-Người Việt có thể thành công với khát khao và ít nhiều “tinh ý” khi mới khởi nghiệp và trong ngắn hạn nhưng lại rất hạn chế trong dự báo tương lai, kiểm soát rủi ro.
Người Việt ‘ăn chắc mặc bền’
Từ một nước thuần nông với nền tảng là các Hợp tác xã và Nông trường Quốc doanh trước những năm 1990s, chỉ sau hơn 20 năm đổi mới, VN đã có khoảng 500 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên tổng số 830 ngàn DN đã đăng ký (tính đến cuối 2014, theo Tổng cục Thống kê).
Có thể thấy chưa bao giờ hai chữ “Công, Thương” lại được người Việt coi trọng và ưu tiên như giai đoạn hiện nay. Đặc biệt trong các năm từ 2007 đến 2012, số DN trên toàn quốc đã tăng lên 2,7 lần.
Trong một xã hội với truyền thống “ăn chắc mặc bền” và “không dám dấn thân, xông pha” vì sợ rủi ro như VN thì các con số nêu trên nói lên rất nhiều điều. Bên cạnh các yếu tố liên quan đến thị trường, vốn và nhân lực thì có thể nói sự bùng nổ của các DN Việt có đóng góp quan trọng từ hai tác nhân, bao gồm (i) Các chính sách thông thoáng và ưu đãi của Nhà nước đối với DN, và (ii) Tinh thần “khởi nghiệp” của nhiều người Việt đã tăng lên đáng kể gắn liền với những thành tựu của kinh tế nước nhà.
Trên khía cạnh chính sách, trong những năm qua Nhà nước và đặc biệt là chính quyền cấp tỉnh đã đưa rất nhiều ưu đãi nhằm kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước, trong đó có các ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; cho thuê đất với giá vô cùng rẻ và đặc biệt là liên tục cải thiện thủ tục cấp phép thành lập doanh nghiệp hay giấy phép đầu tư, v.v.. Chính các chính sách thông thoáng và thậm chí được nhiều người cho rằng “nóng” hơn mức cần thiết đã nhanh chóng đưa VN từ một nước của những người nông dân và vốn dĩ trọng nông thành một nước trọng “thương” với đội ngũ hàng triệu doanh nhân như hiện nay.
Khởi nghiệp hơi muộn trong bối cảnh hầu hết các sản phẩm và lĩnh vực kinh doanh trên thế giới đã được định hình và kiểm soát bởi các “ông lớn” đến từ các nước phát triển hơn, đa phần các doanh nghiệp Việt có xu hướng hạ thấp bớt tham vọng và mục tiêu phát triển của mình. Rất ít doanh nhân Việt có tham vọng hay chiến lược để chiếm lĩnh và chinh phục thị trường quốc tế ngay từ lúc ban đầu.
Thay vào đó, đa phần lựa chọn hướng đi đơn giản hơn và có thể nói là khiếm tốn hơn như (i) Làm gia công hoặc đại lý cho các doanh nghiệp, công ty nước ngoài; (ii) Đầu tư vào các lĩnh vực còn trống vốn chưa bị các ông lớn khai thác, (iii) Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cùng loại, bình dân giá rẻ có lợi nhuận vừa phải nhưng phù hợp với túi tiền của nhiều người Việt,(iv) Sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, và (v) Ăn theo chính sách có xu thế ngắn hạn.
Ảnh minh họa |
Biển lớn: giấc mơ quá xa
Tuy mỗi người khởi nghiệp theo cách riêng, nhưng có lẽ do kinh nghiệm thương trường còn quá ít cộng với các hạn chế về ngoại ngữ, vốn và trình độ nhân lực nên phần đông các doanh nghiệp Việt không quá tham vọng để một ngày nào đó vươn ra biển lớn.
Thay vào đó một số có tâm lý cứ làm đi đã rồi “từ từ tính” hoặc chỉ khai thác thị trường trong nước hiệu quả là đã quá tốt rồi. Số khác có xu hướng duy trì quy mô nhỏ để dễ quản lý và tránh rủi ro trong bối cảnh rất khó dự đoán của nền kinh tế đất nước (và cũng khỏi bị “để ý”). Đặc biệt tồn tại một lượng không nhỏ các doanh nghiệp được lập ra để ăn theo dự án, chương trình của chính phủ và sứ mệnh của chúng sẽ kết thúc khi các dự án hay chương trình này hoàn thành.
Tâm lý chấp nhận mình sinh sau đẻ muộn, mình nhỏ bé và ít vốn đã khiến cho các doanh nghiệp Việt vượt trội so với nhiều nước trong khu vực về số lượng nhưng lại rất khiêm tốn về sức cạnh tranh cũng như khả năng chống chịu để sinh tồn khi hội nhập.
Khi nghe tin công ty P/S đồng ý nhượng quyền thương hiệu này cho Unilever vào năm 2003, rất nhiều người đã tự hỏi tại sao công ty này lại đem bán đi một thương hiệu đang ăn nên làm ra như vậy?
Với tổng mức đầu tư hơn 17 triệu USD mà Unilever đã chi ra để có được thương hiệu này người ta hy vọng công ty (vẫn giữ tên P/S) sẽ tiếp tục làm ra những sản phẩm còn hay hơn P/S, tuy nhiên ngày nay hầu như ít ai còn nhớ đến tên của nó chứ chưa nói đến việc biết được văn phòng công ty này đang nằm trong một con hẻm khá sâu tại TP HCM.
Đặc biệt hơn thay vì nuối tiếc việc công ty mình đã bán đi một thương hiệu với giá quá rẻ cùng việc mất đi cơ hội trở thành một “ông lớn” trong ngành Hóa mỹ phẩm, thì người đứng đầu đã vui vẻ nhận định rằng “Thương vụ P/S công ty được nhiều hơn mất”.
Câu chuyện này cho thấy nhiều người Việt có thể thành công với khát khao và ít nhiều “tinh ý” khi mới khởi nghiệp và trong ngắn hạn nhưng lại rất hạn chế trong việc dự báo tương lai, kiểm soát rủi ro cùng chiến lược đồng bộ và dài hạn. Ở đây tâm lý hay nguyên tắc “xanh nhà hơn già đồng” của người “nông dân” Việt đã được các “thương nhân” áp dụng triệt để(!). Nguyên tắc này cũng đã được các Công ty sở hữu các thương hiệu có tên tuổi khác như Kinh Đô, Phở 24 hay sắp tới là Nguyễn Kim thực hiện trong thời gian qua khi nhận được quan tâm của những nhà đầu tư nước ngoài.
Đành rằng chuyện “cá lớn nuốt cá bé” vốn xảy ra như cơm bữa và là một trong các quy luật khắc nghiệt của thương trường và việc thôn tính và hợp nhất các doanh nghiệp vẫn diễn ra trên thế giới hàng ngày, nhưng vấn đề ở đây là các công ty nêu trên đều là các doanh nghiệp có tên tuổi của VN và đã phải trải qua không ít gian lao để có được tên tuổi trước khi chuyển nhượng cho nước ngoài. Nếu như ai cũng chỉ chăm chăm tạo dựng thương hiệu cho mình để rồi đem bán và yên hưởng thái bình thì tương lai của các doanh nghiệp Việt sẽ ra sao?
Nếu chuyện này cứ tiếp tục thì đến bao giờ chúng ta mới có được các Chaebols Việt để có thể tăng tốc đoàn tàu kinh tế nước nhà? Có thể nói ngoài các giải pháp về thể chế ra thì câu trả lời phần lớn nằm ở các doanh nhân – những người, hơn ai hết hiểu rõ mình muốn gì và đang ở đâu!
Không phải ngẫu nhiên mà Samsung hiện đang nắm giữ ví trí dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử trên toàn thế giới. Như Michael Dell từng nói: “Khi chọn đối thủ lớn, tuyên bố cạnh tranh với lòng tự trọng sẽ giúp bạn luôn suy tư và tìm ra chiến lược tối ưu”, Samsung đã có thể không có vị trị của ngày hôm nay nếu họ không sẵn sàng đương đầu và cạnh tranh với các ông lớn đến từ Nhật Bản như Sony hay Toshiba .v.v. bằng chiến lược lâu dài, hợp lý và niềm tin họ có thể và sẽ làm được.
Lợi nhuận luôn là đích đến của DN và sẽ rất tốt nếu mỗi người, mỗi doanh nhân đều cố gắng lao động để làm giàu cho chính mình, gia đình mình và đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước.
Tuy nhiên như vậy là chưa đủ để đất nước ta bứt phá, tiến lên. VN đang rất cần những doanh nhân vừa biết làm giàu vừa biết gắn kết doanh nghiệp của mình với các trách nhiệm xã hội, với hình ảnh và vận mệnh đất nước. Đến khi nào mỗi sản phẩm Việt không chỉ cho người dân nước khác biết nó được sản xuất ở đâu mà còn thấm đẫm văn hóa Việt, giúp họ phần nào cảm nhận được khát vọng và mồ hôi Việt kết tinh trong đó thì câu chuyện “khởi nghiệp” của người Việt sẽ không chỉ dừng lại ở giai đoạn tiềm năng!