-"Họ không nhìn nhận được cái tốt cho toàn cục, mà chỉ xem khi thấy ai thành công thì lại bắt đầu cay cú rồi tùy tiện bình luận, chỉ cốt thể hiện mình, không cần biết tốt hay xấu. Tôi ngạc nhiên khi trong đó có cả những người học vấn cao", họa sĩ Lý Trực Dũng, người từng dành nhiều giải thưởng biếm họa quốc tế, chia sẻ trong cuộc trò chuyện đầu năm mới cùng Tuần Việt Nam.

“Những anh hề dũng cảm”

Họa sĩ Lý Trực Dũng nói về nghề của mình: Biếm họa” là một kênh phản biện xã hội hiệu quả, được mọi người yêu thích. Không có bất kỳ hình thái xã hội nào được coi là hoàn chỉnh, và nó luôn phải được nỗ lực hoàn thiện vì một ngày mai tốt đẹp hơn. Tìm và phản ánh những khiếm khuyết đó chính là thiên chức của biếm họa.

Những người vẽ biếm họa ở Việt Nam thường chú trọng tới các đề tài dạng như thế nào?

- Những đối tượng tôi xem là đề tài đó là những biểu hiện trì trệ gây tác hại cho xã hội. Hoặc,  chống âm mưu chiến tranh, bành trướng hay tất cả những gì là rào cản cho phát triển xã hội: sự lạc hậu, tham nhũng, quan liêu, dối trá…

Trong cuộc chiến đấu tranh các biểu hiện tồn tại trong xã hội,  “họa sĩ biếm ” luôn là những người can trường hài hước tự ví mình như những anh hề dũng cảm dám đương đầu với đám đông, dám phản biện và đấu tranh cho sự tiến bộ.

{keywords}
Tranh biếm họa của họa sĩ Lý Trực Dũng

Ông không ngại mình sẽ gặp rắc rối vì chạm đến những đề tài nhạy cảm trong nghệ thuật?

May mắn là chưa bị rắc rối nào, bởi vì có Ban biên tập các báo đã lo hộ cho tôi rồi (cười). Thật ra, tôi đã bị hỏi câu này nhiều lần. Có nhiều người sau khi xem tranh biếm họa của tôi, nhất là tranh chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông đã hỏi tôi: “Thưa ông Dũng ông có sợ không?”. Tôi cười bảo các bạn hãy ra ngoài hỏi các chiến sĩ Trường Sa ấy. Câu trả lời của họ chắc không chỉ dành cho các bạn mà còn dành cả cho tôi.

Trong chiến tranh,  ‘biếm họa’ đã từng được đánh giá là một vũ khí đấu tranh sắc bén. Nhưng dần dà, như hiện nay, thể loại này đang dần thoái trào. Nguyên nhân vì đâu, thưa ông? Có phải những tài năng biếm họa đang dần vắng bóng?

Rất đơn giản: trong cuộc kháng chiến chúng ta có kẻ thù cụ thể và rõ ràng. Cứ thế mà chiến đấu với "địch" bằng các phương tiện khác nhau thôi, kể cả biếm họa.

Còn bây giờ khi chỉ còn chúng ta với nhau thôi, thì phải đấu tranh với cái xấu, cái ác ở chính trong mỗi con người. Điều đó cực kỳ gian nan và khó khăn gấp bội.

Có một số nhà báo từng hỏi tôi “thưa ông Dũng, ông có đồng ý với tôi đó là bây giờ biếm họa nó cứ bình bình, nhạt nhạt không?” Tôi trả lời “tôi xin hỏi lại một câu, thế còn báo chí thì sao".

Xin kể lại chuyện này, khi Trung Quốc gây hấn đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong lãnh địa VN, các họa sĩ biếm họa với trách nhiệm công dân của mình phải bảo vệ chủ quyền đất nước đã vẽ gần một trăm tranh biếm họa trưng bày tại triển lãm: “Biếm họa hướng về biển đảo” do Hội Mỹ thuật VN tổ chức ở Hà Nội, rồi ở Hải Phòng.

Ngạc nhiên nhất là các bức tranh từng gây ra nhiều băn khoăn nhất lại được hoan nghênh nhiều nhất, đặc biệt trên báo mạng. Câu chuyện nhỏ đó nói lên điều gì? Các họa sĩ biếm họa có kém bản lĩnh hay không?

Cười xòa, xong thôi

Họa sĩ biếm Nguyễn Quân từng đưa ra nhận xét: “chất người dân tộc của chúng ta đó là cười xòa và cười trừ”, ông nghĩ sao về nhận xét này?

 

- Vì người Việt rất hồn nhiên, vui vẻ và thích cười. Trong một bữa cơm hay một câu chuyện ngắn, người Việt nói ít nhất 2 – 3 chuyện cười hay tiếu lâm rồi cùng ‘cười xòa’ với tất cả mọi việc. Khi đọc một cuốn sách, họ cũng chỉ sướt lướt rồi cười xòa chứ ít khi chịu suy nghĩ. Cho nên, khi xem một bức tranh nếu ý nghĩa “biếm họa” sâu sắc một tí thì không được đón đợi bằng những bức tranh xem xong cười được ngay. 


Biếm họa hay thường không có lời hoặc rất ít lời, người xem cũng phải suy nghĩ để hiểu cái hay, cái thâm thúy. Xem tranh biếm họa cũng cũng là một câu chuyện văn hóa. Ví dụ ở Đức người ta dạy cho học sinh cách xem tranh biếm họa, những câu hỏi cần đặt ra cho một bức tranh biếm họa. Xem tranh biếm họa cũng cần phải học.

 

Tôi cũng xin nói luôn, Việt Nam là một trong những nước kém nhất về văn hóa đọc hiện nay.  Điều đáng buồn, nghe các thống kê đó, mọi người chỉ muốn cười xòa, nhạt và thế là sung sướng. Và hết, không đào bới tiếp nguyên nhân nữa.

{keywords}
Họa sĩ Lý Trực Dũng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhìn rộng ra, cái “văn hóa cười xòa” nó phản ánh kiểu tâm lý như thế nào?

 

- Xã hội nào cũng cần có những người biết nhìn nhận, phân tích, đánh giá xã hội của mình đang sống một cách công minh, khách quan, sâu sắc và bình tĩnh. Đó chính là những người có khả năng phản biện xã hội, thấy được cái chưa được, cái phải khắc phục, giúp cho xã hội tiến lên. Các họa sĩ biếm họa với thiên chức của mình cũng được xếp vào hàng ngũ này: trí thức. Theo tôi hiểu, trí thức không phụ thuộc và học vấn lớp bảy, lớp mười hay đại học, tiến sĩ mà phải dựa vào khả năng phản biện xã hội của họ.

 

Một xã hội sẽ giẫm chân tại chỗ, thậm chí tụt lùi, nếu cái gì cũng cười xòa khi xem biếm họa, cười xòa từ những chuyện đời thường đến vấn đề quốc kế dân sinh. Chỉ khi nào ta nhìn trực diện và nghiêm túc vào những khiếm khuyết chủ quan của chính chúng ta thì mới đưa ra được giải pháp giải quyết vấn đề tồn đọng, khắc phục được sự trì trệ để phát triển.

 

bao giờ mỗi người chúng ta tự hỏi: tại sao một đất nước Việt Nam có nhiều trí thức, nhiều giáo sư, tiến sĩ hơn cả mức cần thiết như thế lại chẳng có gì nổi bật về thành tựu khoa học hay kinh tế. Tại sao người ngoài thậm chí cho đến nay khi nhắc đến Việt Nam luôn gắn với ngay đến từ chiến tranh?

 

Chúng ta tự nói với nhau rằng: người Việt cần cù, chăm chỉ !Xin bạn thử nhìn sang các nước khác xem người nông dân của họ một ngày họ lao động bao nhiêu tiếng, đã quần quật làm việc quanh năm như thế nào? Mới thấy ai mới là những người cần cù, chăm chỉ.

 

Tôi luôn luôn kính phục những người làm quần quật,chăm chỉ không chỉ làm cho mình mà còn làm cho người khác và xã hội. Những người coi cống hiến, làm việc là vấn đề đạo đức xã hội. Nếu không  thẳng thắn tự nhìn nhận những vấn đề như thế, không bao giờ khá được.

 

Chỉ thông qua lao động mới biết ai hay cười xòa, tự sướng. Ai lao tâm khổ tứ để tồn tại và tiến lên.

{keywords}
Tranh: Lý Trực Dũng

Nhìn ngược lại, ngoài chuyện cười xòa cho xong, cho hòa cả làng, thì còn khía cạnh khác dẫn đến việc người Việt ít khi thành công hay tạo ra sản phẩm mang tính tập thể, đó là tinh thần khó hợp tác, khó tìm được điểm chung để thống nhất với nhau?

- Đó cũng là trạng thái phổ biến ở Việt Nam. Kiểu tư duy luôn nghe, học thuộc lòng, rồi nhặt lại không chịu suy nghĩ tìm cái sâu sắc để làm vốn riêng cho mình, để giúp ích cho xã hội hoặc là cho xã hội mới hơn, và phải biết tôn trọng những thành quả của người khác.

Ngược với hời hợt cười xòa, cái tệ không kém là luôn luôn bình luận và chê bai mọi người. Nên khi có cái gì thực sự sáng tạo, họ không thể đánh giá được và tệ hơn, thực sự nghiêm trọng, tệ hại vô cùng, là thói ghen ghét đố kỵ.


Chính vì thế, họ không nhìn nhận được cái tốt cho toàn cục, mà chỉ xem khi thấy ai thành công thì lại bắt đầu cay cú rồi tùy tiện bình luận, chỉ cốt thể hiện mình, không cần biết là tốt hay xấu. Tôi ngạc nhiên khi trong đó có cả những người học vấn cao.

{keywords}

Nếu chúng ta cứ làm như thế, con chúng ta cũng học theo như thế, rồi ra một lớp người cũng nhàn nhạt, lờ nhờ,  không thể làm được bất cứ việc gì ra hồn.

 

Trong xã hội cạnh tranh, nếu chúng ta không giỏi hơn thì thua thiệt là cái chắc và luôn trở thành kẻ bại trận. Nếu như chúng ta không nghiêm túc với cá nhân chúng ta, với thế hệ con em chúng ta sẽ dẫn đến kết quả như vậy.

  

Câu hỏi cuối cùng: một tác giả vẽ chân dung của ông, Lý Trực Dũng, bằng câu “gã nông phu trên cánh đồng cười”. Ông có thể  nói rõ hơn về gã “nông phu” nhọc nhằn này không?

 

‘Nông phu’ theo nghĩa tốt đẹp là rất chăm chỉ, cái chăm chỉ của người nông dân cày trên thửa ruộng của mình. Tên công ty kiến trúc của tôi là Buffalo, nghĩa là con trâu, chứ không dám đặt là  Rồng với Hổ.

 

Đơn giản con trâu Việt Nam rất chăm chỉ kéo cày, khiêm tốn cần mẫn với công việc của nó. Tôi chỉ là một ‘nông phu’ chăm chỉ đi cày cái đồng mênh mông.


Vậy thôi!

Hoa sĩ Lý Trực Dũng sinh năm 1946, ông tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Weimar - Đức năm 1973. Thời gian sống và học tập ở Đức.

Ông bén duyên với tranh biếm họa bắt đầu từ cuộc gặp định mệnh với họa sĩ biếm người Đức nổi tiếng là Klaus Vonderweth, người sau này đã giới thiệu ông với tòa soạn tạp chí châm biếm lừng danh của Đức là Eulenspiegel.

Các tác phẩm của Lý Trực Dũng được chọn đăng từ những tranh được giải tại cuộc thi tranh biếm họa quốc tế Habana, Cuba (International Biennale Exhibition of Habana Cuba) và các báo lớn khác như Die Welt, Magazin.

Ngoài vẽ biếm họa, ông còn viết tiểu luận, thuyết trình, sưu tầm và giới thiệu biếm họa quốc tế và lịch sử biếm họa thế giới. Ông là người đầu tiên nghiên cứu có hệ thống lịch sử biếm họa Việt Nam thông qua ấn phẩm BIẾM HỌA VIỆT NAM (Nhã Nam&NXB Mỹ thuật, 2011).

Lý Trực Dũng từng đoạt các giải thưởng: Giải biếm họa International Biennal of Humor, Cuba, 1983; Giải Biếm họa International Cartoon Festival Knokke-Heist, Bỉ, 1984; Giải Hội họa triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Việt Nam, 1990. Ông là người sáng lập Công ty kiến trúc Buffalo (Con trâu).

 

Hoàng Hường (Thực hiện)