Thông tư mới khiến bệnh nhân BHYT thuộc diện người nghèo như đang “ngồi trên đống lửa”.

LTS: Theo danh mục mới về các loại thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả, có 28 loại thuốc vốn được thanh toán 50-100% chi phí, nay chỉ thanh toán cho người bệnh 30-50%. Đây là các loại thuốc có chi phí lớn, dùng trong điều trị ung thư, viêm gan và viêm khớp. Chủ trương này dự đoán sẽ gây khó khăn cho hàng vạn người bệnh trong việc tiếp cận thuốc mới. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn dưới đây để bạn đọc cùng trao đổi.

Làm trong ngành y, cay đắng nhất là phải chứng kiến cảnh bệnh nhân còn cơ hội sống nhưng người nhà đành gạt nước mắt xin về vì không có tiền chữa trị. Và khách quan đến nghiệt ngã là ranh giới của sự sống – cái chết không phải là do bệnh tình của người nhập viện mà lại chính là do chi phí bỏ ra để trả cho việc điều trị căn bệnh ấy.

May thay, hình thức bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời đã giải quyết kịp thời phần nào gánh nặng chi phí chữa chạy cho người bệnh, trên tinh thần nhân đạo huy động sức mạnh “lá lành” có thể “đùm lá rách”, người lành lặn khỏe mạnh có thể san sẻ, chia sẻ cho người bệnh tật ốm đau.

Hai lần đồng chi trả?

BHYT đã tạo nên điều kỳ diệu tích cực, giúp bao nhiêu bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh trở về với đời thường, nhưng cũng từ thực tế đó, BHYT cũng để lộ nhiều bất cập, nghịch lý mà người chịu thiệt thòi nhiều nhất, cuối cùng vẫn chính là người nghèo.

Có thể kể ra một vài tồn tại sau, viện phí thì tăng nhưng chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế thấp, tình trạng khám bệnh vượt tuyến khiến các bệnh viện trung tâm quá tải. Nạn phong bì, sự phiền hà trong thủ tục, sự lạm dụng trục lợi, sự thiếu công khai minh bạch trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế và khám chữa bệnh theo BHYT.

{keywords}
Xếp hàng chờ khám ở một bệnh viện tại Hà Nội. Ảnh: Hường Nguyễn

Và một nghịch lý không thể chấp nhận, theo như lời khẳng định của ĐBQH Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) là các tỉnh miền núi kinh tế xã hội khó khăn, người nghèo tham gia BHXH thường ít đến bệnh viện thì số kết dư BHYT lớn, còn thành phố thì luôn bội chi quỹ BHYT. Điều này có nghĩa người nghèo tham gia BHYT đang góp tiền bù đắp chi phí khám chữa bệnh cho người giàu hơn…

Đã thế, mới đây Bộ Y tế đã công bô Thông tư số 40/2014/TT-BYT ban hành Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, trong đó có việc cắt giảm chi trả nhiều loại thuốc chữa ung thư, viêm khớp, viêm gan C… có chi phí lớn từ 100% xuống còn 30-50%, với lý do theo vị đại diện của Bộ Y tế giải trình rằng chủ yếu là một số thuốc sinh học thế hệ mới, có giá thành cao, chi phí điều trị lớn và đây là những thuốc dễ bị lạm dụng.

Thông tư này có hiệu lực từ đầu năm nay, và là thông tư khiến bệnh nhân có BHYT băn khoăn lo lắng nhất. Vì toàn là thuốc chữa các bệnh nan y hiểm nghèo. Với bệnh nhân BHYT thuộc diện người nghèo thì có khác nào đang “ngồi trên đống lửa”.

Mua BHYT cũng là một lần “đồng chi trả” hợp lý, thông tư cắt giảm chi trả thuốc… lại thêm một lần “đồng chi trả” nữa, nhưng liệu lần “đồng chi trả” thứ hai này có hợp lý không?

Với lý do giá thành cao, chi phí điều trị lớn thì số tiền kết dư hiện nay lên đến 20.000 tỷ đồng của Quỹ BHYT để làm gì, người dân vẫn chưa thấy ai giải trình về việc sử dụng nguồn vốn này như thế nào một cách hợp lý?

Còn với lý do “thuốc dễ bị lạm dụng” thì mơ hồ quá. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào trách nhiệm và đạo đức của người thầy thuốc.

Bảo hiểm cả niềm tin!

Thực tế, có rất nhiều người hàng năm vẫn đều đặn mua BHYT nhưng vài năm trời không đụng đến nó một lần.

Mua BHYT là để chung tay san sẻ cùng cộng đồng, là để dùng khi cấp thiết. Không chỉ riêng Việt Nam, viện phí là một trong những bài toán khó của người dân mọi quốc gia, khi gặp bệnh nan y thì người giàu nhiều khi cũng trở tay không kịp, huống chi là người nghèo.

Ngay với nước Mỹ, vị tổng thống nước này còn phải đau đầu lo lắng vì người nghèo ở nước họ không có đủ tiền mua bảo hiểm thì ở Việt Nam, một nước còn rất nghèo, lãnh đạo ngành y từng nhận định rằng, bệnh nhân BHYT càng phải thương hơn vì họ không có tiền. Vậy đấy, họ không có tiền thì làm sao có thể tiếp tục “đồng chi trả”. Có khác nào bảo họ lấy “súng nước mà bắn ngỗng trời”…

BHYT là bảo hiểm luôn cả niềm tin. Chỉ có niềm tin người dân mới không hờ hững, mới có động lực tích cực tham gia BHYT. Thiết thực nhất vẫn là tăng cường những chính sách an sinh xã hội quan trọng, khắc phục bằng được những bất cập và nghịch lý đang tồn tại dai dẳng trong lĩnh vực y tế, chăm sóc chu đáo sức khỏe cộng đồng.

Đừng để BHYT, đừng để mãi bài ca “đồng chi trả”, mà người nghèo… vẫn gặp phải "cái eo" thì ôi thôi, buồn lắm!

Minh Phước