-Để dân giàu thì cần có một nhà nước kiến tạo nhằm xây dựng một nền kinh tế thị trường lành mạnh khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp làm giàu hợp pháp.

>> Khi quan không phải ‘phụ mẫu’ mà là ‘công bộc’

>> Thông điệp của Thủ tướng và bước ngoặt 2014

Đầu năm ngoái, khái niệm “Nhà nước kiến tạo” đã được Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng đưa ra trong Thông điệp Đầu năm của Thủ tướng. Năm nay, khái niệm này lại được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc lại trong bài phỏng vấn trên báo điện tử Vietnamet đầu năm Ất Mùi. Bài viết này xin được làm rõ nội hàm của khái niệm trên.

"Nhà nước kiến tạo" và "nhà nước khai thác"

Trong cuốn sách hiện đang được đánh giá rất cao trên thế giới “Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói” (tiếng Anh là Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty), hai tác giả Daron Acemoglu và James Robinson đã đưa ra hai ví dụ về mô hình nhà nước kiến tạo và nhà nước khai thác; tương ứng là nhà nước ở Anh từ sau Cuộc cách mạng Vẻ vang vào năm 1688 (Glorious Revolution) và nhà nước ở Tây Ban Nha và Nga ở cùng thời điểm. Vậy nhà nước kiến tạo và nhà nước khai thác khác nhau ở những điểm chính nào?

Thứ nhất, nhà nước kiến tạo dựa trên một thể chế chính trị trong đó quyền lực không bị tập trung vào một bộ phận của nhà nước mà có sự phân tán và cân bằng tương đối. Ví dụ như ở Anh từ sau năm 1688, quyền lực nhà nước được phân bổ nhiều hơn cho quốc hội chứ không chỉ tập trung vào vương triều như hầu hết các quốc gia châu Âu thời kỳ này.

Sự lớn mạnh của quốc hội Anh đã bảo vệ và dung nạp tiếng nói và lợi ích đa dạng của nhiều lực lượng xã hội thay vì bảo vệ lợi ích của một nhóm tinh hoa như mô hình nhà nước khai thác ở Tây Ban Nha và Nga lúc đó. Đây chính là lý do quan trọng giải thích tại sao cuộc cách mạng công nghiệp lại bắt nguồn từ nước Anh.

Thứ hai, nhà nước kiến tạo đảm bảo cho tất cả các cá nhân, tổ chức kinh doanh có thể tham gia vào sản xuất kinh doanh một cách công bằng mà không bị ảnh hưởng bởi những rào cản chính sách và độc quyền. Theo đó, nhà nước tập trung xây dựng những chính sách kinh tế - xã hội để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh hiệu quả, sáng tạo và đổi mới công nghệ. Trong khi đó, nhà nước khai thác chỉ lo tích góp cho ngân khố quốc gia thông qua khai thác tài nguyên khoáng sản và thu thuế, mà thực chất là làm giàu cho một bộ phận lãnh đạo và nhóm đặc quyền.

Thứ ba, nhà nước kiến tạo đảm bảo cho việc phân phối một cách tương đối công bằng những thành quả của phát triển kinh tế xã hội. Các cơ chế, chính sách của nhà nước tạo ra một khuôn khổ pháp lý để giảm thiểu sự bất công bằng trong thu nhập từ đó kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế-xã hội cùng tham gia làm giàu và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của quốc gia.

Căn cứ trên thực tế Việt Nam hiện nay, để xây dựng được nhà nước kiến tạo, sẽ có một số nguyên tắc mà chúng ta không thể bỏ qua:

Về mặt chính trị:

Một là, tăng cường vai trò độc lập trong xây dựng và giám sát thực thi chính sách của Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội phải tích hợp được nhiều lực lượng xã hội đa dạng hơn. Từ đó, có thể giảm thiểu sự tập trung quyền lực và giúp bảo vệ lợi ích của các thành phần xã hội trong xây dựng chính sách.

{keywords}
"Chỉ khi dân giàu thì nước mới mạnh". Ảnh minh họa, nguồn: Vovworld.vn

Hai là, thay đổi tư duy về vai trò của nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Cụ thể là, nhà nước sẽ đóng vai trò trọng tài, tạo khuôn khổ chính sách để thúc đẩy sự phát triển năng động, công bằng và hiệu quả của thị trường, chứ không tham gia vào thị trường. Nhà nước cần tôn trọng triệt để các nguyên tắc và quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường thực thụ như quy luật cung cầu và quy luật giá trị.

Ba là, thay đổi tư duy về mối quan hệ giữa nhà nước và người dân. Theo đó, nhà nước kiến tạo là nhà nước đại diện chứ không phải nhà nước đặc quyền. Phải xây dựng và hiện thực hoá cơ chế để người dân giám sát được chính quyền thông qua tăng cường công khai và minh bạch hoá.

Về mặt kinh tế:

Ai cũng biết dân giàu nước mới mạnh. Nhưng để dân giàu thì cần có một nhà nước kiến tạo nhằm xây dựng một nền kinh tế thị trường lành mạnh khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp làm giàu hợp pháp. Mô hình nhà nước kiến tạo hướng đến các nguyên tắc về thể chế kinh tế như sau:

Một là, nhà nước chỉ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế khi doanh nghiệp tư nhân không làm được hoặc không muốn làm do lợi nhuận thấp, rủi ro cao hay đầu tư quá lớn. Do đó, Chính phủ cần dứt khoát cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp tư nhân có thể đảm đương được.

Hai là, cần giảm thiểu các lĩnh vực kinh tế độc quyền bằng cách cho phép sự tham gia và cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân vào một số lĩnh vực phù hợp mà từ trước đến nay nhà nước nắm giữ. Chính sách kinh tế và đầu tư của nhà nước không nên phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, mà quan trọng nhất là nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh quốc tế và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ba là, nhà nước tập trung điều tiết kinh tế bằng chính sách kinh tế vĩ mô và xây dựng cơ sở hạ tầng, thay vì tập trung vào nắm giữ các tổng công ty hay tập đoàn kinh tế nhà nước. Các chính sách kinh tế là để khắc phục những “thất bại” của thị trường chứ không có chức năng xã hội. Muốn đảm bảo công bằng xã hội thì dùng các chính sách phân phối lại thu nhập và phúc lợi xã hội, thay vì dùng các doanh nghiệp nhà nước để điều phối.

TS Đặng Văn Huấn (Đại học Portland State, Hoa Kỳ)

"Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chỉ khi dân giàu thì nước mới mạnh. Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn."

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của dân, VietNamNet, 01/01/2014.

"Tư duy bộ máy phải khác. Quản lý là quản trị, chúng ta phải chuyển sang một nhà nước kiến tạo - tạo ra những điều kiện môi trường để cho nền kinh tế phát triển, mình đừng can dự nhiều quá, mình đừng nghĩ là mình ngồi trên, cao hơn nên quản lý mà chúng ta phải phục vụ họ vì họ đóng thuế cho chúng ta tồn tại, bộ máy lấy đâu ra tiền, thuế của người dân, thuế của DN để nuôi bộ máy. Bộ máy đúng là có quyền lãnh đạo, quản chế những việc này nhưng bộ máy ấy phải tạo ra môi trường tốt hơn, thuận lợi hơn cho những người đóng thuế cho mình."

- Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh, Quên đi cái thời 'vào Nhà nước mới vẻ vang', VietNamNet, 21/02/2015.