Lễ hội chém lợn quê tôi (làng Cầu Bây, Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) được tổ chức hàng năm vào ngày 11/2 Âm lịch.

Trong tiếng trống hội dồn dập, những ông già, bà cả xúng xính trong những bộ đồ truyền thống đứng xem từ xa. Đám trẻ con cũng được bố mẹ cõng trên cổ để chứng kiến thời khắc thiêng liêng của cả dân làng. Còn đám thanh niên cầm đuốc săn đuổi con vật chạy quanh khu đất trống trong ánh lửa bập bùng.

Trong khung cảnh ấy, tôi nhớ về tuổi thơ của mình trên vai bố chứng kiến nghi thức thiêng. Tôi hình dung cả thời trai trẻ của ông, của bố khi đại diện gia đình cầm bó đuốc để thực hành tín ngưỡng cùng dân làng. Tôi nghĩ cả về con tôi, chúng sẽ tiếp tục giữ ngọn lửa cha anh ấy trong những ngày hội Xuân mưa bụi bay.

Những ngọn lửa bập bùng trong đêm hội như sợi chỉ đỏ kết nối cả dân làng, kết nối giữa quá khứ với hiện tại, hiện tại với tương lai, giữa đời thực thô ráp với niềm tin trong veo vào một năm mới an lành, hạnh phúc...

***

Từ câu chuyện làng Cầu Bây khi tôi trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ, nghĩ về Thông cáo Báo chí của Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) kêu gọi “chấm dứt lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng (Bắc Ninh)” mà buồn. Tôi không buồn lo về việc lễ hội sẽ bị “chấm dứt” như lời kêu gọi vì đó còn đang là vấn đề cần bàn luận. Tôi chỉ buồn vì văn hóa ứng xử khi một tổ chức bên ngoài trực tiếp tác động và gây sức ép vào đời sống văn hóa của một cộng đồng khác (cụ thể ở đây là cộng đồng dân cư làng Ném Thượng, Bắc Ninh).

Phàm đã là văn hóa thì không có cao - thấp. Văn hóa chấp nhận những sự đa dạng, sự khác biệt. Các cộng đồng người với những văn hóa khác nhau cần tôn trọng sự khác biệt thay vì lấy chuẩn của hệ thống này áp đặt vào hệ thống khác.  

Và nữa, văn hóa có cơ chế tự cân bằng. Nếu là “hủ tục”, đi ngược với giá trị nhân văn của cộng đồng như lời của tổ chức nọ thì nội hàm cộng đồng làng Ném Thượng sẽ tự điều chỉnh. Mọi sự tác động từ bên ngoài dưới hình thức này, hình thức khác đều là phản văn hóa.    

***

Điều Animals Asia nhấn mạnh nhất trong thông cáo báo chí là việc cho trẻ em chứng kiến nghi thức chém lợn sẽ khiến các em ưa bạo lực, trơ lì cảm xúc (?!). Cần nhắc lại, nghi lễ cộng đồng dành cho tất cả mọi người, kể cả trẻ em. Thông qua môi trường sống, các em sẽ hiểu về những giá trị thiêng liêng trao chuyền từ ngàn đời của nghi lễ. Bởi con người tham gia lễ hội với tâm thức khác, tâm thức hướng thượng chứ không phải nhìn hiện tượng trần trụi. Việc tách rời hiện tượng khỏi chuỗi sinh hoạt tín ngưỡng để phán xét là điều không nên.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới lời thầy tôi, GS.TS Trần Ngọc Vương, căn dặn chúng tôi trước khi ra trường. Thầy nói: Vạn vật đều có lý khi ở trong hệ thống và đều có khả năng vô lý khi đứng ngoài hệ thống. Nên trước khi đưa ra bất cứ nhận định, phán xét sự việc gì, các em cần thử đặt mình trong hệ thống để thấu hiểu thực sự bản chất sự việc. Mọi đánh giá vội vàng, sơ sài đều rất nguy hiểm…

Phạm Mỹ/ Thể thao Văn hóa