-"2014 là năm bất ổn, bất an và khó đoán định nhất từ trước đến nay. Cục diện không phải đa cực mà là… vô cực", các khách mời chia sẻ nhận định về toàn cảnh thế giới năm qua.

Nhà báo Thu Hà: Chào quí vị độc giả, chỉ mấy ngày nữa bước sang 2015. Theo thông lệ, Tuần Việt Nam mở chuyên mục nhìn lại các vấn đề chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hoá xã hội năm qua để từ đó định hướng, đề xuất các giải pháp cho năm mới.

Mở đầu chuyên mục, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ công an và Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao.

Mời độc giả xem clip dưới đây:

 Điểm nóng khu vực, tác động toàn cầu

Nhà báo Thu Hà: Xin chào hai vị khách mời, để nói  cô đọng nhất về tình hình thế giới 2014 thì các ông sẽ nhận định thế nào?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Tôi có thể bắt đầu bằng các chữ: BẤT ỔN – BẤT AN - BẤT ĐỊNH.

BÂT ỔN trên diện rộng ở nhiều khu vực và toàn thế giới; BẤT AN thể hiện ở những thách thức an ninh nhiều nơi,  cả an ninh truyền thống lẫn  phi truyền thống; còn BẤT ĐỊNH là toàn bộ thế giới đang đứng trước tương lai thiếu chắc chắn, chưa biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Có thể tóm lược 5 đặc trưng lớn mà nhìn vào đó sẽ thấy kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, chưa khi nào tình hình thế giới, tình hình khu vực lại có nhiều diễn biến bất ngờ, dồn dập như năm qua, thể hiện ở một số điểm sau:

Thứ nhất, hòa bình trên thế giới vẫn được duy trì nhưng là nền hòa bình lạnh.

Căng thẳng giữa các quốc gia chưa đến mức gây đảo lộn toàn bộ cục diện thế giới, trật tự khu vực, nhưng nền hòa bình đó  tương đối mong manh, xây dựng trên nền tảng thiếu vững chắc và sự nghi kỵ ngày càng tăng giữa một số nước lớn chủ chốt.

Thứ hai, năm qua chứng kiến sự chuyển dịch quan trọng trong quan hệ giữa các nước lớn, do căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ, Nga – EU và Trung – Nhật sau các cuộc khủng hoảng tại Ukraina và tranh chấp lãnh thổ tại Đông Bắc Á. Chúng ta thấy có sự chuyển dịch quan hệ, xích lại gần nhau giữa ba trung tâm Mỹ, EU và Nhật, giữa TQ và Nga ở cả quy mô lẫn mức độ mà chúng ta chưa từng chứng kiến trong 25 năm qua.

Chỉ  trong 1 năm đã có tới 10 cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và các nhà lãnh đạo TQ. Tuy không phải sự phân cực như thời Chiến tranh lạnh, nhưng rõ ràng đã có sự phân chia ảnh hưởng và tập hợp lực lượng mới.

Thứ ba, có nhiều cuộc xung đột, bất ổn ở nhiều khu vực khác nhau xảy ra gần như cùng lúc. Ví dụ ở Châu Âu, có khủng hoàng Crưm, khủng hoảng ở Đông Ukraina; ở Trung Đông, có sự trỗi dậy của Phong trào Nhà nước Hồi giáo (IS); đặc biệt ở khu vực Đông Á có nhiều điểm nóng, từ tình hình Bán đảo Triều Tiên, đến tranh chấp lãnh thổ, có dấu hiệu “tăng nhiệt” cùng lúc. Các điểm nóng tuy ở cấp độ khu vực, nhưng khả năng ảnh hưởng và tác động lại mang tính toàn cầu.

Thứ tư, kinh tế thế giới có một số điểm sáng vào nửa đầu năm, nhưng nửa cuối năm thì chỉ còn một điểm sáng tương đối rõ nét là Mỹ.

Nhìn chung, không có một trung tâm tăng trưởng đủ mạnh làm động lực để thúc đẩy nền kinh tế thế giới thoát khỏi khó khăn.

Trước đây, chúng ta thấy điểm sáng là các nước BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi. Nhưng năm nay hầu hết các nước này đều gặp khó khăn. Cuối  năm, đã xảy ra cuộc khủng hoảng giá dầu, giá mặt hàng chiến lược  đột ngột rơi thẳng đứng. Sự sụt giảm này tác động nhiều mặt.

Thứ năm, không chỉ các vấn đề an ninh truyền thống “tăng nhiệt”, mà các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng gây ra tác động toàn cầu trước nay chưa từng có, từ dịch bệnh đến tai nạn hàng không.  Như dịch Ebola chỉ xảy ra ở vùng Tây Phi, nhưng trong một thế giới có sự gắn kết và toàn cầu hóa cao độ như hiện nay nên tất cả các quốc gia đều có nguy cơ bị ảnh hưởng và tác động.

{keywords}
Hai khách mời tại tọa đàm tổng kết năm

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Xem lại dự báo của học giả cuối năm 2013, tôi thấy rằng, 90% dự báo về năm  nay là chệch. Kinh tế, chính trị sai, những đảo lộn xã hội cũng sai.

Năm nay xảy ra nhiều bất ngờ. Cuối 2013 không ai có thể dự đoán điểm nóng 2014 lại nằm ở giữa châu Âu, đó là Ukraina. Không ai nghĩ là có những sự kiện động trời ở Đông Á; cũng  không ai nghĩ đến sự xuất hiện IS… Tôi thống nhất với ý kiến của TS Hoàng Anh Tuấn rằng 2014 là năm bất ổn, bất an và khó đoán định nhất từ trước đến nay.

Tôi cho rằng thế giới này không phải hai cực, một cực hay đa cực mà tôi thiên về ý kiến là… vô cực.

Trong trạng thái chuyển động hỗn loạn, bất ngờ, có một hiện tượng đối ngoại nổi lên đó là những tập hợp lực lượng rất linh hoạt.

Như chúng ta thấy, đó là sự tập hợp lực lượng ở Ucraina khác với Syria; rồi sự tập hợp của quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân bị nghi ngờ ở Iran lại càng khác nữa. Sự tập hợp lực lượng trên Bán đảo Triều Tiên cũng khác; rồi các tập hợp lực lượng liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và Hoa Đông cũng khác nốt. Từ bức tranh chuyển động hỗn loạn, vô cực như vậy, vấn đề đặt ra cho các quốc gia trong ứng xử đối ngoại cũng phải linh hoạt.

Đối đầu Nga – Mỹ

Nhà báo Thu Hà: Hai vị khách mời vừa chỉ ra năm 2014 xảy ra  nhiều biến động. Song có lẽ cặp quan hệ của Nga với Mỹ và EU đáng chú ý hơn cả. Chủ yếu câu chuyện này xoay quanh vấn đề Crưm sát nhập vào Nga, và cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraina. Thưa thiếu tướng Lê Văn Cương, ông nhận định ra sao về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Khi nghiên cứu toàn bộ vấn đề nổi bật của năm nay là Crưm và Ukraina, tôi chú ý đến sự kiện QH  Ukraina bỏ phiếu phế truất Tổng thống Yanukovich ngày 22/2/2014. Theo Hiến pháp Ukraina lúc đó, Tổng thống chỉ bị phế truất khi có 75% ĐBQH đồng ý.

Tại cuộc họp sáng 22/12 chỉ có 72,8% ĐBQH đồng ý. Với tỷ lệ này, QH Ucaraina không thể phế truất tổng thống được. Vì thế, Điện Kremlin cho rằng, sự kiện đó là một cuộc đảo chính vi hiến. Chính điều này đã tạo bước ngoặt trong quan hệ Nga – Ukraina và Nga – phương Tây.

Trước đó, Ngày 21/11/2013 Tổng thống Ukraina khi đó là Yanukovich tuyên bố do tình hình phức tạp nên tạm thời  hoãn việc ký kết Hiệp định liên kết với Châu Âu. Sau đó có hàng loạt các cuộc biểu tình ở Kiev, rồi bạo loạn đẫm máu vào đêm ngày 18,19 và 20/2 tại Quảng trường Maidan. Để cứu vãn tình thế, chiều 21/2 Tổng thống Yanukovich có cuộc gặp với 6 tổ chức, đảng phái chính trị. Theo thỏa thuận ngày 21/2, ông Yanukovich đã trao toàn bộ quyền lực cho đảng đối lập, dừng đàn áp, cam kết 9 điểm chính quyền Kiev sẽ làm để lập lại trật tự theo bản hiếp pháp năm 2004, bầu chính quyền liên hợp dân tộc, tiến tới bầu cử sớm vào tháng 12/2014. Tiếc rằng 15 giờ đồng hồ sau tình hình thay đổi hoàn toàn theo hướng ngược lại như chúng ta đã biết.

{keywords}
Thiếu tướng Lê Văn Cương (trái)

Tôi cho rằng nếu thực hiện được thỏa thuận giữa các bên liên quan  từ trước đó thì lịch sử có lẽ đã không có việc sáp nhập Crưm vào Nga, hoặc chưa xảy ra. Nhưng cuộc đảo chính ngày 22/2 đã đẩy Putin và Nga vào chân tường. Về mặt logic, việc sát nhập Crum vào Nga có thể xem là hệ quả tất yếu của cuộc đảo chính ngày 22/12/2014. Tục ngữ có câu là “con giun xéo lắm cũng quằn” và đây là dân tộc Nga, còn Tổng thống Putin khi bị đẩy đến chân tường thì không còn cách xử lý nào khác.

Nhà báo Thu Hà: Theo các vị, vị thế của nước Nga trước và trong quá trình diễn ra khủng hoảng hiện nay như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thực chất đây là quan hệ Nga – Mỹ và việc sáp nhập Crưm là giọt nước tràn ly đẩy quan hệ Nga – Mỹ xuống vực, cận kề cuộc chiến tranh lạnh mới. 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu EU cùng với Hoa Kỳ và các nước NATO đã đồng tình, bao vây, cấm vận và trừng phạt Nga.

Bản thân việc trừng phạt Nga một mặt làm cho nền kinh tế Nga khó khăn, nhưng đó chỉ là bước đệm, mục đích sâu xa của Mỹ là đẩy Putin ra khỏi điện Kremlin. Tổng thống Putin cũng nhận thức được điều này. Hôm 4/12 vừa rồi, trong thông điệp Liên bang, lần đầu tiên Putin tuyên bố rằng người ta đang muốn can thiệp, làm thay đổi chế độ chính trị của Nga. Ông Putin cũng nói thẳng, trong lịch sử 1.000 năm nay chưa có một thế lực bên ngoài nào khuất phục được Nga và từ nay về sau sẽ không có thế lực nào khuất phục Nga được.

Đến độ này tôi cho rằng đối đầu Nga – Mỹ đang rất căng thẳng.

TS. Hoàng Anh Tuấn:  Cuối năm ngoái, tức trước khi xảy ra khủng hoảng, hay muộn hơn một chút là khi Nga tổ chức Đại hội Olympic Sochi mùa đông 2/2014, có thể nói vị thế của Nga khá vững chắc ở Châu Âu và trên thế giới về nhiều mặt. Nga là thành viên của G8, cường quốc đang trỗi dậy về kinh tế, có sức mạnh quốc phòng đứng hàng đầu thế giới, tích cực tham gia nhiều diễn đàn, giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu như cuộc chiến chống khủng bố, ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí, xây dựng các cấu trúc an ninh, cấu trúc kinh tế ở châu Âu và châu Á - Thái bình dương.

Vai trò vị thế của Nga khá lớn. Tổng thống Putin cũng tự tin về vị thế của mình. Nhưng từ khi diễn ra khủng hoảng, nó đã để lại không ít khó khăn cho Nga.

Nhà báo Thu Hà: Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn mà Putin và nước Nga đang đối mặt?

T.S. Hoàng Anh Tuấn: khi Nga bị cấm vận về kinh tế thương mại, đầu tư, các dòng vốn, từ các nước châu Âu, từ Mỹ đổ vào Nga cũng ít đi, và dòng tiền từ Nga cũng chảy ra bên ngoài, trong năm 2014 ước chừng khoảng 70 tỷ đô la, lớn gần gấp rưỡi so với con số của năm trước.

Đồng Rup Nga liên tục bị mất giá so với các đống tiền chủ chốt khác. Chỉ riêng năm 2014, do tác động của cấm vận, đồng Rup của Nga đã mất giá 40% so với đồng đô la; dự trữ ngoại tệ của Nga cũng sụt giảm, hiện chỉ còn khoảng xấp xỉ hơn 400 tỷ đô la.

Tác động thứ 2 là lệnh cấm vận này cũng làm cho vị thế chính trị của Nga trên trường quốc tế bị ảnh hưởng lớn. Trước đây Nga có vị thế là thành viên của G8, nhóm các nước CN phát triển nhất thế giới. Nhưng sau khủng hoảng, các nước trong G7 cũ đã đồng lòng khai trừ Nga ra khỏi G8 và điều này làm cho Nga mất đi vị thế trong việc giải quyết các vấn đề an ninh, kinh tế và chính trị toàn cầu.

 Ở  mức độ nào đó, ảnh hưởng của Nga hiện chủ yếu là ảnh hưởng của một cường quốc khu vực, tuy rằng Nga vẫn là cường quốc hạt nhân mạnh nhất thế giới, tương đương với Mỹ.

Tóm lại vị thế và ảnh hưởng của Nga bị suy giảm sau vụ khủng hoảng. Tôi đồng tình với Thiếu tướng Lê Văn Cương, đó là người Nga có tính tự cường rất cao.

Tuy nhiên, điều cần thấy là tuy Nga đang hết sức khó khăn, và các khó khăn hiện nay mới chỉ là bước đầu, vài năm tới khó khăn sẽ lớn hơn nhiều và tác động nhiều mặt cả ở trong nước lẫn vị thế của Nga ở châu Âu và trên thế giới.

TQ muốn đẩy Mỹ ra ngoài khu vực

Nhà báo Thu Hà: Trong một thế giới với nhiều biến động như vậy, có những mối quan hệ đang được xác lập rõ rệt, có những mối quan hệ đang trở nên lỏng lẻo. Có lẽ mối quan hệ Mỹ - Trung được xem là quan hệ chi phối rất mạnh đến cục diện chính trị thế giới, đến cấu trúc chính trị, an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thưa TS. Hoàng Anh Tuấn ông nhận định như thế nào về mối quan hệ giữa hai cường quốc này, đặc biệt trong bối cảnh TQ đang tìm mọi cách trỗi dậy?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Kể từ khi TQ tiến hành cải cách, mở cửa năm 1978 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của  nước này suốt 36 năm qua đạt tốc độc trung bình là 10%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và trong một thời gian dài chưa từng có trong lịch sử như vậy đã làm thay đổi vị thế của TQ, biến nước này từ một quốc gia đứng bên bờ vực sụp đổ cả về kinh tế, xã hội năm 1978 thành một cường quốc thế giới chỉ trong vòng 36 năm, nhờ vậy vị thế của TQ trên bàn cờ chính trị thế giới và khu vực cũng khác. Giờ đây TQ đang muốn trở thành trung tâm quyền lực của TG, cạnh tranh với trung tâm quyền lực  của Mỹ. Việc TQ đề nghị thiết lập mối quan hệ cường quốc kiểu mới cho thấy Trung Quốc muốn chứng tỏ vai trò và vị thế bình đẳng với Mỹ.

Mỹ cũng muốn xây dựng mối quan hệ mới với TQ. đó là mối quan hệ ổn định, hợp tác để xử lý các vấn đề mà 2 nước đều chung  lợi ích. Mỹ muốn cùng TQ xây dựng quan hệ tin cậy lẫn nhau để giải quyết các vấn đề ở Đông Á và trên phạm vi thế giới, hợp tác trên những vấn đề mà cả Mỹ và TQ có lợi ích chung. Tuy nhiên, Mỹ cũng lo ngại các đề nghị về xây dựng quan hệ cường quốc kiểu mới của TQ, về phân chia ảnh hưởng ở khu vực Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương có thể khiến ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Á giảm đi, tiến tới việc TQ sẽ “đẩy” Mỹ ra khỏi khu vực này.

{keywords}
TS Hoàng Anh Tuấn

Mỹ cũng thấy rằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoài quan hệ với TQ thì Mỹ còn có những mối quan hệ quan trọng khác với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, Thái Lan; quan hệ với các đối tác và bạn bè trong khu vực. Mỹ luôn cho rằng mối quan hệ của Mỹ với các đối tác này cũng quan trọng không kém gì quan hệ Mỹ - Trung.

Mặt khác, người Mỹ cũng thấy những giới hạn trong mối quan hệ Trung – Mỹ. Đó là, giữa hai nước có những vấn đề không thể thỏa hiệp được, chẳng hạn như sự khác biệt trong xây dựng cấu trúc khu vực; vấn đề an ninh, an toàn hàng hải; xử lý các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực…

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi bổ sung thêm mấy ý. Sau ĐH 18 ĐCS TQ cuối 2012, ông Tập Cận Bình mới bắt đầu lên cầm quyền và mới hiểu rõ quyền lực của TQ.

Còn với Obama, 2013 là năm đầu của nhiệm kỳ 2. Hai con người mới bắt đầu cho nhiệm kỳ mới, nên có thể coi 2013 là năm tham dò quan hệ Trung - Mỹ, chưa ai làm gì mạnh tay. Trong cuộc gặp không chính thức đầu tiên giữa  Tập Cận Bình và ông Obama tại California đầu tháng 6/2013 thì ông Tập Cận Bình lăng xê quan điểm là TQ và Mỹ hợp tác để xây dựng mối quan hệ kiểu mới với 3 trụ cột là: Mỹ - Trung không đối đầu nhau; cùng hợp tác với nhau, cùng thắng; và hai bên không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Khi ông Tập đưa ra quan điểm này thì ông Obama tiếp nhận hết sức miễn cưỡng.

Nhưng từ cuối  2013 đến nay thì quan hệ Trung – Mỹ đã có nhiều trục trặc.

Nói công bằng, việc ngày 23/11/2013 TQ thiết lập khu vực nhận dạng phòng không trên khu vực Biển Hoa Đông, trùm lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang quản lý, trùm lên  2.300km2 hải phận của Hàn Quốc, việc này là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chưa dừng lại, TQ đòi máy bay nước ngoài bay qua vùng nhận dạng phòng không này phải khai báo nhân thân, bao nhiêu người, mục đích đi đâu, giữ liên lạc radio mặt đất thường xuyên với TQ. Tất cả những chuyện này cũng là vi phạm luật pháp quốc tế, trái với thông lệ quốc tế, không ai làm cái trò này cả. Việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông ngày 23/11 là bước thụt lùi của quan hệ Trung – Mỹ.

Vốn đã không tin nhau nên thêm hiện tượng, sự việc như vậy lại càng khiến TQ, Mỹ không tin nhau nữa. Tháng 4 vừa rồi khi ông Obama thăm Nhật, lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tuyên bố, Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Sekaku/Điếu ngư đài. Đây là tuyên bố thẳng thừng mà TQ rất khó chịu.

Năm nay, khi TQ kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam đã dấy lên phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế với TQ. Ngày 11/7 vừa rồi, lần đầu tiên Thượng viện Mỹ ra nghị quyết 412 yêu cầu TQ rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế này. Đầu tháng 12, Hạ nghị viện Mỹ ra Nghị quyết 714 về vấn đề biển Hoa Đông và biển Đông.

So với năm trước thì năm 2014 mối quan hệ Mỹ - Trung có vẻ căng thẳng hơn. Xu hướng căng thẳng ngày càng phát triển phù hợp với quy luật, bởi giữa một siêu cường đã xác lập hiện nay và một cường quốc đang nổi lên này có mâu thuẫn nhau ở tầng quan trọng nhất là mục đích chiến lược.

Mỹ không cho phép một quốc gia hay liên minh quốc gia nào tranh giành phần chi phối thế giới của Hoa Kỳ cả. Ngược lại TQ cho rằng tất cả những định chế quốc tế hiện nay từ Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức thương mại thế giới WTO đều do Mỹ và các nước G7 đặt ra

Xét về phương diện nào đó thì đòi hỏi của TQ cũng có lý. Toàn bộ các định chế quốc tế hiện nay quá chật chội, không phán ánh được công bằng, dân chủ cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Thực chất, đây là xung đột tầng sâu nhất về mục đích và lợi ích chiến lược, phản ánh trên bề mặt thông qua chuyện nhùng nhằng ở biển Hoa Đông, biển Đông.

Cũng trong năm nay TQ đã làm mếch lòng Mỹ hoàn toàn khi thiết lập Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng Châu Á có trụ sở ở Bắc Kinh. Trung Quốc chi tới 50 tỷ đô, tức 50% vốn điều lệ 100 tỷ đô la của ngân hàng này. Ý đồ sâu xa là cạnh tranh với Ngân hàng phát triển châu Á ADB. Ngoài ra, Trung Quốc còn nêu sáng kiến lập Ngân hàng phát triển mới của khối BRICS nữa. Hôm 01/11 vừa rồi, tại APEC, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cũng nói thẳng là vấn đề của châu Á hãy để cho người châu Á lo.

Không nói ra, nhưng ý đồ của TQ là đẩy Mỹ ra ngoài khu vực.

Nhà báo Thu Hà: Thực tế cuộc sống cho thấy, kinh tế là giá đỡ của tất cả vấn đề kể cả vấn đề an ninh, chính trị. Có phải người Mỹ đã nắm được thắt lưng của ông Putin? Có phải nước Nga đang gặp khó khăn chưa từng thấy khi giá dầu giảm sụt...

Những câu hỏi này sẽ được các vị khách mời chia sẻ trong kỳ 2. Mời quí vị đón xem.


  • Tuần Việt Nam - Ảnh: Lê Anh Dũng