-Quan sát các chương trình hiện đại hóa quân sự tại châu Á, có thể đưa ra 5 dự đoán về tương lai các xung đột trong khu vực.   

LTS: Ông Sunil Dasgupta, GĐ Chương trình Khoa học chính trị của trường ĐH Maryland Baltimore vừa có bài viết phân tích về hiệu ứng các chương trình hiện đại hóa quân sự trong khu vực Châu Á. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Năm 1999, chiến lược gia về hạt nhân của Mỹ Paul Bracken đã dự báo “kỷ nguyên hạt nhân thứ hai” tại châu Á. Kể từ đó, sự nổi lên liên tục của Trung Quốc càng khiến người ta đồn đại về một sự chuyển dịch cán cân quyền lực sang châu Á, và các nước lớn tại châu lục đã tăng cường đáng kể năng lực quân sự mới.

Từ các chương trình hiện đại hóa quân sự này, có thể đưa ra 5 dự đoán về tương lai các cuộc chiến trong khu vực.

Tính hiệu quả của răn đe hạt nhân

Các nước châu Á cho rằng răn đe hạt nhân sẽ có hiệu quả. Ấn Độ và Pakistan đã thử hạt nhân vào năm 1998. Triều Tiên thử quả bom nguyên tử đầu tiên vào 2006. Iran tìm cách sở hữu năng lực hạt nhân với cái giá đắt là nền kinh tế nước nhà và vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Trung Quốc thì đã tiến xa trong công nghệ tên lửa và thiết kế đầu đạn hạt nhân. Bắc Kinh cũng đã phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, và được cho là đang nghiên cứu chế tạo tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. Năm 2013, Pakistan thông báo năng lực hạt nhân chiến thuật, còn Ấn Độ hiện được cho là đang nỗ lực chế tạo loại tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân (MIRV).

Về phần mình, Nhật Bản dù nói chung “kiêng” vũ khí hạt nhân và không cho rằng biện pháp răn đe hạt nhân sẽ có tác dụng với Triều Tiên, nhưng lại mong có chiếc “ô hạt nhân” của Mỹ. Đây là hậu quả của các vấn đề chính trị trong khu vực. Triều Tiên được cho là không thể lường trước, và có khả năng tấn công các thành phố của Nhật Bản.

Nhưng cuộc cạnh tranh về quân sự với Trung Quốc chỉ giới hạn ở quần đảo không có người sinh sống Senkaku/ Điếu Ngư. Ngay cả người có quan điểm “diều hâu” nhất ở Nhật Bản cũng không lo ngại nguy cơ Trung Quốc tấn công hạt nhân nhằm vào các thành phố của Nhật Bản. Kết quả là, người Nhật tìm kiếm một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển, giới hạn về khu vực, để phát hiện và phá hủy tên lửa từ Triều Tiên.

Xa hơn nữa, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách hợp pháp hóa quyền tấn công vào các tên lửa Triều Tiên hướng tới Mỹ. Hiến pháp Nhật Bản hiện hành quy định rất tỉ mỉ về quyền phòng vệ, theo đó cấm các hành động quân sự ngay cả trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công vào các nước đồng minh của Nhật.

{keywords}

Xe chở tên lửa đạn đạo dẫn đường ICBM của Trung Quốc. Ảnh: Aus Airpower

Giới hạn ở cấp khu vực

Các nước châu Á cho rằng các cuộc xung đột giữa họ vẫn chỉ giới hạn ở sự phức tạp an ninh mang tính khu vực, tại Đông, Đông Nam, Nam và Tây Á. Khái niệm châu Á là rất mập mờ. Châu lục này trải dài từ vùng Vịnh Persic đến Nhật Bản và Siberia tới Indonesia, nhưng không có chính phủ nào coi các phần khác nhau này là nằm trong cùng một cấu trúc châu lục.

Bất chấp những thay đổi về cấu trúc do quá trình toàn cầu hóa đem lại và sự nổi lên của Trung Quốc, châu Á vẫn không trở thành một thực thể chiến lược đơn nhất. Hậu quả là, các toan tính cân bằng quyền lực ở châu Á nhìn chung vẫn giới hạn ở các khu vực.

Dù có nhiều thông tin về vòng cung gây hấn của Trung Quốc trải dài từ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tới Vịnh Bengal, nhưng sự hiện đại hóa quân sự của nước này, không kể vũ khí hạt nhân, chủ yếu tập trung vào khu vực Đông Á, và đặc biệt nhằm ngăn chặn ảnh hưởng quân sự của Mỹ trong khu vực. Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) gây tranh cãi mà Trung Quốc đặt ra cũng chủ yếu giới hạn ở khu vực này.

Tương tự, Nhật Bản cũng tập trung vào Đông Á, đến mức ít quan tâm tới Biển Đông, và đặc biệt hoàn toàn không quan tâm tới các hoạt động của Trung Quốc ở Vịnh Bengal. Việt Nam và Philippines đang đối mặt với sự hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông, điều này đã khiến các nước ASEAN xích lại gần nhau, nhưng khu vực này đã phải rất khó khăn để thuyết phục Ấn Độ quan tâm tới Biển Đông. Bản thân Ấn Độ cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng trọng tâm an ninh của họ lại là ở phía Tây, nơi có Pakistan.

Nhật Bản cũng ít quan tâm tới tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tây Á là khu vực phức tạp nhất về an ninh ở châu lục này. Rất ít quốc gia châu Á khác muốn can dự vào tình trạng bạo lực tại đây.

Chiến tranh ở xa khu dân cư

Các nước châu Á cho rằng chiến tranh sẽ xảy ra ở cách các trung tâm dân cư – trên biển, hay trên các quần đảo không có người sinh sống, ở vùng núi cao và sa mạc. Các xung đột này sẽ gây ra các hậu quả về kinh tế và chỉ mang tính biểu trưng, nhưng cái giá về người sẽ nhỏ hơn nhiều so với các cuộc “chiến tranh có người” hay còn gọi là “chiến tranh giữa các thành phố” trong quá khứ.

Trừ tranh cãi với Đài Loan, các cuộc xung đột lãnh thổ của Trung Quốc đều tập trung vào những nơi có ít người sinh sống, điều này xác định quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Việc tái vũ khí lực lượng Hải quân của Quân giải phóng nhân dân (PLAN) diễn ra nhanh hơn nhiều nỗ lực mở rộng các lực lượng chiến lược của Lực lượng Pháo binh số hai.

PLAN sở hữu sức mạnh không quân có quy mô và năng lực tương đương với lực lượng Không quân của PLA. Một tàu sân bay mới, một số tàu tấn công đổ bộ mới và tàu ngầm mới, cùng công nghệ tên lửa và radar tân tiến được cho là không chỉ tạo ra các “năng lực biển xanh” của Trung Quốc sau 800 năm, mà còn giúp Bắc Kinh tiến hành chiến tranh ở xa Trung Quốc đại lục chỉ trong vòng 250 năm nữa.

Các cuộc “chiến tranh có người” sẽ có thể tiếp diễn ở nhiều nơi tại Nam Á và Tây Á, nhưng xung đột sẽ xảy ra dưới dạng các cuộc nổi dậy, khủng bố, và chiến tranh ủy nhiệm. Các nỗ lực hiện đại hóa quân sự tại Nam Á và Tây Á sẽ nhằm vào các cuộc xung đột phi thông thường này, nhưng chi tiêu cho việc chống khủng bố và chống nổi dậy vẫn ít hơn nhiều so với chi tiêu cho các loại vũ khí thông thường tân tiến. Điều này cho thấy sự bất cân xứng giữa các mối đe dọa an ninh và sự chuẩn bị về quân sự.

Các chính phủ và các lực lượng vũ trang cho rằng việc họ sẵn sàng cho các cuộc xung đột cường độ mạnh hơn sẽ đương nhiên thắng trong các cuộc xung đột có cường độ yếu hơn, nhưng sức mạnh quân sự không phải lúc nào cũng có thể thay thế được. Hậu quả của sự bất cân xứng này đối với tương lai các cuộc chiến tranh ở Nam Á và Tây Á là các cuộc xung đột này sẽ dai dẳng như các cuộc xung đột ở cường độ thấp.

Chiến tranh giữa các thành phố vẫn là một mối lo ngại ở Đông Á chừng nào Triều Tiên còn là mối đe dọa đối với các thành phố ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Chiến tranh giữa các thành phố cũng có thể xảy ra ở Tây Á, xuất phát từ các vấn đề chính trị khu vực và sự bất cân xứng về quân sự giữa các lực lượng vũ trang đối địch.

Ngược lại, Nam Á đã đặt ra một chuẩn mực mới về chiến tranh giữa các thành phố. Dù xảy ra các cuộc đối đầu liên tiếp, Ấn Độ và Pakistan vẫn không dùng đến bom để tấn công vào các thành phố của nhau trong các cuộc chiến tranh từ năm 1965. Thành phố trọng yếu nhất của Pakistan, Lahore, chỉ cách biên giới Ấn Độ 14 dặm, nhưng từ năm 1947 tới nay chưa hề bị tấn công.

Chiến tranh bằng máy bay không người lái là một cơ hội để tham chiến ở khoảng cách xa nơi dân cư sinh sống, đồng thời giúp giảm chi phí so với việc đưa chiến tranh tới các trung tâm dân cư. Các nước châu Á đã mua một số lượng lớn máy bay không người lái, nhưng hầu hết dường như để thực hiện nhiệm vụ giám sát hơn là sử dụng vũ lực gây chết người.

(Còn tiếp)

  • Anh Thư (theo The International Relations and Security Network - Isn.ethz.ch)

Tác giả bài viết, Sunil Dasgupta, là Giám đốc Chương trình Khoa học chính trị của trường Đại học Maryland Baltimore, thuộc Các Trường đại học Shady Grove (Universities at Shady Grove). Nghiên cứu và bài giảng của ông tập trung vào chính sách an ninh và đối ngoại.