Chuyện dạy thêm và sâu xa hơn là thu nhập của giáo viên vẫn còn nguyên tính cấp thiết, chắc chắn không thể được giải quyết rốt ráo chỉ bằng động thái "gỡ trói dạy thêm".

LTS: Chuyện một giáo viên Toán ở Hải Dương vừa bị “bắt quả tang” dạy thêm tiếp tục gợi nhiều băn khoăn về việc tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục. Xin giới thiệu góc nhìn của tác giả Hoàng Xuân để bạn đọc cùng tranh luận.

Cái ý châm biếm trên là của một giáo viên, chế từ tên truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân "Một vụ bắt rượu lậu". Truyện mô tả một đoàn lính đoan bất ngờ mang súng vào tận làng bao vây nhà một người dân nghi nấu rượu lậu. Không khí giật gân, hồi hộp và nghiêm trọng 

Nhưng chưa chắc anh giáo viên bị bắt quả tang "dạy lậu" đã may mắn bằng bác nhiêu Tìn của Nguyễn Tuân. Cuối truyện, nhiêu Tìn khôn khéo thoát án, chứ anh giáo viên thì nhiều phần sẽ bị kiểm điểm kỷ luật lên xuống, bị đóng tiền phạt và cấm dạy. 

Anh lại còn không may hơn nữa vì nếu anh sống ở TP HCM thì đã được đàng hoàng mở lớp dạy thêm, và có thể lôi cổ kẻ "đóng vai phụ huynh" hỏi tội: "Ai cho phép anh mạo danh vào nhà đánh lừa tôi ?". Ở Hải Dương nơi anh sống, nếu muốn dạy anh phải có giấy phép do chủ tịch huyện hoặc trưởng phòng giáo dục cấp, theo đúng thông tư 17 của Bộ giáo dục. Với vị thế một giáo viên tiểu học như anh, xin được giấy phép này chắc cũng nhiều hy vọng như … Việt Nam vô địch bóng đá khu vực một lần nữa.

Tuy nhiên, cuối đường hầm đã có tia sáng. Bốn ngày trước khi vụ bắt dạy lậu vô cùng công phu được tung lên mặt báo thì tại hội nghị chuyên ngành dành cho cấp trưởng phó phòng giáo dục thuộc 17 tỉnh thành phía Nam (vào hai ngày 11 và 12/12 tại TP HCM), thứ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Vinh Hiển đã chính thức hứa "sẽ xem lại" quy định này: "Chủ trương là không cấm giáo viên tiểu học dạy thêm, chỉ không cho phép dạy thêm đối với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày mà thôi”.

Nếu kịp thời cập nhật thời sự trong ngành thì bài báo "công phu" kia sẽ không thể ra đời.

Tuy nhiên chuyện dạy thêm và sâu xa hơn là thu nhập của giáo viên vẫn còn nguyên tính cấp thiết, chắc chắn không thể được giải quyết rốt ráo chỉ bằng động thái "gỡ trói dạy thêm".

Vì học thêm chỉ phổ biến ở các đô thị và ở các môn học chính để đi thi như toán, lý, hóa, ngoại ngữ. Văn, sử, địa, sinh vật chỉ phổ biến ở những năm cuối THPT để luyện thi ĐH. Các môn còn lại như giáo dục công dân, kỹ thuật, thể dục... và ở nông thôn, miền núi, làm gì có ai đi học thêm. Giáo viên những môn này chỉ sống bằng thu nhập ít ỏi của nghề. 

{keywords}
Giáo viên còn là nạn nhân của vô số thi đua nặng hình thức.
 Ảnh minh họa: nguyendu.phuyen.edu.vn

"Thu nhập bình quân của giáo viên THCS chỉ từ 2,5 triệu đồng đến 3,7 triệu đồng. Tính theo năm công tác thì lương giáo viên sau 13 năm công tác chỉ từ 3 triệu - 3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1 triệu- 4,7 triệu đồng/tháng. Giáo viên mới ra ra trường ở cả 3 cấp học chỉ nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng (theo kết quả khảo sát năm 2010 của nhóm nghiên cứu của Quỹ Hoà bình và Phát triển do nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chủ trì, tiến hành nghiên cứu về cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông)."

Một lần tôi lên điểm trường thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng). Từ trung tâm xã lên trường dài 20 km mà chạy xe máy hết đến 4 tiếng. Hai phòng học ở đây may là đã được xây tươm tất nên các thầy giáo đóng luôn cái sạp tre dưng cuối phòng làm nơi ăn ngủ. Cứ đầu tuần họ lên, cuối tuần về nhà. 40 km hàng tuần qua đường núi dốc ngược và đá cuội trơn nhẵn, xe hư thường xuyên. 

Vùng khó khăn này giáo viên được hưởng thêm khoảng tối đa 100% lương chính, tức khoảng 4-5 triệu đồng, nhưng mọi thứ lại đắt đỏ. Song về xuôi sẽ bị cắt khoản trợ cấp này trong khi không biết kiếm thêm tiền ở đâu nên họ tạm chấp nhận. "Biết là không sống chết ở đây được vì vợ con ở dưới kia, nhưng chưa tính được cách nào thì cứ chờ con lớn rồi tính tiếp, chị ạ"-họ bảo.

Cản ngại cho chuyện kiếm thêm nghề tay trái của giáo viên tiểu học còn là gánh nặng sổ sách. Mỗi tháng giáo viên chuyên biệt (như nhạc, mỹ thuật) tổng cộng phải ghi chép vào 63 cuốn sổ gồm sổ điểm và sổ theo dõi chất lượng, chưa kể giáo án, sổ dự giờ, sổ hội họp... và mấy trăm học sinh phải nhận xét từng em một. Họ tranh thủ bất cứ lúc nào để viết sổ: trong lớp khi học sinh đang làm bài, giờ trống ở trường, về nhà... "Em dạy 150 học sinh, phải thức cả đêm để làm sổ"-một cô giáo kể với tôi. Số lời nhận xét phải viết tay quá nhiều khiến giáo viên phải tìm cách đối phó. Họ lặng lẽ chuyền nhau những "nhận xét mẫu" cho từng môn, chỉ cần bê nguyên văn vào sổ. Có giáo viên tiết lộ: "Cứ bịa phứa vào theo kiến thức chuẩn. Chứ dạy thể dục hàng trăm em, nhớ làm sao hết mà ghi". Và thế là đổ sông đổ biển những cố gắng của ngành giáo dục hy vọng tăng sự gần gũi của giáo viên với học sinh.

Giáo viên còn là nạn nhân của vô số thi đua nặng hình thức. Ví dụ quy định buộc giáo viên phải đều đặn có sáng kiến kinh nghiệm (nhưng nội dung và phương pháp giảng thì được quy định chi ly từng bước trong hướng dẫn của ngành!). Vậy là họ lại... xin nhau. Có người thì châm biếm: "Tôi phụ trách đánh trống trong trường, chắc tháng này viết sáng kiến kinh nghiệm đổi mới cách đánh trống"!

Với 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT hiện đang thừa trong cả nước (số liệu từ Bộ giáo dục), nhiều trường không thể xoay nổi chi phí nên đã tìm cách cắt các khoản trợ cấp của giáo viên. Cách được dùng nhiều hơn là chia đều số tiết giảng dạy cho số giáo viên trong trường, cuối cùng so với số tiết chuẩn 17-19 tiết (THCS, THPT), có giáo viên chỉ còn dạy 5-7 tiết/tuần. Thu nhập đã thấp còn giảm là cái chắc.

Thế nhưng với 144 trường đào tạo ngành sư phạm, 13 trường chuyên đào tạo ngành sư phạm toàn quốc, số lượng sinh viên ngành sư phạm hoặc có chứng chỉ sư phạm tốt nghiệp hàng năm vẫn tăng ào ạt. Nguyên nhân một phần do ngành giáo dục trong nhiều năm thiếu kiểm soát để kịp thời phát lệnh hạn chế tuyển sinh, phần khác từ sự sính bằng cấp và tâm lý chỉ cần có chỗ làm nhà nước "ổn định" của người đi học.  

Ngành giáo dục là ngành khá đặc biệt mà sản phẩm của nó là con người. Những xoáy lốc đang diễn ra trong xã hội tác động vào nó đầu tiên và mạnh hơn cả. Nên, câu chuyện "bắt dạy lậu" chỉ là một duyên cớ để nhắc lại những hoang mang riêng và chung của thời chúng ta đang sống.

Còn trong một phạm vi nhỏ hơn, tôi cho rằng chừng nào những người được giao trách nhiệm chịu nhìn ngành giáo dục bằng cái nhìn rành mạch và cân đối giữa thương mại và "trồng người", hoặc, đơn giản hơn, chỉ cần áp dụng chính xác những gì các nước phát triển đang làm, thì mớ bòng bong vô tận này mới có thể chấm dứt.

Hoàng Xuân