Cuộc gặp gỡ của các nước xuất khẩu dầu mỏ Opec rất căng thẳng bởi một số nước khai thác dầu mỏ khốn đốn vì giá dầu giảm còn một số quốc gia khác lại được hưởng lợi. Sự xung đột lợi ích này ngày càng gay gắt hơn vì vấn đề ở đây là giành quyền thống trị thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Phiên họp toàn thể các nước thành viên Opec  diễn ra tại Viên, thảo luận về giá dầu ngày một giảm. Nội trong sáu tháng qua, giá một thùng dầu Brent giảm gần 30% chỉ còn ở mức 80 đôla Mỹ. Nếu các nước Opec giảm lượng dầu khai thác thi có thể chặn đà giảm của giá dầu. Tuy nhiên quyền lực của Opec không còn như xưa, nhất là trong bối cảnh bên cạnh một số quốc gia khốn đốn vì giá dầu hạ lại có rất nhiều quốc gia hưởng lợi.

Trước hết, giá dầu giảm sẽ tác động mạnh đến quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu giá dầu giảm 10% thì năng lực nền kinh tế thế giới tăng 0,2%. Nhiều doanh nghiệp và ngành công nghiệp “ăn theo” tình thế này, đầu tiên phải kể đến ngành công nghiệp hàng không.

Các hãng hàng không có thể mua nhiên liệu với giá cả thuận lợi, dù vẫn tính khoản bù giá cho nhiên liệu máy bay (Kerosene). Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí hoạt động vì vậy việc giá xăng dầu giảm tác động rõ rệt đến bảng cân đối.

Ngành vận tải biển, các ngành công nghiệp hóa chất, dược phẩm giờ đây có thể gặp nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, vận chuyển. Tuy nhiên các doanh nghiệp chuyên về các sản phẩm trung gian buộc phải giảm giá.

Venezuela hay Ảrập Xêút ?

Trong khi đó các nước khai thác dầu mỏ lại khốn đốn vì nguồn thu giảm, ví dụ như Venezuela. Là một trong những nước khai thác nhiều dầu mỏ nhất thế giới, Venezuela phụ thuộc nhiều vào nguồn vàng đen này và 95% nguồn thu ngoại tệ là nhờ vào dầu mỏ.

Vì vậy tổng thống Venezuela Nicolás Maduro muốn tạo một liên minh chống sự tụt giá dầu mỏ. Để thực hiện được điều này, ông muốn thu hút sự tham gia của cả các nước khai thác dầu nhưng không phải là thành viên Opec, trước tiên là Nga. Về cơ bản, điều này có ý nghĩa rất lớn vì nguồn thu của Nga cũng lệ thuộc vào dầu mỏ.  Tuy nhiên hai nước này lại phải đối diện với một đối thủ khổng lồ.

Nhưng Ảrập Xêút, quốc gia khai thác nhiều dầu mỏ nhất thuộc khối Opec, lại chủ trương để thị trường quyết định giá dầu như bấy lâu nay. Nhờ có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ nên quốc gia này có thể chịu được mức giá thấp trong một thời gian dài. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thật rõ ý đồ của Ảrập Xêút nhưng nhiều người cho rằng ở đây có những ý đồ chính trị.

Cuộc chiến tranh lạnh quanh dầu mỏ?

Một số nhà quan sát thậm chí cho rằng, đây là âm mưu giữa Ảtập Xêút và Hoa Kỳ chống lại nước Nga. Người ta đang nói về một cuộc chiến tranh lạnh xoay quanh dầu mỏ. “Phải chăng đây là điều mà tôi tưởng tượng hay là chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến tranh dầu mỏ toàn cầu giữa một bên là Hoa Kỳ và Ảrập Xêút còn bên kia là nước Nga và Iran?”, Thomas Friedman mới đây đã đề cập đến vấn đề này trên tờ New York Times. Người ta thấy, đặc biệt là Nga, nhiều dấu hiệu về âm mưu này. “Obama muốn Ảtập Xêút hủy hoại nền kinh tế Nga”, theo báo Nga. Một nhà quản lý dầu mỏ người Nga phát biểu trên tạp chí Tấm gương, rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà vào thời điểm này, giá dầu mỏ, thứ nhiên liệu quan trọng với nước Nga lại tụt giảm đến vậy.

Thế giới đang chứng kiến sự “trở mặt” đối với vàng đen: lượng tiêu thụ dầu mỏ ở các quốc gia công nghiệp ngày một giảm, nhu cầu của các nước mới nổi cũng không còn tăng vọt như trước. Điều gì đang diễn ra đằng sau sự trở mặt này?

Hiện tại, việc khai thác khí đốt từ đá phiến gây nhiều tranh cãi và được coi là tác nhân làm cho giá dầu mỏ giảm vì qua phương pháp Fracking (thủy lực cắt phá), nguồn cung dầu mỏ đã tăng lên rõ rệt. “Hoa kỳ sẽ soán ngôi đầu về dầu mỏ “, chuyên gia Amrita Sen thuộc hãng phân tích Energy Aspects nhận xét. Dĩ nhiên, Ảrập Xêút không muốn tự nguyện trao vai trò này cho Hoa kỳ.

Rất có thể Ả rập Xê út muốn kìm giá dầu để làm khó cho Mỹ trong vấn đề fracking. Vì giá mỗi thùng dầu càng thấp thì việc khai thác theo phương pháp Fracking vốn dĩ đã quá tốn kém sẽ không còn hấp dẫn nữa. “Thị trường cần có sự đầu tư lâu dài, mức giá 90 đôla một thùng là dấu hiệu đáng lo ngại”, nhà phân tích Sen nhận xét.

Giá dầu thấp không phải là hiện tượng nhất thời

Ngược lại nhiều nhà quan sát cho rằng giá dầu mỏ sẽ tiếp tục ở mức tương đối thấp và không lệ thuộc vào cuộc gặp của các thành viên tổ chức Opec. Cách đây ít tuần, một nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Hoa kỳ Goldman Sachs đã làm chấn động thị trường dầu mỏ. Công trình phân tích dày 21 trang này mang tên “Trật tự dầu mỏ mới”.

Điểm mấu chốt của nghiên cứu này là giá dầu mỏ sẽ tiếp tục giảm. Trong năm tới, giá dầu thô chuẩn WTI có thể tụt xuống mức dưới 75 đôla. Nguyên nhân là nền kinh tế thế giới vẫn bị chìm đắm trong dầu mỏ - kinh tế phục hồi yếu nên nhu cầu đối với dầu mỏ hạn chế trong khi nguồn cung lại quá lớn. Sức mạnh thị trường của các nước Opec bị tan vỡ do bùng nổ phương thức Fracking ở Hoa Kỳ.

Như vậy giá dầu có tăng hay không là vấn đề về thời gian nên Opec cần giảm mức khai thác. Nếu lượng khai thác vẫn ở mức cao thì giá có thể tiếp tục hạ, đến một lúc nào đó quy mô sử dụng phương pháp Fracking của Hoa Kỳ sẽ giảm vì vấn dề giá thành. Khi đó, giá dầu sẽ tăng lên do giảm được lượng cung dư thừa. Ngược lại, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, mức tiêu thụ dầu nhìn chung giảm rõ rệt. Điều đó có nghĩa là tương lai khá sáng sủa đối với người tiêu dùng cũng như dân lái xe ô tô.

Xuân Hoài/ Theo Tia sáng