Triệt phá đường dây làm bằng giả - chúng ta đã và sẽ tiếp tục làm. Nhưng còn “bằng rỗng” - ai, và làm thế nào triệt phá? 

>> Bằng Tiến sĩ 9 triệu và chuyện bổng lộc nhà nước

>> Hàng chục ngàn giáo sư, tiến sĩ Việt... đang làm gì?

>> Ngụ ngôn hiện đại "chàng buôn gỗ' và 'tiến sĩ 200 triệu

Lỗi đâu phải bởi bằng cấp 

Theo dõi báo chí mấy ngày qua, có thể thấy 3 tin tức thu hút rất nhiều độc giả. Một là về phá đường dây bằng giả; hai là về tân giáo sư trẻ nhất VN năm 2014 và ba là tiêu chuẩn cho người ngoại tỉnh muốn dự thi công chức Thủ đô, trong đó bao gồm yêu cầu là Thạc sĩ/ Tiến sĩ.  

Ba tin tức mang màu sắc khác nhau, tạo ra phản ứng khác nhau, nhưng đều dễ gợi liên tưởng đến câu chuyện bằng cấp vốn “xưa như trái đất” mà chưa từng hết nóng ở VN. 

9 triệu có thể làm nên tấm bằng Tiến sĩ, không tốn chút công sức. Ai đó sẽ chép miệng: Chỉ vì cái bệnh sính bằng cấp. Nhưng mong muốn trở thành một cử nhân, một thạc sĩ, tiến sĩ liệu có gì sai? 

Một người bạn của người viết trong thời gian dài đã ấp ủ mục tiêu tìm học bổng làm tiến sĩ. Qua không ít lần thất bại, trở ngại, cô mới thực hiện được. 

Nhưng giai đoạn khó khăn thực sự sau đó mới bắt đầu. Đối diện với cú sốc văn hóa, ngôn ngữ, sự thua kém về nền tảng kiến thức ban đầu, sự cô độc, vất vả tìm nguồn học bổng cho 2 năm học cuối, v.v… tất cả đều không dễ dàng khi phải chống chọi nơi đất khách xa xôi. 

Sau một thời gian khi thấy đề tài luận án tiến sĩ dự kiến có tính thực tiễn và ứng dụng chưa thật sự cao, cô quyết định đổi đề tài, dù như thế nghĩa là sẽ tốn thêm khá nhiều công sức.  

Tất cả quá trình đó, cô đã vượt qua bằng lòng đam mê học tập và nghiên cứu một cách thực sự, không ngừng nghỉ, trăn trở tự đặt ra vô vàn câu hỏi, vấn đề rồi tự tìm cách trả lời rốt ráo. Không ai có thể nói cô ấy sính bằng cấp. Càng không ai có thể không tôn trọng tấm bằng mà cô ấy có được sau những nỗ lực mạnh mẽ đó. 

Bản thân bằng cấp, đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ cũng chỉ là những cái mốc, mục tiêu trong rất nhiều mục tiêu của cuộc sống. Người ta vẫn nói, sự học là việc cả đời. Nhưng khi có những mục tiêu cụ thể, mỗi người sẽ dễ tập trung năng lượng, nỗ lực của mình để hoàn thành. 

Trên suốt con đường đến mục tiêu, mỗi người sẽ có cơ hội để tự khám phá rồi phá bỏ những giới hạn của bản thân, chinh phục những tri thức mới. Mỗi người sẽ có cơ hội tự chiêm nghiệm, phản biện với những định kiến, lối mòn tư duy của người khác và của chính mình. 

Nếu các trường đại học có thể tạo ra một môi trường lý tưởng như vậy cho việc học, thì bằng cấp sẽ chỉ là một sự xác nhận chính thức với các mốc mục tiêu mà mỗi cá nhân đạt được. Khi đó, người ta có thể tự hào cầm tấm bằng trong tay. Khi đó, học hành sẽ trở thành động lực tích cực, lành mạnh và cần thiết để xã hội tiến lên. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Bằng giả và bằng rỗng 

Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta hiện thời dường như không phải là chuộng bằng cấp, mà thậm chí chỉ là cái vỏ bằng cấp, hay những tấm bằng rỗng.  

Người viết quen một cô giáo, là giáo viên dạy giỏi, kỳ cựu. Ngoài tuổi 40, cô đi học lấy bằng Thạc sĩ. Cô bảo bởi giáo viên trẻ trong bộ môn đều thạc sĩ cả rồi, mình là trưởng bộ môn, không có bằng khó khiến người ta phục. Thế là cô phải bỏ ra mấy năm kiếm tấm bằng, mặc dù kiến thức mang lại trong quá trình học còn không bằng… thời đại học. 

Vậy đấy, tài năng, “lão làng”, kinh nghiệm dày dặn vẫn chưa đủ cho một chỗ đứng vững chắc nếu tất cả chúng không được bảo chứng bằng một tấm bằng “oách” một chút. Ngay cả khi chúng chỉ là một thứ hư danh, ngay cả khi giờ xã hội không còn mấy tin vào sự khả tín của chúng. 

Đến nay chúng ta không còn xa lạ với những vụ sử dụng bằng giả bị phát hiện, trong đó có cả quan chức. Những người này tất nhiên sẽ phải chịu các hình thức xử lý khác nhau. 

Nhưng còn đối với những người bằng “chính chủ” nhưng năng lực, trình độ chẳng hề tương quan với bằng thì sao? Những người mà bằng này bằng nọ nhưng làm việc chẳng… bằng ai thì sao?  

Ở khía cạnh nào đó, thì trong trường hợp này, đó cũng là bằng “giả”, và loại bằng giả này có vẻ phổ biến hơn. Không những thế, họ lại sống ung dung, bởi các cơ quan, tổ chức đòi hỏi đầu vào bằng thạc sĩ, tiến sĩ ngất ngưởng, nhưng rồi những công chức ấy sau này làm việc có xứng với tấm bằng hay không thì dường như lại chẳng mấy quan tâm.  

Một khi tấm bằng chỉ là bằng rỗng, một số người đơn giản là chọn con đường “đi tắt đón đầu”, đốt cháy giai đoạn, thôi thì mua bằng cho nhanh. 

Cái tâm lý sính bằng cấp là một nguyên nhân sinh ra bằng giả, điều này dễ thấy. Nhưng phải chăng căn nguyên quan trọng không kém chính là ở chỗ chúng ta không có hoặc không hề thấy cần thiết tạo ra cơ chế để loại bỏ “bằng rỗng”.   

Triệt phá đường dây làm bằng giả - chúng ta đã và sẽ tiếp tục làm. Nhưng còn “bằng rỗng” - ai, và làm thế nào triệt phá? 

Hải Tâm