- “Chúng ta đang có những tranh chấp trên biển Đông, và chúng ta kiên trì giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình. Muốn giải quyết được những vấn đề đó thì nội bộ đất nước phải ổn định, Nhân dân phải tin vào Đảng, Chính phủ”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ với VietNamNet.

Hướng đến hoà bình, nhưng không phải hoà bình suông

Thưa Thượng tướng, để bắt đầu câu chuyện này, đầu tiên, tôi muốn được cùng ông hồi tưởng về những thế hệ đầu tiên của QĐND Việt Nam: đó là 34 người lính đã tuyên thệ trong khu rừng Trần Hưng Đạo, thành lập nên đội VNTTGPQ cách đây 70 năm, với xuất phát điểm là 3 tổ vũ trang, khí tài quân sự gần như là con số 0, thế hệ đó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Sau 70 năm khi đất nước đã hoà bình, định hướng của QĐND Việt Nam có gì thay đổi?

{keywords}
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Đức Anh

Người VN ai cũng nhớ đến lời dạy của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Từ ngày đầu thành lập đến nay, QĐND Việt Nam luôn có nhiệm vụ xuyên suốt là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Ta đã trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài qua nhiều thập kỷ, phải trả bằng máu để đạt được mục tiêu tối thượng: Độc lập, tự do.

Hôm nay, dù trong thời bình, nhưng sứ mệnh, nhiệm vụ của QĐND Việt Nam về cơ bản không đổi. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp Quốc phòng – An ninh còn có những khía cạnh nặng nề hơn: vừa phải bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, ngăn chặn sự xâm hại đến lợi ích quốc gia dân tộc, nhưng cũng phải bảo vệ cho được nền hoà bình, để nhân dân không phải đổ máu, đất nước có thời gian và có cơ hội để phát triển.

Trong thời bình, nếu không quan tâm đến quốc phòng, nếu lơ là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thì sẽ đến lúc đất nước bị xâm hại. Nếu không chăm lo bảo vệ hoà bình, thì sẽ đến lúc nền hoà bình của đất nước bị uy hiếp.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn này được mở rộng hơn, đó là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ sự ổn định chính trị - an ninh xã hội và con đường đi lên CNXH, bảo vệ hoà bình, bảo vệ môi trường thuận lợi để phát triển đất nước và bảo vệ nhân dân. Nhiệm vụ đó không nằm ngoài những lời dạy của Bác Hồ 70 năm trước. Nhưng nó được cụ thể hoá trong giai đoạn thời bình.

Khi chúng ta có một nền quốc phòng mạnh, điều đó sẽ khiến mọi kẻ có ý định xâm phạm lãnh thổ buộc phải tính toán trong từng hành động. Ta phải chứng minh được là ta sẵn sàng và có khả năng đánh thắng nếu bị xâm lược.

Trong xây dựng quân đội hiện nay, chúng ta luôn nói chính sách quốc phòng của Việt Nam là hoà bình và tự vệ. Nghĩa là hướng đến hoà bình, nhưng không phải hoà bình suông. Nếu lợi ích bị xâm hại, chúng ta có quyền tự vệ và phải tự vệ, và chúng ta sẽ dồn hết sức mình để giành thắng lợi, bảo vệ hoà bình.

Suốt 70 năm qua, Quân đội VN luôn phải đối mặt với rất nhiều thế lực xâm lược, thù địch, khiến ta không một phút nào lơ là tinh thần cảnh giác. Trong hoàn cảnh đất nước hoà bình như hiện nay, có nên lo lắng về bản lĩnh của quân đội? Và các ông – những người lính, sẽ làm gì để luôn tự hoàn thiện mình, khi mà không còn những nguy cơ trực diện như trong quá khứ thường trực bên cạnh?

Ta đã từng phải đối mặt với những cường quốc lớn nhất thế giới trong lịch sử. Việc đối mặt với những kẻ thù quá mạnh như thế trong quá khứ đã khiến chúng ta phải tự vượt qua chính mình, tự vươn lên, phải nỗ lực bằng mấy trăm phần trăm sức lực.

Trong thời bình, có thể không có những kẻ thù trực diện như thế nữa, nhưng thách thức và nguy cơ thì luôn tồn tại, có thể là những nguy cơ tiềm ẩn trong một giai đoạn dài và cả những nguy cơ đã bùng phát. Quan trọng là chúng ta phải ngăn chặn sự bùng phát ấy.

Chúng ta cần nhận thức cho đúng, cho đủ những thách thức, nguy cơ đang hoặc sẽ uy hiếp đến nền Quốc phòng – An ninh hay là sự bền vững của đất nước. Chẳng hạn, thách thức về chủ quyền lãnh thổ, thách thức gặp phải trên con đường phát triển đất nước, hay những thách thức phi truyền thống, khi xã hội ngày càng phát triển, hội nhập.

Tuy nhiên, với chức năng của quân đội, thì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ đầu tiên, và là nhiệm vụ quan trọng nhất. Người lính, dù sống trong thời bình, vẫn luôn phải cảnh giác, để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng đó, vì nếu không có chủ quyền, không có lãnh thổ thì sẽ không có gì khác mà bảo vệ.

Chủ quyền lãnh thổ không những là chủ quyền bờ cõi quốc gia mà còn phải hiểu rộng ra thêm là chủ quyền về sự độc lập và tự chủ của đất nước. Việc giữ được chủ quyền, có được sự độc lập, tự chủ và khả năng tự lựa chọn và quyết định con đường đi của mình luôn là nhiệm vụ tối cao!

Muốn được tôn trọng, trước hết ta phải mạnh

Trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà có những quốc gia láng giềng, trở nên lớn mạnh nhanh chóng, đang tìm cách áp đặt luật chơi với Việt Nam theo ý họ, quân đội Việt Nam sẽ phải ứng phó thế nào để thực hiện được chính sách hoà bình và tự vệ mà chúng ta đã lựa chọn?

Việt Nam luôn ủng hộ sự lớn mạnh của các quốc gia, kể cả sự lớn mạnh về kinh tế, chính trị, quốc phòng hay bất cứ lĩnh vực nào. Nhưng chúng ta có hai điều kiện:

Thứ nhất, sự lớn mạnh đó không uy hiếp, không đe doạ an ninh, hoà bình, ổn định của nước khác.

Thứ hai, sự lớn mạnh đó không ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Cụ thể là, bất cứ quốc gia nào lớn mạnh đến đâu, cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế đặt ra là để ngăn chặn cách hành xử phi lý, dùng sức mạnh uy hiếp các nước khác.

Đồng thời họ phải tôn trọng, bình đẳng trong quan hệ với nước ta. Anh là nước lớn, tôi là nước nhỏ, nhưng anh phải tôn trọng tôi. Tôi với anh bình đẳng trên tư cách quốc gia. Cũng như ta vẫn thực hiện nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng với các quốc gia nhỏ hơn mình. Chỉ khi giải quyết các lợi ích quốc gia của mỗi bên trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lẫn nhau, các quốc gia mới có một mối quan hệ thực chất, tốt đẹp.

{keywords}

Nước ta vẫn thực hiện nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng với các quốc gia nhỏ hơn mình- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Đức Anh

 Hiện nay, có những động thái của một số quốc gia trong khu vực khiến chúng ta e ngại. Nhận thức được một cách kịp thời những nguy cơ đó và sớm giải quyết nó, bằng những biện pháp hoà bình, là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Chúng ta đấu tranh về ngoại giao, đấu tranh về kinh tế, đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế và cả đấu tranh bằng các mối quan hệ quốc phòng, đi đến giảm thiểu và ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột.

Nhưng với những quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như không thể hiện sự tôn trọng trong mối quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, thì chiến lược hoà bình, tự vệ của chúng ta liệu có phải điều chỉnh?

Chúng ta không thể yêu cầu một quốc gia khác “Anh phải tôn trọng tôi đi”! Khi anh muốn người khác tôn trọng anh, anh phải mạnh trước đã.

Mà mạnh trước hết chính là sự ổn định chính trị - kinh tế - xã hội. Một đất nước phải ổn định kinh tế, chính trị, xã hội; một đất nước mà không có những vấn đề nghiêm trọng bên trong nó; một đất nước mà người dân được hưởng cuộc sống tốt đẹp và ngày càng giàu có thì đó sẽ là một đất nước mạnh. Đó cũng là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sức mạnh quốc phòng – an ninh.

Chúng ta đang có những tranh chấp trên biển Đông, và chúng ta kiên trì giải quyết tranh chấp này bằng phương pháp hoà bình. Muốn giải quyết được những vấn đề đó thì nội bộ đất nước phải ổn định, Nhân dân phải tin vào Đảng, vào Chính phủ. Đó là cơ sở, là điều kiện cần. Còn giải quyết thế nào lại là chuyện khác và là một câu chuyện dài, cần nhiều thời gian và công sức.

Con người còn quan trọng hơn vũ khí

Vậy nếu chỉ nói về sự ổn định trong nội bộ đất nước, theo nhìn nhận của ông, tình hình nội bộ của đất nước ta có đạt được đến sự ổn định mà ông nói tới, để đảm bảo “điều kiện cần” cho sức mạnh của đất nước trong những tranh chấp lãnh thổ?

Phải thẳng thắn với nhau rằng, đất nước ta còn nhiều vấn đề đáng lo ngại như Nghị quyết TW4 đã nêu. Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác, mà chúng ta sẽ phải cùng nhau giải quyết, tháo gỡ. Nhưng không một quốc gia nào không có những vấn đề trong nội bộ của nó.

Chúng ta cần nhìn những vấn đề này với sự khoan dung, bình tĩnh, tỉnh táo và từng bước giải quyết. Đừng chỉ nhìn thấy một vài hiện tượng mà đã vội vàng mất lòng tin.

Tôi đã nghe nhiều ý kiến lo lắng, bức xúc về cuộc đấu tranh của chúng ta trên biển Đông. Với vấn đề biển Đông, không chỉ riêng bạn, riêng tôi, mà tất cả người VN đều lo lắng, sốt ruột. Đó là nỗi lo chính đáng của người yêu nước.

Có thể có những người còn chưa hiểu, còn băn khoăn với cách hành xử của Đảng, Chính phủ trong vấn đề biển Đông. Nhưng ở đây, tôi muốn nói đến tính mục đích và kết quả của cuộc đấu tranh này.

Mục đích tối thượng của chúng ta là giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp hoà bình, không để xảy ra xung đột và duy trì quan hệ ổn định với nước láng giềng Trung Quốc. Vậy chúng ta có giữ được thềm lục địa 200 hải lý hay không? Có! Chúng ta có kiểm soát được nó hay không? Có! Chúng ta có giữ được những điểm đảo mà hiện chúng ta đóng quân ở Trường Sa hay không? Có! Và chúng ta có từ bỏ tuyên bố chủ quyền về Trường Sa – Hoàng Sa hay không? Tuyệt đối không!

Thậm chí chúng ta đang kiểm soát tốt hơn vùng thềm lục địa VN. Khu vực Đông Nam Á này đầy cướp biển. Nhưng vùng thềm lục địa Việt Nam lại không có cướp biển. Thậm chí chúng ta còn bắt những nhóm cướp biển từ vùng biển nước ngoài xâm hại vào để giao trả lại cho nước bạn.

Ngư dân của chúng ta vẫn bám ngư trường, các giàn khoan dầu khí đang hoạt động hết sức bình thường, các hoạt động thăm dò, nghiên cứu trên biển vẫn tiếp diễn. Chúng ta được các diễn đàn quốc tế ủng hộ một cách tự nhiên.

Ngoài biển như vậy, còn trong bờ thì sao? Những xung đột trên biển không kéo lùi sự phát triển của đất nước. Vậy sao lại nói chúng ta không kiểm soát được tình hình, khi mà chúng ta vừa giữ được quan hệ ổn định với Trung Quốc mà không hề lùi bước về mặt chủ quyền. Nhưng vẫn phải nói thêm rằng, nếu xảy ra xung đột, chúng ta cũng phải chứng minh được với cả thế giới và cả người láng giềng rằng những xung đột đó không phải do lỗi của chúng ta.

Nếu nhìn vào những kết quả chúng ta đạt được trong vấn đề biển Đông, ta thấy kế sách bảo vệ tổ quốc, phương pháp giải quyết vấn đề của Đảng và Nhà nước ta hoàn toàn hợp lý. Chính sự hợp lý đó tạo cho chúng ta niềm tin là chúng ta sẽ giải quyết được lần lượt từng vấn đề của mình.

Thưa Thượng tướng, trong văn kiện Đại hội XI, lần đầu tiên chúng ta đã nhắc đến chiến lược đối ngoại quốc phòng. Trong bối cảnh địa chính trị mới như thế này, khi thế giới đang có sự phân chia quyền lực quân sự một cách rất phức tạp, Việt Nam sẽ tham gia thế nào vào quá trình phân chia này và làm thế nào để định vị mình trên bản đồ quân sự thế giới?

Những phát triển, biến động của quốc phòng trong khu vực và trên thế giới những năm qua rất đáng chú ý, thậm chí đáng ngại. Điều khiến tôi cảm thấy đáng ngại nhất là cách hành xử của một số nước đang quay về kiểu “ngoại giao pháo hạm”, là “chính trị cường quyền” của mấy chục năm về trước. Bên cạnh đó là dấu hiệu của một cuộc chạy đua vũ trang mới, khi mà có một số nước đang phát triển quốc phòng một cách bất thường. Đây là một xu thế mới xuất hiện và cần được ngăn chặn.

Những nước muốn áp đặt đang mở rộng quan hệ để can dự mạnh hơn vào các khu vực trên thế giới. Những nước còn lại, trong đó có chúng ta thì lại muốn xây dựng những luật chơi, những định chế trong can dự quân sự để đảm bảo công bằng, không xảy ra xung đột và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Vì thế hoạt động đối ngoại quốc phòng song phương và đa phương của các quốc gia đang diễn ra hết sức nhộn nhịp. Nhiều nước quan điểm rằng muốn xây dựng đối tác chiến lược, đối tác toàn diện mà không có hợp tác quốc phòng – không có lòng tin thì không bao giờ có thể trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Với các vấn đề đối ngoại quốc phòng của thế giới và khu vực như vậy, chúng ta phải lựa chọn – hoặc là đứng ngoài cuộc, hoặc là phải cùng tham gia để giành lấy quyền lợi, vị thế chính đáng của chúng ta phải có trong khu vực. Nhưng tham gia như thế nào cũng là một vấn đề quan trọng không kém! Và chúng ta đã lựa chọn một cách đi mà tôi cho là rất đúng đắn. Khi tham gia cuộc chơi này, chúng ta luôn xác định cái gì có lợi cho đất nước thì chúng ta làm. Và cái lợi này cũng phải đóng góp cho hoà bình ổn định của khu vực và thế giới.

Làm thế nào một nước nhỏ như VN có thể đạt được hai mục tiêu đó: quan trọng nhất là anh phải giữ cho bằng được độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ quốc tế về quốc phòng nói riêng. Độc lập tự chủ ấy quyết định việc quan hệ ấy có đem lại lợi ích cho đất nước hay không, có phương hại đến nước khác hay không.

Trong những năm qua, dù những can dự quốc phòng trong khu vực, đặc biệt là các nước lớn rất mạnh mẽ, nhưng chúng ta không hề bị cuốn vào cuộc chơi đó. Chúng ta đứng bên cạnh, tự giữ lấy lợi ích quốc gia dân tộc, đóng góp những gì có thể vào hoà bình trong khu vực và thế giới.

{keywords}

"Đừng chỉ nhìn thấy một vài hiện tượng mà đã vội vàng mất lòng tin"- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Đức Anh

Có ý kiến lo ngại rằng, việc Việt Nam không liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào - như đường lối đối ngoại quốc phòng của ta từ trước đến nay - sẽ khiến ta trở nên yếu thế và không có đồng minh nếu đất nước rơi vào hoàn cảnh có những xung đột vũ trang với quốc gia khác?

Chúng ta cần phải hiểu nội hàm của liên minh quân sự thực chất là gì? Liên minh quân sự là liên minh mà bao giờ cũng có đối tượng rất cụ thể, liên minh đó nhất định phải đối phó, phải ngăn chặn hoặc chống lại một ai đấy? Chúng ta không liên minh với bất cứ nước nào để chống lại một nước thứ ba hoặc nhóm nước thứ ba, bất luận là ai.

Chúng ta tin vào hợp tác quốc tế, tin vào việc những nỗ lực đóng góp cho sự ổn định khu vực sẽ giúp chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận thế giới.

Nhìn vào sự ủng hộ mà chúng ta nhận được từ hai cuộc kháng chiến, rồi ngay cả trong vấn đề biển Đông gần đây, rõ ràng niềm tin đó là hoàn toàn có cơ sở, dù trong thời đại hiện nay, lợi ích quốc gia dân tộc của mỗi nước được đưa lên rất cao. Nếu anh chấp nhận cách hành xử sai trái, phi lý, anh chịu khuất phục trước sức mạnh và gây sức ép đối với một quốc gia nào đó, thì hôm nay là tôi, còn ngày mai có thể sẽ đến lượt anh. Thiện chí của chúng ta sẽ được bạn bè thế giới đồng tình ủng hộ.

Trước áp lực của việc khu vực và thế giới dường như đang bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, Việt Nam sẽ đưa ra giải pháp nào để phát triển quân đội lớn mạnh, hoàn thành nhiệm vụ Quốc phòng – An ninh trong bối cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn như hiện nay?

Một số người khi thấy chúng ta mua tàu ngầm và trang bị thêm những vũ khí hiện đại đã hỏi tôi quân đội ta đã hiện đại hay chưa? Tôi đã trả lời, so với chính chúng ta trước đây thì đó là bước tiến lớn, nhưng so với mặt bằng chung thế giới cũng như so với nhu cầu chung của chúng ta thì còn rất khiêm tốn.

Nhưng chúng ta không dựa vào vũ khí làm yếu tố căn bản để bảo vệ Tổ quốc. Yếu tố mà chúng ta đề cao nhất là con người. Chúng ta tập trung vào sức mạnh toàn dân, với nội hàm là lòng yêu nước và ý thức bảo vệ tổ quốc. Không có yếu tố đó, sẽ không có quân đội nào đánh thắng.

Chúng ta dựa vào việc xây dựng tư tưởng chính trị của CBCS trong toàn quân, bởi một người lính mà không có lý tưởng chính trị sẽ là một người lính tồi. Việc giáo dục CBCS là điều mà Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm, cần để những CBCS trẻ hiểu đúng, hiểu đủ về tinh thần yêu nước, bảo vệ tổ quốc và tính tất yếu trong sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Chúng ta cũng không thể quên việc đào tạo CBCS trong thời đại bùng nổ khoa học, CNTT, để họ có trình độ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, ngang tầm với sự phát triển của xã hội và thế giới; để nhận thức đầy đủ các vấn đề của xã hội xung quanh nhiệm vụ quốc phòng; để sử dụng nhuần nhuyễn các thành quả kỹ thuật của khoa học quân sự khi vũ khí được trang bị mỗi ngày một hiện đại.

Nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng quân đội hiện đại là quân đội có vũ khí trang bị hiện đại. Nhưng tôi lại nghĩ con người hiện đại mới quyết định chất lượng của quân đội đó. Khi có chiến tranh, chúng ta có thể mua vũ khí, nhưng nếu lúc đó không có những con người có thể sử dụng được nó thì đó sẽ là vấn đề.

Có bao giờ ông hình dung quân đội sẽ đóng góp thế nào cho việc xây dựng nguồn lực con người cho đất nước, kể cả cho môi trường dân sự trong giai đoạn này?

Đó luôn là chủ trương của QĐND Việt Nam trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển.

Trước hết có thể khẳng định rằng, các CBCS trong quân đội vốn đã được đào tạo bồi dưỡng để trở thành người tốt. Họ được dạy về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, để khi rời quân ngũ, họ trở thành những công dân tốt và có đủ khả năng tiếp thu kiến thức mới trong đoạn đời tiếp theo của mình. Họ cũng là những người có ý thức kỷ luật rất tốt khi đã rời khỏi quân đội.

Thế nên vừa rồi khi Quốc hội thông qua Luật Sĩ quan quân đội nhân dân sửa đổi và Luật Nghĩa vụ quân sự, chúng ta cũng cân nhắc rất kỹ về thời gian tại ngũ trong quân đội từ 18 tăng lên 24 tháng, để đảm bảo được những phẩm chất của môi trường quân đội sẽ vẫn được duy trì khi họ rời khỏi quân ngũ.

Chúng ta cũng có một lực lượng dự bị động viên rất lớn, được tổ chức bồi dưỡng về kiến thức chính trị, quân sự, quốc phòng theo định kỳ. Chúng ta còn có lực lượng dân quân tự vệ, những người là nòng cốt để giữ gìn ổn định an ninh của từng địa phương, đảm bảo nền tảng của sự phát triển.

Cái vấn đề của chúng ta là chủ trương thì có, nhưng việc đầu tư vào phát triển nguồn lực thì mỗi nơi một khác. Nếu chúng ta quan tâm đúng mức, đồng bộ… thì sẽ đóng góp rất nhiều. Đó cũng là điều mà tôi trăn trở nhiều năm nay.

{keywords}

"Con người hiện đại mới quyết định chất lượng của quân đội". Ảnh: Đức Anh

Quân đội không thể trở thành gánh nặng cho ngân sách

Dù nói rằng con người là yếu tố quyết định, nhưng không thể phủ nhận vũ khí, khí tài là một phần sức mạnh không thể thiếu của Quốc phòng. Dù muốn dù không, chúng ta không thể không dành những khoản chi tiêu lớn cho nó. Chỉ riêng việc mua 6 tàu ngầm kilo của Nga trong mấy năm qua đã tiêu tốn 2,1 tỷ USD, chưa kể chi phí bảo trì hàng năm và chi phí xây dựng nơi trú ẩn cho đội tàu ngầm này. Việc đầu tư cho quốc phòng liệu có trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia? Bên cạnh việc mua những thứ tối thiểu cần, thì việc phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước có phải là mục tiêu lâu dài của quân đội trong giai đoạn phát triển sắp tới không thưa Thượng tướng?

Hiện đại hoá quân đội là mục tiêu lâu dài và tất yếu, bắt buộc để đáp ứng tình hình mới.

Và như tôi đã nói từ lúc đầu, hiện đại hoá quân đội là hiện đại hoá cả con người, cả trang bị, khoa học, cả nghệ thuật quân sự. Cái mà quân đội Việt Nam đang hướng tới là một lực lượng quân đội tinh gọn, nhưng chất lượng nhân lực cao, đủ sức bảo vệ Tổ quốc.

Quân đội phải mạnh nhưng không để trở thành gánh nặng cho ngân sách đất nước. Những gì chúng ta mua là những thứ tối thiểu cần để xây dựng quân đội, đảm bảo khả năng tự vệ cần thiết.

Từ khá lâu rồi, người Mỹ đã tiến hành tư nhân hoá quốc phòng trong lĩnh vực sản xuất vũ khí, khí tài quân sự. Nó góp phần tăng đáng kể nguồn thu cho công nghiệp nội địa Mỹ nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng, cũng là một cách giảm bớt gánh nặng ngân sách cho quốc phòng. Liệu chúng ta tính đến hướng đi đó?

Công nghiệp quốc phòng Việt Nam còn rất hạn chế, vì chúng ta là một nước còn nghèo, KHCN chưa phát triển. Nhưng mặt khác, mô hình ở các nước tư bản lại không phù hợp để áp dụng ở VN vì chúng ta không đi buôn vũ khí. Nếu có sản xuất, vũ khí đó cũng chỉ đảm bảo đáp ứng cho mình ta thôi. Nên việc phát triển công nghiệp quốc phòng, tư nhân hoá lĩnh vực này là việc trong tương lai gần chưa khả thi ở Việt Nam.

Nhưng QĐVN cũng có một điểm rất đặc sắc là những bộ phận kinh tế quốc phòng tham gia vào những lĩnh vực lưỡng dụng trong đời sống xã hội. Chúng ta có 23 đoàn kinh tế QP đóng ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Quân đội cũng có những tập đoàn kinh tế rất mạnh vừa có nhiệm vụ đóng góp vào phát triển kinh tế quốc dân, đồng thời thực hiện nhiệm vụ quốc phòng như Tập đoàn Viettel, Tân Cảng Tp.HCM…

Họ thực hiện nghiêm các quy định của luật pháp nhà nước, chịu chung những rủi ro của kinh tế thị trường, không có bất cứ đặc ân hay ngoại lệ nào. Tôi cho rằng tính kỷ luật của quân đội đã giúp họ làm nên thành công. Tất cả những bộ phận kinh tế quốc phòng này khi thời bình họ làm kinh tế, đóng góp cho ngân sách, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ của một người lính, sẵn sàng bất cứ lúc nào cho nhiệm vụ thời chiến.

Mọi quốc gia đều hiểu mối liên hệ mật thiết giữa an ninh – quốc phòng với sự ổn định của kinh tế đất nước. Với điều kiện cụ thể của Việt Nam, quốc phòng đã đủ sức trở thành “bảo hiểm” cho sự ổn định, hay chưa?

Nói đúng ra, thì quân đội là đảm bảo sự bền vững của đất nước về mặt vĩ mô, bền vững về chủ quyền, bền vững về hoà bình. Chính sự bền vững ấy giúp đất nước có cơ hội đặt ra những kế hoạch về kinh tế - xã hội phù hợp với sự phát triển của đất nước, không bị động bởi những tác động từ bên ngoài.

Việc bảo vệ môi trường ổn định cho sự phát triển là nhiệm vụ của quân đội. Và nếu không làm được việc đó, nghĩa là quân đội chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đến giờ tất cả mọi người đều nói quân đội ta hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Khi xưa, chúng ta huy động toàn dân đánh giặc, toàn quốc kháng chiến. Giả định nếu bây giờ đất nước có biến cố, mà xấu nhất là tình huống chiến tranh, ông hình dung chúng ta sẽ huy động nguồn lực trong điều kiện kinh tế thị trường như thế nào?

Chắc chắn khi mà đất nước bị uy hiếp, toàn dân sẽ đóng góp cho quân đội trong khả năng của mình. Không chỉ trong thời chiến, ngay cả trong thời bình, đến bây giờ nhân dân vẫn rất chăm lo xây dựng quân đội lớn mạnh, càng ngày càng tiến lên hiện đại. Đơn cử là hầu như không có nước nào trên thế giới mà được dân ủng hộ như ở Việt Nam trong việc mua sắm vũ khí, khí tài. Người dân nước khác muốn Chính phủ mình dùng tiền đó để lo cho an sinh xã hội. Nhưng người Việt Nam thì ngược lại. Dù họ biết, tiền đó là tiền ngân sách, và nếu không dùng vào việc mua sắm vũ khí, nó sẽ dùng để chăm lo cho đời sống của chính họ.

Đã có thời, chúng ta có được lòng tin tuyệt đối của nhân dân. Những câu chuyện về tình quân dân như cá với nước là những câu chuyện đã được kể mãi cho đến giờ. Còn hiện nay, có người nói lòng tin đó đang dần bị mai một khi mà cơ chế của chúng ta đang ngày càng lộ ra nhiều bất cập. Vậy nếu đối mặt với những nguy cơ trong tương lai, người lính phải làm gì để duy trì, giữ gìn được thứ lòng tin kỳ diệu ấy của nhân dân với mình?

Tôi có niềm tin rằng lòng tin của dân với Đảng, với quân đội vẫn giữ nguyên vẹn như những ngày đầu. Nhưng nó thể hiện ở những dạng thức khác nhau, do bối cảnh lịch sử khác nhau.

Những lúc khó khăn nhất, sự gắn kết sẽ thể hiện một cách rõ rệt nhất, sâu sắc nhất. Và lúc đó, phẩm chất của con người nó phát triển mạnh mẽ nhất. Không phải vô cớ mà ta nói thời đại chống Mỹ, thời đại Hồ Chí Minh là đỉnh cao của lịch sử Việt Nam.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là không còn khó khăn thì không còn tình nghĩa. Giờ không còn là thời mà chiến sĩ và nhân dân cùng ăn, cùng ở, cùng đánh giặc, sự hiểu biết của người dân với quân đội không còn như xưa, nhưng mỗi người cán bộ chiến sĩ khi được giáo dục rồi đưa vào môi trường công tác và chiến đấu đều đảm bảo rằng tình cảm của người chiến sĩ với nhân dân vẫn không hề thay đổi. Chưa cần nói đến chiến tranh, chỉ khi khó khăn thôi, phẩm chất đó đã được thể hiện rất rõ.

Ngày hôm qua, trong vụ sập hầm thuỷ điện ở Lâm Đồng, những người đào hầm, chui vào giải cứu được công nhân là bộ đội công binh. Năm 2009, Hà Tĩnh gặp bão lũ lớn. Nước từ thượng nguồn ồ ạt đổ về, kéo theo hàng nghìn m3 gỗ khiến công trình Thuỷ điện Hố Hô gặp sự cố không thể mở được cống thoát lũ do bị tắc cống, nguy cơ vỡ đập cận kề, có thể khiến mấy huyện phía dưới sẽ bị xoá trắng. Trước nguy cơ vỡ đập, một đại đội công binh đã lao xuống đập để vớt gỗ, vớt rác, mở được cửa đập, cứu cho hàng vạn người dân không bị mất nhà mất cửa, đe doạ tính mạng.

Tôi đã được chứng kiến những người lính công binh âm thầm làm nhiệm vụ của mình, không quản ngại nguy hiểm đến tính mạng. Những điều đó và còn rất nhiều ví dụ khác nữa khiến tôi tin rằng mối quan hệ quân dân trong thời bình có thể không có nhiều cơ hội để thể hiện một cách rõ ràng. Rồi ngay cả việc tuyên truyền của chúng ta cũng chưa thực đầy đủ để tăng mối gắn kết ấy, nhưng chắc chắn rằng, khi dân cần quân đội, quân đội chưa bao giờ từ chối bất cứ một nhiệm vụ nào, dù khó khăn đến mấy. Kể cả hi sinh.

Giữ gìn lòng tin của nhân dân dành cho quân đội như trong quá khứ, như những gì mà chúng ta đã luôn nói về thế hệ Bộ đội cụ Hồ có phải là mục tiêu của tất cả những người lính QĐND Việt Nam?

Chúng ta có lòng tin mạnh mẽ về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhưng chúng ta không được chủ quan, vì không bao giờ được phép nghĩ rằng dân đã tin thì sẽ tin mãi. Nếu không nhận thức được sự thay đổi của xã hội, yêu cầu mới của thời đại, không luôn luôn tự rèn luyện mình thì việc mất niềm tin sẽ rất dễ xảy ra. Không thoả mãn với mình là điều mà những người lính chúng tôi sẽ phải luôn tự nhắc nhở.

Nhưng tôi tin rằng tuyệt đại đa số quân nhân, ý chí chung của quân đội là bảo vệ tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ gìn niềm tin và tình yêu của người dân với bộ đội cụ Hồ.

Xin cảm ơn Thượng tướng.

Lan Hương (thực hiện)

  • Mời độc giả ghé thăm Fanpage của Tuần Việt Nam