Mặc dù ông Tập Cận Bình từng tuyên bố “người TQ không có gen xâm lược hoặc bá quyền trong máu họ” nhưng những ý định tương lai của TQ có thể thay đổi khi sức mạnh được tăng lên.
>>Kì 1: Trung Quốc muốn "lợi dụng" sự do dự của Mỹ
LTS: Tuần Việt Nam xin tiếp tục giới thiệu tiếp tài liệu nghiên cứu về Trung Quốc của tác giả Patrick M. Cronin là Cố vấn cấp cao và Giám đốc của Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới.
Hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Mỹ đã thống kê hơn 1.200 hoạt động quân sự, bán quân sự, pháp lý, kinh tế, ngoại giao và quản lý hành chính mà các bên yêu sách ở biển Đông đã thực hiện từ năm 1995 tới 2013. Ngay cả dựa trên số liệu chưa được phân loại, tiến sĩ Christopher Yung và Patrick McNulty cũng cho rằng hành động của TQ đã gia tăng đáng kể mức độ quyết đoán kể từ năm 2009.
Các hoạt động quân sự và bán quân sự của nước này cũng đi theo xu hướng tương tự. Người ta dễ dàng nhận thấy TQ đã tăng nhanh các hoạt động quân sự quyết đoán ở biển Đông trong vài năm qua với 62 hoạt động chỉ riêng năm 2012. Một thống kê đã phân loại đầy đủ sẽ cho chúng ta thấy kết quả tương tự, thậm chí còn cho thấy nhiều hành động quyết đoán hơn của Trung Quốc.
Điều mà các quốc gia lo lắng không hẳn là sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc mà chính là cách mà Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh này. Trung Quốc tuyên bố yêu sách đường chín đoạn ở biển Đông không dựa trên cơ sở luật pháp đương đại. Những hành động triển khai giàn khoan nước sâu vào vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa – và sau đó sử dụng chiến thuật đâm va và triển khai tàu chiến của hải quân bảo vệ khu vực hiện diện giàn khoan bất hợp pháp. Chưa hết, còn chiếm đoạt bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, cải tạo các thực thể ngập nước thành các đảo nhân tạo có khả năng trở thành căn cứ quân sự, đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông như thể một lời hăm dọa, và hành xử nguy hiểm với các tàu và máy bay…
Những điều này cùng các hành động khác được xem là một phần trong mô hình cưỡng ép ngày càng tăng mà Trung Quốc đang thực hiện ở các vùng biển Châu Á, đặc biệt ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Ảnh: mod.gov.cn |
Điều này khiến người ta lo ngại rằng TQ sẽ tiến hành thêm nhiều hoạt động đơn phương để thay đổi nguyên trạng ở các vùng biển, vùng trời và đất liền xung quanh khu vực ngoại vi nước này. Ấn Độ hiểu rõ rằng các bước đi của TQ không chỉ giới hạn ở các vùng biển, mà còn ở tất cả khu vực mà TQ tin rằng mình có lợi thế hoặc những nơi Bắc Kinh có thể thử nghiệm và tìm thấy cơ hội để triển khai năng lực mới và khôi phục những nỗi oán hận lâu nay của nước này.
Hoạt động ngoại giao tại những cuộc họp thượng đỉnh giúp củng cố sự trỗi dậy không thể thay đổi của TQ. Xét ở khía cạnh này, một số lời nói của TQ có thể có giá trị tượng trưng. Chắc chắn chính sách đối ngoại của ông Tập nhằm mục tiêu bảo vệ 3 lợi ích cốt lõi của TQ: Đảng Cộng sản TQ và quyền cai trị của Đảng; chủ quyền lãnh thổ và sự phát triển kinh tế. Những gì mà các tuyên bố tránh đề cập là cách thức cứng rắn mà một TQ mạnh mẽ và mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa đang theo đuổi 3 mục tiêu trên.
Ví dụ, trong một bài phát biểu vào tháng 10/ 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức giúp TQ hiện thực hóa “các mục tiêu thế kỷ” trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh tương ứng vào các năm 2020 và 2050.
Cụ thể, ông Tập cam kết TQ sẽ tăng gấp đôi chỉ số GDP và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2021, tròn 100 năm thành lập Đảng Cộng sản TQ, và hoàn thành “công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” vào dịp kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tuy nhiên, thứ ít được công khai hơn chính là ý định và tham vọng ngày càng lớn của ông Tập và các lãnh đạo khác của TQ về sức mạnh quân sự. Mặc dù ông Tập từng tuyên bố “người TQ không có gen xâm lược hoặc bá quyền trong máu họ” nhưng những ý định tương lai của TQ có thể thay đổi khi sức mạnh của nước này tăng lên. Dĩ nhiên các nước bên ngoài thường diễn giải hành động của TQ dưới con mắt ít khoan dung và có tính đe dọa nhiều hơn.
Đầu tiên, họ cho rằng các hành động của TQ là nhằm đạt được mục tiêu thống trị khu vực trong tương lai gần và đảm bảo TQ có thể đáp trả và ngăn chặn các hoạt động can thiệp vào năm 2020. Điều này bao gồm không chỉ giới hạn trong việc làm nản chí và cản trở Mỹ hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp xảy một cuộc khủng hoảng giữa hai bờ eo biển.
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, TQ tìm cách đạt được mục tiêu này bằng cách tận dụng tất cả các ưu thế sức mạnh – cải thiện năng lực chống tiếp cận và chống can thiệp, kết hợp với hoạt động tuyên truyền, đấu tranh pháp lý và các công cụ kinh tế.
Thứ hai, các nước trong khu vực thường coi tham vọng của TQ là một nỗ lực hướng tới ngôi vị bá quyền ở Châu Á-Thái Bình Dương vào giữa thế kỷ. Mục tiêu này mơ hồ hơn nhiều và liên quan đến học thuyết vẫn chưa định hình là hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”.
TQ vẫn đang tạo hiện trạng mới trên đất liền và bầu trời
Bất kỳ hành động sai trái nào cũng phải trả giá. Đó là lý do Mỹ và các nước đồng minh, đối tác cần xem xét chiến lược "áp đặt cái giá phải trả". Điều này đòi hỏi đi vượt ra ngoài khuôn khổ các khái niệm thông thường về răn đe để hướng tới các khái niệm khuyên răn và bắt buộc – những cách thức làm tăng thêm cái giá phải trả cho lối hành xử quyết đoán và khuyến khích hợp tác.
Cái giá mà khu vực thường dựa vào là hậu quả về mặt danh tiếng. Chúng ta sử dụng các diễn đàn ngoại giao như Diễn đàn ASEAN để bày tỏ sự không tán thành chung. Không may là, cái giá về danh tiếng không đủ mạnh để ngăn chặn một chiến lược khôn ngoan để dần hiện thực hóa tham vọng chủ quyền. Chúng ta cần đưa ra một cách tiếp cận toàn diện với đủ các ưu thế sức mạnh để có thể trừng phạt hành vi sai trái và tán thưởng lối hành xử đẹp. Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều các hành vi cưỡng ép có tính toán của Trung Quốc.
Quan điểm của Chính phủ Mỹ từ trước đến nay khá nhất quán. Nói chung, Mỹ tuân thủ nguyên tắc không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền nhưng quan tâm đến cách hành xử của các bên, phản đối mạnh mẽ việc đơn phương thay đổi nguyên trạng thông qua hành vi cưỡng ép hoặc dùng vũ lực, đồng thời tích cực ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Gần đây, chính quyền Mỹ đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ hơn và sẵn sàng thể hiện sức mạnh một cách có chọn lọc. Tuy nhiên, cách tiếp cận mang tính nguyên tắc trên đây thực sự không hiệu quả.
Như vậy, câu hỏi mà những người chỉ thích đạt được các thỏa thuận kiểu mẫu số chung nhỏ nhất không trả lời được đó là: Hậu quả sẽ là gì nếu cứ để các hành vi sai trái không bị trừng phạt? Cộng đồng quốc tế cần làm gì với những nước có hành vi khiêu khích và gây bất ổn trên biển? Một số người cho rằng TQ đã tự tạo ra án phạt cho mình khi đe dọa cả khu vực, nhưng họ đã không nhận ra một thực tế rằng Trung Quốc đang tạo ra những hiện trạng mới trên biển, đất liền và bầu trời ở biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong khi cần tránh những quan điểm cực đoan gây leo thang xung đột hoặc không làm gì cả, rõ ràng Mỹ và các đồng minh, đối tác cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo về một loạt các biện pháp đối phó để có thể hình thành một chiến lược phối hợp chống lại mô hình cưỡng ép của Trung Quốc.
Kì 3: Đối phó TQ thế nào?
Nguồn: Patrick Cronin, “How to Deal with Chinese Assertiveness: It’s Time to Impose Costs“, The National Interest, 4/12/2014.
Biên dịch: Hương Trà | Hiệu đính: Minh Ngọc
Theo website Nghiencuubiendong