Vậy điều gì đã giúp cho Quảng Nam – Đà Nẵng nhận được một “giải Oscar”, hay một “huy chương vàng Olympic” của ngành du lịch toàn cầu như thế?

Xứ Quảng Nam – Đà Nẵng của vùng duyên hải miền Trung đã và đang thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Trong danh sách “Top 10 điểm đến toàn cầu” của TripAdvisor, giải nhất điểm đến (The No.1 Global Destination) cho năm 2015 là Đà Nẵng (bao gồm Hội An). Các điểm đến tiếp theo là Shihanoukville (Campuchia), Limassol (Síp), Ao Nang (Thái Lan), Bodrum City (Thổ Nhĩ Kỳ), Naha (Nhật Bản), Hurgada (Ai Cập), Kazan (Nga), Manaus (Brazil) và Eliat (Israel).

TripAdvisor là một công ty du lịch hàng đầu ở Mỹ “được biết đến, được tín nhiệm và được sử dụng bởi đông đảo khách du lịch nhất trên thế giới”. Công ty này chuyên kinh doanh thông tin du lịch qua mạng và đánh giá hầu hết các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, các điểm đến du lịch trên toàn thế giới thông qua sự phản hồi từ hơn 60 triệu khách hàng của họ. Đánh giá của TripAdvisor, vì vậy, được tin cậy và có tầm ảnh hưởng cũng như đem lại giá trị thực tế cao hơn bất cứ đánh giá nào của các cơ quan có thẩm quyền. Nên có thể nói đây không chỉ là một sự vinh danh mơ hồ mà rất đúng nghĩa, rất thật, từ sự trải nghiệm của ngàn vạn con người từ khắp nơi trên thế giới.

Nhìn lại đánh giá này, chúng ta tự hỏi: “Vịnh Đà Nẵng, bãi biển Đà Nẵng đẹp thật đấy, nhưng có đẹp nhất thế giới không?”. Câu trả lời là “không”, bởi thế giới còn nhiều bãi biển đẹp và thơ mộng nổi tiếng. Phố cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam – một vùng đất êm đềm cổ kính, nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa từ hàng trăm năm trước – là nơi mà du khách nào đến đây đều phải ghé qua.

{keywords}

Các công trình kiến trúc đa dạng được lưu giữ từ nhiều đời như hội quán, đền miếu, bến nước, cây cầu mang dấu tích của người Hoa, người Nhật, những ngôi nhà truyền thống của người Việt, kiến trúc cổ lãng mạn của người Pháp… Những danh lam thắng cảnh của thành phố được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ấy có phải là kỳ vĩ nhất không? Thật sự cũng không. Bên cạnh đó, Phố cổ Hội An cũng không tổ chức tiếp đón khách quốc tế một cách quy mô, bề dày lịch sử cũng không nhiều để “có những câu chuyện kể huyền thoại” bằng hàng trăm phố cổ khác trên thế giới.

Về cơ sở hạ tầng, Quảng Nam – Đà Nẵng tuy cũng văn minh, hiện đại thuộc loại hàng đầu cả nước, là một thành phố trẻ so với thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng để so sánh với các thành phố hiện đại trên thế giới thì chưa là gì cả. Về ẩm thực tuy có lạ và ngon, đậm chất Việt nhưng cũng không phải là đặc sắc và phổ biến trên thế giới để mọi người phải biết và mong muốn được một lần thưởng thức. Ngoài những điều kể trên, Quảng Nam – Đà Nẵng cũng không có những hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật thường xuyên, không có một “night life” (cuộc sống về đêm) quyến rũ, không có những lễ hội được ghi dấu ấn nổi tiếng thế giới để hằng năm du khách khắp nơi phải lũ lượt tìm về.

Vậy điều gì đã giúp cho Quảng Nam – Đà Nẵng nhận được một “giải Oscar”, hay một “huy chương vàng Olympic” của ngành du lịch toàn cầu như thế?

Từ danh sách “Top 10 điểm đến toàn cầu” năm 2015, có thể thấy tất cả những cái tên này đều khá xa lạ với du khách quốc tế và được lọt vào danh sách này là bởi đã đáp ứng được những điều kiện “dễ mến” theo đánh giá cảm tính của khách du lịch khắp nơi trên thế giới. Trong ngành du lịch, đó là những điều như: sự thoải mái từ môi trường sạch sẽ, an toàn và con người đàng hoàng, lịch sự. Riêng đối với Quảng Nam – Đà Nẵng, đó còn là cảm xúc đọng lại trong lòng du khách về cái “tính cách Quảng – Đà” của người dân địa phương. Bình dị, bộc trực nhưng nhân nghĩa, ân tình, điều tưởng như bình thường thôi nhưng dễ làm cho lòng người bồi hồi nhớ mãi. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt thú vị giữa Quảng Nam – Đà Nẵng và những điểm đến kỳ thú khác trên thế giới. Giống như câu hát: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say. Bạn về đừng ngủ gác tay. Nơi mô nghĩa nặng ân đầy thì theo”.

Con người dù giàu sang hay nghèo hèn, đều muốn được trân trọng. Đặc biệt, khách du lịch là người trả tiền cho dịch vụ tiếp đón và thụ hưởng, nên họ càng kỳ vọng sẽ nhận được sự trân trọng nhiều hơn. Trân trọng ở đây không phải là hạ mình thưa bẩm mọi lúc mọi nơi, mà là sự thể hiện tính trung thực và lòng quan tâm đối với người khác trong cung cách đối xử đời thường.

Du khách đến Quảng Nam – Đà Nẵng không phải e ngại bị nói thách, phải trả giá. Con người Quảng – Đà không có khiếu miệng lưỡi chào mời nhưng rất thẳng thắn, sòng phẳng và lịch sự đúng mức. Có nơi đâu mà khách sạn và nhà hàng không tăng giá vào những ngày lễ hội cháy phòng? Chỉ có ở Quảng Nam – Đà Nẵng.

Hơn thế nữa, du khách đến với vùng đất này còn cảm nhận được ngay một sự khác biệt so với những thành phố khác ở nước ta: Không có ăn xin, không bị chèo kéo mời chào và không có nạn trộm cắp trên đường phố. Điều tuyệt vời khi họ có thể rong ruổi lang thang phố phường cả ngày đêm mà không phải e ngại về vấn đề an ninh.

Một bác sĩ người Hà Lan trong một dịp đến công tác ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cho biết ông có ấn tượng rất tốt về môi trường sạch ở thành phố này, sạch từ dòng sông Hàn bao quanh thành phố không có một bao nylon hay rác rưởi gì trên sông, sạch từ đường phố đến cả bãi biển dài hàng chục kilomet, từ nhà hàng, quán cà phê đến gánh cao lầu, gánh chè trên vỉa hè đường phố Hội An… “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Có sạch thì cái đẹp, cái hay của mình mới được cảm nhận một cách thoải mái nhất, để được tiếng thơm, được khách đến và yêu quý trở lại. Điều này ai cũng hiểu nhưng để thực hiện được thì không phải thành phố lớn nào cũng có thể làm được. Đây chính là giá trị kết nối cộng đồng trong chủ trương cũng như ý thức vốn có của người dân Quảng – Đà.

Ai cũng biết văn hóa địa phương là có giá trị tiếp thị rất lớn trong ngành du lịch. Và giá trị cốt lõi của văn hóa địa phương chính là văn hóa con người, trong đó cái gốc vẫn là văn hóa tự trọng. Có biết tự trọng thì mới biết trân trọng người khác. Biết tự trọng chính là một phần của khí phách, tính cách của con người Quảng – Đà. Đó là nét văn hóa cơ bản để gắn kết giữa con người với con người, mặc dù có thể không nói cùng ngôn ngữ, không cùng văn hóa, nhưng dễ làm cho con người biết tin nhau, quý nhau và muốn đến với nhau hơn.

Trần Sĩ Chương (theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)

*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại