Với chương trình nghị sự cứng rắn hướng tới việc đòi độc lập pháp lý cho Đài Loan, sự kiện đảng DPP nắm quyền chắc chắn sẽ là “thuốc thử” cho mối quan hệ Mỹ - Trung.
Chiến thắng áp đảo của đảng Dân chủ Tiến Bộ (DPP) trong các cuộc bỏ phiếu ở Đài Loan đã thu hút sự chú ý đối với tình trạng lắng dịu mong manh giữa TQ và Đài Loan, vốn là trọng tâm trong mối quan hệ Mỹ - Trung trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Lập trường của DPP về sự độc lập của Đài Loan, vốn là tôn chỉ hoạt động của đảng này ngay từ khi thành lập, có nguy cơ làm trầm trọng thêm những căng thẳng an ninh tại eo biển Đài Loan.
Yếu tố thay đổi cân bằng chiến lược
Những ký ức từ cuộc đối đầu năm 1996, khi các cuộc thử nghiệm tên lửa của TQ ở eo biển này khiến Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngay lập tức điều động hai nhóm chiến đấu tàu sân bay vũ trang đầy đủ tuần hành qua eo biển Đài Loan, đã định hình nên bộ quy tắc hành động chiến lược của quân đội và Bộ Chính trị nước này. Khi ấy, TQ đủ sức mạnh quân sự để nhấn chìm lực lượng hải quân Mỹ trong cự li gần, song nguy cơ diễn biến leo thang khi tấn công tàu sân bay khiến Bắc Kinh quyết định tránh làm gia tăng căng thẳng.
Vì câu chuyện đưa Đài Loan về đại lục, thống nhất đất nước vẫn là luận điểm “bất di bất dịch” của lãnh đạoTQ, từ lâu các quan chức nước này đã xây dựng chiến lược nhằm tạo thế cân bằng vớisự ưu việt chiến lược của Mỹ, phòngkhi có một cuộc khủng hoảng mới xảy ra tại eo biển này.Việc TQ mua tàu sân bay cũ của Liên Xô từ Ukrainenăm 2008 [1] cần được xem xét trong bối cảnh như vậy.
Tuy cũ kỹ, song chiếc tàu sân bay này chính là miếng ghép còn thiếu trong bức tranh ghép hình chiến lược của TQ ở chuỗi đảo đầu tiên [2], và bổ sung những nhân tố có thể thay đổi chiến lược mới vào xung đột Mỹ - Trung trong vấn đề Đài Loan.
Chiếc tàu sân bay có 20 năm tuổi đời này của TQ thường bị giễu là con tàu cổ lỗ, chắc chắn sẽ thoái lui trước sự ưu việt về công nghệ và chiến thuật của Mỹ. Song ý nghĩa của nó không nằm ở mặt chiến thuật hay hoạt động, mà nằm ở chiến lược.
Như một giáo sư TQ tiếng tăm đã nêu ra năm 2013, sự hiện diện của một chiếc tàu sân bay trong quân lực TQ sẽ làm thay đổi thế cân bằng chiến lược giữa hai cường quốc này tại eo biển Đài Loan. GS Xin Qiang lưu ý rằng sẽ chẳng khác gì tự sát chiến lược nếu một cường quốc hạt nhân tấn công tàu sân bay của một cường quốc hạt nhân khác và xóa sạch 5.000 phi công, kỹ sư, sĩ quan và lính hải quân tinh nhuệ trên đó.
Hay nói như giáo sư khoa học chính trị người Mỹ, Robert Pape, một cuộc tấn công như vậy sẽ dẫn tới "tình trạng bất ổn định có thể đoán được," với rủi ro lớn hơn là khủng hoảng leo thang thành chiến tranh hạt nhân chiến thuật giới hạn, và đỉnh điểm là một cuộc thảm sát hạt nhân. Tiêu diệt một chiếc tàu sân bay sẽ kích động một loạt phản ứng dây chuyền và gây ra tình trạng leo thang chính trị mà cả hai bên đều không mong muốn.
Theo Pape và Quiang, chỉ với riêng lý do này, những cường quốc hạt nhân duy lý thậm chí sẽ không dám tham gia vào một cuộc đối đầu tàu sân bay trực tiếp dài ngày, mà sẽ cố gắng hạn chế nguy cơ xảy ra khủng hoảng hàng hải.
Tàu sân bay Liêu Ninh của TQ. Ảnh: Xinhua |
Phá thế độc quyền
Trong cuộc khủng hoảng năm 1996, "thế độc quyền tàu sân bay" của Mỹ đã vô hiệu hóa lợi thế chiến thuật của TQ đối với Đài Loan, bằng cách làm nổi bật thế chi phối chiến lược của Mỹ. Giới lãnh đạo TQ nhìn thấy nguy cơ hủy diệt mà một cuộc tấn công vào các tàu sân bay Mỹ sẽ kích phát.
Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng mới tại eo biển Đài Loan hiện nay, TQ có thể “đá” quả bóng nặng nề đó sang chân Mỹ. Dù chỉ có một chiếc tàu sân bay, song nước này sẽ có được sự quân bình rủi ro chiến lược ở eo biển. Khi tàu sân bay TQ đối đầu trực tiếp với tàu sân bay Mỹ, một cuộc chiến cân não sẽ bắt đầu. Càng đối đầu và thao diễn dài ngày, khả năng phạm sai lầm dẫn tới một cuộc tấn công tàu sân bay với những hệ quả không thể cứu vãn lên quan hệ giữa hai siêu cường và sự ổn định của thế giới sẽ càng lớn.
Khi TQ có được lợi thế ngay tại ngưỡng cửa của mình, và sẵn sàng chơi hết mình với Mỹ, Mỹ sẽ phải tiết chế và đưa xung đột ra Liên Hợp Quốc, hoặc nếu không sẽ có nguy cơ phải chuốc lấy một cuộc đối đầu hạt nhân. Vì vậy, theo các chuyên gia, cuộc đối đầu tàu sân bay Mỹ - Trung sẽ không kéo dài, và quan trọng hơn cả, nó sẽ kết thúc trong hòa bình, bởi cả hai bên đều muốn tránh một cuộc xung đột hạt nhân.
Tuy nhiên, GS Đại học Yale, Donald Kagan, đã lưu ý, những tính toán sai lầm và quyết định phi lý vốn đã thành tiền lệtrong lịch sử. Cừu hận lâu ngày và danh dự bị tổn thương sẽ kích động những hành động phi lý và nguy hiểm. Nói cho cùng, ngay cả một cuộc rút lui chiến lược của Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tại eo biển này cũng sẽ để lại những dấu ấn không thể cứu vãn lên mối quan hệ Mỹ - Trung, và thúc đẩy các bên gia tăng hoạt động quân sự, tăng tốc trong cuộc chạy đua vũ trang.
Trong các ràng buộc sau năm 1991, cả TQ và Mỹ đều cho thấy, cam kết đi đến một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp vẫn là ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ chiến lược của hai bên. Từ cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan năm 1996 đến sự kiện Mỹ vô tình ném bom trúng đại sứ quán TQ tại Belgrade năm 1999, tới vụ đụng độ máy bay do thám của Mỹ năm 2001, cả Mỹ và TQ đều rất lạc quan về ý đồ của nhau và vẫn cùng nhau hạn chế nguy cơ xảy ra những cuộc đối đầu nguy hiểm.
Với chương trình nghị sự cứng rắn hướng tới việc đòi độc lập pháp lý cho Đài Loan, sự kiện đảng DPP nắm quyền chắc chắn sẽ là “thuốc thử” cho mối quan hệ Mỹ - Trung.
Hà Trang (theo The Diplomat)
*Tác giả bài viết, Vasilis Trigkas, là nhà nghiên cứu tại Viện quan hệ Mỹ - Trung, Đại học Thanh Hoa, và tại Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS.
----