Sau Trung Quốc, Moscow có thể tìm tới các chọn lựa khác thay thế thị trường xuất khẩu châu Âu như tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

>>Bắt tay TQ, Nga ráo riết lập trật tự thế giới mới?

LTS: Francesco Brunello Zanitti, Giám đốc chương trình nghiên cứu Nam Á (thuộc Viện nghiên cứu Địa chính trị Ý) vừa có bài phân tích về tiềm năng mối quan hệ  Nga - Ấn Độ - Trung Quốc.  Xin giới thiệu phần tiếp theo của bài viết để bạn đọc tham khảo.

Narendra Modi, Thủ tướng mới của Ấn Độ nhậm chức tháng 5/2014, đang tìm cách cải thiện quan hệ với nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Nga được xem là một đối tác quan trọng khác, nhất là khi chính phủ Ấn Độ chú tâm vào môi trường quốc tế đang thay đổi chóng mặt. Chính nhờ có Putin, mà mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Ấn mới thực sự hiệu quả, kể từ sau thời điểm Liên Xô sụp đổ.

Mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Ấn Độ và Nga có thể làm thay đổi đáng kể cân bằng chính trị tại lục địa châu Á. Hình thức hợp tác mới sẽ tập trung vào khí tự nhiên và nhất là việc nhập khẩu khí hóa lỏng của Ấn Độ cho dù cả hai bên đều cần thúc đẩy cải tổ cơ sở hạ tầng.

Kể từ khi nguồn dự trữ khí tự nhiên của Ấn Độ bị hạn chế, thì mối quan hệ hợp tác mới sẽ càng giúp cho New Delhi có cơ hội rõ ràng hơn để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng năng lượng nội địa.

{keywords}
Ảnh: Todayonline

Tiến thoái lưỡng nan

Tuy nhiên, vẫn đang có một số vấn đề chính trị cản trở hợp tác hai bên.

Mối quan hệ "cơm không lành" của Nga với phương Tây không có lợi cho Ấn Độ. Việc phương Tây xiết chặt cấm vận Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraina có thể ảnh hưởng đến hoạt động của một số công ty Ấn Độ làm ăn với đối tác Nga ví như Oil and Natural Gas Corporation Limited (ONGC), Gas Authority of India Limited (GAIL) và Bharat Petroleum (BP).

Việc khoan thăm dò của ONGC tại Siberia có thể bị trì hoãn vì các biện pháp trừng phạt chống lại Nga khi ONGC ký hợp đồng với công ty Mỹ để khoan bốn giếng dầu tại Siberia. ONGC còn có 20% cổ phần trong dự án Sakhalin 1 tại Nga cũng như đang thương thảo với Rosneft về mua cổ phần khu khai thác đông Siberia.

Nhiều công ty dầu khí lớn khác của Ấn Độ cũng gặp trục trặc khi vừa hợp tác với Mỹ, vừa có thỏa thuận với đối tác Nga.

Trong khi đó, có thực tế là một số công ty khác của Ấn Độ không có những thỏa thuận bên ngoài tiểu lục địa lại có thể hưởng lợi từ sự hợp tác năng lượng hiệu quả Ấn-Nga. Mỹ cũng không hề thích thú khi chứng kiến dấu hiệu tích cực trong quan hệ New Delhi-Moscow. Họ đã công khai bày tỏ sự thất vọng sau hội nghị thượng đỉnh song phương Ấn-Nga lần thứ 15 khá thành công diễn ra tháng 12. Washington lập luận rằng, đây không phải là thời điểm tốt "để làm kinh doanh với Nga như thông thường".

New Delhi không chấp thuận việc Phương Tây cấm vận Nga, nhưng cùng lúc đó, họ cũng chưa công nhận Crưm là một phần của Nga cho dù từ chối công khai chỉ trích Moscow. Tại thời điểm nhạy cảm này, người ta thấy rõ nổi lên một Ấn Độ muốn duy trì sự tự chủ chiến lược đáng kể cũng như vị trí cân bằng khó khăn trong các cách tiếp cận với Mỹ và Nga.

Tại hội nghị thượng đỉnh song phương Ấn-Nga, hai nước đã ký 20 thỏa thuận, trong đó có 7 thỏa thuận liên chính phủ, còn lại là thương mại có tầm nhìn chiến lược cho hợp tác hòa bình trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân.

Theo tuyên bố của Putin, Nga sẽ hỗ trợ Ấn Độ xây dựng 12 nhà máy điện hạt nhân sau những kết quả tích cực liên quan tới dự án điện nguyên tử Kudankulam. Nga cũng sẽ hợp tác với Ấn Độ chế tạo một trong những loại trực thăng hiện đại nhất của Nga và hai bên sẽ tăng tốc thực thi dự án chung trong chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5. Nga cũng sẽ tham gia vào kế hoạch hiện thực hóa Hành lang Công nghiệp New Delhi-Mumbai và tạo điều kiện thuận lợi để Ấn Độ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Tuy nhiên, thương mại hai bên đang giảm, đạt mức 11 tỉ USD so với thương mại Ấn - Trung khoảng 70 tỉ USD và Trung - Nga vào khoảng 100 tỉ USD.

Trong bối cảnh này, đàm phán để thúc đẩy một thỏa thuận tự do thương mại song phương giữa Ấn Độ và Liên minh Á Âu có thể là biện pháp thích hợp thúc đẩy thương mại song phương. Khoảng cách địa chính trị giữa Ấn Độ và Nga là đáng kể, nhưng tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua, cả hai bên đã thể hiện ý chí sẵn sàng vượt qua khó khăn này. Ý tưởng cơ bản là đưa hợp tác song phương đi sâu vào chất lượng, hợp tác phát triển một khuôn khổ an ninh tập thể, cân bằng và toàn diện ở châu Á - Thái Bình Dương, cân nhắc lợi ích hợp pháp của các bên và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Muốn Nga, mong Mỹ

Narendra Modi gần đây đã khẳng định tầm quan trọng và sự ưu tiên với Moscow trong các tính toán chiến lược của New Delhi, nhấn mạnh Nga sẽ vẫn là đối tác quan trọng nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng. Chính phủ Ấn Độ cũng đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác với Nga bất chấp lệnh cấm vận phương Tây. Song bên cạnh đó, ông Modi cũng nhấn mạnh mong muốn cần có quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với Mỹ - đối tác chính trong lĩnh vực nhập khẩu vũ khí gần đây của Ấn Độ thời chính phủ của ông Manmohan Singh.

Trong khi đó, Moscow cũng mở rộng "tầm với" đến Pakistan. Thậm chí, nước này có thể trở thành một đối tác quân sự chiến lược của Nga. Một khía cạnh khác là quan hệ đối tác Nga-Trung cũng khiến New Delhi lo ngại. Nga giờ đây xuất khẩu cả công nghệ và hệ thống vũ khí sang Trung Quốc chứ không riêng chỉ có Ấn Độ. Một Trung Quốc đang trỗi dậy, có thể thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á, đẩy Ấn Độ về phía Mỹ.

Những cuộc gặp gần đây giữa Putin và Modi, cũng như các hội nghị thượng đỉnh và nhiều thỏa thuận Nga-Trung là rất quan trọng trong một giai đoạn đầy nhạy cảm. Đó là "cuộc chiến tranh Lạnh mới" giữa phương Tây và Nga mặc dù sử dụng cụm từ này để mô tả tình trạng hiện tại trong quan hệ Mỹ-Nga không hoàn toàn chính xác.

Moscow có nhiều kỳ vọng trong quan hệ đối tác với Ấn Độ, trong khả năng liên minh chiến lược với Trung Quốc. Trật tự thế giới đang thay đổi, và các nước phương Tây cần tính đến mạng lưới quan hệ phức tạp liên quan đến Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác. Các cường quốc khu vực không chỉ là phát ngôn cho một thế giới bị coi là lỗi thời trong hệ thống quốc tế (hãy xem lại khát vọng của Ấn Độ và Trung Quốc trong việc tái tổ chức LHQ, Ngân hàng Thế giới và IMF).

Nga, Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ là người chơi trong các diễn đàn đa phương như BRICS hoặc G20 mà họ còn ủng hộ những mối quan hệ song phương sâu rộng và mang trọng trách thiết lập hệ thống thanh toán quốc tế mới. Điều này sẽ làm thay đổi tương lai cân bằng quyền lực toàn cầu.

Minh Tâm (Theo Pravda)