-Và rồi đây trong những cuộc họp rút kinh nghiệm  sẽ dần ít đi những tiếng thở than như một điệp khúc: “Đau lòng quá”. 

Cách đây không lâu, khi họp rút kinh nghiệm về một vụ nổ tại xưởng sản xuất phân bón tại thành phố lớn phía Nam, một vị lãnh đạo đã phải thốt lên: “Đừng để xảy ra những việc như thế này nữa, đau lòng lắm”!

Khi cái đau của những vụ cháy nổ đó chưa nguôi, thì hôm nay, lãnh đạo của một thành phố phía Bắc cũng đang thốt lên hai tiếng “Đau lòng” khi một đám cháy tại xưởng may nằm trên địa bàn do ông phụ trách, làm sáu người trong gia đình phải lìa đời. Còn bao nhiêu tiếng kêu đau lòng nữa còn được các nhà quản lý thốt lên!

Và sẽ đau cho đến bao giờ.

Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ thì có nhiều, trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin lạm bàn về những bất cập trong quản lý đô thị, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ cháy nổ nghiêm trọng đã, đang và sẽ xảy ra.

{keywords}

Cơ quan chức năng tổ chức điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Pháp luật& xã hội

Không biết từ bao giờ, mô hình nhà ở kiêm luôn phân xưởng sản xuất đã trở nên phổ biến tại các thành phố lớn. Chịu khó đi dạo một vòng theo các con hẻm của quận Tân Bình, Tân Phú, quận 6 thuộc TP Hồ Chí Minh, đặc biệt tại các khu phố có đông người nghèo nhập cư, chúng ta có thể bắt gặp nhiều xưởng dệt may gia công hoạt động suốt đêm ngày.

Tại các ngôi nhà chật hẹp, lao động nhập cư cần mẫn làm việc trong không gian oi bức, chật hẹp, vừa là nơi làm việc, nhà kho và cũng là nơi ngủ nghỉ. Họ gần như không được trang bị bảo hộ, không hề có một thiết bị chữa cháy. Và tất nhiên việc tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh lao động hay phòng cháy chữa cháy là một khái niệm mơ hồ.

Nhưng vì sao  những xưởng may quy mô hộ gia đình, cơ sở gia công hàng thủ công nhỏ lẻ lại vẫn mọc ra ngày một nhiều, bất chấp những hiểm họa an toàn như vậy?

Thứ nhất, doanh nghiệp sẽ không tốn chi phí mặt bằng nhà xưởng. Mặt bằng làm việc tại các cơ sở này chính là nhà ở của ông bà chủ. Những căn nhà đó thường nằm trong các hẻm nhỏ dân cư đông đúc với chi phí khá rẻ và thuận tiện.

Tại đây, việc quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và an toàn vệ sinh lao động gần như bỏ ngỏ. Có chăng là tổ trưởng dân phố lâu lâu đi ngang nhắc nhở về điều kiện vệ sinh hay an ninh trật tự khu phố.

Do không có sự quản lý nhà nước, người lao động có thể làm bao nhiêu giờ tùy thích, làm thâu đêm suốt sáng, ăn ngủ tại chỗ.  Khái niệm về thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe cho người lao động theo luật có lẽ không bao giờ được nhắc tới. Việc tiết giảm chi phí đảm bảo an toàn cho người lao động đã đem lại mối lợi lớn cho các chủ xưởng.

Không chỉ ngành dệt may, những ngành hàng gia công khác vẫn đang hàng ngày tìm đường len lỏi vào tổ chức sản xuất ngay tại những khu phố lao động nhập cư. Gia công cơ khí, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và nguy hiểm hơn là các hộ sang chiết ga lậu vẫn đang hoạt động lén lút với những quả bom ga sẵn sàng kích nổ hay những xưởng sản xuất nước đá nhỏ lẻ với những bình ga hàng trăm ký có thể cháy nổ bất cứ lúc nào.

Với những con hẻm chật hẹp và dân cư đông đúc, không có hệ thống chữa cháy, xe chữa cháy không thể tiếp cận thì khi  những quả bom ga phát nổ hay những chập cháy từ việc sử dụng quá tải hệ thống điện thì hậu quả xảy ra sẽ khủng khiếp  đến mức nào?

Cần lắm sự quan tâm của các cấp chính quyền tạo công ăn việc làm ổn định trong một điều kiện lao động an toàn cho những người xa quê, những người mà tài sản duy nhất họ mang theo chỉ là sức lao động cần mẫn.

Đồng thời để giảm đi những cái chết thương tâm do cháy nổ, mong các ban ngành từ thành phố đến tận khu phố hợp lực cùng nhau, đi sát địa bàn hơn, kiểm tra di dời ngay những hiểm họa cháy nổ ra khỏi những con hẻm ngóc ngách trong thành phố.

Để sau một ngày bươn chải kiếm sống, những người lao động được an tâm đi vào giấc ngủ yên bình. Và rồi đây trong những cuộc họp rút kinh nghiệm  sẽ dần ít đi những tiếng thở than như một điệp khúc: “Đau lòng quá”. 

Đinh Trọng Bình