Công cuộc an dân, đảm bảo tốt các phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm cho mọi thành phần trong xã hội, nâng cao dân trí… mới là điều kiện cơ bản cần thiết để thực hiện được các tiêu chí về văn minh, hiện đại. Và đó mới là trách nhiệm cao nhất của nhà chức trách.
- Nếu không ai cho tiền người ăn xin
- Cho tiền người ăn xin: Giúp mình hay giúp người
- Ăn xin vẫn tràn lan trong những ngày đầu năm
LTS: Tiếp mạch tranh luận về chủ trương không cho tiền người ăn xin của TP.HCM, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Minh Phước dưới đây để bạn đọc cùng trao đổi.
Dân gian có câu “nước chảy chỗ trũng”, vì vậy không ngạc nhiên khi TP Hồ Chí Minh, một đô thị, một trung tâm kinh tế thương mại du lịch lớn nhất cả nước nhưng đồng thời cũng có lượng người ăn xin và chuyên nghề đi ăn xin… đông nhất nước.
Và chính vì là một đô thị, một trung tâm kinh tế thương mại du lịch lớn nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh cần phải nhất quán, liên tục, thường xuyên chỉnh trang, làm mới, làm đẹp bộ mặt, cải thiện không gian sống, nâng cao dân trí… là một điều không cần bàn cãi. Chủ trương dẹp vấn nạn ăn xin là một trong các đòi hỏi đó.
Chủ trương hoàn toàn đúng
Văn hóa người Việt đa cảm trọng tình, nên đặc điểm của những người ăn xin và chuyên nghề ăn xin thường là khoác lên mình bộ dạng khắc khổ, rách rưới, bi thảm, đeo bám… gây phản cảm, nhếch nhác, mất thẩm mĩ chốn phồn hoa đô hội. Hình ảnh n như vậy thì làm sao thành phố có thể đẹp được, có thể văn minh và hiện đại được.
Đi một số nước phát triển, bên lề đường đôi khi thấy một chú hề đứng yên bất động, thấy một người ngồi đọc sách với chiếc mũ được đặt dưới chân, thấy một người nghệ sĩ chơi đàn giữa phố.. cũng là ăn xin đấy, nhưng họ ăn mặc sạch sẽ, lịch sự và không bao giờ làm phiền người khác như bộ dạng ở ta. Để đạt tầm “cái bang” như vậy thì “ăn xin” ở Việt Nam còn phải phấn đấu dài dài…
Có bàn lui bàn tới thì việc UBND T/P.HCM ra quyết định đưa người ăn xin, người sống nơi công cộng, không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội là một chủ trương đúng.
Chủ trương này không ảnh hưởng đến lòng từ bi bác ái của mọi người, nhưng với trách nhiệm công dân cao nhất thì người dân nên cùng hợp tác, đồng thuận với chính quyền để công việc khó khăn, có chiều sâu nhân bản này đạt kết quả tốt nhất. Chỉ khi nào những người sa cơ lỡ vận, lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa “đúng nghĩa” được nương tựa ở các mái nhà tình thương, các trung tâm bảo trợ xã hội thì khi đó cái nghĩa nhân văn, sự từ bi bác ái mới trọn vẹn, bền lâu được.
Làm được thì bài toán về “vấn nạn ăn xin” mới có lời giải và không bị mang tiếng là “đánh trống bỏ dùi”. Ảnh: Zing |
Nhưng cách làm?
Điều cần nhất của chủ trương tốt đẹp này là làm như thế nào, đào tạo và lựa chọn nhân sự ra sao cho thích hợp nhất, hiệu quả nhất.
Việc dẹp người bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè đã được các cơ quan công quyền triển khai mấy chục năm nay nhưng kết quả cuối cùng vẫn là bức tranh nham nhở... Là vì, chủ trương hoàn toàn đúng, mục đích không sai, nhưng do cách thức làm và nhân sự chưa chu toàn, hợp lý nên đến bây giờ buôn bán vỉa hè vẫn là một vấn nạn nan giải.
Vì thế, muốn chủ trương dẹp ăn xin đạt hiệu quả mong muốn, ngoài việc giúp đỡ nhiệt tình của người dân, cái chính vẫn là nhà chức trách phải chuẩn bị, tính toán thật kỹ cách làm cũng như bố trí người thực hiện.
Trước tiên, nhà chức trách cần điều tra, phân biệt và tách bạch cho được đâu là những người lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa thật sự với những kẻ ăn xin chuyên nghiệp, có tổ chức, có ma cô chăn dắt… Và tìm mọi cách đưa những kẻ tội phạm kia ra trừng trị.
T/p HCM vốn là một đô thị hình thành bởi đa số dân nhập cư, người tứ xứ đổ về, người ăn xin cũng vậy, đa số là dân ngoại thành, đến từ khắp nơi trong cả nước. Đối với người lang thang cơ nhỡ thường trú trong thành phố thì đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội là đúng, nhưng nếu như những người ấy ở miền Trung, miền Bắc vào thì sao? Đưa họ vào hết các trung tâm thì biết bao nhiêu cho đủ. Vì vậy, thành phố cần chủ động liên hệ với các tỉnh bạn để có cách giải quyết chu đáo và triệt để hơn.
Còn có những dạng người ăn xin sáng ngồi xe đò, xe khách vào thành phố ăn xin, kiếm cơm, tối đánh xe đò, xe khách về nhà đếm tiền, ngủ… Chuyện đó cũng đặt ra bài toán khó?
Có người đưa ý kiến về việc học tập cách làm của Đà Nẵng. Đây là ý tưởng hay vì Đà Nẵng là địa phương làm rất tốt việc này, thế nhưng, chỉ dừng ở mức độ tham khảo có chọn lọc vì đặc thù vùng miền, sự phức tạp và quy mô dân số ở t/p HCM lớn hơn gấp nhiều lần.
Người sa cơ thường thiếu tự tin, mặc cảm và tâm lý thất thường. Vì thế, vấn đề nhân sự ở các trung tâm xã hội cũng cần phải tính toán kỹ. Phải là những người từng trải, coi công việc chung là trên hết, biết yêu thương đồng loại và có những kỹ năng nhất định trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng những số phận bất hạnh kia, hướng họ về được trạng thái cân bằng vui tươi của đời thường mà vẫn đảm bảo, tôn trọng được các giá trị về quyền con người.
Để làm được những điều như trên là không đơn giản, nhưng phải làm được thì bài toán về “vấn nạn ăn xin” mới có lời giải và không bị mang tiếng là “đánh trống bỏ dùi”…
Trách nhiệm cao nhất
Công cuộc an dân, đảm bảo tốt các phúc lợi xã hội, tạo công ăn việc làm cho mọi thành phần trong xã hội, nâng cao dân trí… mới là điều kiện cơ bản cần thiết để thực hiện được các tiêu chí về văn minh, hiện đại. Và đó mới là trách nhiệm cao nhất của những nhà chức trách.
Trong bộ phim “Vua ăn mày” do Châu Tinh Trì thủ vai chính có đoạn kết rất hay. Đó là cuộc đối đáp giữa hoàng đế và bang chủ cái bang về giải quyết vấn nạn số người ăn xin tăng lên.
Bang chủ cái bang “hiến kế”: Chỉ cần xã tắc sơn hà thái bình thịnh vượng thì thiên hạ ai còn đi ăn mày làm chi?
- Minh Phước