-“Với thế giới này, chúng ta phải đặt ngang bằng. Khi đã ngang bằng thì tiếng nói của chúng ta sẽ có trọng lượng. Nếu ta dựa vào phía này hay dựa vào phía khác và sợ hãi chỗ này chỗ khác thì sẽ không dẫn đi đâu cả” - Nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
LTS: Một năm mới đã lại đến, những ước mơ khát vọng đưa dân tộc đến văn minh vẫn luôn trong tiềm thức mỗi người dân Việt. Lịch sử đã chứng minh, mỗi khi Việt Nam đứng trước những khúc quanh sẽ phát lộ điểm sáng. Trong cuộc trò chuyện đầu năm mới cùng Tuần Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã đề cập tới con đường phát triển đưa dân tộc đi đến văn minh.Tư duy khoa học, hành xử văn hóa
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói:
Một dân tộc văn minh cần thực hiện hai việc quan trọng nhất: Dân tộc đó phải tư duy bằng khoa học và hành xử bằng văn hóa.
Trong tư duy khoa học bao hàm rất nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như khoa học trong luật pháp, hành pháp, hay trong hoạch định chính sách. Dân tộc đó cần ứng xử trong tinh thần cao nhất của trí tuệ, nhân văn.
Đó là hai điểm quan trọng. Bất kì một dân tộc nào muốn đi đến văn minh phải làm được hai điều đó.
Tôi cũng xin nhắc lại rằng con đường để phát triển của một dân tộc được xây trên một nền móng không có gì khác ngoài văn hóa. Văn hóa chứa đựng nhiều ý nghĩa, nhưng phải hiểu văn hóa trong ý nghĩa sâu xa, đa tầng của nó.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều |
Nếu một dân tộc không dựa trên nền văn hóa thì sẽ không biết đi đến đâu. Văn hóa không chỉ tạo ra các giá trị tinh thần mà còn xác lập những giá trị vật chất, các giá trị khác bao quanh nó. Dựa trên nền tảng đó mới thúc đẩy các lĩnh vực khác. Không phải chỉ phát triển một đất nước tràn ngập vật chất, chỉ biết ăn, sử dụng hưởng thụ vật chất. Ở đó, ta rời bỏ đi những suy nghĩ cũ, điều tối tăm và tư duy vụn vặt.
Như ông nói, văn hóa là nền tảng để thúc đẩy các lĩnh vực khác đi đến văn minh. Vậy ông có thể chia sẻ thêm, làm thế nào để tạo lập được nền tảng văn hóa đó?
Không có gì ngoài giáo dục.
Giáo dục ở đây không chỉ hiểu là Bộ quản lý ngành, đừng chỉ hiểu là trong các nhà trường hay các học viện, các lớp tập huấn. Giáo dục trên một tập thể xã hội với những chính sách lớn đúng đắn. Tôi đã nói đến ba ngôi nhà hệ trọng nhất trong đời sống dân tộc VN: nhà trường, ngôi nhà, nhà chùa. Ba thành trì quan trọng nhất mà nếu bị vỡ thì xã hội sẽ vỡ toàn bộ.
Hiện nay, cả ba ngôi nhà đó đang bị những cơn bão đe dọa. Trong từng mái nhà, vẫn có những vấn đề đau lòng. Trong nhà trường cũng vậy. Trong nhà chùa, bắt đầu những người có tiền lại dùng đồng tiền để làm lung lay, hoảng loạn cho chính các sư trụ trì.
Từng đi nhiều, trải nghiệm nhiều, chiêm ngưỡng nhiều nền văn minh và quan sát những nền văn hóa hiện đại. Ông có thể chia sẻ một câu chuyện cụ thể về tính văn minh của một quốc gia trên thế giới mà anh ấn tượng hay không?
Nhật Bản là một ví dụ. Nếu quan sát suy ngẫm sẽ thấy tư duy, chiến lược phát triển kinh tế, công nghệ, ý thức về tính khoa học của họ rất chuẩn xác.
Họ có tầm nhìn dài hơi, từ việc đưa ra chiến luợc lớn cho cả quốc gia để phát triển kinh tế xã hội cho đến chăm chút tỉ mỉ những thứ nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày. Điều đó minh chứng khi bước vào ngôi nhà của họ sẽ thấy họ đối xử một cái cây giống như đối xử với một con người, đôi xử với dòng sông như với một sinh linh…
Tính chuẩn xác trong khoa học còn thể hiện trong việc tính toán sao chuyến tàu từ nơi này đến nơi khác đúng giờ nhất, chọn giờ làm việc các khu vực hợp lí nhất, hay bữa ăn trưa ở công sở bằng tính toán khoa học cao nhất để đảm bảo sức khỏe, năng lượng, tâm lí. Đồng thời họ cũng chăm chút một cách kĩ lưỡng vô cùng từ những chi tiết nhỏ như đĩa ăn, cây cối.
Tôi có người cháu học ở nước ngoài về nói rằng họ có thể chăm chút cả đám mây bay trên bầu trời, đó là một ví dụ. Tất nhiên họ cũng đang tìm cách cân bằng lại việc đó rằng sự thông minh hay tính khoa học quá mức có làm khô kiệt đi đời sống tinh thần con người không?!
Giải phóng tư duy
Câu chuyện ông kể khiến tôi chợt nghĩ, phải chăng một dân tộc văn minh phải bắt đầu từ những công dân văn minh? Ông có gợi ý nào trong câu chuyện này? Từng con người nên bắt đầu từ đâu để thay đổi nề nếp sống?
Một quốc gia, mỗi con người nên hoạch định chiến luợc cho đời sống cá nhân hay đời sống cộng đồng. Không phải vạch ra lộ trình rằng ta có thể xử lí môi trường toàn bộ vùng biển thế nào hay trồng lại hàng triệu ha rừng. Bắt đầu bằng việc rất nhỏ như thực hiện đúng giờ, sạch sẽ hay làm việc tự ý thức cao nhất, bảo vệ cây bên đường, ứng xử người tàn tật, tự nâng cao trí tuệ của mình chứ không phải dựa vào người khác.
Ta đang làm lẫn lộn nhiều giá trị. Những giá trị của bằng cấp, giá trị của thành tích, nhân cách. Nên hướng đến tư duy trở thành một công dân toàn cầu. Đối với người VN tiêu chuẩn để trở thành công dân toàn cầu là tiến đến một xã hội văn minh, yêu và trách nhiệm hết mình với mảnh đất anh đứng vừa hai bàn chân của mình.
Nếu ta không làm được điều đó thì sẽ không bao giờ làm được điều gì cho một người bên cạnh, hay cho cả đất nước và cho những quốc gia khác nữa. Khi không yêu mảnh đất dưới chân, không chăm bẵm nó thì sẽ không có khả năng làm việc gì tốt cả.
Người Việt Nam đã bắt đầu nhận thức lại những vấn đề, con đường của dân tộc. Ảnh: Lê Ạnh Dũng |
Đâu đó vẫn còn những tư tưởng trọng nam khinh nữ hay phụ nữ vẫn phải gánh vác những trọng trách nặng nề… tức là những định kiến cũ kỹ vẫn đang níu kéo và ràng buộc. Đó có phải là những biểu hiện cần phải khắc phục nếu muốn giải phóng tư duy?
Quãng thời gian vừa qua có vẻ hơi lãng phí thời gian vào một điều gì đó chưa phải là điều hệ trọng nhất đối với sự tồn tại và phát triển của một đất nước, đáng lẽ chúng ta bắt đầu phải xây dựng trở lại từ lâu rồi.
Tại sao ngày xưa cũng là dân tộc Việt Nam, khi tất cả những ánh sáng của khoa học chưa vào nhiều nhưng họ đã sống trong một lề thói rất nghiêm cẩn. Mặc dù có những thứ bây giờ là lạc hậu rồi nhưng nó là nền tảng cho sự phát triển của văn minh tiên tiến sau này.
Vẫn còn những tư tưởng như thích trai hơn gái, nam nữ bất bình quyền… bởi chúng ta chưa bao giờ mang đến một cái nhìn đúng đắn về con người và cho con người. Cái nhìn đúng đắn về xã hội và ta chưa tạo dựng cho họ được một tình yêu thương cao cả. Chỉ khi ta làm được điều đó thì con người sẽ nhận thức khác.
Vừa rồi tôi có nói chuyện rằng có những phụ huynh trước kia hay hỏi các nhà văn nhà thơ hãy viết ra một cuốn cẩm nang về những cạm bẫy, thói xấu trong xã hội và cách phòng tránh nó để cho con cháu chúng tôi cầm cuốn đó để học bước ra cuộc đời. Tôi nói với họ rằng không một nhà văn, nhà triết học, hay nhà giáo dục nào làm được điều đó.
Bởi vì chúng ta viết ra một nghìn cái cạm bẫy trong cẩm nang thì bước ra cuộc đời sẽ nảy sinh cạm bẫy thứ một nghìn lẻ một.
Chỉ khi chúng ta xây dựng bên trong đứa trẻ đó một trí tuệ, một lương tâm thì chúng sẽ phân biệt đuợc đâu đúng đâu sai và có thể đi qua được tất cả các cạm bẫy đầy rẫy trong cuộc đời này.
Có quá nhiều bất cập, bất ổn… đã được đề cập khi tổng kết năm cũ. Vậy, nhìn con đường rộng mở cho một năm mới, ông cảm nhận gì về xu thế vận động, xu thế chuyển mình để những người bi quan nhất cũng có thể kỳ vọng vào sự thay đổi?
Đây là thời điểm nghiêm túc suy ngẫm con đường nào cho chúng ta đi lên.
Nhìn năm cũ, nếu so sánh về phát triển kinh tế ta lại rơi vào thất vọng, nhìn thấy những vấn đề đạo đức xã hội hay những khe hở lớn của luật pháp chưa hoàn thiện cũng sẽ rơi vào thất vọng hay những bất cập giáo dục cũng vậy. Vậy điều gì cần thiết cho xã hội Việt Nam hôm nay?
Qua nhìn nhận của tôi, người Việt Nam đã bắt đầu nhận thức lại những vấn đề, con đường của dân tộc. Trong năm qua đã hé lộ những nhận thức đó từ các vấn đề của một số lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Công an, các ngành tư pháp, luật pháp… ngay cả giáo dục. Mặc dù giáo dục đang hết sức lúng túng nhưng những động thái một năm qua cho thấy họ đã bắt buộc phải ngồi xuống và cất lên tiếng nói xem lại thực trạng nền giáo dục của mình.
Do đó, việc nhận thức lại một dân tộc đang sống như thế nào, hành xử tư duy ra sao quan trọng vô cùng trong những thời điểm năm mới đến. Sự nỗ lực của tất cả các công dân Việt Nam trong lĩnh vực của mình, từ truyền thông, kinh tế, đến luật pháp, an ninh là quan trọng.
Khi đã ngang bằng, tiếng nói của chúng ta sẽ có trọng lượng trong thế giới phẳng lớn lao này. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bởi nó hé lộ rằng chúng ta đã nhận thấy phải đứng dậy để thoát khỏi những cái đang sa lầy. Năm qua đã nói nhiều đến việc đó, không chỉ trên phương tiện truyền thông, diễn đàn lớn của đất nước hay trong những hội nghị của Đảng và Nhà nước, QH mà trong cả những người dân từ trong quán cà phê, quán ăn, gia đình, công sở. Chúng ta đang tư duy lại chúng ta, đó là điều mà chúng ta đã làm trong năm qua.
Ngay cả nước Mỹ, khi Obama tranh cử tôi có nói chuyện thăm dò nhiều trí thức da trắng, GS một số trường ĐH lớn họ cho rằng bầu Obama vì ông đã nhận thấy sự thiếp ngủ trong sự tự hưởng thụ, ngạo mạn của người Mỹ. Nếu Mỹ không tỉnh dậy, không tư duy lại dân tộc mình, không tư duy lại chính họ thì một lúc nào đó giống như trong y học là anh lâm vào mê sảng đến mức không tỉnh lại được nữa. Obama đã biết cách đánh thức và khơi dậy.
Rõ ràng, một dân tộc không xác lập được con đường của mình sẽ rơi vào lúng túng và đi đến rối loạn. Thế giới cũng đang có nhiều lung lay khi các mối quan hệ bị phá vỡ liên tục và lại thiết lập các mối quan hệ mới bởi những vấn đề khác bằng vũ trang, kinh tế, lãnh thổ. Nếu chúng ta không xác lập con đường thì sẽ bị trộn lẫn nhạt nhòa. Ta không nên tư duy rằng dựa vào người này, hay dựa vào quốc gia khác, chỉ nói một cách cẩn trọng rằng chúng ta dựa vào chính chúng ta mà thôi.
Tạo nên một Việt Nam khác, một VN đảm bảo các tính công bằng ngang với thế giới. Ta có thể chưa ngang với nền kinh tế này, nhưng trở lại đầu tiên tôi đã nói, phải ngang bằng về một nền văn hóa, cách ửng xử của xã hội đối với con người, thiên nhiên, lãnh thổ và ngang bằng trong thế của ngoại giao và tư duy.
Không ai có thể coi thường một dân tộc khi dân tộc đó trong chiến tranh bao khổ đau nhiều mất mát thiệt thòi nhưng họ đã tư duy một cách sáng suốt nhất và đang hành xử với chính họ và với thế giới một cách ngang bằng. Và khi đã ngang bằng, tiếng nói của chúng ta sẽ có trọng lượng trong thế giới phẳng lớn lao này. Còn nếu ta dựa vào phía này hay dựa vào phía khác và sợ hãi chỗ này chỗ khác thì nó sẽ không dẫn chúng ta đi đâu cả.
Một câu hỏi cuối, theo ông vai trò của nhà văn, nhà thơ, giới văn hóa nghệ thuật đóng góp như thế nào trên con đường đưa dân tộc đi đến văn minh?
Các nhà văn, giới văn nghệ sĩ ngày càng đông hơn nhưng có một điều chưa ai nói mà tôi phát hiện ra là họ đang làm nghề chứ không phải đang thực thi một sứ mệnh.
Họ đang thỏa mãn trong sạch cá nhân mình chứ không phải dâng hiến cho người bên cạnh hay cho cộng đồng bởi những tác phẩm, tính lan tỏa, sự rung động và lòng thương yêu đã giảm đi rất nhiều.
Ngày nay giới nhà văn viết đôi khi bày tỏ sự thỏa mãn tính tùy tiện của mình trong tác phẩm. Để nói về cái đẹp như chúng ta từng ngồi xuống kể cho trẻ nhỏ hình như trở thành cũ kĩ với các nhà văn, dù trong cách nào, cách gì thì ở đó phải chứa đựng lòng nhân ái lan tỏa như thế nào. Có thể nói về bóng tối nhưng để cuối cùng dẫn con người đến một nơi ánh sáng là lòng nhân ái.
- Lan Anh