Từ lâu, sự trả giá rất đắt cho môi trường vì tham vọng phát triển đã được các nước công nghiệp, các nước giàu, cay đắng ngậm ngùi đúc kết thành những bài học để đời thấm thía.
Với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc cảnh báo đó không thừa, thậm chí có phần muộn. Mới đây, báo Tuổi Trẻ công bố danh sách 10 “làng ung thư” ô nhiễm nặng nguồn nước trên toàn quốc khiến dư luận rùng mình lo lắng. Rất nhiều lý do để biện minh, nhưng nguyên nhân chính vẫn là ý thức kém…
“Hồn của phố”
Bảo vệ môi trường hiện nay là một trong những mệnh lệnh tối quan trọng. Nhiều chuyên gia môi trường hàng đầu trên thế giới còn khẳng định rằng giữ gìn môi trường còn quan trọng hơn nhu cầu phát triển…
Theo giáo sư Norihiro, Nhật Bản có rất nhiều thành phố lớn như Tokyo, Osaka… phải cạnh tranh phát triển với các thành phố lớn khác như Thượng Hải, Hong Kong. Quá trình phát triển các siêu đô thị với hàng chục triệu dân này đặt ra những thách thức lớn về môi trường và phát triển, mỗi chính phủ có những cách giải quyết rất khác nhau. Nhật Bản cho rằng phá bỏ cây là cái giá quá lớn để phát triển và không thể làm như thế.
Nói đến môi trường, người ta thường nghĩ ngay đến những hàng cây cổ thụ hiền hòa rợp bóng mát dọc theo các phố, những cánh rừng già bạt ngàn hun hút linh thiêng trải dài theo hình Tổ quốc, và đó chính là những lá phổi tự nhiên.
Còn với cây xanh trong đô thị không những góp phần lọc không khí, tạo bóng râm, làm đẹp mỹ quan… mà hơn thế nữa nó chính là một phần “hồn của phố”.
Đốn hạ cây cổ thụ ở TP.HCM. Ảnh: Tuấn Kiệt |
Chưa bao giờ mà cây xanh cổ thụ ở các đô thị Hà Nội và Sài Gòn bị chính con người làm cho tổn thất nặng nề như năm 2014. Hàng trăm cây cổ thụ trăm tuổi đã bị xóa sổ, chặt đốn cho mục tiêu phát triển hạ tầng, giao thông đô thị. Một số nhận định cho rằng, phải “hy sinh” như vậy mới có thể giải quyết được bài toán nan giải về giao thông, mới làm cho diện mạo thành phố hiện đại, văn minh hơn…
Người viết bài nghĩ khác, hiện đại và văn minh đô thị phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, sự phát triển ồ ạt cơ sở hạ tầng và giao thông chỉ là hình thức, chưa phải là tiêu chí đánh giá chủ chốt. Riêng về vấn nạn giao thông ở đô thị thì có quy hoạch bao nhiêu cây cầu, làm bao nhiêu tuyến xe điện ngầm, xe điện trên không… cũng không giải quyết được. Bởi nguyên nhân của nó rất vĩ mô, là vấn đề di dân cơ học, là quy định hành chính hộ khẩu, là văn hóa xe máy, là hiện đại hóa, công nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa, là nhu cầu công ăn việc làm của toàn xã hội…
Còn mất đi cây xanh cổ thụ là mất đi một phần “hồn của phố”, mất đi những cột mốc quan trọng của lịch sử, mất đi ký ức, hoài niệm của bao người từng và đang sống xung quanh nó, đó chính là văn hóa. Một thành phố hiện đại mà những điểm tựa, bệ phóng văn hóa cứ dần dần mai một, thành phố đó “đang chết” hoặc là thành phố “vô hồn”. Thực tế, mật độ cây xanh ở Hà Nội và Sài Gòn ngày càng cạn kiệt, và biết đến khi nào, mất bao nhiêu lâu mới có thể tái tạo lại được những hàng cây tuyệt đẹp như thế?
Có người sẽ hỏi rằng “hồn của phố” là gì? Nó vô hình, nó là phi vật thể cơ mà? Đúng vậy, nhưng nó quyết định và là thước đo giá trị nhân văn của một cộng đồng người trong từng giai đoạn cụ thể.
Và “màu xanh rắn lục”
Có một kỹ sư xây dựng rất yêu nghề, rất tự hào với nghề nhưng anh ta rất ghét, rất muốn né tránh một công việc trong cái nghề này, đó chính là đi giải phóng mặt bằng. Anh ta từng tâm sự trên facebook:
“Nơi này đã gắn bó với họ gần suốt cả cuộc đời, những bức tường với một đôi câu thơ, vài cái số điện thoại, hay cái gác mà nơi đó đã từng có một đôi nằm vẽ hình hai trái tim của họ lồng vào nhau. Mỗi nhát búa của anh em công nhân cứ như dập mạnh vào miền yêu thương của họ. Đành rằng họ đã được đền bù thỏa đáng, đành rằng ngôi nhà mới của họ khang trang hơn chỗ này, vậy mà sáng nay, có người chạy xe 15 cây số trong cái lạnh cắt da đến đây. Họ đến đây chỉ để mong nhìn thấy tôi phá nát cái nơi từng một thời là tổ ấm của họ. Nhìn đôi mắt họ đỏ hoe, tôi biết họ đang rất xúc động, họ đang cố ghi lại những hình ảnh cuối cùng về nơi này, cái nơi đã in bao buồn vui của gần cả một kiếp người”.
Hồn của phố cũng tương đồng như vậy, đôi khi còn thiêng liêng hơn thế nữa…
Có buồn thì những hàng cây cổ thụ kia đã là quá khứ. Cũng biết rằng cử tri Hà Nội không đồng tình với việc chặt bỏ cây xanh, cũng biết rằng tại TP Hồ Chí Minh, một nhóm các bạn trẻ yêu cây xanh thuộc website Happytreeinsaigon.com đã ra đường căng băng rôn dài 150m với những khẩu hiệu bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ trong thành phố… Tiếc rằng, những tiếng nói tích cực ấy lại “yếu thế và nhỏ nhoi” quá trên các phương tiện truyền thông?
Từ sự thất thoát “hồn của phố” nghĩ đến công tác bảo vệ rừng ở nước ta hình như cũng tương tự như vậy. Nếu như màu xanh cây cỏ khiến con người hiền hòa thì “màu xanh rắn lục” lại là một hiện tượng khiến người dân lo lắng bất an trong năm 2014.
Bỏ qua những lời đồn đại ác ý vô căn cứ, thì sự xuất hiện không bình thường của rắn lục đuôi đỏ là do sự mất căn bằng sinh thái rừng mà ra. Các vụ phá rừng không chỉ chặt hết gỗ quý, săn bắt động vật hoang dã, đào bới khai khoáng mà còn chiếm đất rừng để chuyển sang các mục đích sử dụng khác, vụ lợi cá nhân…
Theo Tổng Cục Kiểm lâm Việt Nam, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước có trên 21.000 vụ vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chỉ có 195 vụ được đưa ra xử lý hình sự, và trong số 195 vụ đó, cũng chỉ 10 vụ được đưa ra xét xử, chiếm 5%. Tức là hàng chục ngàn vụ phá rừng, chỉ xử được... 10 vụ.
Những ngày đầu năm, ngồi uống cà phê với một người bạn công tác ở Quảng Nam, nhìn hàng cây bé xíu hai bên con đường mới mở, người bạn cười “Mới hồi đầu năm, ông lãnh đạo sở của tôi còn hô hào phát động ngày Tết trồng cây, chụp hình đăng báo rầm rộ thì cuối năm, báo chí lại đăng tin ông ấy chiếm đất rừng trái phép để xây biệt thự”…
Nhìn nụ cười và khuôn mặt của bạn, người viết hiểu rằng bạn ấy đang thất vọng đến mức độ nào!
Phước Minh