-Trung Quốc sẽ phải có những quyết định cứng rắn và khó khăn khi lợi ích của châu Phi chấm dứt còn lợi ích của chính Trung Quốc lại bắt đầu.

Các hoạt động của TQ ở châu Phi đã mở rộng ồ ạt trong suốt thập niên qua. Rõ ràng phần lớn là nhằm mục tiêu kinh tế - như cách trao đổi tiếp cận nguồn tài nguyên tự nhiên đổi lấy các khoản vay hời. Nhưng trong khi các hoạt động kiếm tiền vẫn được gia tăng, thì Trung Quốc hiểu rằng, họ không thể chỉ trông chờ vào chính phủ châu Phi để bảo vệ mình.

Hàng ngàn người Trung Quốc thời gian qua đã tìm tới châu lục đen. Đưa quân tới châu Phi, không có nghĩa Bắc Kinh từ bỏ việc làm ăn kinh doanh tại thị trường này mà  là họ muốn trao sứ mệnh bảo vệ những mối quan hệ kinh tế vào tay quân đội Trung Quốc.

David Shinn, một Cựu Đại sứ Mỹ tại Ethiopia và Burkina Faso, cũng là chuyên gia nghiên cứu quan hệ Trung-Phi tin rằng, đầu tư của Trung Quốc ở châu lục đen sẽ giảm xuống trong 15 năm tới.

Nhưng một điều khác lại bắt đầu. Quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng nắm giữ vai trò lớn hơn tại châu Phi. “Những địa hạt khác khá phát triển lúc này, trong khi các kết nối an ninh lại tương đối khiêm tốn”, Shin nói. “Mặc dù nó đã được vun trồng, nhất là kể từ khi Trung Quốc dính dáng vào hoạt động chống hải tặc 2008 ở ngoài khơi Somalia. Hiện đang có sự gia tăng đáng kể các chuyến viếng thăm của tàu Trung Quốc tới châu Phi, không chỉ có ở bờ biển phía đông mà ở khắp châu lục”.

{keywords}

Tăng trưởng kinh tế và ổn định nội địa của Trung Quốc dựa vào các lộ trình thương mại tự do và cởi mở. Năm 2008, khi hải tặc Somali bắt đầu chiếm giữ các tàu buôn hàng tuần, chi phí bảo hiểm tăng vọt thì Trung Quốc đã lập tức tham gia sứ mệnh hải quân quốc tế để ngăn chặn cướp biển.

Kể từ lúc bắt đầu đóng góp vào hoạt động chống hải tặc, Trung Quốc đã ngày càng mở rộng hợp tác hàng hải với châu Phi, tiến hành các cuộc tập trận chung với Tanzania và cung cấp tàu chiến cho hải quân Nigeria.

Khuếch trương sức mạnh

Về mặt lý thuyết, Bắc Kinh tuyên bố tuân thủ chính sách không can thiệp vào nội bộ nước khác. Và để cho công bằng, sự liên can của Trung Quốc tại châu Phi còn kém xa mức độ của Mỹ, Pháp và một số nước khác. Nhưng trong thực tế, Bắc Kinh không đi theo con đường này một cách nhất quán. Trung Quốc đang ngày càng quả quyết hơn trong các  hoạt động tại địa bàn châu Phi. Họ xác định phải làm như vậy.

“Với số lượng ngày càng lớn người Trung Quốc sống ở châu Phi, thì chính họ đang trở thành mục tiêu nhiều hơn của các sự cố tiêu cực”, Shinn nói. “Trung Quốc hiểu rằng, họ cần có sự sáng tạo hơn trong cách họ bảo vệ lợi ích và công dân của mình trên châu lục này”.

Bắc Kinh đã từng trông chờ vào các chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh cho người Trung Quốc ở châu Phi. Nhưng cách tiếp cận này đã bộc lộ hạn chế, Shinn giải thích.

Khi nội chiến bùng phát tại Libya 4 năm trước đây, Bắc Kinh phải sơ tán 36.000 người Trung Quốc sống ở nước này. Nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi không sẵn sàng hoặc không thể đảm nhận việc đó. Và Trung Quốc chắc chắn không muốn nhờ cậy các cường quốc phương Tây giúp sơ tán công dân của họ.

“Trung Quốc phải tự mình đảm nhận việc sơ tán công dân mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào”, Shinn nhớ lại. “Và đó là lời cảnh tỉnh với Trung Quốc”.

Lợi ích kinh tế cũng là nhân tố đáng chú ý, một ví dụ căn bản là quốc gia non trẻ Nam Sudan. Trung Quốc thu mua khoảng 5% lượng dầu nhập khẩu từ quốc gia Đông Phi này.

Năm 2013, Nam Sudan rơi vào nội chiến. Trung Quốc đã sớm tiến hành việc can thiệp quân sự quy mô lớn đầu tiên ở châu Phi- triển khai 700 lính tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Lần đầu tiên có sự hiện diện của lực lượng tác chiến Trung Quốc.

Những binh lính này là một phần trong chiến dịch can dự chưa từng có của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao Bắc Kinh cũng nắm vai trò trung gian trực tiếp giữa các bên tham chiến.

Vào ngày 12/1, chính phủ Nam Sudan và phiến quân ký thỏa thuận ngừng bắn do Trung Quốc làm trung gian. “Việc hòa giải của Trung Quốc ở Nam Sudan hoàn toàn là trách nhiệm và bổn phận của một cường quốc, chứ không phải vì lợi ích riêng của Trung Quốc”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi ấy tuyên bố.

Và tuyên bố của ông Vương Nghị gây sự hoài nghi lớn. Châu Phi có rất nhiều cuộc xung đột, nhưng Trung Quốc lại có “cổ phần” kinh tế lớn ở Nam Sudan, và chỉ có cuộc nội chiến này mới khiến Bắc Kinh triển khai đơn vị chiến đấu.

Tuy nhiên, cũng không phủ nhận rằng, lợi ích của Trung Quốc và các nước khác tại Nam Sudan chồng chéo với nhau. Trong trường hợp này, Trung Quốc góp phần đưa các bên tham chiến tới bàn đàm phán, và ít nhất là để làm chậm lại xung đột.

Súng và ngoại giao

Trọng tâm là Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường kinh tế và ngoại giao ở châu Phi. Nhưng điều này đã bộc lộ một số mâu thuẫn.

Ví dụ điển hình là chuyện làm ăn quan trọng nhất của Bắc Kinh với các nước châu Phi – giao dịch vũ khí. Trung Quốc đã xuất khẩu một lượng lớn vũ khí hạng nặng và hạng nhẹ sang châu lục này trong những năm gần đây.

“Nếu bạn trở lại những năm 60 và 70, lượng vũ khí của Trung Quốc chiếm khoảng 3% tổng lượng vũ khí đưa tới châu Phi”, Shinn cho biết. “Nhưng nếu bạn nhìn vào bức tranh năm 2010, 2011, thì khoảng 25% lượng vũ khí xuất sang châu Phi, tính theo giá trị đô la là của Trung Quốc”.

Các công ty Trung Quốc thực sự không quan tâm ai là người mà họ bán hàng hóa. “Rất nhiều vũ khí đi tới các nước như Zimbabwe và Sudan”, Shinn nói. Cả hai nước này đều chịu lệnh cấm vận vũ khí của Liên minh châu Âu và Mỹ. Họ tìm tới Trung Quốc như một nhà cung cấp vũ khí không đòi hỏi điều kiện.

Tuy nhiên, kiểu giao dịch theo định hướng thị trường này đang bắt đầu được gắn kết với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc phía sau đó.

Tại Nam Sudan,  uy tín của Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn vào đầu năm 2014, khi các phương tiện truyền thông bắt đầu đưa tin về việc một số lượng lớn vũ khí loại nhỏ và đạn dược được cung cấp cho quân đội chính phủ từ hãng sản xuất vũ khí Trung Quốc - Công ty Công nghiệp Bắc Phương (Norinco). Việc này là vi phạm nghị quyết của LHQ. Các nhà ngoại giao Trung Quốc khi ấy đã nhanh chóng chỉ ra rằng, những giao dịch thỏa thuận diễn ra từ trước nội chiến. Tuy nhiên, Trung Quốc ít nhiều vẫn cảm thấy xấu hổ về mặt chính trị vì thiếu phối hợp nhịp nhàng.

Trung Quốc còn trang bị cho quân đội Nam Sudan cả tên lửa chống máy bay. Và đây mới chỉ là một phần khá nhỏ sự can thiệp quân sự của Bắc Kinh tại châu lục đen. Chính phủ Trung Quốc đã ký thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh với Ai Cập và triển khai hàng trăm quân nhân để hỗ trợ ứng phó bệnh dịch Ebola ở Tây Phi.

“Chúng tôi hoàn toàn sẽ không đi theo con đường mòn của chủ nghĩa thực dân phương Tây, và chúng tôi hoàn toàn sẽ không hy sinh môi trường sinh thái và các lợi ích lâu dài của châu Phi”, ông Vương Nghị nói trong một chuyến thăm gần đây tới Kenya.

Nhưng nếu nhắc tới chuyện can dự quân sự, Trung Quốc sẽ sớm phải đưa ra quyết định cứng rắn và khó khăn khi lợi ích của châu Phi chấm dứt còn lợi ích của chính Trung Quốc lại bắt đầu.

Minh Anh (Theo Medium)

  • Peter Dorrie, tác giả bài viết, là người chuyên viết về an ninh, chính trị quốc tế, phát triển và tài nguyên ở châu Phi.