Những quy định về hộ khẩu và ưu tiên vẫn mang hình ảnh của đặc quyền. Và có đặc quyền thì sẽ có chạy chọt để được hưởng đặc quyền ấy. 

Người ngoại tỉnh thi công chức HN: Phải là thủ khoa, tiến sĩ

Nhiều báo chí đưa tin ngày 15/01 về quyết định của UBND T/p Hà Nội về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoach thi tuyển công chức làm việc tại Sở, cơ quan ngang Sở, UBND quận huyện, thị xã thuộc TP Hà nội năm nay.

Bắt buộc hộ khẩu?

Một điều kiện bắt buộc nêu trong quyết định là người dự thi tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Nếu không có hộ khẩu Hà Nội, người ngoại tỉnh phải tốt nghiệp thủ khoa đại học trong nước, hoặc phải tốt nghiệp đại học, sau đại học loại xuất sắc ở nước ngoài. Hoặc phải có bằng tiến sĩ và tuổi đời dưới 35, hoặc có bằng thạc sĩ hoặc đại học công lập hệ chính quy loại giỏi và tuổi đời dưới 30.

Hà Nội không hẳn đã sai khi muốn giảm bớt số lượng các ứng viên có thể đoán trước là rất lớn, hoặc ưu tiên cho người Hà Nội trong tình trạng quá tải hiện nay của thành phố.

Tuy nhiên quyết định đó thực chất chỉ cho thấy tư duy xơ cứng và lúng túng trong giải pháp. Thậm chí là phản chiếu sự phân biệt đối xử mang tính vùng miền, tuổi tác và hạn chế cơ hội của những ứng viên ngoại tỉnh, cũng như hạn chế sự lựa chọn của chính Hà Nội.

{keywords}
Quang cảnh một buổi thi công chức của Bộ Nội vụ. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Điều gì sẽ xảy ra nếu t/p Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Gia Lai hay bất cứ tỉnh nào trong cả nước có những quyết định tương tự? Nếu như vậy, sự đặc quyền của hộ khẩu hay sự tồn tại kiểu quy định của riêng một tỉnh trong một quốc gia không biết bao giờ mới chấm dứt.

Cũng như bất cứ địa phương nào khác, Hà Nội cũng không thể thống kê chính xác số lượng lớn những người có hộ khẩu Hà Nội, nhưng sinh sống và làm ăn ở nơi khác. Hay số lượng những người đã sinh sống nhiều năm tại Hà Nội mà không có hộ khẩu Thủ đô.

Chưa kể chúng ta có thể thấy quy định quản lý bằng hộ khẩu ngày nay chỉ còn tồn tại ở một số nước. Trong đó Trung Quốc đang tiến tới việc xóa bỏ hộ khẩu trong thời gian gần nhất. Theo lộ trình cải cách thì việc quản lý dân cư thông qua hộ khẩu sẽ không còn là tối ưu nữa, cần cải cách, giống như việc xét lý lịch để đi học hay làm việc trước đây.

Tôi sinh ra, lớn lên, học tập, là công chức của Hà Nội nhiều năm, và không thấy mình có bất cứ thế mạnh nào hơn các bạn ngoại tỉnh, có chăng chỉ là...  rành rẽ khu vực phố cổ và các quán ăn hơn họ ít nhiều mà thôi.

Trong một môi trường hội nhập, giữa các vùng hay vươn ra thế giới, tính đa dạng và tính toàn cầu về năng lực chính là nhân tố và động lực của phát triển. Nước Mỹ, hay các nước phát triển khác thu hút những lao động có kỹ năng cao trên khắp thế giới bằng cách tối đa hóa sự đa dạng.

Không đặc quyền

Một ví dụ rất cụ thể trong học thuật. Giả sử, tôi sinh ra ở thành phố, lớn lên, học tập, và sau đó được giữ lại làm việc tại ngay chính trường đại học đó. "Vòng đời" khép kín này  được xem như “hôn nhân cận huyết”, làm suy yếu sự giao lưu và dòng chảy của học thức, thiếu sáng tạo, tư duy lối mòn, và dẫn đến năng lực đề kháng kém.

Một trung tâm nghiên cứu cỡ vừa là Wadsworth Center của Sở Y tế New York có các nhà nghiên cứu, nhân viên đến từ mọi bang của nước Mỹ và hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Rất dễ thấy ngôn ngữ của nhà tuyển dụng. Quảng cáo tuyển dụng của Sở Y tế New York, luôn có câu khẳng định (tạm dịch): “Đơn vị sử dụng lao động đảm bảo cơ hội công bằng. Phụ nữ, người thiểu số và người khuyết tật được khuyến khích để nộp đơn”.

Quảng cáo tuyển dụng của Đại học Waterloo, Ontario, Canada, luôn có câu: “Đại học Waterloo tôn trọng, đánh giá cao, và khuyến khích sự đa dạng. Chúng tôi chào mừng tất cả các ứng viên đủ tiêu chuẩn bao gồm phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật”. Người mang quốc tịch Canada hay thường trú vĩnh viễn được ưu tiên, nhưng đó là lý do của giấy phép lao động và thủ tục nhập cư vốn dĩ rất phức tạp ở đây.

Trở lại với tiêu chí tuyển dụng của Thủ đô, ngoài quy định về hộ khẩu, Hà Nội còn áp dụng chính sách ưu tiên qua cộng điểm. Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách được cộng 30 điểm. Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an, quân nhân chuyên nghiệp… được cộng 20 điểm. Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng CAND, thanh niên xung phong… được cộng 10 điểm vào tổng số điểm thi tuyển.

Không thể phủ nhận rằng chúng ta có thể có những ưu tiên nhất định cho một số đối tượng nhất định (còn nhiều điểm tranh cãi), nhưng các mức điểm cộng được đưa ra là rất kém thuyết phục đối với cả ứng viên cũng như người tham gia quá trình tuyển dụng.

Từng là giám khảo cho thi công chức ở Hà Nội, tôi hiểu chênh lệch 10 điểm đã là một ưu thế vô cùng lớn, đừng nói đến số điểm ưu tiên cao hơn.

Những quy định về hộ khẩu và ưu tiên vẫn mang hình ảnh của đặc quyền. Và có đặc quyền thì sẽ có những chạy chọt để được hưởng đặc quyền ấy.

Phải chăng, lỗi từ chính sự chưa công bằng trong chính sách?

Nguyễn Công Nghĩa (Tiến sĩ, Bác sĩ- Đại học Waterloo- Ontario, Canada)