Có lẽ do rào cản ngôn ngữ hoặc có lẽ do thói quen “rút tít” của báo chí, mà táo nhiễm khuẩn là sự cố của chỉ 4 công ty đã bị gán cho danh từ chung “Táo Mỹ” ở Việt Nam.

>>  Đại sứ quán Mỹ phản hồi về táo bị thu hồi ở Việt Nam

Sợ hãi khắp nơi

Từ chục ngàn năm trước, đời sống của con người là nghèo đói, gặp muôn vàn bất trắc thiên tai và rất ngắn ngủi. Cuộc sống hằng ngày đầy rẫy nỗi lo bị đói, khát, kẻ thù, thú hoang và các bệnh chết người. Vì vậy, đầu óc con người đã được lập trình sẵn để báo động mọi lúc và đó có lẽ một nguyên nhân vì sao các tin tức tiêu cực thì có sức mạnh hơn tin tức tích cực.

Tiềm thức này vẫn không ngừng chi phối con người, ngay cả trong thời hiện đại.

Mẹ tôi, một người nội trợ thuần túy đã quá sợ hãi táo lê xuất xứ từ Trung Quốc vì nhan nhản khắp nơi những lời cảnh báo về chất bảo quản và thuốc trừ sâu. Dù phải bỏ ra số tiền cao gấp hai, thậm chí gấp ba lần so với lựa chọn mua táo ngoài chợ, bà vẫn cố mua táo Mỹ cho con cháu ăn.

Đây thực sự là một nỗ lực trong chi tiêu, bởi bỏ ra gần trăm ngàn để mua 4-5 quả táo, dường như không phải là chuyện đơn giản với người phụ nữ quanh năm tằn tiện. Thế mà mấy ngày trước, khi nghe truyền thông đưa tin về một vài loại táo bị thu hồi, mẹ buồn rầu nói với tôi rằng "từ giờ không ăn táo Mỹ nữa", lại thêm một câu hỏi lo lắng "không biết trước ăn rồi thì có sao không".

Cái "ăng-ten sợ hãi" của bà một lần nữa lại ‘căng lên’’ để bắt sóng những tín hiệu nguy hiểm đang bủa vây. Giá độc. Rau nhiễm bẩn. Thịt nhiễm hóa chất. Đồ chay ướp chất bảo quản. "Chưa bao giờ nỗi sợ hãi lại xâm chiếm từng ngôi nhà của chúng ta như thế, và nó ảnh hưởng ngày càng tới nhiều người. Tiêu đề báo chí cảnh báo ngày tận thế. Nỗi ám ảnh của truyền thông về sợ hãi liên tiếp rót thêm vào nỗi lo lắng của chúng ta", Bác sĩ, giảng viên Marc Siegel, Đại học Y Khoa New York chỉ ra.

{keywords}

Táo caramel là sản phẩm đã qua chế biến. Ảnh: VnExpress

Đâu là sự thật?

"Sự tiêu cực là một căn bệnh mà ngay cả các tờ báo, tạp chí nghiêm túc cũng nhiễm, đồng thời với không ít các hãng phát thanh truyền hình trong thế giới phương Tây", Roland Schatz, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn truyền thông Media Tenor, nhận định

Cũng theo Schatz, một nghiên cứu cho thấy, có những nền truyền thông chứa đựng tới 60%  tin tức phản ánh chuyện tiêu cực. Thế giới này không phải quá tiêu cực như vậy, nhưng các tổ chức sản xuất tin tức luôn sốt sắng trong việc vẽ ra bức tranh ảm đạm hơn là hiện thực.

Ông Schatz, nhấn mạnh rằng báo chí không nói dối một cách trực tiếp. "Vấn đề không phải là các con số họ đưa ra sai. Vấn đề là cục diện được phản ánh sai vì hầu hết các phóng viên đều từ chối một cách có hệ thống các thông tin thực tế không phù hợp với góc độ tiêu cực của báo chí cổ điển. Ví dụ, các phóng viên đưa tin về một công ty lớn của Đức đang sa thải nhân viên, nhưng họ bỏ qua một hiện thực là các công ty nhỏ, công ty gia đình ở Đức, cùng lúc đó còn thuê nhiều người hơn số lượng đã bị thải hồi ở các công ty lớn".

Quay trở lại tin tức khiến mẹ tôi lo sợ liên quan đến việc thu hồi táo Gala và táo Granny của công ty Công ty Bidart Brosthers ở California và sản phẩm táo caramel (táo được bao bọc bởi caramel) của 3 công ty khác ở Mỹ. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của quốc gia này chỉ khuyến cáo việc ngưng sử dụng sản phẩm táo caramel đóng gói của 03 công ty. Thế nhưng, trên tiêu đề rất nhiều bài báo tại VN, lại là những cụm từ "táo Mỹ", "táo Gala", "táo nhập khẩu từ Mỹ".

Có lẽ do rào cản ngôn ngữ hoặc có lẽ do thói quen "rút tít" của báo chí, mà táo nhiễm khuẩn là sự cố của chỉ 4 công ty đã bị gán cho danh từ chung "Táo Mỹ" ở Việt Nam. Theo logic của báo chí là chỉ phản ánh những gì khác biệt, thì sự khác biệt của vài công ty này đã bị đánh đồng thành sự cố của toàn bộ ngành trồng táo của nước Mỹ.

Có điều, sự cố đó lại xảy ra ở Việt Nam, một thị trường thứ cấp, tức là các công ty nhập khẩu không nhập trực tiếp táo từ Bidart Brosthers. Có lẽ nhà sản xuất cũng không biết rằng mình lại nổi tiếng đến thế ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Và rồi, ở khắp nơi trên đất nước này, “ăng-ten sợ hãi’’ của hàng triệu người tiêu dùng lại một lần nữa, lập tức căng lên dò quét những nguy hiểm xung quanh. Hàng trăm công ty Mỹ khác cũng sản xuất và đóng gói táo Mỹ không bị nhiễm khuẩn nhưng lại không hề xuất hiện trên truyền thông.

Lòng tin biến mất

Danh sách gần đây nhất về các nhóm ngành nghề được xã hội tin tưởng ở Đan Mạch đã xếp hạng y tá, bác sĩ, cảnh sát ở trên cùng. Phóng viên và chính trị gia ở nhóm cuối cùng, họ phải cạnh tranh với nhóm làm việc môi giới bất động sản và bán xe hơi cũ về độ đáng tin cậy. 

{keywords}
Biểu đồ thể hiện mức độ lòng tin đối với các ngành nghề tại Đan Mạch

Ở Vương quốc Anh, một nghiên cứu thực hiện bởi YouGov theo dõi vụ bê bối nghe lén điện thoại của tờ báo do Murdoch sở hữu vào năm 2011 đã chỉ ra rằng, chỉ 38% người dân Anh tin vào các tin tức trên báo chí. Trước đó, năm 1997, một nghiên cứu về thái độ đối với báo chí của một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận tên là Public Agenda đã đưa ra con số 79% số người được hỏi đồng ý với quan điểm: "Công việc của phóng viên là phản ánh các tin xấu".

Các khay hàng "táo Mỹ xanh", "táo Mỹ đỏ" có đi vào quá vãng hay không, chỉ vài tuần nữa người tiêu dùng sẽ thấy. Nhưng giới truyền thông, những người luôn tuyên bố phụng sự xã hội, đến bao giờ mới cân bằng hơn trong đưa tin, toàn diện hơn trong cách nhìn, thay vì tập trung đưa tin những gì tiêu cực và mặc định đó là "phiên bản gần nhất" của hiện thực? Chỉ bởi vì họ nghĩ rằng "đó là những gì công chúng muốn nghe ?"

  • Nhung Nguyễn