Phải gọi sự biến mất của chuyện tử tế trong thời nay bằng chính tên của nó, như thế mới hy vọng níu kéo chuyện tử tế trở về và hơn hết, thay đổi chiều hướng.
Ngẫm đi ngẫm lại trên cái sống của chính mình, qua một hoa giáp, hơn 60 năm với những điều trông thấy ở đời, bỗng thấy cụ Nguyễn Du Tiên Điền viết hai câu mở đầu Truyện Kiều thật có lý – và cũng thật có tình – khi “đau đớn lòng” trước “những điều trông thấy”. Còn thời nay, những điều trông thấy khiến lòng ta đau đớn, rầu héo nhất, rất có thể là chuyện người với người sống thiếu tử tế đang có nguy cơ băng hoại xã hội Việt hiện đại.
Có lẽ chưa bao giờ người Việt lại đối xử tệ bạc, tàn nhẫn, vô cảm với thiên nhiên như hôm nay. |
Ở đô thị hôm nay, người Việt hiện đại đang vật lộn trầy trật để tương thích với mục tiêu mới và khác so với xã hội nông nghiệp truyền thống, đó là phải đô thị hoá, hiện đại hoá và công nghiệp hoá nhằm mục đích cao nhất là xây dựng xã hội mới dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Để đạt đến mô hình xã hội ngày mới này, theo biện giải của cụ Đào Duy Anh trong sách nghiên cứu Việt Nam văn hoá sử cương xuất bản từ năm 1938, NXB Quan hải tùng thư Huế, người Việt tất yếu phải trải qua bi kịch của sự phát triển. Trong bi kịch ấy, hiển thị sự mất giá của một cách sống, một giá trị sống, một giá trị dường như đã thuộc về “thời xa vắng”, đó là sống tử tế trong thời hiện đại.
Phải cay đắng và thẳng thắn nhận rằng trong xã hội Việt hiện đại, trải qua hơn một thập niên phát triển trong thế kỷ XXI, sự tử tế trong ứng xử văn hoá với hai môi trường lớn nhất, chi phối toàn bộ cái sống của người Việt xưa nay, đó là sự ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội Việt, quả thật đang có vấn đề về sự tử tế.
Có lẽ chưa bao giờ người Việt lại đối xử tệ bạc, tàn nhẫn, vô cảm với thiên nhiên như hôm nay.
Động thái chặt rừng, phá rừng, đốt rừng, ăn rừng… đang khiến người Việt hiện đại phải “rưng rưng nước mắt” để trả giá và trả giá rất đắt. Rồi bao con sông đang xuôi chảy hiền hoà trong một xứ sở tràn trề văn hoá sông nước đã bị ô nhiễm trầm trọng, bị nghẹn dòng, bị biến mất vì cạn kiệt dòng chảy, thậm chí không thể chảy nữa. Chính chủ thể văn hoá là người Việt đã tự thấy kinh hoàng vì không còn nữa màu xanh trong biếc của sông Cầu nước chảy lơ thơ, sông Thương nước chảy đôi dòng, sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc, biêng biếc chảy giữa đôi bờ dào dạt bãi mía nương dâu, sông Hồng đỏ lặng phù sa chảy qua kinh thành Thăng Long Hà Nội ngàn năm tuổi. Các con sông ấy – sông Đà, sông Lô, sông Đuống, sông Đáy, sông Hồng... của châu thổ Bắc Bộ - giờ đây đều đã bị mất màu nước sông nguyên thuỷ, đều rơi vào bi kịch các dòng sông biến dạng thảm thương.
Cái Ăn, cái Mặc, cái Đi lại, cái Ở thuộc sinh hoạt vật chất của người Việt hôn nay đều bị ứng xử rất thiếu tử tế. Các bà vợ, bà mẹ nhiều khi còn không biết cho chồng con ăn thực phẩm nào trong muôn vàn chất liệu ẩm thực đang bị thả nổi, bị đánh tráo nhãn hiệu, thương hiệu! Ngộ độc ở bếp ăn tập thể, ở bếp gia đình vì thực phẩm bẩn, rau quả Trung Quốc đội lốt, dán nhãn mác giả đang là vấn nạn về ẩm thực và dinh dưỡng hiện đại của người Việt.
Cái Mặc thời nay cũng có vấn đề về ứng xử không tử tế. Chưa bao giờ một bộ phận giới trẻ lại thích mặc thiếu vải, xuyên thấu, khoe da hở thịt, “lộ hàng” nhiều đến vậy trong trang phục hiện đại, nhất là trang phục của nghệ sĩ biểu diễn sân khấu âm nhạc…
Về cái sự Đi lại, cũng khó có thể tưởng tượng văn hoá giao thông đô thị Việt lại xuống cấp đến thế trong cách ứng xử thiếu kiềm chế, thiếu tử tế của người đô thị đối với giao thông của chính thủ đô Hà Nội, nơi mà mình là chủ nhân văn hoá. Nạn kẹt xe, chen chúc, vượt ẩu, phóng ẩu, bất chấp hệ thống đèn xanh đỏ và cảnh sát giao thông… không ngày nào là không xảy ra ngay tại thủ đô. Số người chết vì tai nạn giao thông nhiều đến mức tín hiệu kêu cứu SOS cứ phải lặp đi lặp lại không dứt!
Rồi ứng xử với thị trường bất động sản, nhà cửa, đất đai, cũng có nhiều cử chỉ rất thiếu tử tế. Chỉ có những kẻ bất nhẫn, tham lợi nhuận khổng lồ mới tìm mọi cách tác động tiêu cực, buôn qua bán lại, khiến thị trường nhà ở đóng băng, làm nhiều người dân thường không cách gì mua được chỗ ở thời nay để gọi là “an cư lập nghiệp”.
Ứng xử với môi trường xã hội hôm nay cũng đang ở tình trạng báo động bởi sự rơi rụng đạo đức, làm nảy sinh trong thực tế xã hội nhiều chuyện không tử tế đến nhói lòng. Đạo đức trong ứng xử giữa người thân kẻ sơ ở xã hội Việt hôm nay đang thực sự xuống cấp, ngay từ trong lòng gia đình hiện đại, giữa ông bà cháu, cha mẹ con. Từ gia đình, chuyện không tử tế trong quan hệ ruột thịt đã lan đến quan hệ thầy trò trong nhà trường và đã lan ra ngoài xã hội giữa các đồng nghiệp, đồng chí, đồng môn… Ai cũng than thở sao nhiều người vô cảm, dửng dưng quá, trước những tai nạn giao thông thương tâm xảy ra trên đường phố, sao người ta không thể dừng lại được chiếc xe hơi để trở người gặp nạn đến bệnh viện? Không lẽ ai cũng quá bận rộn nên ngoảnh mặt quay lưng?
Tất cả những điều trông thấy kể trên đã và đang khiến dư luận xã hội thực sự âu lo, bất bình và mặc nhiên, báo chí truyền thông hôm nay đã phải kêu lên thoảng thốt: Đâu rồi, chuyện tử tế? Cứ tự nhiên nhi nhiên mà người tử tế, chuyện tử tế trở lên hiếm hoi trong đời sống.
Đã đến lúc phải báo động đỏ tình trạng này. Phải gọi sự biến mất của chuyện tử tế trong thời nay bằng chính tên của nó, như thế mới hy vọng níu kéo chuyện tử tế trở về và hơn hết, thay đổi chiều hướng: Chuyện thiếu vắng sự tử tế sẽ ít đi, chuyện tử tế nhiều lên, có cơ may thành áp đảo!
Phải chăng từ lâu, các ngành nghệ thuật đã nhiệt thành mời gọi, khát khao, hy vọng sự trở lại của chuyện tử tế trong thời buổi này. Chẳng phải từ những năm Việt Nam còn sống trong thời bao cấp, đạo diễn – NSND Trần Văn Thuỷ đã làm một bộ phim nức tiếng về nghệ thuật dựng phim tài liệu chính luận, mang tên Chuyện tử tế đó sao?
Nguyễn Thị Minh Thái (theo Báo Lao động)
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt lại