Nhìn lại hàng loạt tượng đài danh nhân lịch sử đã dựng một cách ồ ạt tại các tỉnh, TP, sẽ dễ dàng nhận thấy quá giống nhau, không có không gian, thần sắc riêng.

Phía sau những "hiện tượng văn hóa kỳ dị"

LTS: Sau bài viết của tác giả Đào Dục Tú về kế hoạch HN sẽ xây mới 35 tượng đài, Tuần Việt Nam đã nhận được ý kiến của nhiều bạn đọc. Tôn trọng tính đa chiều, xin giới thiệu bài viết dưới đây của tác giả Hoài Hương.

Tư duy tượng đài hay tư duy bề nổi

Cả nước hiện có 400 tượng đài, riêng TP.Hà Nội có 34, và theo quy hoạch dự tính trong 5 năm tới Hà Nội sẽ  dựng các tượng đài ở 05 đô thị vệ tinh với 11 tượng đài ở đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, nguồn vốn 550 tỉ đồng.

Theo quan điểm của GĐ trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội Trần Gia Lượng (đơn vị tư vấn và xây dựng đề án 35 tượng): Số lượng tượng đài tại Hà Nội còn thiếu, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế và truyền thống văn hóa lịch sử của Thủ đô, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Vì thế phải xây thêm nhiều tượng đài cho xứng tầm.

{keywords}
Nhiều công trình tượng đài thiếu tư duy sáng tạo mới. Ảnh minh họa: laichau.gov.vn

Nhìn lại những công trình bề thế của Hà Nội trong đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, rất nhiều công trình theo kiểu “tư duy tượng đài” đã được xây để lập thành tích, nhưng rồi lễ qua đi, 1.000 năm ở lại trong lịch sử, trong bảo tàng, chỉ còn những công trình chỉ có vỏ chưa có ruột, những công trình chưa sử dụng đã thấy hư hỏng, nhiều công trình khác đóng cửa...

KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, hết sức thận trọng khi triển khai kế hoạch đưa tượng đài đến từng quận, huyện: "Người nào nêu quan điểm mỗi cửa ô phải có 1 tượng đài thì nên đưa người đó ra xem xét lại".

Đúng là cần phải xem xét lại “tư duy tượng đài” này. Thử hỏi trong các đề án quy hoạch đô thị của Hà Nội, bao gồm cả các quy hoạch đô thị vệ tinh, các quận, huyện…, có bản nào dành cho không gian tượng đài như một thành tố quan trọng, để ngay từ ban đầu đã có đất cho tượng đài.

“Tư duy tượng đài” là xây nhiều tượng đài cho có vị thế, nhưng không gian cho tượng đài thì rất chơi vơi, cứ theo như trong dự án, ngoài 05 đô thị vệ tinh có thể có những quảng trường, còn các quận, huyện khác thì tượng đài làm xong dựng ở đâu? Không thể mang vào công viên, hay đứng trước chợ hay ở một Nhà văn hóa nào.

GS sử học Phan Huy Lê từng khẳng định: Trên phạm vi cả nước, chưa có tượng đài nào thật sự thành công. Điều này dễ hiểu vì đây là loại hình nghệ thuật mới mẻ, VN chưa có truyền thống, chưa có kinh nghiệm và chuyên gia còn hiếm. Tuy nhiên, một yếu tố rất quan trọng - xử lý không gian đặt tượng đài - cũng có nhiều bất cập.

Tượng đài mà biết nói năng…

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương, từng lên tiếng: Hãy nhìn lại hàng loạt tượng đài danh nhân lịch sử đã dựng một cách ồ ạt tại các tỉnh, TP, sẽ dễ dàng nhận thấy quá giống nhau, không có không gian, thần sắc riêng. Tượng đài Trần Hưng Đạo nhang nhác tượng đài Quang Trung, Nguyễn Trãi hao hao Nguyễn Du...  Cứ như xu hướng hiện nay thì chúng ta thừa tượng đài chiến thắng, danh nhân có chất lượng,  ý tưởng và ngôn ngữ tượng đài không khác nhau là mấy, đặt chỗ nào, ghép vào cảnh quan nào cũng được nhưng không thấy có hồn.

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì rõ ràng hơn: Ở ta, tượng anh hùng dân tộc luôn trong tư thế đi, đầu đóng khăn búi tó, không tay phải thì tay trái nhất định phải cầm kiếm. Tượng lãnh đạo bao giờ cũng một tay buông thõng, tay kia đưa lên. Tượng công nhân thì tay giơ cao và ngực ưỡn ra phía trước. Tượng bà mẹ thì hoặc quàng khăn, hoặc cầm khăn, tay giơ cao. Tượng đài chiến thắng luôn có một người giơ súng ở giữa, bên cạnh là vài người khác. Tượng đài Thanh niên xung phong ở Cò Nòi - Sơn La hay Thanh Hóa, Hà Tĩnh… cũng đều có 3-4 nhân vật, tay giơ cuốc, tay giơ đèn hoặc cờ.

Cũng vì như thế mà lâu nay gần như không có tượng đài nào của VN được xem là công trình điêu khắc nghệ thuật có tầm đỉnh cao, như một tác phẩm nghệ thuật có dấu ấn phong cách, có sự sáng tạo trong nghệ thuật điêu khắc, có nội dung mang ý nghĩa vượt thời gian.

Thêm nữa là chất liệu, vật liệu chế tác tượng đài, ngoài những chuyện rút ruột xà xẻo tham ô, thì việc nghiên cứu chất liệu- vật liệu phù hợp với thời tiết và độ bền với thời gian cũng không làm nghiêm túc, kết quả tượng đài làm ra, chưa sống bao lâu đã thành “phế nhân”.

Vậy mà nay mai riêng Hà Nội lại thêm 35 tượng đài nữa, chưa biết là tượng gì, tác giả là ai, chất liệu thế nào… Tượng cũ không bảo quản, chăm sóc, liệu tượng mới số phận ra sao?

Giá như tượng đài mà biết nói năng…

Hoài Hương