. 

{keywords}
Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh CSNM

Trong cuộc hội thảo, các diễn giả cũng chia sẻ các câu chuyện cộng đồng và những nhóm, những tổ chức trong sự vận động xã hội, sự khác biệt, hòa hợp hay xung đột và các kinh nghiệm, bài học và giải phát phát triển của các nước trong vùng. Ở giữa những khác biệt đó, là những nhà hoạt động và những tổ chức phi lợi nhuận được sinh ra để "điền đầy" hay "xóa nhòa" những khoảng cách (có thể có) giữa chính phủ và người dân, giữa các cộng đồng, các nhóm người, hay thậm chí giữa các gia đình và cá nhân.

Câu chuyện của Thái Lan được biết đến như một ví dụ điển hình của sự vận động xã hội này. Tổ chức phi chính phủ đầu tiên được đăng ký chính thức tại Thái Lan là Quỹ tái thiết nông thôn Thái Lan, được thành lập năm 1967 dưới sự bảo trợ của Nhà vua Thái Lan, tổ chức này nhanh chóng có ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động phát triển tại các vùng nông thôn Thái Lan.

Đến cuối những năm 1980, nhiều tổ chức xã hội độc lập với Hoàng gia nổi lên. Hiệu quả hoạt động từ các tổ chức này khiến thái độ nhìn nhận từ Hoàng gia và chính quyền thay đổi, và tầm quan trọng của các tổ chức dân sự chính thức được công nhận và khuyến khích. Năm 1984, chính phủ Thái đưa ra những chính sách phát triển nông thôn lớn, trong đó có phần đóng góp quan trọng của các hiệp hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội phi lợi nhuận, phi chính phủ. Đến nay, Thái Lan là một trong những nước có nền kinh tế nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Lưu vực sông Mekong được coi là một trong những cộng đồng khu vực rộng lớn, và đặc biệt nhạy cảm về vị trí địa chính trị, kinh tế, môi trường và quan hệ khu vực. Rất nhiều cuộc thảo luận ở nhiều cấp về vấn đề hợp tác, phát triển và an ninh sông Mekong đã được tổ chức. Những kiến nghị, kiến giải từ các nhà khoa học, hoạch định chính sách, hoạt động xã hội và môi trường được xen giữa các quyết sách về chính trị, ngoại giao vì mục đích chung cho một khu vực ổn định và phát triển. Trong đó đóng góp của các tổ chức dân sự và phát triển cộng đồng được đánh giá là đặc biệt quan trọng.

{keywords}
Phiên chợ trên sông Cửu Long (Mekong), Việt Nam. Ảnh TP

Ông Kon Preap, Giám đốc điều hành Tổ chức Minh bạch Quốc tế Campuchia chia sẻ, tiểu vùng hạ lưu sông Mekong (Lower Mekong Subregion) gồm 5 nước (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) trải qua những thay đổi khác nhau về chính trị và lịch sử đã tạo ra những con đường phát triển và bối cảnh xã hội khác nhau.

Nhìn lại quá khứ, Campuchia từng phải chịu đựng sự khủng khiếp của Khmer Đỏ với hơn hai triệu người bị giết. Myanmar từng bỏ tù hàng nghìn nhà hoạt động chính trị. Thái Lan từng trải qua nhiều cuộc biểu tình và đảo chính, những thay đổi về xã hội, kinh tế ở Lào và Việt Nam...

"Cho dù những quốc gia đó có những trải nghiệm và chuyển đổi khác nhau, họ vẫn luôn chia sẻ những giá trị chung như tôn giáo (đạo Phật) và nhiều truyền thống khác. Cùng chia sẻ những biên giới, một con sông và một vùng văn hóa và địa lý, các quốc gia này dễ dàng tạo những ảnh hưởng về văn hóa, chính trị và kinh tế ở những mức độ nhất định. Họ thậm chí có những vấn đề chung như tệ nạn tham nhũng, vấn đề môi trường hay tội phạm. Đó là thách thức, cũng là cơ hội của các tổ chức dân sự, để đóng góp vào các giá trị chung, bên cạnh hoạt động của các chính phủ", ông Kon Preap nói.

Trong lịch sử, sông Mekong luôn là đề tài nóng trên các diễn đàn phát triển và an ninh quốc tế. Đặc biệt khi những đập thủy điện lớn được lên kế hoạch xây dựng. Trong vài thập niên gần đây, 12 đập thủy điện đã và đang được lên kế hoạch xây dựng trên sông này. Dự án được chú ý nhất gần đây là Don Sahong và Xayaburi tại Lào, nước trực tiếp bị ảnh hưởng từ hai dự án này sẽ là Việt Nam. Khi một đập thủy điện được xây dựng, không chỉ dòng nước thay đổi, mà toàn bộ môi trường sinh thái trong khu vực đó thay đối, kéo theo sự ảnh hưởng của hàng vạn người dân sinh sống dựa vào con sông, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh các kênh ngoại giao chính phủ, các kênh đối thoại nhân dân giữa các tổ chức môi trường, các hiệp hội kinh tế và các tổ chức quốc tế được tổ chức liên tiếp nhằm tìm ra hướng hợp tác tốt nhất.

"Thay đổi và phát triển ở khu vực sông Mekong đòi hỏi sự hợp tác và hiểu biết giữa các quốc gia và các tổ chức liên quốc gia. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển, mà còn góp phần trong công tác quản lý phát triển chung, hướng tới sự hợp tác tốt đẹp của mọi đối tượng trong khu vực", TS Buapun Promphakping, Giám đốc Trung tâm Quản lý tổ chức dân sự và phi lợi nhuận Thái Lan nói.

Hoàng Hường