Tôi không tin chị em không thể làm bộ trưởng KHĐT hay Tài chính? Tại sao có những bộ lại thành “sân riêng” cho chị em.
Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc Tọa đàm Phụ nữ tham chính cùng bà Tôn Nữ Thị Ninh và bà Đỗ Thùy Dương.
'Tôi thương đàn ông VN'
Hoàng Hường: Vừa rồi chị Dương có nhắc đến một ý là chị thương những người đàn ông VN khi mà xã hội đặt ra cho họ nhiều trọng trách, nhiều kỳ vọng quá. Vậy nếu phân theo cơ cấu thì mặt trận trong gia đình nên cơ cấu các vai trò theo kiểu gì?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi có ý kiến khác chị Dương một chút. Ở nông thôn tôi thấy đàn ông có áp lực gì đâu? Đàn ông ngồi uống rượu đế, phụ nữ từ ruộng về rồi lao vào bếp. Nói cách khác, áp lực đó chỉ với tầng lớp đàn ông làm kinh doanh, lãnh đạo chính trị thôi. Chứ còn tôi thấy thành phần lao động chân tay đâu thấy có áp lực gì cho người đàn ông.
Bà Đỗ Thùy Dương: Cũng có một chút áp lực. Ví dụ như khi về quê, mọi người hay nói là đàn ông mà có con trai thì được ngồi chiếu trên, không có con trai thì ngồi chiếu dưới. Đấy là một áp lực mà khiến cho tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào mọi tầng lớp. Khi con cái trưởng thành họ sẽ lại dạy cho con họ cách đó, dù những đứa trẻ đó có thể lên thành phố và có vị tri nọ kia.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi cho đấy là định kiến. Chị Dương nói là áp lực của đàn ông là phải thật xuất sắc, phải vươn lên vị trí nào đó. Cái đó thì có thể có trong các gia đình ở thành phố hay là gia đình cán bộ. Vì tôi cho rằng những cặp gọi là bất cân xứng vẫn có thể hạnh phúc.
Thời tôi ở Bộ Ngoại giao có một chị cán bộ ngoại giao lấy anh lái xe của cơ quan. Có những người mím môi bảo ‘chắc vài ba năm thì tan rã thôi’. Một cô lấy anh văn thư bằng cấp trung cấp nhưng vợ chồng vẫn sống hòa thuận.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh từng là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của VN tại Liên minh Châu Âu, các quốc gia như là Bỉ, Luxembourg. Bà cũng là Phó chủ nhiệm UB đối ngoại quốc hội Việt Nam và là uỷ viên BCH Trung ương Hội phụ nữ VN. Bà Đỗ Thuỳ Dương, CEO của Talentpool, là chuyên gia tư vấn và đào tạo lãnh đạo nữ. |
Ý tôi muốn nói là chúng ta nên lấy xuất phát điểm là hai vợ chồng quyết tâm xây dựng hạnh phúc. Sự bất cân xứng ở đây là về học vấn, tiền và bạc, bất cân xứng về vị thế trong chuyên môn, nghề nghiệp mà thôi. Tôi không muốn kể đi, kể lại về nhà mình. Tôi chỉ có một ý như thế này: do lập gia đình muộn, cho nên nhờ đó mà tôi có một chút chín chắn hơn, trưởng thành hơn trong việc tiếp cận, nghĩ kĩ hơn.
Phương châm của tôi: không có người nào là người cao sang hơn người khác. Chồng tôi là giảng viên đại học. Chưa bao giờ tôi nghĩ là nghề ngoại giao phải ăn mặc đẹp rồi lên xe xuống xe là tôi hơn chồng tôi. Tôi nghĩ chân thành như thế, chứ không phải trên thực tế tôi nghĩ là nghề này cao hơn, rồi tôi tỏ ra lịch sự với chồng, tỏ ra tôn trọng ý nghĩ của nhà giáo.
Tôi đã từng là nhà giáo, cho nên tôi thấy đó là một nghề vô cùng cao quý. Tôi chưa bao giờ nghĩ ai hơn ai về chuyên môn mà cả hai đều là trí thức. Lương bổng hơi khác nhau, nhưng mà với tôi đó là điều thứ yếu. Nhà tôi là người vô cùng tiến bộ về tư duy đổi mới, đã ủng hộ tôi suốt hành trình. Khi tôi nhận ứng cử quốc hội, tôi hỏi ý kiến, chồng tôi hết sức ủng hộ. Nói cách khác tôi là người phụ nữ hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi nghĩ là phải có một triết lý sống mà tôi đã cố gắng vận dụng thành công.
Bà Đỗ Thùy Dương |
Vì đâu có 'hiệu ứng cấp phó'?
Hoàng Hường: Nói nôm na ở trong gia đình cả hai đều là ‘trưởng’ cả, không có ai ‘cấp phó’, thay phiên nhau đúng không thưa các chị? Thế còn nhìn rộng ra, câu chuyện nhiều người vẫn nói, đó là tuy phụ nữ ngày càng giữ nhiều trọng trách lớn trong các cơ quan nhưng hầu hết chỉ làm cấp phó, tạo ra‘hiệu ứng cấp phó’ thì các chị nghĩ sao?
Bà Đỗ Thùy Dương: Đôi khi một số phụ nữ cấp phó nhưng tầm ảnh hưởng của họ với cấp trưởng ở việc ra các quyết định lại rất quan trọng. Chuyện cấp phó hay cấp trưởng với tôi không quá quan trọng, nếu như thực sự trong bối cảnh đấy phụ nữ cấp phó làm tốt hơn, không nhất thiết họ cứ phải ở cấp trưởng mà lại làm không đạt hiệu quả bằng.
Một lần, tôi cố gắng thuyết phục một người đàn ông rất phù hợp với vai trò TGĐ của một tập đoàn. Vị chủ tịch của tập đoàn đó nhờ tôi thương thuyết, nhưng anh này lại chỉ tin rằng anh nên làm cấp phó thôi. Anh không muốn giữ vị trí cấp trưởng. Anh nói rằng nếu ai đó hãy cho anh một minh chứng mà anh phải làm thì anh sẽ làm tốt nhất công việc đó. Nhưng nếu anh phải lãnh đạo người khác thì anh không có điểm mạnh.
Trở lại câu chuyện gia đình, thì trong gia đình tôi thì tôi yếu thế vô cùng. Tôi đồng ý với ý kiến cô Ninh mặc dù tôi lấy chồng từ khi còn trẻ. Điều tôi học được, mọi người hay nói là các bà, các chị hay dạy người phụ nữ “mặc quần ở trong váy, chứ đừng mặc quần ra ở ngoài váy”.
Phụ nữ có lợi thế hơn đàn ông ở chỗ chúng ta vừa được mặc váy và vừa được mặc quần. Chúng ta vừa có sự mạnh mẽ, nhưng cũng phải có sự mềm mại ở bên ngoài. Trong điều kiện đó tôi cho rằng tôi đã thành công phần nào đó trong việc hai vợ chồng thống nhất về sự trưởng thành của mỗi người. Tôi luôn biết ơn sự hợp tác của người đối tác của mình trong mọi chuyện.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Đồng tình với chị Dương chuyện cấp phó. Tôi đã thấy rất nhiều cấp phó nữ xuất sắc, nhưng ở tầm quốc gia thì vẫn hơi tiếc vì trong số phụ nữ đang làm cấp phó đó tôi nghĩ chắc chỉ có một phần quả quyết như người đàn ông mà chị Dương đã giúp, để khuyến khích nhận lời làm CEO. Có những người cho rằng họ sẽ phát huy vai trò tốt nhất khi ở vị trí số hai. Tôi chỉ thêm một câu: chúc các chị có người số một sáng suốt và thông minh.
Tại vì, những người số hai đó lỡ trúng, mà người số một cơ cấu thì có khi các chị lại bị thôi chọn. Nói cách khác, đó là nguy cơ, ở môi trường tối ưu thì những chị số hai đó có thể yên tâm dài dài làm sổ sách. Cái khác biệt giữa số hai và số một là dù sao đi nữa số một cũng có điều kiện chủ động tạo ra môi trường làm việc.
Đối với năng lực của một số phụ nữ thì tôi nghĩ tôi hơi tiếc nếu họ không được thử sức vào vị trí số một. Còn ở cấp quốc gia thì tôi nghĩ đó là một sự lãng phí. Một số nam giới và một số chị em cho rằng việc gì mình phải như các nước, các nước họ thích thì họ cứ việc làm thôi. Ở Việt Nam thì phụ nữ mạnh mẽ, ai cũng thừa nhận, được tôn vinh là được rồi, còn đòi gì và cần gì nữa? Tại sao chị em phải đòi lên làm số một, tại sao phải tham chính, tầm quan trọng ở chỗ nào?
Tôi xin trả lời hai ý: Thứ nhất, tôi vừa nói quyền con người là phải được tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng và khả năng của mình. Tôi xin khẳng định phụ nữ Việt Nam, nói hơi khiêu khích một tí, là cứ bị “nhốt” vào một số lĩnh vực gọi là thế mạnh của nữ; rồi dành một số sân chơi riêng cho các anh, thì như vậy là không tạo điều kiện tối đa hay tối ưu cho chị em phát huy hết tiềm năng.
Tôi không tin là chị em không thể làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư hay Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tại sao phải mấy chục năm sau thống nhất mới có một Bộ trưởng y tế là nữ. Và Bộ trưởng Lao động thương binh – Xã hội thành “sân riêng” cho chị em. Tôi hy vọng có người phụ nữ nào đấy nói: “tôi nghĩ tôi làm Bộ trưởng Bộ Tài chính rất hợp”. Tại sao không?
Thứ hai, trong quá trình đi công tác bên Nhật tôi được dẫn tới gặp người phụ nữ trong văn phòng nội các Nhật phụ trách về bình đẳng giới. Cô ấy nói: Nhật phải học hỏi Việt Nam nhiều và phải nhìn lên (trong vấn đề bình đẳng giới) thế nhưng mà về tỉ lệ phụ nữ tham chính ở cấp bộ trưởng thì Việt Nam lại thua Nhật.
Quay lại ý chị Hường lúc đầu tỉ lệ tham chính của phụ nữ VN tương đối tốt, nhưng chủ yếu ở vị trí ở giữa. Như vậy lãng phí cho bản thân chị em, tiềm năng của chị em và lãng phí cho sự phát triển chung. Đó là điều quan trọng chứ không phải chị em cần bổng lộc hơn nam giới đâu. Bổng lộc chủ yếu nằm trong tay nam giới nhiều hơn.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "Tôi không tin phụ nữ không thể làm Bộ trưởng Bộ KH&ĐT" |
Khi sự tích cực trở thành 'khuôn'
Hoàng Hường: Có lẽ là chúng ta đang nói về vấn đề cơ cấu, bà có thể lý giải là tại sao từ trước đến nay một số vị trí lãnh đạo luôn là nữ?
Bà Đỗ Thùy Dương: Chúng ta đang thấy ở VN là vấn đề y tế, giáo dục phụ nữ chưa được tham gia đầy đủ. Mặc dù ở gia đình người phụ nữ VN quyết định con học gì, học ở đâu, học với thầy cô như thế nào và dành thời gian nhiều hơn. Phụ nữ thấu hiểu nhiều hơn, cam kết nhiều hơn, nhưng tiếng nói của phụ nữ ở khu vực đó lại chưa được công nhận mạnh mẽ. Giáo viên nữ nhiều hơn, nhưng lãnh đạo lại toàn là nam. Đấy là câu hỏi mà chúng ta cũng cần trăn trở.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Tôi có cái nhìn thế này: tôi không suốt ruột VN phải có thủ tướng nữ, hay chủ tịch nước nữ. Tôi nhìn ở Châu Á hay ngay cả Thái Lan, Ấn Độ.
Ấn Độ như một triều đình, như trong một gia đình chính khách thì bà Indira Gandhi được thừa kế một truyền thống gia đình; rồi bà Benazir Bhutto cũng thế, rồi ở Sri Lanka, ở Bangladesh mấy bà thủ tướng cũng thế. Họ là những gia đình chính khách nên họ ở trong một môi trường đặc biệt. Tuy nhiên, giữa vị trí số một của họ và so sánh với số đông phụ nữ thì vẫn còn một khoảng cách ghê gớm.
Nếu so sánh bình quân thì tôi thấy Việt Nam riêng chỗ này là hơn Bangladesh và Sri Lanka. Điều chúng ta phải lo là ở các xã, thôn, cấp cơ sở chị em còn thiệt thòi lắm, và cũng phải bắt đầu xây dựng có tính chất là tiêu biểu, điển hình. Nhưng tôi không bao giờ đánh đổi thực trạng của VN với thực trạng của Bangladesh chỉ vì Bangladesh hay Pakistan có thủ tướng. Khi mình bắt đầu có một vị trí lãnh đạo nữ cấp cao thì mừng, nhưng nó trở thành cơ cấu đóng băng lại đang từ chỗ tích cực trở thành như phản tác dụng, như một cái khuôn. Không thể vượt ra khỏi cái khuôn đó để đi xa hơn.
(Còn tiếp)
Tuần Việt NamẢnh: Trần Chánh Nghĩa
Quay phim: Ngọc Trinh, Mai Yên
Dựng phim: Huy Phúc