Người ta chỉ thấy, trong những  đợt tăng giá điện liên tiếp trước đây từ năm 2010 – 2013, cũng chưa có nhóm khách hàng nào của EVN đã được hưởng lợi cả.

Từ đầu năm 2015 đến nay, dù thời gian khá ngắn, công chúng đã phải “sốc” trước một số phát ngôn của cán bộ, quan chức nhà nước. Trong đó, có lẽ “nóng” nhất là phát biểu “việc điều chỉnh giá điện theo thị trường mang lại lợi ích cho tất cả các đối tượng" của một quan chức ngành công thương tại cuộc họp báo ngày 2/2.

Tại cuộc họp báo đó, người phát ngôn Bộ Công thương cho rằng giá điện hiện nay quá thấp, thậm chí, đang được bán dưới giá thành nên nhiều tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào ngành điện tại VN đã rút lui, vì sợ lỗ. Những ngành sản xuất, các nhà đầu tư vào các ngành này như: xi măng, thép, vật liệu xây dựng… lại có lợi nhất vì giá điện thấp.

Cũng theo quan chức ngành công thương, một số tổ chức quốc tế như World Bank còn khuyến cáo Việt Nam nên tăng giá điện 40% trong những năm tới. Ông khẳng định: Nếu giá điện bán lẻ tăng, sẽ có nhiều nhà đầu tư hơn vào ngành điện, chi phí hạ, người dân, doanh nghiệp sẽ hưởng mức giá điện cạnh tranh nhất… và như vậy “ai cũng được hưởng lợi”(!).

{keywords}
Giá điện tăng làm lợi cho những ai? Ảnh minh họa

Ngay khi mới đăng tải trên các báo mạng, phát ngôn trên đã tạo ra không ít bức xúc.

Cần thấy rằng, không phải không có những chính sách được ban hành thì tất cả đều có lợi. Nhưng cũng có nhiều chính sách, nhất là về giá cả, khi có hiệu lực thì có người có lợi, có người không. Và chính sách tăng giá điện không bao giờ ở dạng ai cũng có lợi như tuyên bố nói trên.

Có nhiều đối tượng có lợi ngay khi giá điện tăng, mà trước tiên  là Tập đoàn Điện lực VN (EVN) và các nhà đầu tư doanh nghiệp sản xuất điện hiện nay. Vì khi đó, họ sẽ có lợi nhuận cao hơn hoặc nếu đang thua lỗ thì cũng giảm lỗ. Về phía Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài chính… sẽ không phải tính toán hỗ trợ ngành điện. Nhà đầu tư thấy kinh doanh điện có lãi sẽ quan tâm hơn.

Nhưng ngược lại, chắc chắn những người dân, các doanh nghiệp đang mua điện của EVN không thể có lợi. Bởi trước mắt, ngay sau khi tăng giá điện, họ phải trả nhiều tiền hơn cho EVN ở mức độ khác nhau. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng, nước sạch, dệt may, phân bón, kinh doanh khách sạn… sẽ phải trả thêm hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả hàng tỉ đồng. Người dân có thể chỉ phải trả thêm vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng một tháng… Như thế thì gọi là “có lợi” ở đâu?

Có thể ông thứ trưởng cho rằng, tăng giá điện về dài hạn, nếu chính sách giá điện hợp lý, thì thị trường điện sẽ cạnh tranh hơn. Nhưng đó thực ra là một lợi ích “mơ hồ”. Người ta chỉ thấy, trong những  đợt tăng giá điện liên tiếp trước đây từ năm 2010 - 2013 (năm 2014 không tăng giá điện), có năm tăng 2 lần như năm 2012, cũng chưa có nhóm khách hàng nào của EVN đã được hưởng lợi cả.

Không những phải liên tục trả thêm tiền điện do giá tăng, chất lượng cung ứng điện mấy năm qua chưa thấy có dấu hiệu gì được cải thiện. Năng suất lao động ngành điện được coi là quá thấp như thừa nhận của lãnh đạo EVN, tổn thất điện năng còn lớn... Nhưng tất cả những chi phí nuôi bộ máy cao, chi phí tổn thất này, người dân vẫn phải chi trả cho EVN qua tiền điện.

Còn nhận định “giá điện đang thấp hơn giá thành” của người phát ngôn của Bộ Công thương cũng cần phải xem lại có chính xác không và cần số liệu dẫn chứng, có thể qua số liệu của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ làm rõ.

Thực tế, có một số nhà máy nhiệt điện chạy dầu, chạy khí… có những thời điểm, giá nhiên liệu lên cao, giá bán điện cao hơn giá thành sản xuất. Nhưng hiện nay, khi tỷ trọng nguồn thủy điện trong cơ cấu nguồn phát điện cả nước chiếm gần 40%, thì giá thành không thể thấp hơn giá bán được, vì rất nhiều nhà máy thủy điện chỉ bán điện cho EVN với giá vài trăm đồng/kWh, trong khi giá bán điện trung bình hiện nay của EVN là trên 1.500 đồng/kWh. Hai năm qua, EVN vẫn có lãi: năm 2013, theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, EVN lãi gần 5.000 tỉ đồng. Năm 2014, EVN báo lãi khoảng 300 tỉ đồng. Nếu giá thành thấp hơn giá bán, ngành điện không thể có mức lãi như vậy.

Cho dù, giá điện có thể vẫn phải tăng theo yêu cầu “tiếp cận giá thị trường”, không phải để bù lỗ cho EVN mà cũng phải đảm bảo cho EVN có lãi nhất định để có vốn đầu tư phát triển nguồn, để việc kinh doanh điện có lãi, thu hút các nhà đầu tư ngoài EVN tham gia phát triển nguồn, v.v… Nhưng thông tin về việc điều chỉnh giá điện phải chính xác, minh bạch mới thuyết phục được người dân, doanh nghiệp khác và việc điều chỉnh giá điện thời gian tới, nếu có, cũng dễ được chấp nhận hơn. Còn nói rằng tăng giá điện mà tất cả đều hưởng lợi thì chắc chắn sẽ không thuyết phục được ai!

 

Trích ý kiến của người phát ngôn Bộ Công thương tại cuộc họp báo ngày 2/2:

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ: về nguyên tắc giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có điện, xăng dầu…sẽ được điều hành, điều chỉnh theo thị trường. Hiện nay, giá xăng dầu điều hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 được dư luận đánh giá tích cực, đã được điều hành theo thị trường;

Khi giá xăng dầu thế giới giảm, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân cũng sẽ được hưởng lợi từ giá giảm đó, khi giá xăng dầu tăng thì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân phải mua  theo giá thị trường thế giới.

Tương tự như vậy, đối với mặt hàng điện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, về nguyên tắc chủ trương điều chỉnh giá điện tiệm cận theo thị trường. Nhiều tổ chức quốc tế, tromg đó có Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo giá điện thương phẩm hiện nay của Việt Nam thấp hơn giá thành, dẫn đến không thu hút thêm được các nhà đầu tư để sản xuất điện năng… Như vậy, chủ yếu chỉ có EVN sản xuất điện và Chính phủ vẫn phải bù lỗ, trong khi doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh) không dám đầu tư vào lĩnh vực này.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp FDI sử dụng điện năng nhiều cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình như: xi măng, thép… được hưởng lợi từ giá điện rẻ hơn giá thành, trong khi Chính phủ vẫn phải trợ giá điện. Chính vì vậy, giá điện cần tiệm cận giá thị trường để có nhiều sự cạnh tranh hơn, có nhiều nhà cung cấp điện năng hơn, chứ không phải như tình hình thực tế hiện nay.

Nếu thực hiện được việc đó, Chính phủ được lợi vì không phải bù lỗ như hiện nay. Doanh nghiệp (trong và ngoài nước) cũng được hưởng lợi vì được tham gia thị trường cung cấp điện năng cạnh tranh lành mạnh và khi có sự cạnh tranh lành mạnh thì từng doanh nghiệp phải giảm chi phí thấp nhất, tăng hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, tạo ra giá thành điện rẻ nhất.

Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng thì trước mắt, khi giá điện tăng (tiệm cận đến giá thị trường) sẽ phải tính đến việc tiêu dùng điện năng tiết kiệm, nếu không muốn chi phí dành cho việc tiêu thụ điện năng tăng hoặc sẽ phải tăng chi phí khi sử dụng điện năng như hiện nay đang sử dụng.

Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá điện cạnh tranh và được hưởng các phúc lợi xã hội khác từ Chính phủ khi các khoản bù lỗ của Chính phủ cho mặt hàng điện như hiện nay sẽ được đầu tư vào việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như đầu tư cho phúc lợi xã hội của người dân chúng ta.

Khi giá điện được điều chỉnh tiệm cận với giá thị trường, Chính phủ vẫn có những chính sách đối với người nghèo, các đối tượng chính sách như hiện nay (Hiện nay, cả nước có khoảng 2,7 triệu hộ thuộc diện nghèo được Chính phủ hỗ trợ 30 số điện/hộ/1 tháng dùng không mất tiền).

Vì vậy, có thể nói việc điều chỉnh giá điện theo thị trường mang lại lợi ích cho tất cả các đối tượng có liên quan.

  • Trung Ngôn