Ghi nhận, biểu dương, tưởng thưởng cho cống hiến của bất kì cá nhân nhân nào có đóng góp cho tập thể là việc làm cần thiết. Tuy nhiên việc làm này cần phải đúng cách.

Những ngày gần đây,  thông tin về việc“trả lương” cho các lớp trưởng ở một trường THPT Tiền Giang thông qua hình thức giảm trực tiếp 50% học phí và 50% tiền học thêm tại trường đã gây nhiều tranh luận khác nhau.

Theo sáng kiến này, với phần giảm học phí, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ chi trả, trong khi tiền học thêm chi hỗ trợ cho lớp trưởng do BGH nhà trường tự nguyện đóng góp bằng hình thức trích khoản tiền học thêm bồi dưỡng cho BGH[1].

Giữa các luồng ý kiến trái chiều, nên nhìn nhận vấn đề này ra sao?

{keywords}

Hãy giữ ở học đường tinh thần tình nguyện, trong sáng. Ảnh Zing

Lớp trưởng là ai?

Về cơ bản, lớp trưởng luôn là người có lực học, đạo đức tốt, có uy tín trong tập thể, được bạn bè và giáo viên tín nhiệm đề cử. Ngoài trách nhiệm, đây là một vinh dự mà đa phần học sinh đều mong có được. Vị trí này là trải nghiệm vô cùng quý báu cho mỗi cá nhân bởi nó khiến người ta phải không ngừng nỗ lực trong học tập, gương mẫu trong lối sống, hài hòa trong quan hệ với bạn bè, cầu nối tích cực giữa lớp học với giáo viên và nhà trường. Đây là những kinh nghiệm hết sức cần thiết cho quá trình phát triển sau này.

Chính vì thế, bên cạnh việc được tín nhiệm, đề cử, các cá nhân luôn tình nguyện làm lớp trưởng, tình nguyện đóng góp công sức cho tập thể. Nhiều trường học thậm chí còn tạo điều kiện cho học sinh tự ứng cử và thuyết trình trước lớp để thuyết phục các bạn bỏ phiếu cho mình, một cách làm có thể nhân rộng.

Vì sao không nên “trả lương” cho lớp trưởng?

Dẫu rằng khi làm lớp trưởng, thời khóa biểu của một học sinh sẽ bị lấp đầy hơn với không ít việc không tên, tôi vẫn cho rằng cách làm mang tính “trả công” trên là không nên. Ít nhất là dưới góc độ giáo dục.

Là bởi nếu coi đây là một dạng “phần thưởng” thì tính chất của nó đã vượt quá ranh giới nên có trong phạm vi trường học. Vô hình trung, chúng ta gieo rắc vào suy nghĩ của con cháu mình một tư duy “có đi, có lại” sặc mùi vật chất. Trách nhiệm được gắn liền với “đặc ân”, “lợi ích” hay “bổng lộc”, một lối suy nghĩ rất không tốt cho phát triển sau này.

Giáo dục học sinh tinh thần cống hiến một cách vô tư cho cộng đồng là việc làm quan trọng của các nhà sư phạm, nhất là ở cấp phổ thông. Việc “ưu ái” trên dễ khiến cho người ta quên đi triết lí sống này. Lớp trưởng là người có lực học tốt nên việc giúp đỡ bạn bè là việc nên làm. Lớp trưởng cũng thường là người có năng lực tổ chức, kết nối, quản lí nên việc làm cầu nối cũng không có gì là quá sức.

Nếu những đặc ân trên được “ban phát”, nó không tránh khỏi việc làm giảm ý nghĩa gương mẫu, cống hiến như một tấm gương để các thành viên khác noi theo.

Điều nguy hại hơn là cách làm trên có thể tạo ra cách nghĩ thậm chí là lối hành xử thiếu tích cực trong những học sinh khác bởi quan niệm bạn lớp trưởng đã được “trả công” để làm việc. Lối suy nghĩ này có thể khiến không ít học sinh phó mặc mọi việc cho lớp trưởng, tự cho mình không cần có trách nhiệm tham gia vào việc chung của tập thể. Khi đó, tập thể ấy có thể sẽ không còn nhìn về một hướng và người lớp trưởng dù tài giỏi cỡ nào cũng khó lòng kéo cả lớp tiến xa hơn về phía trước trên mọi phương diện. 

Không thiếu gì cách biểu dương

Ghi nhận, biểu dương, tưởng thưởng cho cống hiến của bất kì cá nhân nhân nào có đóng góp cho tập thể là việc làm cần thiết. Tuy nhiên việc làm này cần phải đúng cách. Việc ưu ái như trên, dù bằng nguồn kinh phí nào, có lẽ cần được cân nhắc kĩ lưỡng.

Bản thân “được” làm lớp trưởng, như đã nói ở trên đã là một vinh dự với mỗi học sinh và niềm tự hào của bất kì bậc phụ huynh nào. Đây là sự thừa nhận của tập thể mà không quyền lợi vật chất nào thay thế được. Hơn nữa, sự ghi nhận này được thể hiện rõ trong học bạ và là “điểm cộng” quan trọng cho mỗi lớp trương trong các bước phát triển tiếp theo.

Những hỗ trợ mang tính “vật chất” trên sẽ không mang nhiều ý nghĩa thiết thực với các lớp trưởng đến từ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Tôi tin rằng trong các trường hợp đó, cá nhận các em và gia đình cũng không chờ đợi những “đặc ân” dưới hình thức giảm học phí như đã đề cập ở trên.

Bản chất của những hỗ trợ mang tính vật chất sẽ có ý nghĩa hơn khi dành cho các đối tượng có khó khăn về kinh tế. Nếu lớp trưởng thuộc hoàn cảnh này thì việc áp dụng cách làm trên rất đáng ghi nhận, nhân rộng. Bằng không, thiết nghĩ nên dành hỗ trợ này cho học sinh có gia cảnh khó khăn hơn về kinh tế, hoàn cảnh gia đình, hay sức khỏe nhưng luôn có thành tích học tập tốt, tinh thần xây dựng tập thể tích cực được ghi nhận.

Nguyễn Công Thảo


[1] http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150206/tra-luong-cho-lop-truong/708171.html