Trên nhiều lĩnh vực, chúng ta có thể kể ra những sáng kiến thành công đáng được khích lệ. Nhưng trước hết chúng ta cần đối diện với hiện thực bằng tâm trí và cái nhìn rộng mở, suy xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra những nhận xét “trái với cảm nhận chung của xã hội”.

Gần đây, tôi đọc trên Vietnamnet một bài báo đăng ngày 3/11 1 đề cập sự phát triển nhanh chóng của giáo dục đại học Việt Nam, khởi đầu từ khi mở cửa một số đại học tư vào năm 1989 và khẳng định rằng hiện nay giảng viên “giỏi” ở Việt Nam có khả năng kiếm được thu nhập nhiều tới mức cho phép mức sống của họ cao hơn nhiều đồng nghiệp ở một số nước phát triển. Bài báo để lại ấn tượng rằng các giảng viên đại học “giỏi”, dù cho nội hàm của khái niệm này có là thế nào đi chăng nữa, đang có mức sống tốt, và vấn đề lương thấp của giới học thuật ngày nay đã thành chuyện quá khứ. Họ cho đây là dấu hiệu của sự tiến bộ và khẳng định nạn chảy máu chất xám từng rất trầm trọng trong thập niên chín mươi, nay có nhiều tín hiệu khả quan theo chiều ngược lại.

{keywords}
Ảnh: Văn Chung

Thật tuyệt vời phải không? Chúng ta bây giờ đã có thể yên tâm và thoải mái. Những lo phiền trước kia nay không còn nữa, và phát biểu gần đây của Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng trở nên lạc hậu: “Chừng nào chúng ta chưa quan tâm đến cuộc sống, thu nhập của những người làm khoa học, chưa mạnh dạn thay đổi nếp quản lý theo cơ chế cũ thì chừng đó chúng ta chưa thể có được sự phát triển đột biến trong KH&CN."2

Có lẽ các bạn bè của tôi là những người chưa đủ “giỏi” hoặc tôi đang sống nhầm chỗ nên chỉ biết những giáo sư, giảng viên, nghiên cứu viên, và sinh viên, mà vấn đề nghiêm trọng của họ là thu nhập thấp, không đủ để họ có thể dành toàn bộ thời gian và tâm sức cho công việc của mình. Họ phải dạy số giờ nhiều gấp đôi thời lượng mà một giảng viên thông thường có thể dạy một cách có chất lượng. Họ buộc phải bỏ thời gian vào những hoạt động kiếm thêm thu nhập gây ảnh hưởng tới nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu. Tôi được biết có rất nhiều sinh viên ra nước ngoài du học rồi không trở về vì không tìm thấy cơ hội việc làm đủ sức hấp dẫn ở trong nước.

Thông điệp mà bài báo đưa ra hoàn toàn trái ngược với thực tế. Thấy cây mà không thấy rừng, bài báo che đi sự thật bằng cách nhấn mạnh vào một số ví dụ thiếu tính đại diện cho tình hình chung ở Việt Nam. Tôi cảm thấy đưa ra một thông điệp như vậy là thiếu trách nhiệm, trong bối cảnh cải thiện chất lượng giáo dục đại học đang là vấn đề hết sức cấp bách mặc dù giáo dục đại học ở Việt Nam có một số điểm sáng mà bài báo đã nêu.

Thứ nhất, các đại học tư có lẽ đã thành công trong đào tạo những ngành như quản trị doanh nghiệp, tiếp thị, ngân hàng, quản lý, và những lĩnh vực tương tự khác mà lâu nay được coi là thời thượng không chỉ ở Việt Nam mà cả khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, các trường tư cũng đóng vai trò tích cực như là những trường nghề trong việc đào tạo các kỹ thuật viên. Nhưng nhìn chung, họ không thể thay thế vai trò của các đại học công lập trong đào tạo các ngành khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, y dược - những lĩnh vực được coi là sân chơi của trường công. Chỗ đứng nào nên dành cho các đại học tư là một vấn đề xã hội liên quan đến những câu hỏi quan trọng như đem lại cơ hội bình đẳng cho sinh viên, mức học phí, tuyển chọn giảng viên, giá trị bằng cấp, số lượng sinh viên được đào tạo trong các ngành khác nhau, đặc biệt là trong nhóm ngành dịch vụ, v.v. Tôi không phải là chuyên gia để bàn về những vấn đề trên, nhưng rõ ràng chúng ta sẽ phải trả lời các câu hỏi này khi phân tích nghiêm túc vai trò và thành công của các đại học tư trước khi bàn về thu nhập của giảng viên tại những trường này.

Thứ hai là về các trung tâm xuất sắc, đây là một sáng kiến đáng khích lệ ở khía cạnh chúng có thể trở thành những hạt giống cho sự tiến bộ trong tương lai và những giá trị của chúng có thể được nhân rộng. Việc Đại học Quốc gia TP HCM thành lập một đại học quốc tế rõ ràng là bước đi đúng hướng mà Hà Nội và các địa phương khác nên làm theo. Nhưng chúng ta cần xem xét kỹ những kinh nghiệm từ mô hình này để có thể triển khai các sáng kiến tương tự trong tương lai một cách hiệu quả nhất.

Các đại học được coi là xuất sắc, gồm một số trường liên kết với Đức, Pháp (Đại học KH&CN Hà Nội), hay về sau là với Nhật Bản và Mỹ, là những sáng kiến đáng trân trọng. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá thành tựu của những trường này bởi chúng chỉ mới được thành lập chưa lâu. Những đại học này đang phải đối diện với không ít thách thức không dễ vượt qua. Chẳng hạn, chúng đang bị xem là được ưu đãi không công bằng, khi được phép cấp bằng cử nhân chỉ sau ba năm đào tạo thay vì bốn hoặc năm năm như với ba trường đại học lớn về khoa học khác ở Hà Nội, và có khả năng được cấp bằng tiến sỹ mà không phải thực hiện nhiều bước như quy định hiện hành đối với các trường khác ở Việt Nam. Quan trọng hơn, các trường này cần phải tuyển dụng cán bộ người Việt không chỉ trong các phòng ban quản lý hành chính và hậu cần mà cả trong đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu. Hiện nay, Đại học KH&CN Hà Nội (USTH) không hề có giảng viên cơ hữu, chỉ có giảng viên tạm thời và đa số giảng viên có quốc tịch Pháp. Các giảng viên tạm thời người Việt được trả khoảng 30 USD/giờ, cao hơn đáng kể so với mức trả ở các đại học công lập Việt Nam, nhưng họ chỉ thường dạy một môn học mỗi năm, tương đương 30 giờ dạy, tức là thu nhập dưới 1.000 USD/năm, thấp hơn nhiều so với số liệu rất cao mà bài báo nêu trên đưa ra.

Chúng ta nên trả lương giảng viên ra sao là một vấn đề quan trọng. Nó đặt ra vấn đề về chất lượng giảng viên. Rõ ràng chúng ta nên trả lương cho những người dành thời gian ở nhà chuẩn bị giáo án - điều mà các giảng viên tốt thường làm - cao hơn so với những người đơn thuần chỉ đọc cho sinh viên chép những nội dung sẵn có trong sách giáo khoa. (hiện nay với những người dành thời gian ở nhà chuẩn bị giáo án, mức lương 30 USD/giờ tương đương với 15 USD/giờ dạy trên lớp, là con số chấp nhận được). Bên cạnh đó, cũng nên quan tâm tới cách thức đánh giá chất lượng giảng viên, hay vấn đề cấp bằng “habilitation” 3 như thông lệ chung ở nhiều nước trên thế giới.

Điều rất đáng quan tâm là phần nhiều thu nhập của các giảng viên được dẫn chứng trong bài báo đến từ các đề tài nghiên cứu, có thể từ Quỹ NAFOSTED hoặc các nguồn tài trợ dồi dào hơn. Các chính sách này đáng được hoan nghênh, là nhân tố quan trọng cho tiến bộ về giảng dạy và nghiên cứu ở Việt Nam. Nhưng như chúng ta đã biết, chúng cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực, ví dụ như khuyến khích các nhà khoa học đề xuất nhiều dự án tốn kém, gây lãng phí, hoặc khuyến khích họ đăng ký tên mình trên thật nhiều đề tài, dự án. Chúng ta lẽ ra nên hướng tới hình mẫu những vị giáo sư đã có đủ thu nhập từ lương của họ để dành hết thời gian và tâm sức cho nghiên cứu và giảng dạy, thay vì trở thành một người chuyên làm ăn và “giỏi” thu vén lợi ích riêng từ cơ chế, chính sách của nhà nước.

Cải thiện chất lượng đại học trong nước là một vấn đề quan trọng và dài hạn, và là một thách thức lớn. Nó cần sự quan tâm nghiêm túc từ những người có trách nhiệm để có thể đào tạo được một thế hệ người lao động mới có đủ năng lực trong mọi lĩnh vực mà đất nước đang cần để phát triển: những kỹ sư có khả năng vận hành nhà máy điện nguyên tử, thiết kế và chế tạo các thiết bị điện tử hiện đại; những kiến trúc sư có khả năng thiết kế môi trường đô thị cho tương lai; những bác sỹ phục vụ cho hạ tầng y tế thiết yếu của đất nước; những nhà khoa học có năng lực hiện đại hóa nông nghiệp và bảo vệ môi trường, v.v.

Trên nhiều lĩnh vực, chúng ta có thể kể ra những thành công đáng được khích lệ. Nhưng trước hết chúng ta cần đối diện với hiện thực bằng tâm trí và cái nhìn rộng mở, suy xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra những nhận xét “trái với nhận thức chung của xã hội” như cách viết của các tác giả bài báo. Chúng ta cần đánh giá sự tiến bộ dựa trên kết quả thu được. Hãy bỏ đi thói quen dành quá nhiều thời gian cho những bảng xếp hạng như Pisa, Thượng Hải, hay các nghiên cứu cùng loại với nghiên cứu của FPT được sử dụng trong bài báo, hoặc cố tình làm lệch lạc ý nghĩa thực chất của chúng. Chúng ta có những nhiệm vụ quan trọng hơn trước mắt để làm, và có những cách hiệu quả hơn để sử dụng chất xám và thời gian của mình.

Phạm Trần Lê dịch (Theo Tia sáng)

Tác giả: Pierre Darriulat